Sign In

Một số giải pháp cụ thể nâng cao hiệu quả thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự

24/04/2017

Những giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự có vai trò, vị trí quan trọng, trong đó cần xác định rõ giải pháp hoàn thiện pháp luật về thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án, quyết định hình sự là giải pháp cơ bản, hàng đầu, giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án, quyết định hình sự là giải pháp tích cực, giải pháp về tổ chức, bộ máy, con người của các cơ quan có nhiệm vụ thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự là giải pháp then chốt. Tác giả đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần tăng cường năng lực cơ chế bảo đảm thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự. Thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự là một hình thức đặc biệt của thi hành án dân sự, bởi vì đối tượng phải thi hành án là người bị kết án trong các vụ án hình sự. Do vậy, để đảm bảo thi hành phần dân sự được thực hiện tốt, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan như  Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, nhân dân và các cơ quan, tổ chức kinh tế có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự để đảm bảo phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào việc bảo đảm thi hành án. Đặc biệt trong lĩnh vực thi hành án dân sự, ngoài Chấp hành viên là người được nhà nước giao trách nhiệm tổ chức phối hợp các cơ quan trong việc thi hành án dân sự ở địa phương còn có các cơ quan hữu quan có trách nhiệm trong việc phối hợp, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán tài sản, cản trở, chống đối việc thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự.

Thứ hai, hoàn thiện về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, Chấp hành viên và tăng cường cơ sở vật chất. Để nâng cao hiệu quả thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự, ngoài vấn đề hoàn thiện những qui định của pháp luật, việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của các cơ quan có nhiệm vụ thi hành án một cách khoa học, hợp lý là vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, cần kiện toàn tổ chức, bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, Chấp hành viên các cơ quan này theo hướng sau đây:

Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan có nhiệm vụ thi hành án các cấp gắn với phân công, phân cấp rõ ràng, cụ thể giữa chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giữa các cơ quan: Tư pháp, Tòa án, Công an từ cấp tỉnh xuống cấp huyện, cho đến các trại giam, trại tạm giam có nhiệm vụ cải tạo, giáo dục cho những phạm nhân là những người phải thi hành nghĩa vụ dân sự.
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ, Chấp hành viên có nhiệm vụ thi hành án dân sự. Hiệu quả hoạt động thi hành phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực cán bộ, Chấp hành viên có nhiệm vụ thi hành án. Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ, Chấp hành viên có nhiệm vụ thi hành án là yêu cầu cấp bách hiện nay. Đồng thời có chế độ, chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao để họ yên tâm công tác, không bị sự cám dỗ của vật chất làm suy thoái đạo đức nghề nghiệp, làm sai lệch kết quả tác nghiệp trong khi tổ chức thi hành án. Chú trọng đến việc phân bổ ngân sách hợp lý cho hoạt động thi hành án, đảm bảo chế độ lương phù hợp nhằm khuyến khích, động viên, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, Chấp hành viên làm công tác thi hành án dân sự. Vì vậy, để tạo điều kiện cho cán bộ có nhiệm vụ thi hành án có điều kiện tích lũy kinh nghiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thì ngoài việc đầu tư cho cho công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, thì việc bố trí, ổn định cán bộ làm công tác này là một yêu cầu hết sức cần thiết.

Thứ ba, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan liên quan. Trong công tác thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự thì sự phối hợp của các cơ quan liên quan đóng một vai trò rất quan trọng. Sự phối hợp của trại giam, Cơ quan thi hành án hình sự thuộc cơ quan Công an và sự phối hợp của chính quyền địa phương cũng như vai trò giám sát của Viện Kiểm sát là những nhân tố tích cực và rất hiệu quả. Các quy định hiện hành về sự phối hợp tuy đã có nhưng chưa đầy đủ, chưa có tính hệ thống trong đó có Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 cũng đã qui định về sự phối hợp của các cơ quan này, nhưng trong thực tiễn thời gian qua thì sự phối hợp của các cơ quan này còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cần phải tăng cường phối hợp để ban hành thông tư liên tịch, ví dụ: Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT/BTP-CA-BTC ngày 06/02/2013 hướng dẫn việc thi hành nghĩa vụ dân sự đối với các phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an. Hoặc thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXHNHNNVN ngày 14/01/2014 để xác minh điều kiện thi hành án về tài sản, thu nhập, tài khoản của người bị kết án, liên bộ còn xây dựng. Chi tiết hơn nữa là qui chế liên ngành số 14/2013/QCLN/BTP- BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 của liên Bộ, ngành về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự.

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự nói chung và thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự nói riêng là hoạt động truyền đạt, giải thích rộng rãi đến mọi tầng lớp dân cư, lứa tuổi để mọi người biết các qui định của pháp luật về thi hành án, vận động họ tuân thủ pháp luật về thi hành án. Vì vậy, phải coi biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết địn hình sự là biện pháp cơ bản thường xuyên, có ý nghĩa quyết định trong công tác thi hành án. Muốn nâng cao hiệu quả của công tác này, cần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức kinh tế, xã hội và phải đào tạo, bồi dưỡng số cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự thuộc Công an, Tư pháp, Viện Kiểm sát, Tòa án, giáo viên giảng dạy pháp luật, phóng viên, biên tập viên chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật của các báo, đài phát thanh, truyền hình. Đồng thời, cần phải bồi dưỡng, đào tạo, chuyên môn hóa đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự. Việc xác định đúng nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự cho từng loại đối tượng là yếu tố có ý nghĩa quyết định cho việc đạt tới mục đích của giáo dục pháp luật. Việc xác định đúng nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án, quyết định hình sự cho từng loại đối tượng là yếu tố có ý nghĩa quyết định cho việc đạt tới mục đích của giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật không thể tự thân đi vào nhận thức, tình cảm của người được giáo dục, mà phải qua các kênh truyền tải thông tin, qua các cách thức và biện pháp tác động nhất định, phù hợp với khả năng tiếp cận của đối tượng giáo dục.
 
Hồ Lam - Viện Kiểm sát nhân dân huyện U Minh Thượng

Các tin đã đưa ngày: