Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 26/9 đã tổ chức Phiên họp Cấp cao kỷ niệm Ngày quốc tế xoá bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Tham dự cuộc họp có Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, nhiều đại diện cấp cao của các nước thành viên, quan sát viên và các tổ chức phi chính phủ.
Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng cấu trúc giải trừ quân bị và chống phổ biến toàn cầu hiện đang bị xói mòn do nguy cơ chạy đua vũ trang và hiện đại hoá vũ khí hạt nhân. Tổng thư ký kêu gọi cần tiếp tục củng cố cơ chế giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí hạt nhân và các nước sở hữu vũ khí hạt nhân cần cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đối thoại, ngoại giao và đàm phán là công cụ thường xuyên giúp giảm bớt căng thẳng và chấm dứt mối đe doạ hạt nhân.
Tham dự cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc khẳng định loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân vẫn là sự bảo đảm tuyệt đối để ngăn ngừa sử dụng và đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân. Đại sứ nhấn mạnh cần tăng cường các cơ chế giải trừ quân bị, kiểm soát vũ khí và chống phổ biến trên toàn cầu. Các nước cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ liên quan, trong đó có Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW). Đại sứ cho rằng để xây dựng lòng tin và quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, các nước cần tăng cường đối thoại và thảo luận, thay cho học thuyết răn đe hạt nhân.
Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về chống phổ biến, giải trừ quân bị hạt nhân, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, cam kết duy trì khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác; đồng thời hoan nghênh các nước sở hữu vũ khí hạt nhân ký và phê chuẩn không kèm bảo lưu đối với Nghị định thư Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
*** Ngày 26/9 hàng năm được Đại hội đồng quyết định là ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân tại Nghị quyết số 68/32 năm 2013. Kể từ năm 2014, Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân đã trở thành một sự kiện được tổ chức thường niên nhằm khuyến khích các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ, các học giả, các phương tiện truyền thông đại chúng và các cá nhân tham gia vào các sự kiện kỷ niệm và tuyên truyền, quảng bá về Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, để từ đó nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về mối đe dọa của vũ khí hạt nhân đối với nhân loại, cũng như sự cần thiết phải loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này.
PV/VOV-Washington
Theo huongsenviet.com