Sign In

Những quy định tiến bộ về bảo vệ phụ nữ trong Luật Hồng Đức

26/03/2024

Trong chế độ phong kiến, vị trí, vai trò của người phụ nữ thường thấp kém. Tuy nhiên, dưới thời nhà Lê, Bộ luật Hồng Đức là một bộ luật có những điều luật tiến bộ, bảo vệ người phụ nữ trước những bất công của xã hội, có ý nghĩa tham khảo trong việc xây dựng pháp luật cho ngày nay

Năm 1483, dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông, một bậc quân vương được lịch sử Việt Nam đánh giá là vị vua hùng tài, đại lược đã ra đời một bộ luật với những tư tưởng tiến bộ về bảo vệ phụ nữ, đó là Quốc triều hình luật hay còn gọi là bộ Luật Hồng Đức.

Nhiều điều luật bảo vệ quyền lợi phụ nữ

Luật Hồng Đức có nhiều điều khoản quy định về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Việc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ không chỉ được quy định trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình mà còn trong nhiều lĩnh vực quan hệ xã hội khác. Các quy định bảo vệ phụ nữ (và cả trẻ em) được quy định rõ trong 2 chương "Hộ hôn", "Điền sản". Ngoài ra, các quy định về nội dung này cũng nằm rải rác ở các điều khác trong bộ luật.

Ngay trong Điều 1 đã có quy định về bảo vệ phụ nữ, đó là việc phân biệt giữa đàn ông và đàn bà trong việc áp dụng hình phạt “ngũ hình”. Theo đó, không áp dụng hình phạt "trượng" cho đàn bà và áp dụng riêng từng loại tội "đồ" cho đàn ông và đàn bà, trượng hình “chỉ dùng cho nam giới”.

Khi thi hành hình phạt, luật quy định phụ nữ được hưởng khoan hồng, nếu phải tội tử hình mà đang có thai thì sẽ để sinh đẻ sau 100 ngày mới bị hành hình. Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 680 quy định: “Đàn bà phải tội tử hình trở xuống, nếu đang có thai thì phải để sau 100 ngày mới đem hành hình. Nếu chưa sinh mà đem hành hình thì ngục quan bị xử biếm hai tư, ngục lại bị tội đồ làm bản cục đinh. Dù sinh rồi nhưng chưa đủ 100 ngày mà hành hình thì ngục quan, ngục lại đều giảm hai bậc tội. Khi chưa sinh mà đem thi hành tội xuy thì ngục quan bị phạt tiền 20 quan, ngục lại bị phạt 80 trượng. Nếu vì đánh roi để xảy ra trọng thương hay chết thì ngục quan, ngục lại bị khép vào tội lầm lỡ giết người hoặc làm bị thương. Sau khi sinh nở chưa đủ 100 ngày mà đem thi hành xuy hình thì chiếu theo tội lúc chưa sinh mà giảm một bậc tội”.

Cũng vậy, theo quy định ở các Điều 429, 446, 450 thì nếu phụ nữ phạm tội trộm cắp, lấy trộm lợn, gà, lúa má cũng sẽ được giảm nhẹ tội so với nam giới.

Luật Hồng Đức cũng quy định nếu người chồng bỏ lửng vợ 5 tháng mà không đi lại thì người vợ có quyền trình với quan sở tại làm chứng và khi đó người chồng sẽ mất vợ. Nếu vợ đã có con thì cho thời hạn là 1 năm nhưng nếu ai vì việc quan phải đi xa thì không phải theo luật này (Điều 308).

Luật Hồng Đức không chỉ xử nặng những người đã gả con gái đi nhưng chê nhà trai nghèo bắt về mà còn xử cả con rể nếu con rể “lấy chuyện phi lý mà mắng nhiếc cha mẹ vợ, việc đem thưa quan sẽ cho ly dị” (Điều 333).

Ngay từ thế kỷ XV, Luật Hồng Đức đã có những quy định rất tiến bộ để bảo vệ con gái của những gia đình nghèo bị người quyền thế ăn hiếp bắt làm vợ: “Những nhà quyền thế mà ăn hiếp lấy con gái kẻ lương dân, thì phải tội phạt, biếm hay đồ” (Điều 338).

Những ai cưỡng ép phụ nữ kết hôn cũng sẽ bị trị tội. Điều 320: “Mãn tang chồng nhưng người vợ thủ tiết, nếu ngoài ông bà, cha mẹ, kẻ nào khác gả ép người phụ nữ đó thì bị biếm ba tư và buộc phải ly dị. Trả người đàn bà về chồng cũ…”.

Khi xảy ra tình trạng ly hôn, luật xác định tài sản của vợ chồng được hình thành từ 3 nguồn: i) Tài sản của chồng thừa kế từ gia đình nhà chồng; ii) Tài sản của người vợ thừa kế từ gia đình nhà vợ; iii) Tài sản chung do hai vợ chồng tạo dựng trong quá trình hôn nhân tồn tại. Khi gia đình tồn tại, tất cả tài sản được coi là của chung; khi ly hôn, tài sản của ai, người đó được nhận riêng và chia đôi tài sản chung của hai người.

Điều 403 và Điều 404 Bộ luật Hồng Đức quy định xử rất nặng đối với những trường hợp xâm phạm thân thể, tiết hạnh của người phụ nữ, kẻ nào “hiếp dâm thì xử lưu hay chết. Phải nộp tiền tạ tội hơn một bậc đối với tiền tạ tội gian dâm thường. Nếu gây thương tích cho người đàn bà thì xử nặng hơn một bậc đánh người bị thương. Nếu làm chết người đàn bà thì điền sản kẻ phạm tội phải giao cho nhà người bị chết”; “gian dâm với con gái nhỏ 12 tuổi trở xuống, dù nó thuận tình thì vẫn xử như tội hiếp dâm”. Trong hôn nhân, người phụ nữ cũng có thể yêu cầu ly hôn (đâm đơn kiện). Điều 322 ghi: "Con gái hứa gả nhưng chưa làm lễ cưới, nếu người con trai có ác tật hay phạm tội, hoặc chơi bời lêu lổng, phá gia sản thì người con gái được phép báo lên quan ti mà trả đồ lễ cưới…”.

Việc phân chia thừa kế tài sản được quy định rõ trong các trường hợp vợ chồng có con hay không có con. Điều 375 (trích) ghi: Phàm vợ chồng không có con… điền sản của vợ chồng làm ra, [nếu chồng chết trước] thì chia làm hai, vợ chồng mỗi người được một phần; phần của vợ được nhận làm của riêng, phần của chồng lại chia làm 3, cho vợ 2 phần, để về việc tế tự và mộ một phần. Hai phần cho vợ cũng chỉ để cấp dưỡng một đời mình, không được nhận làm của riêng. Vợ chết hay cải giá, thì hai phần ấy lại để về việc tế tự và mồ của chồng.

Cũng theo các điều 374, 375 và 376 thì tài sản của vợ chồng được hình thành từ 3 nguồn: Tài sản của chồng thừa kế từ gia đình nhà chồng; tài sản của người vợ thừa kế từ gia đình nhà vợ và tài sản do hai vợ chồng tạo dựng trong quá trình hôn nhân (tài sản chung). Khi gia đình tồn tại, tất cả tài sản được coi là của chung. Khi ly hôn, tài sản của ai, người đó được nhận riêng và chia đôi tài sản chung của hai người. Đối với quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại, Luật Hồng Đức không phân biệt con trai - con gái. Điều 391 quy định: “Người trông coi hương hoả có con trai trưởng thì dùng nó làm trai trưởng, không có trai trưởng thì dùng gái trưởng”.

https://content.tapchitoaan.vn/uploads/2018/09/Top_Hong_Duc.jpg

Luật Hồng Đức, bộ luật vượt thời đại

Lê Thánh Tông là vị hoàng đế thứ tư trên danh nghĩa và thứ năm trên thực tế của vương triều Lê Sơ trong lịch sử Việt Nam (vì Lê Nghi Dân tạo phản cướp ngôi nên các sử gia thời đó không công nhận là hoàng đế chính thống). Lê Thánh Tông lên ngôi hoàng đế năm 1460. Nhà Lê sơ thành lập năm 1428 sau khi chiến thắng giặc Minh đô hộ, giành độc lập cho đất nước. Khác với thời nhà Lý, nhà Trần trong lịch sử, khi ấy Nho giáo chưa trở thành hệ tư tưởng chi phối, thống đời sống xã hội, nhà Lê Sơ từ khi thành lập đã đề cao Nho giáo, lấy Nho giáo làm nền tảng.

Nho giáo thời Lê Sơ trở về sau ở Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Tống nho. Tống Nho có rất nhiều những quy định vô cùng khắt khe, thậm chí cực đoan đối với phụ nữ. Nào là “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nào là “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” v.v… Điều ngạc nhiên nhất là giữa trời Nam của nước Đại Việt khi ấy lại ra đời một bộ luật với rất nhiều những quy định tiến bộ về bảo vệ phụ nữ. Tư tưởng tiến bộ về bảo vệ phụ nữ vượt thời đại trong Luật Hồng Đức là sự ngạc nhiên, lý thú không dễ tìm lời giải đáp.

Khi ấy, nhà vua được xem là chúa tể muôn dân, đứng trên tất cả thần dân, quỷ thần, thánh bởi vua là “thiên tử”, tức con trời. Vì vậy nên “quân sử thần tử thần bất tử bất trung”, “ý vua là ý trời”. Sở dĩ Quốc triều hình luật được gọi là Luật Hồng Đức bởi Hồng Đức là niên hiệu của vua Lê Thánh Tông giai đoạn 1469 - 1497. Điều ấy có nghĩa nhà Vua là người có vai trò quyết định và có ảnh hưởng lớn nhất đối với việc ra đời bộ luật này.

Tư tưởng tiến bộ về bảo vệ quyền lợi phụ nữ không chỉ thể hiện ở những điều của Luật Hồng Đức mà nó còn là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời hoàng đế Lê Thánh Tông. Chẳng hạn, năm 1478, nhà Vua ban chỉ dụ về quy định việc cưới hỏi phải được tiến hành theo nghi thức: "Khi lấy vợ, trước hết phải nhờ mối lái đi lại bàn định, rồi sau mới định lễ cầu thân; lễ cầu thân xong, rồi mới bàn việc dẫn cưới; dẫn cưới xong, rồi mới chọn ngày lễ đón dâu. Ngày hôm sau, [con dâu] chào cha mẹ chồng, ngày thứ ba đến làm lễ ở nhà thờ, phải theo đúng trình tự các nghi thức tiết văn đã ban xuống mà thi hành, không được như trước, nhà trai đã dẫn lễ cưới rồi còn để qua 3,4 năm sau mới cho đón dâu".

Trong “Hồng Đức quốc âm thi tập” còn in bài thơ “Miếu vợ chàng Trương” của vua Lê Thánh Tông khi ngài đi qua miếu thờ bà Vũ Thị Thiết, nhân vật trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ. Bài thơ này đã được vua Lê Thánh Tông cho khắc vào bia đá trước miếu thờ bà Vũ Thị Thiết. Bà Vũ Thị Thiết là vợ của Trương Sinh, bị chồng nghi ngoại tình không thể giải nỗi oan ức với chồng nên đã nhảy xuống sông tự tử, lấy cái chết để chứng minh tấc lòng trinh bạch của mình. Vua Lê Thánh Tông trong bài thơ của mình đã bày tỏ sự chia sẻ, nỗi niềm thương tiếc với nỗi oan ức mà “người con gái Nam Xương” phải chịu. Nhà vua chê trách chàng Trương: “Qua đây mới biết nguồn cơn ấy/ Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng”. Mấy trăm năm sau, dưới triều Nguyễn, Nguyễn Công Trứ đi qua đây và cũng đề thơ ở đó, nhưng tư tưởng của “nhà Nho” Nguyễn Công Trứ lại ngược hẳn với tư tưởng nhân đạo của hoàng đế Lê Thánh Tông. Nguyễn Công Trứ không chỉ không chia sẻ với nỗi oan mà người phụ nữ ấy đã phải gánh chịu mà còn đổ tội lên đầu bà: “…Thực cùng chồng chi nỡ dối cùng con/Gương nữ tắc trông vào chưa phải lẽ/Đã có ngọn đèn chơi với trẻ/Thời chiếc bóng gọi là chồng/Tiếng phũ phàng chi nỡ trách đàn ông”...

Bộ luật Hồng Đức, dù có tham khảo các bộ luật của nhà Đường, nhà Minh bên Trung Quốc - các điều luật của Luật Hồng Đức khác hẳn ở các điều về bênh vực và bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Những quy định tiến bộ này thể hiện và phản ánh rõ nét truyền thống nhân đạo, tôn trọng phụ nữ trong truyền thống văn hoá Việt Nam. Nếu như hiện nay, phụ nữ được xem là những người cần được quan tâm, giúp đỡ từ cộng đồng, xã hội, Nhà nước với các quy định về bình đẳng giới thì gần 550 năm trước, Luật Hồng Đức đã có những quy định tiến bộ về nội dung này.

Có thể thấy, Luật Hồng Đức với những quy định về bảo vệ quyền lợi phụ nữ có ý nghĩa rất lớn trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Suốt mấy trăm năm thực hiện bộ luật này đã giúp xã hội Việt Nam dân chủ hơn, văn minh hơn, phát triển hài hoà hơn. Chính vì những tư tưởng tiến bộ về tôn trọng, bảo vệ phụ nữ nên lịch sử Việt Nam giai đoạn ấy mới xuất hiện những Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Ngọc Hân...với những tư tưởng đấu tranh vì “nữ quyền”. Năm 1813, vua Gia Long ban hành Hoàng Việt luật lệ hay còn gọi là “Bộ luật Gia Long” thì nhiều quy định về bảo vệ quyền lợi phụ nữ không còn.

Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, nhất là trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và các bộ luật sau đó, Việt Nam đã kế thừa nhiều những quy định nhân văn, tiến bộ về bảo vệ quyền của phụ nữ từ Bộ luật Hồng Đức. Đã gần 550 trôi qua, song những tư tưởng tiến bộ về bảo vệ quyền của phụ nữ trong Luật Hồng Đức vẫn còn nguyên giá trị tham khảo đối với chúng ta hôm nay.

Trung Kiên


Theo thinhvuongvietnam.com

Các tin đã đưa ngày: