Ngày 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác THADS năm 2021.
Số tiền phải thi hành trong các vụ về kinh tế, tham nhũng rất lớn
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo công tác THADS, trong đó làm rõ tình hình, kết quả công tác đạt được trong năm 2021.
Trong 10 tháng năm 2021, mặc dù đã rất nỗ lực, cố gắng nhưng kết quả THADS vẫn chưa được như mong muốn, tỷ lệ thi hành xong về tiền có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (giảm 0,75%).
Nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp trong toàn quốc. Kể từ tháng 6/2021, do dịch bùng phát phức tạp nên nhiều địa phương phải thực hiện cách ly, phong tỏa, đặc biệt là các địa phương có lượng việc, tiền lớn là TP. Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các tỉnh phía nam... Tổng số phải thi hành của 23 tỉnh/thành phố đang phong tỏa do dịch là 490.942 việc (chiếm 61,67% so với toàn quốc), tương ứng với hơn 224.985 tỷ đồng (chiếm 79,29% so với toàn quốc). Trong bối cảnh đó, hoạt động THADS bị gián đoạn, có nhiều vụ việc thi hành án tài sản có giá trị lớn đang trong quá trình xử lý hoặc chuẩn bị giao tài sản thì phải tạm dừng.
Dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ về việc (0,49% tổng số phải thi hành) nhưng số tiền phải thi hành trong các vụ việc thi hành án về kinh tế, tham nhũng là rất lớn (24,5% về tiền so với tổng số phải thi hành), chủ yếu tập trung vào một số vụ việc tại TPHCM và Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc, tài sản thi hành án có giá trị rất thấp (có vụ việc đương sự phải thi hành hơn 15.000 tỷ đồng, nhưng giá trị tài sản để thi hành án thực tế không quá 500 tỷ đồng....) hoặc đang có tranh chấp (các giá trị tài sản tranh chấp ước đạt hơn 7.000 tỷ đồng, các đương sự đang khởi kiện để phân chia tài sản chung) hoặc chưa thực hiện được việc xử lý tài sản do dịch COVID-19 (nếu xử lý xong các tài sản tại TPHCM và Đà Nẵng thì có thể thu được hàng nghìn tỷ đồng)... Trong số những vụ việc trên, chỉ cần tồn, chưa thi hành xong vài vụ thì tỷ lệ thi hành về tiền sẽ thấp, kéo tỷ lệ chung xuống rất nhiều.
Bên cạnh đó là do vướng mắc về thể chế. Với cơ chế ủy thác thi hành án, hiện nay trong nhiều vụ việc, mặc dù tài sản đã được bản án tuyên kê biên, có thể xử lý ngay nhưng do nằm ở nhiều địa phương khác nhau nên theo quy định, các cơ quan THADS phải xử lý xong tài sản ở nơi đang tổ chức thi hành rồi mới có thể ủy thác đến nơi có tài sản khác. Điều này đã làm thời gian thi hành án kéo dài. Đồng thời, việc chưa có cơ chế xử lý đối với các tài sản là quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng hoặc người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thi hành án chưa hiệu quả.
Tập trung địa bàn trọng điểm
Để nâng cao hiệu quả công tác THADS trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như:
Tổ chức triển khai đồng bộ các yêu cầu, giải pháp được đặt ra tại Chỉ thị 04 của Ban Bí thư; rà soát, tổng kết, đánh giá các quy định của pháp luật về THADS và các quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện hoặc đề nghị Quốc hội thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Chỉ đạo tập trung rà soát hồ sơ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thi hành án ngay sau khi hết thời gian giãn cách chống dịch COVID-19. Trong đó, tập trung vào những địa bàn trọng điểm, những vụ việc có giá trị lớn, đặc biệt là một số vụ việc thi hành án kinh tế, tham nhũng có tài sản đảm bảo giá trị lớn.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động THADS; phối hợp với các cơ quan chức năng (đặc biệt là Viện KSND) để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, thiếu sót phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án.
Tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác THADS; đồng thời thông tin đầy đủ về kết quả công tác THADS cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án đến toàn thể nhân dân, xã hội.
Về công tác thi hành án hành chính (THAHC), Bộ Tư pháp cho biết: với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sau khi Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 được ban hành, công tác THAHC tiếp tục có những chuyển biến rất rõ rệt. Chính phủ đã chỉ đạo rà soát tình hình, kết quả THAHC trong toàn quốc, từ đó có những kiến nghị cụ thể đối với các Chủ tịch UBND cấp tỉnh về công tác THAHC trên địa bàn. Các cơ quan THADS đã chủ động thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi THAHC.
Nhờ đó, số bản án hành chính được thi hành xong tăng 140 bản án so với năm 2020, công tác quản lý THAHC ở các địa phương ngày càng đi vào nề nếp. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, có giải pháp quyết liệt để công tác THAHC ngày càng hiệu quả hơn.
Theo Lê Sơn - Tổng cục THADS