Thứ nhất, Luật Thi hành án dân sự đã tạo được hành lang pháp lý cơ bản bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự hiệu quả hơn và có nhiều quy định về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự rõ ràng, dễ thực hiện hơn. Kết quả thi hành án dân sự về việc và tiền đạt tỷ lệ cao và cơ bản được giữ vững, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn; cụ thể: Năm 2010, tỷ lệ việc thi hành xong trong số việc có điều kiện thi hành là 86,35%, tỷ lệ tiền thu được trong số tiền có điều kiện thi hành là 80,1%. Năm 2011, tỷ lệ việc thi hành xong trong số việc có điều kiện thi hành là 88%, tỷ lệ tiền thu được trong số tiền có điều kiện thi hành là 76,1%. Năm 2012, tỷ lệ việc thi hành xong trong số việc có điều kiện thi hành là 88,58%, tỷ lệ tiền thu được trong số tiền có điều kiện thi hành là 76,98%. Năm 2013, tỷ lệ việc thi hành xong trong số việc có điều kiện thi hành là 86,53%, tỷ lệ tiền thu được trong số tiền có điều kiện thi hành là 73,17%.
Thứ hai, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được thành lập phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính chất đặc thù của hoạt động thi hành án dân sự. Trong đó, việc tổ chức hệ thống thi hành án dân sự theo ngành dọc trực thuộc Bộ Tư pháp đã được kiện toàn, vị thế cơ quan Thi hành án dân sự ngày càng được nâng lên; hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự đã khẳng định được tính độc lập, ổn định và hiệu quả của thi hành án dân sự ngày càng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, chỉ đạo chuyên ngành, thống nhất từ trung ương đến cấp huyện; phát huy hiệu quả mối quan hệ phối hợp trong thi hành án dân sự, bảo đảm cơ chế vận hành có hiệu quả, thông suốt, gắn chặt với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự của cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực của Luật thi hành án dân sự, thì cũng cho thấy còn nhiều hạn chế trong công tác thi hành án dân sự và khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Thi hành án dân sự:
Một là, hoạt động thi hành án dân sự chưa được thống nhất xác định là hoạt động tư pháp gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động thi hành án dân sự, có sự cắt khúc, tách rời giữa hoạt động xét xử với hoạt động thi hành án. Sự thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa cơ quan xét xử và cơ quan Thi hành án dân sự là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thi hành án bị chậm, tồn đọng, nhiều vụ việc gây khiếu kiện bức xúc, kéo dài do chưa có quy định cụ thể để Tòa án kịp thời giải thích, đính chính, trả lời kiến nghị của đương sự và xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định có sai sót hay có tình tiết mới. Thực tiễn công tác phối hợp giữa các cơ quan (Tòa án, điều tra, trại giam, Viện kiểm sát, địa phương nơi đương sự cư trú) với cơ quan thi hành án còn gặp một số bất cập, như: Quy định tòa án cấp nào xét xử thì cấp đó chuyển bản án cho cơ quan thi hành án, nhưng có trường hợp bản án phúc thẩm đã được tòa án chuyển giao 02 tháng nhưng bản án sơ thẩm vẫn chưa được chuyển giao; có trường hợp giữa nội dung biên bản bàn giao tang vật với nội dung xử lý vật chứng trong quyết định của bản án không thống nhất, dẫn tới thủ tục nhập kho, xuất kho, xử lý gặp khó khăn; có trường hợp đương sự mãn hạn tù về địa phương nhưng cơ quan Thi hành án không biết, hoặc bỏ đi khỏi nơi cư trú, cơ quan thi hành án không xác minh được địa chỉ đương sự; trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát, viện kiểm sát mới chỉ thực hiện kiểm sát đối với hoạt động thi hành án của cơ quan Thi hành án, chưa kiểm sát việc thi hành án của các bên đương sự, nhất là người phải thi hành án. Một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, dẫn đến việc thi hành án bị vướng mắc, cơ quan thi hành án phải làm văn bản đề nghị Tòa án giải thích, phải chờ đợi lâu mới tổ chức thi hành được. Có những bản án tuyên đã có hiệu lực nhưng trên thực tế không thể thi hành được như: Tòa án tuyên bán sung công mặt hàng bị cấm buôn bán; bản án tuyên bất lợi cho người được thi hành án, trong khi người phải thi hành án là người vi phạm hợp đồng dân sự; bản án tuyên trái ngược với thỏa thuận dân sự hợp pháp giữa các bên...
Hai là, tổng số việc còn phải thi hành chuyển sang kỳ sau qua các năm tuy có giảm, nhưng vẫn lớn (gần 200 nghìn việc); số việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành án, nhất là về tiền vẫn chiếm tỷ lệ cao so với tổng số phải thi hành.
Ba là, lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo phải giải quyết vẫn còn nhiều, nhất là đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp; một số vụ việc khiếu nại phức tạp kéo dài, được dư luận quan tâm chưa được các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tập trung xử lý dứt điểm.
Bốn là, trình độ, năng lực và ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án dân sự vi phạm trình tự, thủ tục thi hành án, một số trường hợp còn có biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với đương sự, bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.
Công tác tuyển dụng công chức vào cơ quan Thi hành án dân sự vẫn còn chậm, việc bổ nhiệm các chức danh Chấp hành viên, Thẩm tra viên còn hạn chế. Tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng, không thu hút được người có năng lực; quá tải công việc của chấp hành viên tại nhiều cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, nhất là ở các địa bàn thành phố lớn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn; thiếu Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, nhất là cấp huyện chưa được khắc phục triệt để.
Năm là, một số cấp uỷ, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm, chú trọng công tác thi hành án dân sự. Lãnh đạo một số cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, các cơ quan đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự chưa phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn được giao nên việc tham mưu giúp lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo Bộ trong công tác quản lý điều hành hoạt động thi hành án dân sự vẫn nhiều hạn chế. Việc chỉ đạo, kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết đơn thư, có lúc chưa kịp thời. Việc kiểm tra hoạt động của các chấp hành viên, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của cấp trên chưa chặt chẽ, quyết liệt và kịp thời.
Sáu là, việc triển khai các dự án xây dựng trụ sở làm việc, kho vật chứng còn chậm; việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản tại một số đơn vị còn chưa tốt, hiệu quả chưa cao, một số nơi có vi phạm trong công tác tài chính; chỗ ở, đời sống, thu nhập của cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn vướng mắc trên đây có nhiều, nhưng xuất phát từ những quy định của pháp luật có thể thấy được trên mấy khía cạnh sau đây:
- Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này bộc lộ nhiều khiếm khuyết, đó là: Trình tự, thủ tục thi hành án mặc dù có nhiều tiến bộ hơn so với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 nhưng vẫn còn phức tạp, nhiều công đoạn, quá trình thi hành án kéo dài; chưa có cơ chế để đương sự tham gia một cách tích cực vào quá trình thi hành án; thiếu thống nhất với pháp luật có liên quan; chưa có quy định cụ thể các biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người được thi hành án mà chủ yếu là các quy định bảo vệ quyền lợi đối với người phải thi hành án, dẫn tới việc người phải thi hành án chây ỳ, cố tình kéo dài thi hành án và không tự nguyện thi hành án; mặt khác, việc áp dụng các biện pháp chế tài về kinh tế, hành chính, hình sự đối với người phải thi hành án không được quyết liệt, kịp thời nên chưa có đủ sức mạnh để răn đe; lấy chấp hành viên thi hành án dân sự làm trung tâm của hoạt động thi hành án; chưa có cơ chế bảo đảm an toàn cho Chấp hành viên, dẫn đến số lượng chấp hành viên phải bồi thường, bị xử lý kỷ luật, bị xử lý hình sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ngày càng tăng; quan hệ phối hợp trong hoạt động thi hành án dân sự giữa cơ quan thi hành án dân sự với Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân, Ủy ban nhân dân chưa thực sự nhịp nhàng, hiệu quả; một số vướng mắc về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự... chưa được giải quyết.
- Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này chưa đầy đủ các quy định điều chỉnh những vấn đề trong thực tiễn thi hành án dân sự, đó là quy định những thủ tục thi hành án trong các trường hợp cục thể, thi hành án hành chính...
- Luật Thi hành án dân sự và nhiều Luật chuyên ngành khác còn những mâu thuẫn, không đồng bộ: Luật Thi hành án dân sự đã khắc phục nhiều mâu thuẫn, chồng chéo với các lĩnh vực pháp luật khác. Tuy nhiên, đến nay cho thấyvẫn còn nhiều mâu thuẫn giữa Luật Thi hành án dân sự với các Luật khác và các Luật khác với nhau trong cáclĩnh vực: tài chính, ngân hàng, đất đai.v.v. dẫn đến sự không đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện nay, ví dụ các quy định về: thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản là nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất giữa Bộ luật dân sự, Luật đất đai và Luật nhà ở; trách nhiệm của Ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác trong việc cung cấp thông tin về tài khoản của người phải thi hành án cho chấp hành viên, Thừa phát lại và người được thi hành án giữa Luật Thi hành án dân sự, Luật ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác.
Vì thế, cần rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự và các Luật khác để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm cho hoạt động thi hành án dân sự hiệu quả hơn.
- Quy định của Luật Thi hành án dân sự chưa phù hợp với định hướng của cải cách tư pháp (chưa xác định thi hành án là hoạt động tư pháp, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong công tác thi hành án).
- Quy định của Luật Thi hành án dân sự chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, có những quy định chưa thể áp dụng được trong thực tế cuộc sống nên Luật Thi hành án dân sự đi vào thực tế chưa sâu, chưa thật sự có hiệu quả. Một số quy định của Luật chưa được hướng dẫn cụ thể, nên việc áp dụng chưa thống nhất trong thực tế dẫn đến hiệu quả tác động của Luật chưa cao; có những quy định đã tạo thuận lợi cho cơ quan thi hành án dân sự, nhưng gây khó khăn cho người được thi hành án (quy định người được thi hành án cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án, người được thi hành án xác minh khả năng thi hành án của người được thi hành án, quy định giảm giá nhiều lần đối với tài sản bán đấu giá không thành...).
- Chưa có cơ chế thực sự khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành án.
- Chưa quy định Tòa án phải làm rõ điều kiện thi hành án trước khi ra bản án, quyết định.
- Chưa có quy định rõ ràng để ràng buộc trách nhiệm của Viện kiểm sát khi kiểm sát hoạt động thi hành án (mặc dù Viện kiểm sát đã tiến hành kiểm sát nhưng khi xảy ra sai sót trong quá trình thi hành án lại không phải chịu trách nhiệm).
Để pháp luật thi hành án dân sự nói chung và Luật Thi hành án dân sự nói riêng ngày càng được hoàn thiện hơn, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, cần tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự và các Luật khác có liên quan đến công tác thi hành án dân sự để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, thống nhất giữa các đạo luật, giúp cho công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao hơn, theo đó cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những nội dung cơ bản theo hướng:
- Xác định hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động tư pháp, công đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng theo đúng tính chất (bản chất) của công việc: Hiện nay, do không xác định Thi hành án dân sự là hoạt động tố tụng nên đã có sự “cắt khúc” giữa hoạt động xét xử và hoạt động thi hành án. Vì vậy, sự phối hợp giữa hoạt động xét xử và thi hành án không đồng bộ dẫn đến các hệ quả: Việc thi hành án bị chậm do trong quá trình điều tra, xét xử, không áp dụng kịp thời, đầy đủ các biện pháp ngăn chặn; án tuyên không rõ hoặc khó thi hành; không xác minh làm rõ điều kiện thi hành án trước khi ra bản án, quyết định; Tòa án không kịp thời giải thích bản án, quyết định khi có sai sót, vướng mắc; khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm không xem xét đến kết quả thi hành án đã được thực hiện...v...v...
Việc không xác định rõ hoạt động thi hành án là hành chính hay tư pháp đã dẫn đến cơ quan Thi hành án dân sự chịu sự kiểm tra, giám sát của quá nhiều cơ quan. Điều này gây không ít khó khăn cho hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự. Đồng thời, việc không xác định hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động tư pháp đã ảnh hưởng đến tính độc lập của cơ quan Thi hành án dân sự trong hoạt động, mà hoạt đông này lại cần tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật.
- Xác định vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong thi hành án dân sự: Tòa án với vai trò trung tâm thực hiện quyền tư pháp phải có trách nhiệm đối với bản án, quyết định được thi hành trên thực tế. Để bảo đảm bản án, quyết định của Tòa án được thi hành nghiêm minh, đúng pháp luật và hiệu quả thì phải xác định vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động thi hành án dân sự như: ra quyết định thi hành án; trách nhiệm của Tòa án đối với kết quả thi hành án trong trường hợp bản án, quyết định bị sửa đổi, hủy bỏ; giải thích nội dung của bản án trong trường hợp tuyên không rõ hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau ...v...v...
Tuy nhiên, việc xác định vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong thi hành án dân sự cũng cần phải tính đến các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong hoạt động thi hành án dân sự.
- Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong thi hành án dân sự: Hiện nay, Viện Kiểm sát thực hiện việc kiểm sát hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự và cơ quan Thi hành án dân sự chịu sự kiểm sát của Viện Kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát các cấp trên. Như vậy, cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện có thể chịu sự kiểm sát trực tiếp của Viện Kiểm sát cấp huyện, cấp tỉnh và Viện Kiểm sát tối cao.
Quy định như hiện nay vừa gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự và giảm tính hiệu quả của hoạt động kiểm sát với với chức năng là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự. Vì vậy nên quy định theo hướng Viện kiểm sát chỉ kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động tổ chức thi hành án; đồng thời phải khắc phục tình trạng chồng chéo trong việc kiểm sát và thanh tra hoạt động của cơ quan thi hành án.
Mặt khác, Viện Kiểm sát phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các vụ việc thi hành án đã được kiểm sát mà vẫn xảy ra sai sót, tránh tình trạng đẩy toàn bộ trách nhiệm cho cơ quan Thi hành án dân sự và chấp hành viên như hiện nay.
- Nâng cao vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác thi hành án dân sự: Cơ quan Thi hành án dân sự là cơ quan Trung ương đóng tại địa phương; nhiệm vụ của cơ quan Thi hành án dân sự cũng là nhiệm vụ chính trị tại địa phương, góp phần vào sự ổn định và phát triển của địa phương. Vì vậy, cần phải có quy định nâng cao vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp cần được xác định trong lĩnh vực quản lý nhà nước để đảm bảo sự ổn định và hoạt động của cơ quan Thi hành án (tuyên truyền pháp luật về thi hành án, đảm bảo cơ sở vật chất, phối hợp trách nhiệm ...); không được gây ảnh hưởng đến tính độc lập trong hoạt động nghiệp vụ của cơ quan Thi hành án dân sự.
- Quy định các biện pháp chế tài có hiệu quả đối với cá nhân, tổ chức có liên quan trong hoạt động thi hành án dân sự: Hiện nay, hiện tượng cá nhân, tổ chức không phải là đương sự nhưng có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự không thực hiện các yêu cầu của chấp hành viên diễn ra khá phổ biến như: Không cung cấp thông tin về tài sải; không chấp hành quyết định của chấp hành viên; không hợp tác với cơ quan Thi hành án trong xác minh, cường chế thi hành án... nhưng thiếu những chế tài có hiệu quả. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, vụ việc thi hành án bị kéo dài; quyền lực nhà nước trong những trường hợp này không được thực thi; giảm hiệu quả của công tác thi hành án dân sự.
Khi sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự cần quy định rõ những biện pháp chế tài đối với cá nhân, tổ chức có liên quan không chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự.
- Xây dựng cơ chế đảm bảo an toàn pháp lý cho chấp hành viên: Thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy, trong quá trình tác nghiệp, nếu có sai sót về nghiệp vụ, rất dễ phát sinh trách nhiệm bồi thường đối với chấp hành viên. Vì vậy cần phải xây dựng cơ chế đảm bảo an toàn pháp lý, hạn chế rủi ro cho chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp. Trước mắt, kiến nghị thực hiện chế độ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự.
- Thực hiện mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án dân sự: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã tạo cơ sở pháp lý để các đương sự tự thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong hoạt động thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, những thành công bước đầu trong việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại đã khẳng định việc xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự là đúng đắn, hiệu quả.
Vì vậy, cần bổ sung quy định trong Luật Thi hành án dân sự về việc xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự để tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự, cũng như xây dựng cơ chế, lộ trình để đảm bảo việc xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự thành công.