Cùng với các cơ quan thi hành án dân sự trên cả nước, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai đã hoàn thành việc đánh giá, công chức người lao động năm 2015. Trên cơ sở hướng dẫn của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 9/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, việc đánh giá, phân xếp loại đã có nhiều điểm đổi mới nhằm khắc phục những hạn chế trong việc đánh giá, phân loại công chức, người lao động trước đây.
Những điểm mới của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP đã được Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai đặc biệt lưu ý khi triển khai, hướng dẫn việc đánh giá, phân loại công chức, người lao động trong toàn tỉnh để việc đánh giá phân xếp loại thực sự đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức, người lao động trong tình hình mới:
- Thứ nhất, việc đánh giá, phân loại công chức, người lao động trước hết phải căn cứ vào nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Nghị định quy định, nếu công chức, người lao động hoàn thành khối lượng công việc dưới 70% hoặc để chậm tiến độ có thể bị phân loại là không hoàn thành nhiệm vụ. Công chức, người lao động muốn được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ buộc phải có ít nhất 1 đề tài, sáng kiến, giải pháp đem lại hiệu quả trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình.
- Thứ hai, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc đánh giá, phân loại công chức, người lao động. Theo đó, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố chịu trách nhiệm đánh giá, phân xếp loại đối với công chức, người lao động thuộc đơn vị mình (kể cả đối với phó Chi cục trưởng); Trưởng các phòng chuyên môn thuộc Cục đánh giá công chức, người lao động thuộc Phòng chuyên môn; Cục trưởng đánh giá đối với trưởng phòng chuyên môn, Phó cục trưởng, xếp loại đối với toàn thể công chức, người lao động thuộc Cục (kể cả đối với Phó cục trưởng).
- Thứ ba, gắn trách nhiệm, kết quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người lãnh đạo, quản lý với kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức, đơn vị do mình lãnh đạo, quản lý, phụ trách. Việc đánh giá lãnh đạo, quản lý phải dựa vào kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình được giao lãnh đạo, quản lý. Theo đó, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu không được cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Thứ tư, kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch công chức, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác đối với công chức, người lao động. Đặc biệt, liên quan đến chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP CP ngày 20 tháng 11 năm 2014, kết quả đánh giá là căn cứ để đưa ra khỏi nền công vụ những công chức, người lao động kém năng lực, phẩm chất: Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế công chức, người lao động được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.
Có thể thấy năm 2015, việc đánh giá, phân xếp loại công chức, người lao động của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đó kết quả đánh giá, phân xếp loại thực chất hơn, công khai, minh bạch hơn. Với tổng số 137/140 công chức được đánh giá, phân xếp loại, có 18 công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 104 công chức, người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ; 14 công chức, người lao động hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Trong thời gian tới, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả việc đánh giá, phân xếp loại công chức để đảm bảo từng bước củng cố và kiện toàn đội ngũ công chức, người lao động nói chung, góp phần xây dựng tập thể thi hành án trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.
Minh Nguyệt - Phòng TCCB