Thực hiện Công văn số 3616/TCTHADS-NV1 ngày 17/9/2024 của Tổng cục thi hành án dân sự về việc lấy ý kiến đối với dự thảo
Luật THADS (sửa đổi), ngày 18 tháng 9 năm 2024, Tại Hội trường Cục THADS tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Hội nghị góp ý kiến dự thảo Luật THADS gồm: Lãnh đạo, công chức, Chấp hành viên tại Cục THADS. Một số ý kiến góp ý cụ thể cho từng điều luật trong Dự thảo Luật như sau:
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Đề nghị bổ sung bổ sung cụm từ
“xử lý vật chứng, bồi thường thiệt hại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án” vào sau cụm từ
“Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự” ;
- Đề nghị bổ sung Điều 2: “
3. Quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án được thi hành ngay".
(Do Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng đang dự thảo, đang xin ý kiến có nội dung đề nghị bổ sung nội dung trên vào Luật THADS).
Điều 21. Thẩm quyền thi hành án dân sự (Điều 35)
- Tại Mục 1, điểm b:
b) Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc tại cấp huyện.
- Đề nghị sửa đổi, bổ sung:
b) Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc,
cư trú hoặc có trụ sở tại cấp huyện.
Chương IV. THỤ LÝ THI HÀNH ÁN
Điều 70. Thời hiệu yêu cầu thi hành án (Điều 30)
Đề nghị chọn phương án 2 (giữ nguyên như Điều 30 Luật THADS hiện hành).
Điều 71. Xử lý, ra quyết định thi hành án theo yêu cầu (khoản 4 Điều 31)
- Tại mục 2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày đã nhận được đầy đủ đơn yêu cầu thi hành án và tài liệu liên quan theo quy định tại khoản 2,
khoản 4 Điều 71 Luật này (về yêu cầu thi hành án), Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án, trừ trường hợp quy định tại
Điều 73 Luật này (về từ chối yêu cầu thi hành án).
- Đề nghị sửa: 2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày đã nhận được đầy đủ đơn yêu cầu thi hành án và tài liệu liên quan theo quy định tại khoản 2,
khoản 4 Điều 69 Luật này (về yêu cầu thi hành án), Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án, trừ trường hợp quy định tại
Điều 72 Luật này (về từ chối yêu cầu thi hành án).
Chương V. THÔNG BÁO VỀ THI HÀNH ÁN
- Điều 80 Mục 2. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn
03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
- Đề nghị sửa:
2. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn
05 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
Chương VI. CUNG CẤP THÔNG TIN, XÁC MINH ĐIỀU KIỆN THI HÀNH ÁN
Điều 89. Trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án của Chấp hành viên (khoản 1 Điều 44)
2. Chi phí xác minh do người được thi hành án chịu.
- Đề nghị bổ sung:
2. Chi phí xác minh do người được thi hành án chịu
trong trường hợp thi hành được tiền, tài sản.
Điều 96. Việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành (Điều 44a)
- Đề nghị bổ sung thêm vào Mục 1:
d) Không xác định được tài sản trên thực tế.
(Do thực tế có rất nhiều vụ việc không tổ chức thi hành án được cũng không thể phân loại vào án chưa điều kiện, nên án tồn loại này rất nhiều. Cụ thể:
- Đối với bất động sản như QSD đất: Thực tế có Giấy Chứng nhận QSD nhưng không có đất; thực tế có đất nhưng không thể xác định ranh đất do chủ ranh đất không có ở địa phương, không hợp tác với cơ quan chức năng trong việc đo, vẽ, ký tên ranh đất, nên cơ quan THADS không thể kê biên được…
- Đối với động sản như xe, tàu: Thường xe, tàu không đậu ổn định 01 chỗ và di chuyển liên tục, kể cả cơ quan chức năng vẫn không xác định được xe, tàu này đang neo, đậu hay di chuyển ở đâu (Kiên Giang có nhiều tàu đánh bắt cá ngoài biển khơi, không xác định được đánh bắt ở đâu, khi nào trở về, kể cả cũng không biết tàu đó thực tế còn hay không …).
Mục 2. CHUẨN BỊ VÀ RA QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ
Điều 116. Xác định, phân chia tài sản chung để thi hành án (Điều 74)
Đề nghị chọn
phương án 2. Giữ nguyên như quy định hiện hành nhưng quy định rõ hơn để xác định đây là yêu cầu Tòa án mà không phải tranh chấp.
Mục 7. CƯỠNG CHẾ BUỘC NGƯỜI PHẢI THI HÀNH THỰC HIỆN HOẶC KHÔNG THỰC HIỆN CÔNG VIỆC NHẤT ĐỊNH
Điều 161. Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định (Điều 118)
Cần quy định 02 trường hợp:
Thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định:
- Nếu thay thế được: Không thực hiện quy trình xử phạt vi phạm hành chính.
- Nếu không thay thế được: Thực hiện quy trình xử phạt vi phạm hành chính.
(Do thực tế có nhiều Bản án tuyên giao trả đất, trên đất có cây trồng, nhà cửa, … và buộc phải chặt đốn cây trồng, tháo dỡ nhà cửa, để trả lại QSD đất. Trong những trường hợp như thế này, thiết nghị không cần phải thực hiện thủ tục xử phạt VPHC).
Chương XI. HOÃN, TẠM ĐÌNH CHỈ, ĐÌNH CHỈ, ỦY THÁC THI HÀNH ÁN
Điều 180. Thẩm quyền ủy thác thi hành án, ủy thác xử lý tài sản (Điều 56)
1. Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh ủy thác thi hành án, ủy thác xử lý tài sản như sau:
a) Ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh ở địa phương khác đối với các bản án, quyết định về nhận người lao động trở lại làm việc hoặc bồi thường thiệt hại mà người phải thi hành án là cơ quan nhà nước cấp tỉnh trở lên; bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài hoặc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ; quyết định của Trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
- Đề nghị bỏ:
“quyết định của Trọng tài thương mại”.
(Do hiện nay Cục THADS tỉnh Kiên Giang nhận rất nhiều Quyết định Ủy thác của Cục THADS tp. Hồ Chí Minh ủy thác về, trong đó đa số những vụ việc số tiền phải thi hành nhỏ (20 triệu, 30 triệu, …), bên được thi hành án phần nhiều là những công ty tài chính, công ty mua bán nợ …., nhưng theo quy định hiện hành thì Cục không thể ủy thác về Chi cục để tổ chức thi hành được do thẩm quyền quy định đối với những quyết định của Trọng tài thương mại thì thuộc thẩm quyền của cấp Cục. Địa bàn thì xa, có huyện Chấp hành viên phải đi hơn 100km để tổ chức thi hành số tiền hơn 20 triệu đồng…
Do đó, đề xuất sửa đổi Luật THADS đối với Phán quyết của Trọng tài thương mại: Cấp Chi cục vẫn có thẩm quyền thi hành loại này. Và nếu cấp Chi cục có thẩm quyền thi hành thì từ THADS cấp quận, huyện ủy thác thẳng về THADS cấp huyện mà không cần Tỉnh này ủy thác về tỉnh khác rồi ủy thác tiếp xuống Chi cục).