Trong thời gian qua, các cơ quan THADS và các Tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để thi hành án. Thông tin cung cấp trong các vụ việc thi hành án cơ bản đầy đủ, chính xác, kịp thời, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo mật thông tin và quy định tại Thông tư liên tịch số: 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 14/01/2014, góp phần tạo nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Quán triệt một số nội dung về công tác thi hành án, yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh và các vụ việc phải thi hành án, thực hiện tốt công tác thẩm định giá, tăng cường quản lý dủi do đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm liên quan đến bất động sản, động sản, đồng thời thực hiện tốt công tác cung cấp thông tin, phối hợp tốt với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tăng cường xử lý nợ xấu.
* Kết quả thi hành án dân sự liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng
Năm 2022:
Tổng số việc phải giải quyết là 86 vụ việc, tương ứng với số tiền phải thi hành là 333.574.864.000 đồng. Kết quả, thi hành xong 07 việc tương ứng với số tiền 12.735.735.000 đồng; đình chỉ 13 việc tương ứng với số tiền 30.076.093.000 đồng; hoãn 01 việc tương ứng số tiền 3.707.129.000 đồng; đang thi hành 41 việc tương ứng số tiền 229.658.031.000 đồng; phân loại chưa có điều kiện 21 việc (đã trừ đi số theo dõi riêng) tương ứng với số tiền 57.397.894.000 đồng.
06 tháng đầu năm 2023 (thời gian từ 01/10/2022 đến ngày 31/3/2023) như sau:
Tổng số phải thi hành là 118 việc, tương ứng với số tiền phải thi hành là 622.174.298.000đ.
Trong đó:
- Đình chỉ thi hành án 05 việc, thi hành xong về tiền là 55.470.109.000đ;
- Số có điều kiện thi hành 84 việc, tương ứng với số tiền là 505.573.877.000đ: Trong đó, số việc đang thi hành là 83 việc tương ứng 458.401.382.000đ; tạm dừng thi hành án để giải quyết khiếu nại 01 việc = 47.172.495.000đ;
- Số chưa có điều kiện thi hành là 29 việc = 61.130.312.000đ.
- Số án chưa có điều kiện đã chuyển sổ theo dõi riêng là 10 việc, tương ứng với số tiền 222.661.520.000đ.
Bên cạnh nhưng kết quả đã đạt được nêu trên, trong quá trình tổ chức thi hành án hiện nay vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn như:
- Số việc thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng ngày càng tăng, số tiền phải thi hành có giá trị lớn, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp.
- Đối với thi hành án cho ngân hàng Chính sách xã hội và một số Ngân hàng cho vay tín chấp, do khoản vay không có thế chấp nên rất khó xử lý tài sản, do đương sự không có tài sản, thu nhập.
- Đa số các vụ việc đều phải áp dụng biện pháp kê biên, xử lý tài sản, việc áp dụng rất nhiều trình tự, thủ tục kéo dài dẫn đến việc thi hành án bị chậm.
- Một số vụ việc đã kê biên bán đấu giá nhiều lần nhưng không thành do định giá cao, tài sản có tranh chấp, chồng lấn về diện tích đất. Ngoài ra thị trường bất động sản trầm lắng không thu hút được khách hàng mua. Một số khách hàng có tâm lý chờ giảm giá nhiều lần mới đăng ký đấu giá.
- Một số vụ việc tài sản thuộc hộ gia đình, đề nghị Tòa án phân chia, làm rõ, trong thời gian tới tiếp tục hoàn thiện thủ tục giải quyết việc thi hành án theo quy định.
- Trong quá trình tiến hành thủ tục thế chấp, cho vay, nhiều trường hợp tổ chức tín dụng, ngân hàng không xác định kỹ hiện trạng, nguồn gốc, giá trị tài sản; nhận thế chấp cả tài sản nằm trong quy hoạch; không làm tốt khâu thẩm định giá để cho vay nên cho vay cao hơn gấp nhiều lần giá trị thực của tài sản... Hơn nữa, trong giai đoạn tố tụng tại Tòa án, đặc biệt với loại việc công nhận hòa giải thành, tình trạng ranh giới, mốc giới bất động sản không chính xác, các công trình trên đất không phù hợp như lúc ký kết hợp đồng, dẫn đến giai đoạn thi hành án, việc xử lý tài sản thế chấp gặp rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến kết quả của công tác thi hành án dân sự nhưng chưa chú trọng khâu phối hợp tích cực, chủ động với cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, đơn vị hữu quan để tháo gỡ vướng mắc. Có trường hợp nhận thế chấp cả tài sản xây dựng trên đất lưu không hoặc nằm trong quy hoạch, xây dựng trên đất lúa, đất lấn chiếm hành lang giao thông, đất lấn chiếm hành lang thủy lợi… không đủ điều kiện giao dịch; hợp đồng thế chấp tài sản không chặt chẽ; nhận thế chấp trên giấy tờ (
tài sản hình thành trong tương lai), đến giai đoạn thi hành án xác minh tài sản không có hoặc nếu có thì tài sản chưa hoàn thiện, đang xây dựng dở dang; tài sản có giá trị thấp hoặc nhận thế chấp mà tài sản là động sản đến giai đoạn thi hành án thì động sản không còn hoặc giảm giá trị sử dụng, một số tài sản thế chấp không đúng thực trạng ban đầu theo hồ sơ thế chấp; tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nhưng không có bản vẽ hiện trạng, không xác định mốc giới nên khi cơ quan thi hành án dân sự tiến hành xác minh đo vẽ thì có sự chồng lấn quyền sử dụng đất của người phải thi hành án với người khác. Trong công tác xác minh thông tin tài khoản một số cán bộ ngân hàng có tâm lý bảo vệ khách hàng nên gây khó khăn cho cán bộ thi hành án. Do đó, đến giai đoạn thi hành án, khi cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án thì rất nhiều tài sản đã bị tẩu tán, nhiều tài sản bị rơi vào diện tích đất giải toả đền bù; việc xử lý tài sản thế chấp gặp rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. Có vụ việc giá trị tài sản thế chấp sau khi trừ chi phí kê biên cưỡng chế không đủ để thanh toán khoản gốc của Ngân hàng.
- Tài sản khi bán đấu giá thành, đương sự không tự nguyện giao tài sản, cơ quan thi hành án phải xây dựng kế hoạch, họp bàn, thống nhất tổ chức cưỡng chế giao tài sản, dẫn đến mất nhiều thời gian, chi phí.
- Một số vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng người phải thi hành án sau khi xử lý tài sản thế chấp không còn tài sản nào khác, không có thu nhập để thực hiện nghĩa vụ thi hành án, phải phân loại hồ sơ vào diện chưa có điều kiện thi hành; xếp vào diện theo rõi riêng.
Do đó, Cục thi hành án dân sự tỉnh và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lạng Sơn phải thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các các văn bản liên quan đến thi hành án dân sự và lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị, triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quá trình xử lý, giải quyết việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng. Góp phần trong việc tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của đơn vị.