Ví dụ: Tại bản án số 139/2019/HSST ngày 20/3/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh X quyết định:
“...Phạt bị cáo Triệu Đình Hùng 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng để sung quỹ Nhà nước”;
“...Trả lại bị cáo 01 phong bì niêm phong dán kín, mặt trước phong bì có ghi dòng chữ viết tay “Tiền tang vật tạm giữ của Triệu Đình Hùng 10.000.000đ (mười triệu đồng”, mặt sau có các chứ ký của nhũng người tam gia niêm phong và dấu đỏ của Công an huyện Y...” (Số tiền trên tạm giữ để đảm bảo thi hành án)”.
Trong tổ chức thi hành, Chấp hành viên đã thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định, hết thời hạn tự nguyện thi hành án đương sự không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thi hành khoản tiền phạt 20 triệu đồng, nên Chấp hành viên xử lý khoản tiền 10 triệu đồng mà đương sự được trả lại để thi hành án (
số tiền này được Cơ quan Cảnh sát điều tra bàn giao cho cơ quan THADS và đang tạm gửi tại Kho bạc Nhà nước cùng cấp theo quy định). Tuy nhiên, với tình huống trên, mỗi Chấp hành viên, mỗi cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương xử lý theo một trình tự, thủ tục khác nhau để thực hiện thu khoản tiền 10 triệu đồng để khấu trừ nghĩa vụ thi hành án của đương sự.
Trường hợp thứ nhất: Sau khi rút số tiền tạm gửi từ Kho bạc Nhà nước về nhập kho cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên làm các thủ tục xuất kho và viết biên lai thu tiền để thực hiện các thủ tục nộp ngân sách nhà nước số tiền 10 triệu đồng của đương sự (Chấp hành viên không ra quyết định thu tiền).
Trường hợp thứ hai: Sau khi rút số tiền tạm gửi từ Kho bạc Nhà nước về nhập kho cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên làm các thủ tục xuất kho, đồng thời ra Quyết định thu tiền của người phải thi hành án căn cứ theo quy định tại Điều 80 Luật Thi hành án dân sự và viết biên lai thu tiền, làm thủ tục nộp ngân sách nhà nước số tiền 10 triệu đồng nêu trên.
Trường hợp thứ ba: Tương tự như trường hợp thứ hai, tuy nhiên Chấp hành viên không ra Quyết định thu tiền của đương sự căn cứ theo quy định tại Điều 80 mà ra Quyết định thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ 3 giữ căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật Thi hành án dân sự và viết biên lai thu tiền, làm thủ tục nộp ngân sách nhà nước số tiền 10 triệu đồng.
Tương tự ví dụ nêu trên, nhưng số tiền 10 triệu đồng của đương sự được tạm giữ trên tài khoản tạm gửi của Cơ quan Thi hành án dân sự tại Kho bạc nhà nước. Thực tế trong tổ chức thi hành án, Chấp hành viên căn cứ theo Điều 76 Luật Thi hành án dân sự ra Quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án để thực hiện các thủ tục thu nộp ngân sách.
Xuất phát từ thực tiễn còn có nhiều quan điểm, cách làm khác nhau về trình tự, thủ tục thi hành án, đề nghị Tổng Cục Thi hành án dân sự có hướng dẫn cụ thể để việc tổ chức thi hành án tại các cơ quan THADS địa phương được thống nhất, đúng quy định./.
Theo CHV Phạm Thị Thoa