Việc xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn phát triển đất nước luôn là nhiệm vụ then chốt của then chốt, vì “Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”(1). Chính vì thế, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt chú trọng công tác cán bộ, nhất là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Việc quản lý đội ngũ cán bộ luôn thực hiện nghiêm chỉnh, đúng quy trình từ khâu tuyển dụng, sử dụng, đánh giá đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; khắc phục được tình trạng tuyển dụng đúng quy trình nhưng chọn chưa đúng người, đúng việc; hạn chế tối đa tình trạng đặt “nhầm ghế”, đề cử “nhầm người”; cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý ngày càng cụ thể bảo đảm “không thể, không dám” tham nhũng quyền lực để bổ nhiệm “thần kỳ” người có quan hệ gia đình giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, một số nơi vẫn còn tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, “cánh hẩu”; nhiều địa phương cả nhà làm quan, anh bổ nhiệm em, bố bổ nhiệm con; có nhiều cán bộ, đảng viên thậm chí là những cán bộ cấp cao thực hiện hành vi tham nhũng trong thời gian đương nhiệm bị xử lý nghiêm;... Những khuyết điểm này là “khoảng trống” mà các thế lực thù địch luôn nhắm vào, chúng quy chụp, viện dẫn một cách phiến diện rằng: Việc lựa chọn cán bộ của Đảng chủ yếu là theo “cánh hẩu”, phe nhóm, “con ông cháu cha” mà đưa lên chứ không phải vì tài năng hay đạo đức (?!); hoặc cho rằng công tác cán bộ của Đảng ta là sai từ khâu lựa chọn cán bộ nên dẫn đến có nhiều cán bộ sai phạm; thậm chí, việc xử lý cán bộ sai phạm của Đảng ta gần đây là “phe cánh triệt hạ lẫn nhau”, “thanh trừng phe phái”, là loại người của “bên thua cuộc” để đưa người của “bên thắng cuộc” lên (?!); từ đó, các phần tử thù địch, cơ hội hướng lái đến việc tổ chức tranh cử công khai và không cần Đảng phải thực hiện công tác cán bộ, hòng thực hiện mưu đồ từng bước xóa bỏ dần vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ. Đây là quan điểm xuyên tạc, lấy hiện tượng đánh giá bản chất, hoàn toàn phiến diện, không khách quan.
Trước hết, dễ dàng nhận thấy, cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ được quy định ngày càng chặt chẽ, đầy đủ, toàn diện hơn. Điển hình nhất là Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và mới đây là Quy định số 114-Q Đ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019. Trong đó, Quy định 114-QĐ/TW nêu rõ:
Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong các khâu liên quan đến công tác cán bộ, gồm: Tuyển dụng, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái; phong, thăng, giáng, tước quân hàm; cho thôi giữ chức vụ, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ (2).
Xét về bản chất, quyền lực trong công tác cán bộ cũng mang những đặc tính cốt lỗi của quyền lực nói chung, tự thân không phát sinh tiêu cực mà chính những chủ thể nắm giữ quyền lực ấy làm sản sinh tiêu cực, sử dụng quyền lực được trao (ủy quyền) để mưu tính những lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm. Một khi quyền lực này bị tha hóa thì xuất hiện một “đường đua” với nhiều cách “chạy”, như: chạy chức trước khi bầu cử; chạy quyền trước khi phân công công tác; chạy lợi trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu; chạy chỗ trước khi bổ nhiệm; chạy tội trước khi điều tra và xét xử;... Biểu hiện dễ thấy nhất là hiện tượng ngồi “nhầm ghế”, đề cử “nhầm người”, đề bạt, cất nhắc người nhà, vợ, con, anh em không đủ tiêu chuẩn vào những vị trí chủ chốt của một cơ quan, đơn vị. Đây là một thách thức lớn trong quá trình xây dựng Đảng, hoàn thiện thể chế chính trị và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do vậy, quyền lực trong công tác cán bộ phải luôn được kiểm soát chặt chẽ.
Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ và phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (3). Đây là một trong những phương thức quan trọng giúp kiểm soát, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, tuyệt đối không để người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Khi kiểm soát được quyền lực trong công tác cán bộ giúp Đảng và Nhà nước ta chọn đúng người tài, một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Ngoài ra, “điểm sáng” trong Quy định 114-QĐ/TW là quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ như: 08 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; 06 hành vi chạy chức, chạy quyền; 05 hành vi tiêu cực khác. Ngoài ra , Quy định số 114 cũng quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị... Đồng thời, quy định rất rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và hình thức, mức xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
Từ đây thấy rằng, các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ngày càng cụ thể, đã tạo ra “chiếc phanh” cơ chế góp phần hình thành “chiếc lồng” kiểm soát tốt quyền lực trong công tác cán bộ. Đây là bước phát triển mới về tư duy lãnh đạo và quyết tâm chính trị của Đảng đối với kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, góp phần ngăn chặn tham nhũng quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Thứ hai, mục tiêu nhất quán trong công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực nói chung, công tác kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nói riêng nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, hoàn toàn không phải là cuộc đấu đá giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ” như các phần tử cơ hội chính trị đã cố tình xuyên tạc (4).
Thứ ba, việc xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm trong các vụ án tham nhũng gần đây, nhất xử lý là cán bộ lãnh đạo, quản lý là bài học răn đe chung, cảnh tỉnh chung, hoàn toàn không phải “thanh trừng nội bộ”, “phe cánh triệt hạ lẫn nhau” như các phần tử cơ hội chính trị đã rêu rao. Nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm trong vụ Việt Á hay vụ “chuyến bay giải cứu”,... đã điều tra, truy cứu, đưa ra xét xử chỉ là một bộ phận cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không là toàn bộ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Không chỉ vì “một cành cây có sâu mà cắt cả cây” chỉ “cắt bỏ” những “cành có sâu” để cứu cây. Nghĩa là cán bộ, đảng viên nào sai phạm, sai phạm đến đâu xử lý nghiêm minh, triệt để đến đó. Việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm “không có ngoại lệ”, “không có chuyện hạ cánh an toàn”, “không có vùng cấm”... càng minh chứng rằng Đảng ta “không bao che”, “không dung túng” cho những việc làm sai của đội ngũ cán bộ, đảng viên, rất công tâm và sẵn sàng xử lý bất kỳ ai gây hại, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, ảnh hưởng đến quyền lợi ích chính đáng của nhân dân.
Thứ tư, chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài vào làm việc trong khu vực công ở Việt Nam hiện nay ngày càng hoàn thiện. Xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài, chẳng hạn như: Xây dựng và triển khai thực hiện chính sách ưu tiên, xét tuyển thẳng sinh viên Đại học tốt nghiệp loại Xuất sắc, Giỏi vào làm việc trong khu vực công; một số địa phương xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát hiện, bồi dưỡng và có chính sách với lộ trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong từng giai đoạn phục vụ cho sự nghiệp phát triển địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Như vậy, từ lý luận đến thực tiễn, cán bộ và công tác cán bộ luôn là nội dung trọng yếu về tổ chức và xây dựng lực lượng của Đảng, nhân tố cơ bản, tiên quyết quyết định sự thành bại của cách mạng nước nhà. Thời gian qua công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ luôn được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ, có nhiều đổi mới và mang lại hiệu quả tích cực.
-----------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.318.
(2), (3) Khoản 1và Khoản 2 Điều 2 Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
(4) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2023, tr.14.