Sign In

Vấn đề trong tổ chức thi hành án đối với việc xử lý tài sản thế chấp là quyền khai thác tài nguyên hiện nay

20/07/2023

Thi hành án là việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án sau khi các cá nhân hay tổ chức có phát sinh tranh chấp, yêu cầu Tòa án giải quyết và Tòa án đã ra bản án, quyết định về vấn đề đó. Tuy nhiên, phán quyết, quyết định của Tòa án cũng chỉ là kết quả về mặt pháp lý, để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên trên thực tế cần phải tổ chức thi hành án. Do vậy, việc không thực thi được trên thực tế sẽ không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Một thực tế hiện nay vẫn còn có nhiều ý kiến liên quan đến việc tổ chức thi hành đối với tài sản là quyền khai thác tài nguyên.
Một vụ việc thực tế có thể nêu ra như sau: Tại Bản án số AAA/2017/KDTM ngày 26/10/2017 của TAND quận B, tỉnh C có nội dung tuyên: Buộc Công ty cổ phần xây dựng và Thương mại X thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam theo Hợp đồng tín dụng..... với tổng số tiền M đồng... Trường hợp Công ty cổ phần xây dựng và Thương mại X không trả được nợ….thì Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý các tài sản thế chấp để thu hồi trả nợ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam bao gồm: Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu của Công ty cổ phần xây dựng và thương mại X theo Quyết định số AA/QĐ-UBND ngày 20/01/2009 của UBND tỉnh D tại 04 thửa đất:…Tài sản bảo đảm cho khoản nợ trên là N đồng…..
Chi cục THADS huyện E, tỉnh D đã ra Quyết định thi hành án cho thi hành khoản tiền trên. Do vụ việc phức tạp, số lượng tiền phải thi hành án lớn, liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau nên trên cơ sở đề nghị của Chi cục, Cục THADS tỉnh D đã ban hành Quyết định số BB/QĐ-CTHADS ngày 23/8/2018 rút hồ sơ vụ việc lên để Cục THADS tỉnh tổ chức thi hành.
Kết quả xác minh điều kiện thi hành án cho thấy, Công ty cổ phần xây dựng và thương mại X được UBND tỉnh Bắc Giang cấp Giấy chứng nhận đầu tư số ABC ngày 28/11/2008 để thực hiện dự án khai thác mỏ than nước vàng khu I tại xã F, huyện E, tỉnh D với diện tích đất thực hiện dự án khoảng 20ha, thời hạn sử dụng đến ngày 28/11/2028. Chấp hành viên đã làm việc với đại diện Sở Tài nguyên môi trường tỉnh D, kết quả cho thấy: Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên (than) thuộc sở hữu của Công ty cổ phần xây dựng và thương mại X thuộc danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh D theo Quyết định số BCD/QĐ-UBND ngày 29/5/2013 của UBND tỉnh. Đối với việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực cấp phép cho Công ty B chỉ được bán đấu giá khi UBND tỉnh đưa ra khỏi khu vực không đấu giá và phải đưa vào kế hoạch đấu giá hàng năm của tỉnh. Theo quy định của Luật khoáng sản thì việc thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản do UBND tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên môi trường thực hiện.
Như vậy, theo Quyết định của Bản án nếu Công ty X không trả được nợ thì Cơ quan THADS có quyền phát mại, xử lý tài sản để thu hồi nợ cho Ngân hàng. Tuy nhiên theo quy định Điều 80, Điều 81 Luật khoáng sản thì việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản lại do UBND tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Do có sự mâu thuẫn trên, Cục THADS tỉnh D đã tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành với các cơ quan TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh. Tại các buổi họp liên ngành, đại diện các ngành đã nêu các ý kiến và phân tích các mâu thuẫn liên quan đến các quy định của pháp luật, thống nhất đề nghị xin hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ của Tổng cục THADS- Bộ Tư pháp. Sau khi rà soát lại các văn bản, các cơ quan nhất trí việc Quyết định BCD/QĐ-UBND ngày 29/5/2013 của UBND tỉnh D phù hợp với các quy định của pháp luật.
Khó khăn vướng mắc trong vụ việc là vướng mắc về thẩm quyền bán đấu giá. Theo quy định tại Điều 78, Điều 80, Điều 81 Luật Khoáng sản và Nghị định số 22/2012 ngày 26/3/2012 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá quyền khai thác khoáng sản là Bộ tài nguyên môi trường và UBND tỉnh. Điểm e khoản 1 Điều 55 Luật Khoáng sản cho phép tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản được quyền chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản. Chấp hành viên đã hướng 02 bên đương sự tìm đối tác để nhận chuyển nhượng nhưng không thống nhất được giá để chuyển nhượng. Do vậy, Chấp hành viên không thể tổ chức thi hành vụ việc.
Ý kiến thứ nhất cho rằng, việc bán đấu giá quyền tài sản của công ty X là không được bởi các lý do:
Thứ nhất là, căn cứ quyền khai thác khoáng sản là quyền đặc biệt, doanh nghiệp được cấp quyền khai thác khoáng sản mới là bước đầu được phép khai thác mà khoáng sản chưa phải là tài sản của doanh nghiệp. Trong quá trình khai thác doanh nghiệp phải nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, phí hoàn nguyên... Hơn nữa, doanh nghiệp còn phải đầu tư trang thiết bị, máy móc, thuê nhân công, đào tạo nhân công... mới có thể khai thác được tài nguyên. Do đó, việc đấu giá, bán quyền khai thác khoáng sản phải thực hiện theo luật chuyên ngành là luật Khoáng sản.
Thứ hai là, quyền khai thác khoáng sản không có giá trị. Khoáng sản trong quyền khai thác khoáng sản vẫn nằm trong lòng đất hoặc chưa được khai thác nên tài sản đó vẫn thuộc Nhà nước. Doanh nghiệp không thể bán những tài sản không thuộc về mình. Do đó, quyền khai thác khoáng sản là thuộc Nhà nước, Nhà nước sẽ thu hồi giấy phép, quyền khai thác khoáng sản và bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
Thứ ba là, theo quy định của khoản 2 điều 101 Luật Thi hành án dân sự thì: “2. Việc bán đấu giá đối với tài sản kê biên là động sản có giá trị từ trên 10.000.000 đồng và bất động sản do tổ chức bán đấu giá thực hiện.”. Tuy nhiên, theo quy định của điều 81, 82 Luật khoáng sản thì chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp tỉnh có thể “tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền”. Hơn nữa, quyền khai thác khoáng sản của công ty X lại thuộc khu vực không được đấu giá theo quy định của pháp luật Khoáng sản và Quyết định số BCD/QĐ-UBND ngày 29/5/2013 của UBND tỉnh ban hành danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh D.
Ngược lại, có ý kiến cho rằng, Quyền khai thác khoáng sản là một loại tài sản được đưa ra thế chấp để thực hiện các giao dịch dân sự. Luật Khoáng sản quy định trình tự, thủ tục đấu giá Quyền khai thác khoáng sản được áp dụng trong trường hợp Nhà nước thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để nộp ngân sách thông qua hình thức đấu giá. Khi quyền khai thác khoáng sản được đưa vào giao dịch dân sự, phát sinh tranh chấp và được Toà án giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì trình tự, thủ tục xử lý quyền khai thác khoáng sản phải tuân theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và Luật Đấu giá tài sản. Do đó, cơ quan Thi hành án dân sự cần kê biên, xử lý, bán đấu giá theo quy định.
Qua nghiên cứu, tác giả cho rằng muốn giải quyết khó khăn, vướng mắc cần phải thống nhất các nội dung:
Thứ nhất, về quyền tài sản. Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định tài sản là “vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Điều 115 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.”. Như vậy, Quyền khai thác khoáng sản là quyền tài sản và là tài sản của doanh nghiệp. Do là tài sản của doanh nghiệp thì việc lưu thông, mua bán, trao đổi, xử lý tranh chấp cần thực hiện theo quy định của pháp luật một cách thông thường.
Thứ hai, quyền khai thác khoáng sản giá trị như thế nào? Việc Luật Khoáng sản và Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá tài sản cho thấy quyền khai thác khoáng sản có giá trị. Hơn nữa giá trị ban đầu có thể là việc đã khoan thăm dò, đánh giá trữ lượng hoặc kiểm tra, đánh giá sơ bộ. Do đó, bản thân quyền khai thác khoáng sản cũng có giá trị. Tương tự như trường hợp người mua đấu giá với các tài sản trên đất cho thuê trả tiền hằng năm thường cao hơn nhiều so với giá trị của tài sản trên đó bởi lẽ người dân nhắm vào việc ưu tiên cho thuê lại đất hằng năm chứ không chỉ là giá trị tài sản nằm trên đất.
Thứ ba, về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật thì có 22 cụm từ “đấu giá quyền khai thác khoáng sản” và 10 cụm từ “cấp quyền khai thác khoáng sản”. Theo đó, cụm từ “cấp quyền khai thác khoáng sản” được dùng trong cụm “tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”. Việc đó thể hiện sự phân biệt giữa quyền khai thác khoáng sản và cấp quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, cụm từ “đấu giá quyền khai thác khoáng sản” trong Luật Khoáng sản và văn bản hướng dẫn thi hành có 2 nghĩa: (1) đấu giá quyền khai thác khoáng sản nói chung; (2) đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản lần đầu để thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản về cho Nhà nước. Qua nghiên cứu Luật Khoáng sản và văn bản hướng dẫn thi hành, tôi cho rằng, trong các văn bản đó hiểu cụm từ “đấu giá quyền khai thác khoáng sản” theo nghĩa thứ hai bởi:
- Điểm đ Khoản 2 Điều 80, Điểm đ Khoản 2 81 quy định thẩm quyền đấu giá quyền khai thác khoáng sản là của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp tỉnh. Trong trường hợp này nếu hiểu theo nghĩa thứ nhất thì tất cả các trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản đều phải do các cơ quan trên thực hiện. Như vậy sẽ vô lý trong trường hợp quyền khai thác khoáng sản thuộc khu vực được đấu giá đã thuộc sở hữu của doanh nghiệp khi đưa ra đấu giá vẫn phải do 2 cơ quan này tổ chức. Trường hợp đó, cơ quan quản lý nhà nước tổ chức đấu giá với vai trò và mục đích như thế nào?
- Nghị định 22/2012/NĐ-CP chỉ quy định trình tự thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản để thu tiền cho Nhà nước mà không quy định các trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản của các chủ sở hữu quyền khai thác khoáng sản khác. Như vậy, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở Nghị định 22/2012/NĐ-CP và Luật Khoáng sản cần phải hiểu là đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản lần đầu để thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản về cho Nhà nước.
Qua phân tích ở trên cho thấy việc hiểu cụm từ “đấu giá quyền khai thác khoáng sản” là vô cùng quan trọng. Việc hiểu với nghĩa thứ 2 còn giúp các cơ quan nhà nước cũng như nhân dân giải quyết các vướng mắc:
1. Đối với Nhà nước: Các cơ quan quản lý nhà nước về Tài nguyên và Môi trường hiện nay thực hiện theo Luật Khoáng sản và văn bản hướng dẫn thi hành chỉ tập trung vào việc bán đấu giá quyền khai thác khoáng sản lần đầu thu tiền cho Nhà nước mà không phải quan tâm đến các cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản khác. Đối với các cơ quan tổ chức thi hành pháp luật (Toà án, VKS, Thi hành án) thì việc nhanh chóng tổ chức, thi hành được các bản án bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật cũng như bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân sẽ từng bước tạo uy tín vững chắc của hệ thống cơ quan pháp luật.
2. Đối với người được thi hành án: Được thi hành những bản án, được trả lại tài sản có liên quan đến quyền khai thác khoáng sản.
3. Đối với người phải thi hành án: Được giải quyết những khoản nợ để tập trung vào tương lai tốt đẹp hơn.
4. Đối với môi trường kinh doanh: Các ngân hàng tự tin cho vay, thế chấp, giải chấp đối với tài sản được đánh giá là có giá trị cao như quyền khai thác khoáng sản. Qua đó, làm lành mạnh môi trường kinh doanh và tạo động lực phát triển kinh tế.
Kiến nghị và đề xuất.
Qua nghiên cứu, và phân tích ở trên tôi đề xuất:
Các cơ quan hữu quan có nghiên cứu, trao đổi để thống nhất áp dụng pháp luật phù hợp với tình hình kinh tế xã hội nhưng cũng đúng quy định. Trường hợp có thể được cần hiểu “đấu giá quyền khai thác khoáng sản” trong pháp luật Khoáng sản và văn bản khác là đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản lần đầu để thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản về cho Nhà nước
Kiến nghị:
Về lâu dài, các cơ quan có thẩm quyền nên nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản và văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng hiểu “đấu giá quyền khai thác khoáng sản” trong pháp luật Khoáng sản và văn bản khác là đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản lần đầu để thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản về cho Nhà nước. Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh, chính trị, xã hội, tôi cho rằng cũng cần phân biệt khu vực nào có thể đấu giá bình thường với khu vực chỉ được đấu giá lần đầu do nhà nước tổ chức. Việc đấu giá chỉ do Nhà nước tổ chức sẽ áp dụng với những nơi có ảnh hưởng đến vấn đề an ninh, chính trị, xã hội, ví dụ như việc cấp quyền khai thác giới hạn cho những doanh nghiệp đủ điều kiện ở những nơi, những vị trí trọng yếu.
Tóm lại, việc nghiên cứu phương án hoàn thiện pháp luật còn cần có sự phản biện, góp ý. Tôi mong rằng nhận được nhiều sự góp ý, phản biện của quý vị độc giả để pháp luật càng có phương án hoàn thiện hơn./.
Trần Minh Trọng - Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bắc Giang

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: