Hiện nay, mạng xã hội là phương tiện truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng và ưa thích. Phần lớn người tham gia mạng xã hội để thư giãn, giải trí, trong đó nhiều người thường xuyên chia sẻ những nội dung tích cực để lan tỏa câu chuyện ý nghĩa, hình ảnh đẹp đến cộng đồng, góp phần đẩy lùi thông tin xấu, độc hại.
Xem trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, bên cạnh thông tin xấu độc, giật gân “câu like”, “câu view” và hình ảnh phản cảm thì vẫn có rất nhiều thông tin về những người tốt, việc làm tốt, hành động đẹp thể hiện lòng yêu nước, tinh thần kỷ luật, trách nhiệm, tấm lòng yêu thương, nhân hậu đối với con người, những tấm gương cống hiến, hy sinh vì xã hội và cộng đồng. Điều này góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống và tiếp thêm năng lượng sống tích cực cho mọi người
Sau chuyến công tác ra thăm bộ đội và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, ca sĩ Hồng Chinh cùng với các nghệ sĩ của Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã chia sẻ nhiều hình ảnh, câu chuyện đẹp liên quan đến hoạt động của bản thân, cũng như đời sống của cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió lên mạng xã hội. Trong đó có nhiều câu chuyện, hình ảnh khiến người xem hết sức xúc động, khơi dậy tình yêu đối với biển, đảo quê hương. Trên Facebook, Hồng Chinh đăng clip giao lưu với bộ đội đảo Trường Sa kèm chia sẻ: “Mọi người có nhìn thấy chiến sĩ ngồi bên trái tôi không. Em ấy sinh năm 2001, chỉ bằng tuổi em trai của tôi. Gần hai năm rồi, em ấy chưa được về nhà gặp bố mẹ và gia đình vì còn đang ngày đêm thầm lặng canh giữ biển, đảo quê hương”. Hồng Chinh tâm sự: “Là những người nghệ sĩ nhưng cũng là chiến sĩ, chúng tôi giống nhau bởi lòng yêu nước, cùng chung chí hướng. Trách nhiệm của chúng tôi là phải tiếp thêm sức mạnh, ý chí, gửi gắm tình yêu từ đất liền đến với biển, đảo”. Dòng trạng thái của Hồng Chinh sau đó được nhiều đồng nghiệp và bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, Zalo.
Mỗi ngày một câu chuyện, mỗi người một câu chuyện đẹp chia sẻ lên mạng xã hội thì sẽ góp phần làm cho cuộc sống sẽ đẹp hơn rất nhiều. Trường hợp Thượng úy QNCN Ngô Văn Thứ, nhân viên quản lý bếp ăn, Văn phòng Bộ CHQS tỉnh Hà Nam dũng cảm nhảy xuống sông cứu người đuối nước vào sáng 18-9-2021 là một ví dụ. Trên đường đi làm từ cơ quan về nhà, vừa đến giữa cầu Châu Sơn, TP Phủ Lý, thấy rất nhiều người dân đi đường đang nhốn nháo, hô hoán cứu một cô gái nhảy cầu tự tử, Thượng úy QNCN Ngô Văn Thứ liền tấp xe vào lề đường, không nghĩ ngợi nhiều, vội cởi quần áo ngoài rồi nhảy từ trên cầu xuống sông để cứu cô gái. Những người chứng kiến đã dành sự khâm phục, ngưỡng mộ rất lớn trước hành động dũng cảm của anh Thứ. Rất nhiều hình ảnh, bình luận về hành động cao đẹp của anh Thứ được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Tất cả đều cho rằng, ngoài sự dũng cảm, không ngại hy sinh để cứu dân của người lính Bộ đội Cụ Hồ, Ngô Văn Thứ còn có sức khỏe dẻo dai, bản lĩnh tuyệt vời do được rèn luyện nghiêm túc, thường xuyên trong môi trường Quân đội.
Thông qua mạng xã hội, nhiều hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo đã được giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Chị Nguyễn Thị Dung ở xóm 17, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An bị mắc bệnh suy thận. Để có tiền chạy thận hằng tuần, chị Dung phải thế chấp nhà cửa và vay mượn họ hàng, làng xóm; số tiền nợ lên đến vài chục triệu đồng, trong khi bệnh tình của chị ngày càng nặng thêm. Trước hoàn cảnh đó, chị Dung đã nhờ thông tin trên báo chí kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng. Thông tin “Người phụ nữ bị suy thận mãn rất cần sự giúp đỡ” được đăng tải trên Báo Quân đội nhân dân và Báo Người Hà Nội (nay là Tạp chí điện tử Người Hà Nội) sau đó được chia sẻ rộng rãi trên Facebook. Ngay sau đó, chị Dung đã nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ, động viên của nhiều tổ chức, cá nhân trên mọi miền Tổ quốc, người ít thì vài chục, vài trăm nghìn, người nhiều thì vài triệu đồng, nhờ đó mà chị Dung đã có tiền để chạy chữa và hỗ trợ việc học hành của con.
Hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng PK-KQ đã thành lập nhiều nhóm Zalo, Facebook giao cho cán bộ chỉ huy theo dõi, quản lý để nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đồng thời chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng, để phòng, chống “diễn biến hòa bình”. Bên cạnh đó, thông qua các nhóm Zalo, Facebook này, các đơn vị đã tích cực thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các chính sách mới, những bài viết hay, những gương người tốt, việc tốt, các gương cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến… nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cổ vũ, động viên bộ đội phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Khi mỗi người dùng mạng xã hội cùng tích cực chia sẻ, giới thiệu, quảng bá những hình ảnh, thông tin tốt, có ích về địa phương, cơ quan, đơn vị và đất nước sẽ góp phần lan tỏa những gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, những câu chuyện có giá trị nhân văn, những điều tốt đẹp tới cộng đồng, giúp mọi người luôn giữ được tinh thần lạc quan và năng lượng sống tích cực. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, khi còn giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương từng phát biểu: “Nếu mỗi một cán bộ, đảng viên dùng Smartphone, Facebook mỗi ngày chủ động chia sẻ cho nhau một bài báo hay, một clip tốt, viết một bình luận tích cực, tìm kiếm một thông tin tốt đẹp, gửi đi thông điệp hay thì đã góp phần làm cho công tác tư tưởng tốt hơn”.
Bài và ảnh: NGUYỄN THÀNH TRUNG
Theo huongsenviet.com