Sign In

Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo THADS trong công tác THADS tại địa phương

06/07/2015

       Năm 2008 được coi là năm đánh dấu bước tiến lớn trong việc hoàn thiện thể chế thi hành án dân sự, Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009. Đây là văn bản pháp lý cao nhất về thi hành án dân sự trong lịch sử lập pháp Việt Nam, thể chế hóa chủ trương "Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan Tư pháp phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chiến lược cải cách tư pháp”
        Công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay đòi hỏi hệ thống pháp luật phải ngày càng hoàn thiện,  trong đó thi hành án dân sự là một vấn đề hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Những nội dung mới của Luật Thi hành án dân sự đã cụ thể hóa các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự và thể chế hoá các chủ trương mới của Đảng về cải cách tư pháp nên đã kịp thời điều chỉnh có hiệu quả những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn.
       
       Ngày 09/9/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự, tại Điều 13 quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự để tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.
       
       Để triển khai thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành
Quyết định số 2999/QĐ-BTP công bố việc thành lập Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp. Theo đó, Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan quản lý thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp, có vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP. Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan Thi hành án dân sự trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự. Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là cơ quan Thi hành án dân sự trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
       
       Ở địa phương UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Thi hành án dân sự trên địa bàn với nội dung cơ bản là chỉ đạo công tác tuyển truyền rộng khắp nhằm phổ biến, quán triệt sâu sắc những quy định của Luật Thi hành án dân sự;  bàn giao công tác tổ chức cán bộ từ Giám đốc Sở Tư pháp sang Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh; triển khai tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Cục THADS tỉnh, Chi cục THADS các huyện, thành phố. Cùng với việc triển khai Luật Thi hành án dân sự, các văn bản dưới Luật như Nghị định số 58, Nghị định số 74 của Chính phủ, các Thông tư liên ngành, Thông tư của Bộ Tư pháp về hướng dẫn thi hành Luật.
       
       Với chức năng, nhiệm vụ đã được cụ thể hóa trong các văn bản luật. Cục thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai và các Chi cục thi hành án dân sự huyện, thành phố đã tham mưu cho UBND các cấp kiện toàn Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự. Trưởng Ban chỉ đạo THADS là Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND; Phó trưởng ban là Thủ trưởng cơ quan THADS cùng cấp; Các ủy viên gồm: đại diện lãnh đạo cơ quan Tư pháp, Công an, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, mời đại diện lãnh đạo cơ quan Tòa án nhân dân, Viện KSND và Mặt trận tổ quốc cùng cấp tham ra.
       
       Như vậy Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự là cơ quan tham mưu cho UBND cùng cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 173, khoản 1, khoản 2 Điều 174 Luật Thi hành án dân sự và Điều 13 của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn:
      - Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.

      - Xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong công tác thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt.

      - Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân về chỉ đạo công tác thi hành án dân sự. Đề xuất với Ủy ban nhân dân cùng cấp các biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự tại địa phương.

      - Tổ chức việc phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan với cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự tại địa phương. Tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và ý kiến chỉ đạo của UBND trong công tác thi hành án dân sự.

      - Đề nghị Chủ tịch UBND và cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự tại địa phương và kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời đối với những vi phạm pháp luật về thi hành án dân sự.
     
       Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án xây dựng kế hoạch công tác trình UBND cùng cấp phê duyệt; Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện luật Thi hành án dân sự 2008 trên địa bàn với những nội dung chỉ đạo cơ quan THADS trong tỉnh thực hiện ngay sau khi có hiệu lực; tuyên truyền phổ biến, quán triệt luật THADS; chuẩn bị bàn giao công tác tổ chức; tổ chức công bố quyết định thành lập các cơ quan thi hành án.
     
       Tham mưu cho Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị số 29 - CT/TU ngày 13/10/2009 về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Ban chỉ đạo đã tham mưu cho Chủ tịch UBND các cấp đưa ra những chỉ đạo sâu sát, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để thi hành dứt điểm các vụ việc đối với các vụ án lớn, phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, những vụ việc tôn đọng kéo dài nhiều năm.
     
       Các ủy viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự; đề xuất biện pháp chỉ đạo công tác thi hành án dân sự và biện pháp giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, chịu trách nhiệm về ý kiến của mình trong các cuộc họp; trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành, đơn vị mình, có trách nhiệm chỉ đạo hoặc đề xuất chỉ đạo đối với tập thể, cá nhân thuộc ngành, đơn vị mình phối hợp chặt chẽ với cơ quan  thi hành án dân sự thực hiện ý kiến kết luận của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tới ngành, đơn vị mình để phối hợp thực hiện. Kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất với Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng lớn về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội đạt kết quả tốt. Kết quả thi hành án dân sự ở Lào Cai những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng bền vững, tạo đà cho những năm tiếp theo, năm 2009 đã giải quyết xong 1.822 việc với số tiền 52 tỷ đồng, năm 2010 đã giải quyết xong 2.129 việc với số tiền gần 16 tỷ đồng, năm 2011 đã giải quyết xong 2.282 việc với số tiền 17 tỷ đồng, năm 2012 đã giải quyết xong 2.337 việc với số tiền gần 18 tỷ đồng, năm 2013 đã giải quyết xong 3.091 việc với số tiền 42 tỷ đồng, năm 2014 đã giải quyết xong 3.294 việc với số tiền 46 tỷ đồng.
     
       Kết quả thi hành án là sự khẳng định vai trò, vị trí rất quan trọng của BCĐ thi hành án dân sự địa phương, góp phần không nhỏ vào việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cơ quan thi hành án. Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự và sự nỗ lực tích cực của các cơ quan Thi hành án dân sự trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bảo đảm kết quả thi hành án dân sự trên địa bàn thực chất, bền vững đã và đang tạo tiền đề phát triển cho công tác thi hành án dân sự Lào Cai trong những năm tiếp theo./.

 
                                                                       Nguyễn Quốc Lâm - Phó Cục trưởng Cục THADS Lào Cai

Các tin đã đưa ngày: