Sign In

Đẩy mạnh việc tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương trong lĩnh vực thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay

20/07/2023

  1. Đặt vấn đề
Trải qua hơn 35 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu có chọn lọc những giá trị phổ quát của nhân loại về Nhà nước pháp quyền để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước.
Bối cảnh thế giới đang bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều chuyển biến sâu rộng. Hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn, cục diện thế giới theo hướng đa cực, đa trung tâm dần được định hình rõ nét, song các thách thức toàn cầu, thách thức phi truyền thống ngày càng gay gắt, diễn biến nhanh, phức tạp, buộc các quốc gia, khu vực phải chung tay cùng giải quyết thông qua các cơ chế hợp tác đa phương[1]. Các thể chế hợp tác đa phương đa lĩnh vực, đa tầng nấc vẫn tiếp tục phát triển, tạo nền tảng quan trọng cho quan hệ quốc tế. Cơ chế hợp tác đa phương đang là sự lựa chọn ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước nhỏ do xét về phương diện tổng thể các cơ chế hợp tác đa phương thường hiệu quả hơn hợp tác song phương do các quy phạm của các thiết chế đa phương được áp dụng và thực hiện cùng lúc cho nhiều quốc gia thành viên thay vì áp dụng giữa từng quốc gia thành viên với nhau như cơ chế song phương. Đồng thời, đối ngoại đa phương có vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế trên trường quốc tế của một quốc gia. Như vậy, đối ngoại đa phương thành một nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là một định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu và là một phương thức hiệu quả thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc[2]. Việc ta vươn lên giữ vai trò quan trọng hơn tại các cơ chế đa phương then chốt sẽ góp phần nâng cao vị thế, tạo điều kiện cho Việt Nam có thể lồng ghép các ưu tiên, thúc đẩy những lợi ích của đất nước.
Thi hành án dân sự (THADS) là hoạt động do Nhà nước tổ chức thực hiện, là khâu cuối của quá trình tố tụng, có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định; khơi thông nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, do đó, công tác hợp tác quốc tế của lĩnh vực THADS cũng không nằm ngoài định hướng chung về đối ngoại đa phương mà Đảng, Nhà nước đặt ra.
2. Thực trạng hợp tác quốc tế đa phương trong lĩnh vực THADS
Do tác động của quá trình hội nhập, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân, nước ngoài đến làm việc, đầu tư, kinh doanh và cư trú tại Việt Nam; số lượng các tổ chức, cá nhân người Việt ra nước ngoài học tập, lao động, sinh sống cũng không ngừng được gia tăng. Điều này đã làm phát sinh các quan hệ dân sự, kinh tế, lao động, kể cả tình trạng phạm tội của người nước ngoài tại Việt Nam cũng như của người Việt Nam ở nước ngoài. Cùng với việc gia tăng các quan hệ kinh tế, dân sự có yếu tố nước ngoài thì việc tổ chức THADS đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thực hiện tương trợ tư pháp cũng không ngừng tăng lên theo từng năm.
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã tham gia một số tổ chức và điều ước quốc tế đa phương có nội dung liên quan đến công tác THADS như: Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH); Công ước La Hay 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp;  Công ước La Hay năm 1980 về thu thập chứng cứ trong lĩnh vực dân sự và thương mại... Đây là các điều ước về tư pháp quốc tế nói chung, lĩnh vực THADS là một nội dung liên quan trong các công ước đó. Những năm qua, Bộ Tư pháp (Tổng cục THADS) cũng đã có một số hoạt động hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực THADS như, tham gia các hội nghị thường niên về THADS do Liên minh Thừa phát lại quốc tế (UIHJ) tổ chức; tổ chức các đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm tại một số quốc gia; tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài về THADS…nhưng chưa chủ trì tham gia đàm phán, ký kết điều ước, thỏa thuận quốc tế hoặc tham gia tổ chức quốc tế, công tác hợp tác quốc tế nói chung chưa có một kế hoạch tổng thể lâu dài. Điều này, dẫn đến một số hạn chế cho lĩnh vực THADS trong việc hợp tác, trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực THADS.
3. Định hướng đối với công tác hợp tác quốc tế đa phương và khu vực trong lĩnh vực THADS
Đường lối đối ngoại theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và XIII[3] khẳng định, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện là nền kinh tế hiện đại và hội nhập quốc tế; có môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, mức độ minh bạch, ổn định cao; quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản được tôn trọng và bảo vệ hiệu quả, phù hợp với thông lệ, nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế.
Điều 12 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi...” 
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết về hội nhập quốc tế nêu rõ: “Xây dựng và triển khai Kế hoạch gia nhập các tổ chức, diễn đàn quốc tế mà Việt Nam chưa là thành viên, phù hợp với nhu cầu và lợi ích của đất nước. Tăng cường đào tạo cán bộ đa phương, chuẩn bị nhân sự người Việt Nam để đưa vào làm việc và ứng cử vào các vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế”[4].
Trong bối cảnh Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định phương hướng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị[5] thì cần thiết phải mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp. Gần đây nhất, Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới nêu rõ trong thời gian tới, để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cần: “…chủ động tham gia, đóng góp vào việc xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự quốc tế, khu vực…”[6].
Trong lĩnh vực THADS, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động, tích cực, tranh thủ hiệu quả kinh nghiệm của một số quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển và các chuẩn mực quốc tế góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về THADS, thi hành án hành chính[7]. Việc tham gia tích cực, chủ động vào các cơ chế hợp tác đa phương và khu vực có ý nghĩa hết sức quan trọng, một mặt góp phần tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan THADS của Việt Nam và các nước, mặt khác tạo cơ sở pháp lý giúp Việt Nam giải quyết vấn đề xung đột pháp luật về THADS với các nước thành viên, đẩy nhanh quy trình THADS, góp phần tích cực để giải quyết các tranh chấp và yêu cầu khác phát sinh trong quan hệ giữa công dân, pháp nhân của Việt Nam và các nước, đồng thời bảo đảm lợi ích của các đương sự trong tố tụng dân sự quốc tế.
4. Sự cần thiết của việc tham gia các cơ chế hợp tác đa phương trong lĩnh vực THADS
Trước bối cảnh, tình hình quốc tế và trong nước và những định hướng của Đảng và Chính phủ đối với công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực THADS, tính cấp thiết của việc tham gia các cơ chế hợp tác đa phương trong lĩnh vực THADS được thể hiện ở một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác hợp tác quốc tế đa phương và khu vực trong lĩnh vực THADS nhằm hoàn thiện thể chế, pháp luật về THADS
  Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đang nghiên cứu, tiến tới trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc tham khảo các kinh nghiệm quốc tế trong Bộ Luật toàn cầu về Thi hành án hay kinh nghiệm, quy trình tổ chức thi hành án của các quốc gia thành viên của UIHJ là rất quan trọng nhằm hoàn thiện pháp luật THADS trong nước. Cùng với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam thì phát sinh ngày càng nhiều các vấn đề THADS có yếu tố nước ngoài là thực tế ngày càng phổ biến. Khi tham gia vào các thiết chế đa phương hoặc khu vực, một trong những yêu cầu bắt buộc hoặc có thể phải thực hiện đó là quốc gia muốn gia nhập phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế để phù hợp với các luật lệ quốc tế, chuẩn mực chung và các cam kết quốc tế mà quốc gia dự kiến tham gia. Yêu cầu này là nhằm thúc đẩy quá trình hài hòa hóa các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chuẩn mực của quốc gia với khu vực và quốc tế; từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh và năng lực hội nhập quốc tế. Việc rà soát và nội luật hóa pháp luật về thi hành án sẽ góp phần hài hòa lợi ích chung của pháp luật quốc gia với cộng đồng quốc tế và khu vực, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và tiêu chuẩn hành vi ứng xử chung. Hoạt động này là cũng nhằm chủ động đóng góp vào việc xây dựng luật lệ và chuẩn mực quốc tế chung; tích cực xây dựng, định hình các cơ chế đa phương về THADS.
Bên cạnh đó, hiện nay, việc Luật THADS “thiếu vắng” các quy định đặc thù riêng về THADS có yếu tố nước ngoài, chưa quy định cụ thể về hợp tác quốc tế trong thi hành án nếu phát sinh các vụ việc có yếu tố nước ngoài sẽ gây khó khăn cho các cơ quan THADS, chấp hành viên trong thực thi nhiệm vụ. Do đó, trong quá trình sửa đổi Luật THADS theo hướng, cần nghiên cứu bổ sung các nội dung liên quan đến THADS có yếu tố nước ngoài; mở rộng phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự trong lĩnh vực THADS; đảm bảo nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với các nước; tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan thi hành án có thể ủy thác tư pháp cho nước ngoài thực hiện các việc liên quan đến xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án; đồng thời, tạo cơ chế theo dõi, đánh giá, tổng kết toàn diện và thường xuyên đối với công tác thực hiện tương trợ tư pháp cho nước ngoài tại Việt Nam.
Thứ hai, tăng cường công tác hợp tác quốc tế đa phương và khu vực trong lĩnh vực THADS nhằm tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm và bài học từ các quốc gia trên thế giới về hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy về THADS, góp phần cải cách pháp luật và tư pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Thông thường trong các cơ chế hợp tác đa phương có sự tham gia của rất nhiều các quốc gia thành viên với sự đa dạng về mô hình tổ chức bộ máy. Đặc biệt trong lĩnh vực THADS hiện nay đang có 2 mô hình điển hình là – thi hành án công và thi hành án tư nhân (thừa phát lại). Ngoài ra còn có các mô hình khác như mô hình hỗn hợp (vừa công vừa tư) hoặc mô hình do cơ quan hành chính đảm nhiệm[8]. Mỗi mô hình có những ưu điểm và nhược điểm riêng tùy thuộc vào mô hình tổ chức bộ máy nhà nước của mỗi quốc gia.
Tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu ưu điểm của các mô hình tổ chức THADS tiên tiến trên thế giới nhằm xây dựng mô hình tổ chức THADS hiệu quả ở Việt Nam, thời gian qua, Bộ Tư pháp cũng đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của nhiều nước trên giới, đặc biệt là Cộng hòa Pháp để thực hiện xã hội hóa một số hoạt động THADS thông qua chế định Thừa phát lại theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Trong 10 năm qua chế định Thừa phát lại cũng đã đạt được một số bước phát triển nhất định, tuy nhiên, phải thừa nhận rằng hiệu quả của công tác thừa phát lại không được như mong đợi. Nguyên nhân, về khách quan là sự chấp nhận của xã hội đối với hoạt động thừa phát lại chưa cao, nhiều người dân, doanh nghiệp chưa nhận thức được tính tích cực của hoạt động của Thừa phát lại; vẫn còn tâm lý e ngại khi sử dụng dịch vụ này; về chủ quan: khả năng, năng lực, nguồn lực của Thừa phát lại vẫn còn hạn chế, chưa thể đảm đương được các vụ việc thi hành án phức tạp. Một số khâu, bước của quá trình thi hành án thể hiện quyền lực Nhà nước không thể giao cho tư nhân thực hiện. Vì vậy, để tăng cường hiệu quả của hoạt động thừa phát lại, tiến tới san sẻ bớt gánh nặng cho công tác THADS thì Bộ Tư pháp cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình tổ chức THADS phù hợp trong mối quan hệ hợp tác đa phương để có thể học tập và áp dụng tại Việt Nam.
Ngoài ra, trong quá trình phát triển của điều kiện kinh tế-xã hội và pháp luật mô hình tổ chức bộ máy của các cơ quan thực hiện nhiệm vụ THADS cũng liên tục có sự thay đổi và phát triển ở mỗi quốc gia. Khi tham gia các thiết chế đa phương, chúng ta có thể tham khảo mô hình thi hành án của các nước bạn để nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn Việt Nam nếu mô hình tổ chức THADS đó phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của ta.
Thứ ba, mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường hiệu quả hoạt động của công tác THADS
Một là, mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường hiệu quả hoạt động của công tác THADS sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý giúp Việt Nam giải quyết vấn đề xung đột pháp luật về THADS với các nước thành viên, đẩy nhanh quy trình THADS, góp phần tích cực để giải quyết các tranh chấp và yêu cầu khác phát sinh trong quan hệ giữa công dân, pháp nhân của Việt Nam và các nước, đồng thời bảo đảm lợi ích của các đương sự trong tố tụng dân sự quốc tế. Trong điều kiện toàn cầu hoá, các thiết chế đa phương và khu vực có vai trò to lớn, góp phần quan trọng vào việc giải quyết hiệu quả nhất nhu cầu hợp tác quốc tế trong công tác THADS. Điều này xuất phát mục tiêu của các cơ chế hợp tác đa phương là cùng giải quyết các vấn đề quan tâm chung, đưa ra các phương thức hợp tác để tập hợp nguồn lực. Thông qua hợp tác đa phương, các nước thành viên sẽ vượt qua những điểm khác biệt và đứng trên nguyên tắc toàn diện, đồng thuận, tự nguyện, cùng có lợi, không phân biệt đối xử, phù hợp với các nguyên tắc chung của thiết chế để cùng mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau, thương thảo các vấn đề hợp tác chung cùng quan tâm, cùng có lợi. Do vậy việc tham gia vào các thiết chế quốc tế đa phương nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt pháp lý với các quốc gia thành viên sẽ có ý nghĩa to lớn trên cả phương diện chính trị, kinh tế và pháp luật.
Hai là, mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường hiệu quả hoạt động của công tác THADS nhằm tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia về hợp tác quốc tế trong thi hành án nếu phát sinh các vụ việc có yếu tố nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, lĩnh vực THADS là một lĩnh vực có liên quan nhiều đến hợp tác với nước ngoài và có yếu tố liên quan đến nước ngoài như thi hành các bản án, quyết định dân sự của Tòa án, trọng tài nước ngoài; xác minh, kê biên, thu hồi tài sản ở nước ngoài trong các vụ việc dân sự - đặc biệt là thi hành phần tài sản đang ở nước ngoài; thực hiện quyền cấp dưỡng, nuôi con có yếu tố nước ngoài; xác minh quyền nhân thân...
Ba là, mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường hiệu quả hoạt động của công tác THADS nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ Chấp hành viên, Thừa phát lại thông qua học hỏi kinh nghiệm THADS thực tiễn trên thế giới. Để thực hiện được các yêu cầu nhiệm vụ mới trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi các chấp hành viên, người làm công tác THADS không chỉ am hiểu pháp luật quốc gia mà còn am hiểu pháp luật quốc tế cũng như các quy trình, thủ tục về tương trợ tư pháp được quy định trong các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên. Tiêu chuẩn về chuyên môn phải đủ rộng, sâu, có khả năng xử lý và giải quyết các vấn đề trong tình hình mới; trình độ ngoại ngữ, tin học, quản lý nhà nước, lý luận chính trị cũng cần phải được chú trọng. Một trong những lợi ích hợp tác quốc tế đem lại là việc tham gia vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ THADS với quy mô toàn cầu và khu vực, giúp các chấp hành viên, người làm THADS có thể tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm THADS thực tiễn trên thế giới để nâng cao nghiệp vụ của bản thân.
Thứ tư là, tăng cường công tác hợp tác quốc tế đa phương và khu vực trong lĩnh vực THADS nhằm thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
Thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là một quá trình trải qua nhiều giai đoạn từ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, mỗi khâu là một “mắt xích”, trong đó thi hành án có vị trí quan trọng, là một trong những tiêu chí cuối cùng đánh giá hiệu quả, kết quả của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực tiễn phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng thời gian qua nổi lên việc các đối tượng có liên quan bỏ trốn, tẩu tán tài sản ra nước ngoài, gây khó khăn cho quá trình điều tra, giải quyết vụ việc, vụ án. Để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng, các Ban, Bộ, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện thể chế và triển khai nhiều hoạt động, giải pháp liên quan, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này và đã đạt được kết quả bước đầu. Vụ án điển hình gặp khó khăn trong thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài là vụ Giang Kim Ðạt tham ô tài sản với số tiền 18,6 triệu USD[9]. Phần lớn trong số đó đã bị tẩu tán ra nước ngoài. Tuy nhiên, khi Việt Nam yêu cầu tương trợ tư pháp, phía nước ngoài đã đặt ra những yêu cầu gây khó khăn cho quá trình kê biên, tịch thu tài sản tham nhũng. Đối với vấn đề thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài, Điều 71 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “Trên cơ sở điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, Chính phủ Việt Nam hợp tác với Chính phủ nước ngoài trong việc thu hồi tài sản của Việt Nam hoặc của nước ngoài bị tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu hợp pháp”.
Hiện nay, để đánh giá một cách tổng thể và toàn diện thì hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế chưa xử lý được một số trường hợp[10]Một là, trường hợp có căn cứ khẳng định tiền, tài sản liên quan đến hành vi tham nhũng nhưng chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội được do nhiều lý do khác nhau như đối tượng phạm tội đã chết, mất tích hoặc bỏ trốn ra nước ngoài... thì theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra, truy nã... Như vậy, sẽ chưa thể hoặc không thể thu hồi ngay được số tiền, tài sản này. Hai là, liên quan đến vấn đề xác định nguồn gốc tài sản để thực hiện việc tịch thu, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, hệ thống pháp luật hiện hành quy định nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tiền, tài sản thuộc về cơ quan có thẩm quyền (cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra). Quy định này của hệ thống pháp luật dẫn đến thực tế là hầu hết các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế người phạm tội luôn tìm thủ đoạn chuyển các tài sản liên quan đến tội phạm thành tài sản khó hoặc không thể xác định được nguồn gốc do phạm tội mà có, đặc biệt là các tài sản có yếu tố nước ngoài như tiền ảo, cổ phần, cổ phiếu hoặc bất động sản tại nước ngoài, vốn góp… nên việc thu hồi tiền, tài sản rất khó thực hiện được. Ba là, trong trường hợp qua hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập mà phát hiện tài sản, thu nhập đó có dấu hiệu từ hành vi tham nhũng, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức không có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết để ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch hoặc huỷ hoại tài sản.
Để khắc phục các vấn đề trên, một trong những biện pháp nhằm thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là tăng cường hợp tác quốc tế đa phương và khu vực, đặc biệt là qua cơ chế hợp tác đa phương, khu vực của Công ước Phòng chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC). UNCAC yêu cầu các quốc gia thành viên hỗ trợ các quốc gia nạn nhân của tham nhũng thông qua việc phong tỏa, tịch thu và trả lại bất kỳ tài sản có nguồn gốc tham nhũng nào trên lãnh thổ của mình. Các nghĩa vụ trong công ước bao gồm việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý hình sự các hành vi tham nhũng, thực hiện các nỗ lực hợp tác quốc tế bao gồm cả việc trao đổi thông tin, xây dựng nên khuôn khổ thu hồi tài sản được tiêu chuẩn hóa toàn cầu và cuối cùng đòi hỏi tất cả các bên phải tuân thủ cơ chế thực hiện Công ước.
Thứ năm là, tăng cường hợp tác quốc tế đa phương và khu vực nhằm tham gia sân chơi quốc tế, góp phần định hình luật chơi chung giữa các quốc gia, nâng cao vị thế trên trường quốc tế trong lĩnh vực THADS, đóng góp vào việc xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự quốc tế, khu vực
Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới nêu rõ trong thời gian tới, để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “…chủ động tham gia, đóng góp vào việc xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự quốc tế, khu vực…”[11]. Việc mở rộng, tăng cường cơ chế hợp tác đa phương của mỗi quốc gia, mỗi lĩnh vực là nhằm tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia thành viên đồng thời thụ hưởng các giá trị, quyền lợi từ các tổ chức đó. Bên cạnh đó, việc tham gia các cơ chế hợp tác đa phương không chỉ là nhu cầu nội tại thiết thực của bản thân mỗi quốc gia, mỗi lĩnh vực nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi nước, mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của các quốc gia, của tổ chức xét dưới góc độ pháp luật quốc tế. Việc tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương trong lĩnh vực THADS cũng không nằm ngoài nguyên tắc cơ bản đó. Thay vì dựa vào một Bộ luật Toàn cầu về Thi hành án có sẵn của UIHJ, việc tham gia sớm vào tổ chức này sẽ giúp ta tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện những chuẩn mực phổ quát mà tổ chức xây dựng, góp phần nâng cao vị thế của lĩnh vực THADS trên trường quốc tế, phù hợp với chủ trương, đường lối nâng tầm đối ngoại đa phương của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Đồng thời, với vai trò, vị trí hiện nay của Việt Nam trong ASEAN, ALAWMM, ASLOM, ta hoàn toàn có thể đóng vai trò là trung tâm thúc đẩy sự hợp tác quốc tế khu vực về THADS nhằm phát huy vị thế của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và nâng cao vị thế, sự hiện diện của Cộng đồng trên trường quốc tế.
5. Kết luận
Qua việc tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương và khu vực trong lĩnh vực THADS, Việt Nam có thể nghiên cứu, học hỏi và tiếp thu một số quy tắc chuẩn mực của nghề THADS trên thế giới cho các cơ quan và người làm công tác THADS của Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ, cũng như thực hiện các vụ việc có yếu tố nước ngoài phù hợp với các quy tắc của tổ chức quốc tế đó. Đồng thời, chúng ta sẽ thu nhận được những thông tin, kinh nghiệm cần thiết để hoàn thiện thể chế về THADS, tham khảo trong quá trình thực hiện các hoạt động về thi hành án, nâng cao năng lực trình độ cho đội ngũ chấp hành viên, thẩm tra viên, và người làm công tác THADS. Chúng ta cũng sẽ giới thiệu cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của THADS của Việt Nam. Việc mở rộng quan hệ với các nước và tổ chức quốc tế sẽ đánh dấu sự hội nhập của THADS Việt Nam vào đời sống pháp lý quốc tế, minh chứng cho tinh thần sẵn sàng hợp tác của Việt Nam với các nước, và góp phần khẳng định vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Việc tham gia các cơ chế hợp tác đa phương trong lĩnh vực THADS là cơ sở chính trị pháp lý quan trọng, một mặt góp phần tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan THADS Việt Nam và các nước, mặt khác tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh việc xử lý các yêu cầu góp phần tích cực để giải quyết các tranh chấp và yêu cầu khác phát sinh trong quan hệ giữa công dân, pháp nhân của Việt Nam và các nước. Đồng thời, việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng đặt ra yêu cầu cho các ngành, các cấp phải chủ động tham gia, đóng góp vào việc xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự quốc tế, khu vực. Vì vậy, nhu cầu đàm phán, ký kết, tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương trong lĩnh vực THADS là nhu cầu tất yếu khách quan và hết sức cấp thiết, cũng chính là yêu cầu về hội nhập, hợp tác quốc tế trong công tác THADS theo tiến trình cải cách tư pháp của Đảng trong giai đoạn mới./
Phạm Minh Đức - VP Tổng cục THADS


Theo tổng cục THADS

Các tin đã đưa ngày: