Sign In

Tinh thần Việt Minh – cội nguồn sức mạnh

15/09/2023

Bản “Chương trình” lịch sử của Việt Minh ra đời đã 82 nǎm. Ngày nay đọc lại, chúng ta không khỏi kinh ngạc về sự bao quát những nội dung rộng lớn của một cuộc cách mạng giải phóng trong thời đại mới – thời đại của những người nô lệ, bị áp bức vươn lên giành lấy quyền làm chủ thực sự. “Chương trình Việt Minh” không chỉ là một kế hoạch hành động của Mặt trận nhân dân – dân tộc nhằm đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập mà còn là một định hướng chính trị cho việc xây dựng một nhà nước dân chủ trong tương lai: “Sau khi đánh đuổi đế quốc phát xít Nhật, sẽ lập lên chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, lấy cờ đỏ sao vàng nǎm cánh làm quốc cờ. Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Quốc dân đại hội cử lên…”

1. Lịch sử có những sự kiện ngẫu nhiên mà lại tất yếu đến kỳ lạ. Đúng vào ngày 19/5/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập ra một tổ chức cách mạng rộng rãi của nhân dân các dân tộc Việt Nam: “Hội Việt Nam độc lập đồng minh” (gọi tắt là Việt Minh). Ước mơ, hoài bão lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, đồng bào ta được tự do, nhân dân các dân tộc ai cũng có cơm ǎn, áo mặc, ai cũng được học hành.

18052016son141-72b6cf2fa366.jpg

Con đường đi tới ước mơ ấy là Cách mạng, là làm sao cho Nhân dân biết “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Cách mạng là sự nghiệp của chính Nhân dân. Nhưng Nhân dân, mỗi người, dù tài giỏi đến mấy thì cũng chỉ mong manh như “cái bông” “ai vò cũng đứt, ai rung cũng rời”. Phải biết se bông thành sợi chỉ. “Sợi chỉ” là một sự liên kết nhỏ, tuy đã là một “tổ chức”, song cũng còn yếu lắm. “Mạnh gì sợi chỉ con con. Khôn thiêng biết có vuông tròn cho chǎng! Càng dài lại càng mỏng manh. Thế gian ai sợ chi anh chỉ xoàng”1.

Vì vậy, Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các tầng lớp Nhân dân, các đoàn thể cách mạng, các dân tộc bị áp bức. Việt Minh là một mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp và phát xít Nhật, bao gồm nhiều tổ chức cách mạng của Nhân dân như Đảng Cộng sản Đông Dương và các hội cứu quốc (thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, phụ lão, công nhân, nông dân, trí thức, quân nhân… cứu quốc). Việt Minh ra đời đáp ứng yêu cầu tập hợp lực lượng toàn dân tộc nhằm cứu đất nước, “giống nòi khỏi nước sôi, lửa nóng”2. “Chương trình Việt Minh” ngắn gọn, xúc tích gồm 6 phần: chính trị; kinh tế; vǎn hoá giáo dục; đối với các tầng lớp nhân dân; xã hội và ngoại giao.

Nhà nước với t định chế chính trị theo nguyên tắc dân chủ nhân dân: phổ thông đầu phiếu; bảo đảm các quyền tự do dân chủ cho nhân dân; xây dựng “cách mạng quân và vũ trang dân chúng”; tuyên bố quyền tự quyết dân tộc và chủ trương các dân tộc được bình đẳng, thực hiện nam nữ bình quyền; thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình, sẵn sàng “ký những hiệp ước giao hảo và bình đẳng với mọi nước về các phương diện”; “liên hiệp với tất cả nhân dân và dân tộc bị áp bức trên thế giới”. Tinh thần cơ bản của Chương trình nói trên đã được ghi đầy đủ trong bản Hiến pháp nǎm 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu soạn thảo. “Chương trình Việt minh” gồm 10 điều ngắn gọn, nêu rõ ràng chính sách đại đoàn kết dân tộc của Việt Minh đối với các giai cấp, các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

“Chương trình Việt Minh” thực sự là bản hiệu triệu quốc dân đồng bào, ngọn cờ vẫy gọi, tập hợp các tầng lớp, các giai cấp xã hội; khơi dậy ở trong mỗi người tinh thần yêu nước, làm sôi sục trong họ dòng máu Lạc Hồng, sẵn sàng đem tài sức, tiền của, tính mạng ra phụng sự Tổ quốc: “Trên vì nước, dưới vì nhà/ Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh”.

Sức mạnh của cả một dân tộc, một đất nước dưới ách ngoại xâm đã kết lại thành một khối dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh. Người không đưa ra những luận lý trừu tượng, những hiệu triệu to tát mà nói lên tiếng nói của chính Nhân dân, những tiếng nói “thấm vào lòng mong ước”. Lãnh tụ với Nhân dân không hề có khoảng cách của người trên, kẻ dưới mà là những tiếng nói giản dị, chân thành: “Việc nước là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”. Hồ Chí Minh chỉ kêu gọi: “Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta!”. Và khuyên nhủ: “Khuyên ai nên nhớ chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.

Tính hấp dẫn đến kỳ lạ trong những lời khuyên ấy là ở chủ nghĩa yêu nước chân chính, ở tinh thần dân tộc, ở trái tim Hồ Chí Minh và những người cộng sản Việt Nam đã cùng một nhịp đập với “tất cả đồng bào”. Và, đó chính là cội nguồn của sức mạnh để làm nên chiến thắng.

2. Lịch sử xuyên qua những sự kiện tưởng như ngẫu nhiên để rồi đưa tới những kết quả hợp logic.

Thời gian trôi đi và những thǎng trầm, những đổi thay của thế cuộc đầy giông bão đã để lại những cái mốc như là kết quả tất yếu của sự phát triển biện chứng giữa một vĩ nhân, một người anh hùng và nhà vǎn hoá kiệt xuất với một tổ chức, một dân tộc vĩ đại. Cả hai đều nhờ có nhau, nương tựa vào nhau và cùng nhau tạo dựng khuôn mẫu, dung mạo của lịch sử đất nước ở thời đại bão táp cách mạng sôi sục khắp toàn cầu.

Cách mạng là ngày hội của quần chúng. Cả lãnh tụ, cả đồng chí, đồng bào, cả già trẻ, gái trai, giàu, nghèo đều cùng một Hội. “Hỡi đồng bào yêu quí! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài nǎng góp tài nǎng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do, độc lập dẫu phải hi sinh tính mệnh cũng không nề.

Hỡi các chiến sĩ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến, hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên các đồng chí. Máu nóng của các bậc anh hùng đang sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đang chờ sự lãnh đạo của các đồng chí! Chúng ta hãy tiến lên! Toàn thể đồng bào tiến lên! Đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật”. Đảng lãnh đạo dẫn đường, toàn dân chung một Hội giải phóng non sông.

Cách mạng Tháng Tám 19/8/1945, ngọn cờ Tổ quốc sáng đỏ dưới bầu trời nước Việt Nam. Ngày 02/9/1945, tại Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với quốc dân đồng bào phát lời “Tuyên ngôn Độc lập” mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và Chủ nghĩa xã hội của Tổ quốc Việt Nam.

Từ đấy, những bước đi lên, trải qua biết mấy thǎng trầm, đã không ít lần vận nước nguy nan nhưng với một Đảng cách mạng chân chính dẫn đường, một Mặt trận Dân tộc thống nhất đoàn kết ngày một dâng cao và nhân lên gấp bội và với một nhà nước của dân, do dân, vì dân, đất nước ta, Nhân dân ta đã kiên nhẫn, ngoan cường vượt lên phía trước. Những chiến công lừng lẫy non sông, chấn động địa cầu và cả những non kém, vấp váp, sai lầm… tất cả, đều như “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, tôi luyện bản lĩnh cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.

“Nếu nước độc lập mà dân chưa được hưởng tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa gì”. Vì vậy “chúng ta cần phải biết rằng những thắng lợi mà chúng ta đã đạt được mới chỉ là bước đầu trên đường đi muôn dặm”. Cách mạng còn phải tiếp tục tiến lên nữa, tiến lên không ngừng. Nhưng để tiến lên thì “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ”, trách nhiệm đầu tiên của Đảng Cộng sản “là công việc đối với con người”, là chǎm lo “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, là “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”.

Cội nguồn sức mạnh để làm tốt các nhiệm vụ nói trên là ở sự đoàn kết. “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (Di chúc).

“Phải giữ gìn đoàn kết…!”. Đó là di huấn vĩ đại của Hồ Chí Minh.

Với tinh thần ấy, dân tộc Việt Nam với niềm tin yêu: “Mở lòng ra đón tương lai huy hoàng” nên đã đấu tranh anh dũng ngoan cường và đã làm nên những chiến công hiển hách để chưa bao giờ đất nước ta, dân tộc ta có một cơ đồ sự nghiệp như ngày nay.■

Tạp chí Nhân quyền Việt Nam tháng 8/2023


1 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, NXBCTQG, xuất bản lần 2, tr.231.

2 (2) Sđd, tr198.


Theo huongsenviet.com

Các tin đã đưa ngày: