Sign In

Thực tiễn 14 năm thi hành Luật Thi hành án dân sự và những kiến nghị hoàn thiện thể chế về pháp luật Thi hành án dân sự

18/12/2023

Thực tiễn 14 năm thi hành Luật Thi hành án dân sự và những kiến nghị hoàn thiện thể chế về pháp luật Thi hành án dân sự
Luật THADS ra đời, cùng hệ thống các các văn bản hướng dẫn thi hành về trình tự, thủ tục THADS được quy định rõ ràng, ngày một hoàn thiện hơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan THADS các cấp trong việc tổ chức thi hành án; tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác THADS, đem lại kết quả tích cực, bền vững 
Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008 được Quốc hội Khóa XII ban hành ngày 14/11/2008; quá trình tổ chức thực hiện Luật THADS đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào các năm 2014, 2022. Qua 14 năm triển khai thi hành Luật THADS, ngành THADS tỉnh Nghệ An đã chủ động tham mưu tích cực cho Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Luật THADS hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, bảo đảm các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân các cấp được thực thi nghiêm minh, bảo vệ quyền của người được thi hành án; quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước.
Luật THADS ra đời, cùng hệ thống các các văn bản hướng dẫn thi hành về trình tự, thủ tục THADS được quy định rõ ràng, ngày một hoàn thiện hơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan THADS các cấp trong việc tổ chức thi hành án; tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác THADS, đem lại kết quả tích cực, bền vững khi liên tục trong 14 năm qua cơ quan THADS tỉnh Nghệ An đều đạt và vượt các chỉ tiêu được giao, luôn duy trì vị trí tốp đầu của cả nước trong thực hiện các chỉ tiêu về công tác THADS; chất lượng hoạt động nghiệp vụ THADS được nâng lên; một số loại án đặc thù như thi hành án thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế; thi hành án án về tín dụng ngân hàng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết hiệu quả; một số vụ việc khiếu nại kéo dài, khó khăn, phức tạp được tập trung giải quyết, không để xảy ra "điểm nóng” về an ninh trật tự. Hệ thống tổ chức THADS được tổ chức theo nguyên tắc tập trung, thống nhất theo ngành dọc; có sự phối hợp song trùng trong lãnh đạo, chỉ đạo với cấp ủy, chính quyền địa phương; việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác THADS theo quy định của Luật đã cơ bản được hoàn thành; Vị thế cơ quan THADS được nâng lên và nhận được sự quan tâm hơn của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp, các ngành; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp ngày càng được tăng cường và triển khai ngày càng bài bản.
Tuy nhiên, qua 14 năm thực tiễn tổ chức thi hành án, một số quy định của Luật THADS không còn phù hợp; thiếu nhiều quy định để giải quyết các vấn đề còn phát sinh trên thực tiễn; còn nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật THADS và các quy phạm pháp luật khác có liên quan (Luật Đấu giá tài sản, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Đất đai...); Luật THADS còn quy định rất nhiều trình tự, thủ tục mà Chấp hành viên phải thực hiện trong quá trình tổ chức thi hành vụ việc nên thời gian tổ chức thi hành án nhìn chung vẫn còn dài, chưa đáp ứng được mong muốn của người dân, đặc biệt là đối với thi hành án theo đơn; việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản. Ngoài ra, với lượng việc, tiền chưa thi hành xong hàng năm phát sinh ngày càng nhiều, mặc dù cơ chế chuyển theo dõi riêng đối với những trường hợp chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP nhưng thực tế chỉ mang tính chất tạm thời và rất dễ dẫn đến việc hồ sơ bị “bỏ quên” không tác nghiệp nếu như không có tình tiết, thông tin gì mới về điều kiện thi hành án; việc ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án hiện còn bất cập khi cơ quan THA và các cơ quan có liên quan còn phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục sau khi ra quyết định về việc chưa có điều kiện như: Thông báo cho đương sự, đăng tải trên trang thông tin điện tử, gửi cho UBND xã niêm yết, xác minh lại theo định kỳ...Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 bỏ quy định "Trả đơn yêu cầu thi hành án" đã tạo nên sự bất cập về mặt thực tiễn khi đây là một trong các nguyên nhân dẫn tới án tồn đọng nhiều và tạo áp lực cho các cơ quan THADS khi những trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án nhưng cơ quan THADS vẫn phải tiếp tục theo dõi, xác minh định kỳ.
Thẩm quyền của cơ quan THADS và cá nhân Chấp hành viên theo quy định còn hạn chế khi chưa có chế tài đủ mạnh, đủ sức rán đe đối với những trường hợp không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên, không chấp hành án. Mặc dù pháp luật quy định cho Chấp hành viên được độc lập và có nhiều quyền trong quá trình tổ chức thi hành án như: quyền triệu tập đường sự; xác minh; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân sự liên quan cung cấp tài liệu để xác minh hoặc phối hợp xử lý tài sản; quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành, nhưng các quyền này chủ yếu là quyền yêu cầu, đề nghị và hầu như mọi tác nghiệp nghiệp vụ đều phải trông cậy vào sự phối hợp của các cơ quan tổ chức liên quan, nên Chấp hành viên không thể hoàn toàn chủ động thi hành án có hiệu quả; cơ chế bảo vệ đối với Chấp hành viên chưa được quy định, tính rủi ro nghề nghiệp ngày càng cao, cùng với áp lực về gia tăng công việc, Chấp hành viên còn phải đối mặt với những nguy cơ từ các bên đương sự, nhiều trường hợp người phải thi hành án chống đối, cản trở, không chấp hành án nhưng rất ít có trường hợp bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự, điều đó đã làm ảnh hưởng đến tính uy nghiêm của cơ quan THADS và pháp luật, tác động đến tâm lý khi thực hiện nhiệm vụ của Chấp hành viên, cán bộ cơ quan THADS. Luật THADS chưa có quy định cụ thể liên quan đến việc thi hành án đối với các các tài sản có tính đặc thù như Tài sản là quyền khai thác Khoáng sản, tài sản hình thành trong tương lai, tài sản là Cổ phiếu...
Nhằm hoàn thiện thể chế các quy định pháp luật THADS, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn 14 năm tổ chức thi hành Luật THADS góp phần ngày càng nâng cao hiệu quả công tác, ngành THADS tỉnh Nghệ An đề xuất một số nội dung sau:
1. Cần quy định theo hướng rút ngắn về trình tự, thủ tục về thi hành án dân sự, với việc cắt giảm thủ tục hành chính và đẩy mạnh cơ chế liên thông một cửa trong lĩnh vực thi hành án dân sự; nghiên cứu, xây dựng cơ chế thi hành án rút gọn trong một số trường hợp thi hành án có yếu tố đặc thù như thi hành án cho Nhà nước đối với thi hành án thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng .
2. Pháp luật về địa vị pháp lý của Chấp hành viên phải được xây dựng với hướng mở rộng quyền, tạo hành lang pháp lý cho Chấp hành viên thực sự có quyền chủ động, độc lập; giảm bớt những nhiệm vụ, quyền hạn không cần thiết, chưa phù hợp, mang tính chất “làm thay đương sự”, tạo điều kiện cho Chấp hành viên tập trung, dành nhiều thời gian hơn vào việc thực hiện các trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án. Đồng thời có cơ chế để bảo vệ Chấp hành viên, để họ an tâm công tác, góp phần thực hiện dân chủ và công bằng xã hội, giữ gìn kỷ cương pháp luật, bảo vệ triệt để quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân khi bị xâm hại.
3. Cần bổ sung các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết đối với các tài sản thi hành án có tính đặc thù cũng như về vấn đề bán đấu giá tài sản thi hành án.
4. Nâng cao hiệu quả phối hợp, trách nhiệm của các cơ quan khác có liên quan trong THADS như: Xác định rõ chế tài phải chịu trách nhiệm đối với những cá nhân, cơ quan khi không nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về phối hợp trong công tác THADS. Nghiên cứu bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã trong THADS theo hướng tăng cường, quy định rõ hơn. Nghiên cứu quy định chuyển giao cho UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành các vụ việc có giá trị nhỏ về án phí, khấu trừ thu nhập, nhằm nâng cao hiệu quả THADS, giảm tài một phần công việc cho cơ quan THADS.
5. Nghiên cứu xây dựng trong Luật THADS 01 Chương riêng quy định về thi hành án có yếu tố nước ngoài để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, làm cơ sở cho cơ quan THADS thực hiện. Trong đó, xác định rõ các khái niệm việc thi hành án có yếu tố nước ngoài và quy định về thẩm quyền thi hành án cho phù hợp; Quy định cụ thể rõ phương thức thực hiện thông báo đối với các trường hợp cụ thể :(i) thi hành án có yếu tố nước ngoài nhưng các đương sự đều đang ở Việt Nam; (ii) đương sự đang cư trú hoặc có trụ sở ở nước ngoài; Giảm bớt thời hạn thực hiện ủy thác tư pháp và quy định rõ thời hạn thực hiện các trình tự, thủ tục khác về thi hành án trong trường hợp cần phải ủy thác tư pháp./.
Trần Công Hòa
                                                           Phó cục trưởng Cục THADS tỉnh Nghệ An

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: