Sign In

50 năm chuyến thăm đầu tiên của Tổng Tư lệnh Fidel Castro tới Việt Nam: Sự khích lệ to lớn

15/09/2023

Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Fidel Castro vào tháng 9/1973 là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Vị lãnh tụ cách mạng đã thực hiện được giấc mơ mà ông ấp ủ bấy lâu. Cả lãnh đạo và nhân dân Việt Nam cũng rất mong chờ được đón người bạn lớn này tới thăm quê hương mình.
Chú thích ảnh
Chủ tịch Cuba Fidel Castro với các chiến sỹ đoàn Khe Sanh, Quân Giải phóng Trị Thiên Huế, trong chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị, ngày 15/9/1973. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Phóng viên TTXVN tại La Habana đã có dịp trò chuyện cùng nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam Fredesmán Turró González, người đã công tác tại Hà Nội trong những ngày tháng 9 lịch sử cách đây 50 năm đó.

Ông Fredesmán tốt nghiệp Đại học Hà Nội vào tháng 7/1971 và sau vài tháng về nước nghỉ phép, ông đã trở lại nhận nhiệm vụ ở Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam. Khi ấy, ông là Tùy viên Ngoại giao và đồng thời là phiên dịch cho cố Đại sứ Raúl Valdés Vivó – người đã lập nên “Đại sứ quán trong rừng sâu” năm 1969 tại căn cứ Tây Ninh bên cạnh trụ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Nhà ngoại giao từng hai lần là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cuba tại Việt Nam (1999-2004 và 2008-2013) nhớ như in chuyến thăm đầy cảm xúc của Tổng Tư lệnh Fidel năm ấy. Cờ Việt Nam, cờ Cuba, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ảnh Chủ tịch Fidel… treo khắp nơi trên các phố phường Hà Nội như trong những ngày hội lớn. Trên vỉa hè và trong công viên nhỏ trước cửa Nhà khách 12 Ngô Quyền lúc nào cũng có rất đông người Việt Nam tập trung chờ Tổng Tư lệnh Fidel đi qua hay đứng trên ban công nhỏ vẫy chào quần chúng. Sự tiếp đón chu đáo của lãnh đạo Việt Nam, tình cảm nồng hậu của người dân Hà Nội và hình ảnh lãnh tụ Fidel ngồi trên xe mui trần đi từ sân bay Gia Lâm, xuôi phố Hàng Đào, vòng qua Hồ Hoàn Kiếm và dừng chân tại Nhà Khách 12 Ngô Quyền đã trở thành một ký ức vô cùng sâu sắc, in đậm trong tâm trí ông Fredesmán.

Theo nhà ngoại giao Cuba, chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch Fidel được thực hiện rất thận trọng. Ngay từ những ngày đầu tháng 9, Đại sứ Valdés Vivó thường xuyên tham dự nhiều cuộc họp ở Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng không sử dụng phiên dịch. Tùy viên quân sự Cuba dường như cũng rất bận rộn.

Ngày 8/9, Đại sứ Valdés Vivó triệu tập toàn thể cán bộ ngoại giao Cuba và thông báo rằng phái đoàn của Chủ tịch Fidel sẽ sớm thăm Việt Nam, song không tiết lộ thời gian cụ thể. Trong cuộc họp này, Đại sứ Valdés Vivó đã phân công nhiệm vụ cho từng người. Ông Fredesmán và một cán bộ ngoại giao Cuba khác cũng nói được tiếng Việt là Jorge la O (Qúy) được giao nhiệm vụ trực đường dây điện thoại tại nhiều địa điểm khác nhau, những nơi được cho là điểm dừng chân của Tổng Tư lệnh Fidel và phái đoàn. Tuy nhiên, công việc dịch thuật chính lại do phiên dịch người Việt Nam là các ông Nguyễn Đình Bin, Nguyễn Xuân Phong và Hoàng Hiệp đảm nhận.

Chú thích ảnh
Nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam Fredesmán Turró González trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Mai Phương/Pv TTXVN tại La Habana, Cuba.

Bản thân ông Fredesmán, khi ấy còn là “lính mới”, cũng lấy làm mừng vì ông chưa tự tin để phiên dịch cho Tổng Tư lệnh Fidel. Mãi đến năm 1978, ông mới lần đầu tiên làm phiên dịch cho nhà lãnh đạo trong cuộc gặp giữa lãnh tụ Cuba với đồng chí Xuân Thủy bên lề Đại hội Thanh niên Sinh viên Thế giới lần thứ XI tại La Habana. Ông hồi tưởng: “Tôi không bao giờ có thể quên được hình ảnh Chủ tịch Fidel, dáng người đường bệ, cử chỉ nhanh nhẹn, vào ra Nhà khách 12 Ngô Quyền. Tôi cũng không thể quên được hình ảnh Người trò chuyện cùng Đại sứ Valdés Vivó với tấm bản đồ Việt Nam trên tay. Họ nói về những gì Cuba có thể làm để giúp Việt Nam tái thiết đất nước. Họ nói đến những khó khăn trong việc mở rộng sân bay Gia Lâm, vì một đầu đường băng là sông Hồng còn đầu kia là đường sắt đi Hải Phòng…”.

Khoảng 8h30 sáng ngày 14/9, Tổng Tư lệnh Fidel cùng đoàn chính thức lên đường đi Hải Phòng. Nhiều nhà báo và một số thành viên trong đoàn tùy tùng đã rời đi trước đó. Tuy nhiên ngày 16/9, khi trở về, lãnh tụ Fidel mới tiết lộ trước sự ngạc nhiên của nhiều người có mặt trong tiệc chiêu đãi chia tay các nhà lãnh đạo Việt Nam và Ngoại giao đoàn ở Hà Nội, rằng ông đã tới vùng mới giải phóng ở Quảng Trị. Chuyến đi Hải Phòng chỉ là kế hoạch đánh lạc hướng.

Chủ tịch Fidel là một trong những nhà lãnh đạo quốc tế tích cực, kiên quyết và công khai nhất ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược và ngụy quyền, nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông cũng góp phần thúc đẩy một phong trào quốc tế rộng lớn đoàn kết với Việt Nam.

Chuyến thăm đầu tiên của lãnh tụ Fidel là một sự khích lệ to lớn đối với các nhà lãnh đạo, quân đội và nhân dân Việt Nam cả ở miền Bắc lẫn miền Nam. Ông không chỉ trực tiếp khẳng định với Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam tình đoàn kết và sự ủng hộ của Cuba mà còn thể hiện niềm tin chắc chắn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Cuba rằng chiến thắng toàn diện và dứt khoát của nhân dân Việt Nam đã gần kề. Chuyến thăm này cũng là dịp để Chủ tịch Fidel bày tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như sự tiếc nuối vì chưa được trực tiếp gặp Người.

Vị Tổng tư lệnh của Cách mạng Cuba cũng là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên và duy nhất đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Trị vào tháng 9/1973, một sự kiện có ý nghĩa chính trị đặc biệt trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước và gây tiếng vang trong dư luận quốc tế. Hình ảnh Chủ tịch Fidel giương cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã truyền đi khắp thế giới, trở thành một hình ảnh đầy chất anh hùng ca, là nguồn cảm hứng cho các chiến sỹ cách mạng của Việt Nam lúc đó, là biểu tượng cho tình anh em giữa hai dân tộc và là lời cam kết của Cuba vì sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

Cũng trong chuyến thăm này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Cuba, lãnh tụ Fidel đã tuyên bố tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế – xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ gồm Khách sạn Thắng Lợi; Bệnh viện Việt Nam – Cuba ở Đồng Hới, Quảng Bình; đường Xuân Mai; Trại bò giống Ba Vì; Xí nghiệp gà Lương Mỹ; tặng bò giống, gà giống và cấp hơn 6 triệu USD để mua thiết bị hiện đại. Đây là tấm lòng của nhân dân Cuba anh em nhằm góp phần tái thiết nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi ký Hiệp định Paris vào tháng 1/1973.

Cuba còn cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh; giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học, vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.

Tháng 12/1995 và tháng 2/2003, lãnh tụ Fidel có chuyến thăm lần thứ 2 và thứ 3 đến Việt Nam. Ông luôn khẳng định, nhân dân Việt Nam mãi mãi là những người bạn, người anh em gần gũi, thân thiết của nhân dân Cuba và tin tưởng chắc chắn rằng tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa Cuba và Việt Nam sẽ không ngừng được củng cố và phát triển.

Mai Phương (TTXVN)


Theo huongsenviet.com

Các tin đã đưa ngày: