Thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cơ quan thi hành án dân sự, không chỉ đảm bảo việc hoàn thành chỉ tiêu được giao hàng năm của các cơ quan thi hành án dân sự mà còn góp phần tạo nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Kết quả thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng 06 tháng đầu năm 2018 của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng như sau: tổng số việc thụ lý 155 việc, tương đương với số tiền 1329 tỉ 820 triệu 680 ngàn đồng. Có điều kiện thi hành 116 việc, tương đương số tiền 700 tỷ 490 triệu 432 ngàn đồng; chưa có điều kiện thi hành 39 việc, tương đương số tiền 629 tỉ 330 triệu 248 ngàn đồng. Thi hành xong hoàn toàn 13 việc, tương đương số tiền 37 tỉ 145 triệu 106 ngàn đồng; đang thi hành : 98 việc, tương đương số tiền 659 tỉ 259 triệu 539 ngàn đồng.
Từ thống kê cho thấy, số vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng có số lượng rất ít so với tổng số thụ lý (155 việc/ 10.570 việc), tuy nhiên số tiền phải thi hành rất lớn, chiến gần 1/2 trên tổng số tiền phải thi hành án của tỉnh (1329.820.680.000đ/2652.142.051.000đ). Một số Chi cục có số tiền phải thi hành lớn như Đà Lạt, Bảo Lộc, Lâm Hà, nếu không có định hướng giải quyết các vụ việc này sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu của Chi cục và toàn tỉnh.
Qua tổng hợp, đánh giá những khó khăn, vướng mắc dẫn đến kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng đạt thấp do một số nguyên nhân sau: việc bán tài sản thi hành án nói chung và tài sản thế chấp của các tổ chức tín dụng, ngân hàng nói riêng thường chậm, kéo dài, cá biệt có nhiều tài sản đã giảm giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được; một số tổ chức tín dụng, ngân hàng nhận thế chấp quyền sử dụng đất, nhưng không xác định rõ tính pháp lý của tài sản trên đất; xác định giá trị tài sản thế chấp cao hơn giá trị thực tế của tài sản; tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất không có bản vẽ hiện trạng, không xác định mốc giới đã dẫn đến nhưng khó khăn, vướng mắc khi xác minh, xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án; nhiều vụ việc đã xử lý xong tài sản thế chấp, nhưng số tiền thu được rất thấp so với khoản nợ của ngân hàng, từ đó dẫn đến số tiền chưa có điều kiện thi hành tồn qua các năm rất cao, ảnh hưởng lớn đến việc phân loại án; theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 42/2017/QH14 đối với khoản nợ xấu phải được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu xác nhận bằng văn bản. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc phối hợp, thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự biết các khoản nợ xấu từ phía các tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa kịp thời, dẫn đến có trường hợp khi cơ quan thi hành án dân sự chuẩn bị xử lý tài sản thì mới phát hiện khoản nợ thuộc diện nợ xấu không được kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo Điều 90 Luật Thi hành án dân sự.
Nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết đối với án tín dụng, ngân hàng cần tập trung một số giải pháp:
1. Nâng cao vai trò, hiệu quả của Tổ công tác chỉ đạo, xử lý các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng trong việc tham mưu đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
2. Thủ trưởng các đơn vị Chi cục cần chú trọng, quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức thi hành án tín dụng, ngân hàng.
3. Thường xuyên rà soát, phân loại án liên quan đến tín dụng, ngân hàng.
4. Chủ động phối hợp hiệu quả với các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, nhất là trong xác minh điều kiện thi hành án; xử lý tài sản thế chấp; xác nhận khoản nợ xấu; bán nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên; rà soát, thống kê các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án theo Nghị quyết 42/2017/QH14...
Lê Thị Hồng Ngọc – Phòng Nghiệp vụ và tổ chức THA