Xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước cho người phải thi hành án là một quy định nhân đạo, mang tính nhân văn của Nhà nước Việt Nam. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những ưu điểm của các quy định cũ, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 (có hiệu lực kể từ 01/7/2015), đã có sự điều chỉnh quan trọng đối với việc xét miễn, giảm cho người phải thi hành án phù hợp với thực tiễn. . Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng luật vẫn còn những vướng mắc khó khăn cần có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể. Một trong số đó là vấn đề quy định về việc xét miễn phần án phí, tiền phạt cho người phải thi hành án lập công lớn
1.Quy định miễn phần án phí, tiền phạt cho người phải thi hành án lập công lớn là điểm mới của Luật Thi hành án dân sự năm 2014
Có thể nói, quy định về việc miễn phần án phí, tiền phạt cho người phải thi hành án lập công lớn là một trong những điểm mới của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Luật THADS năm 2014)
Tại khoản 4 Điều 61 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014 quy định việc xét miễn đối với đối tượng phải thi hành án lập công lớn như sau: “Người phải thi hành án đã tích cực thi hành được một phần án phí, tiền phạt ..lập công lớn thì được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại.”
Để hướng dẫn cụ thể khoản 4 Điều 61 Luật THADS năm 2014, khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015(sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 12) quy định cụ thể nội dung này, như sau:
Người phải thi hành án đã tích cực thi hành được một phần án phí quy định tại Khoản 1 Điều này; thi hành được một phần tiền phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự về miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.
Người phải thi hành án lập công lớn, cụ thể là các trường hợp:
- Đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm;
-Cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác;
- Có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Như vậy, việc xét miễn phần án phí, tiền phạt cho người phải thi hành án lập công lớn là trường hợp đặc biệt, khác với việc xét miễn cho những đối tượng phải thi hành án thông thường:
*Đối với trường hợp xét miễn, giảm đối với những người phải thi hành án thông thường phải đáp ứng được các điều kiện gồm:
- Người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án (không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án);
- Phải đủ thời gian theo quy định của pháp luật;
- Phải thi hành được 1/50 tổng số tiền phải thi hành đối với các khoản thu cho Ngân sách Nhà nước;
Tuy nhiên trong trường hợp người phải thi hành án lập công lớn, việc xét miễn khoản án phí, tiền phạt chỉ 02 điều kiện như đã nói ở trên.
2. Một số vấn đề cần nghiên cứu trong việc áp dụng quy định về xét miễn án phí, tiền phạt cho người phải thi hành án lập công lớn
Qua thực tiễn tổ chức thi hành án, bản thân tôi nhận thấy việc áp dụng quy định xét miễn phần án phí, tiền phạt đặt ra một số vấn đề cần giải quyết như:
2.1. Thời điểm lập công lớn của người phải thi hành án
Việc lập công lớn của người phải thi hành án có thể là trước hoặc sau khi có bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án. Vậy, công lớn được lập tại thời điểm nảo sẽ được tính để xét miễn?
Ví dụ: Tháng 9/2001ông Nguyễn Văn A đã có công cứu người trong trận lũ ở huyện B, tỉnh C và được UBND tỉnh tặng bằng khen. Năm 2004 ông B bị bắt và xét xử vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Thời hạn tù 15 năm và phải nộp án phí 200.000đ, tiền phạt 20.000.000đ. . Quá trình thi hành án ông C đã thi hành được 1.600.000đ. Vậy trường hợp này có xét miễn khoản tiền phạt và án phí cho ông C theo quy định trên hay không?
Quan điểm thứ nhất cho rằng cho rằng việc lập công lớn của người phải thi hành án không phụ thuộc vào thời gian họ lập công lớn trước hay sau khi có bản án. Bởi lẽ: Theo quy định của pháp luật, nếu cá nhân, công dân có hành động lập công lớn được cơ quan nhà nước ghi nhận thì bản thân họ được hưởng các chế độ chính sách đãi ngộ đặc biệt mà Đảng, Nhà nước dành cho họ. Ngoài việc được khen thưởng tức thời, họ còn được hưởng những ưu đãi riêng, ví dụ như khi họ vi phạm pháp luật hình sự và bị khởi tố hình sự thì việc họ lập công lớn là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điểm q, r, s khoản 1 Điều 46 Bộ Luật Hình sự năm 1999). Do đó, công lớn mà họ đã lập sẽ là yếu tố tiên quyết để tiến hành xét miễn khi phải thi hành án.
Quan điểm thứ hai cho rằng, để xét miễn án phí, tiền phạt cho người phải thi hành án lập công lớn thì hành động lập công lớn phải được thực hiện trong thời hạn họ đang phải thi hành các khoản án phí, tiền phạt. Điều này phù hợp với quy định trong một số Luật như: khoản 1 Điều 57 Bộ Luật Hình sự năm 1999 và điểm a khoản 2 Điều 10 Luật Đặc xá năm 2007. Bên cạnh đó, xét về mặt tích cực, khi quy định như vậy sẽ tạo nên động lực để người phải thi hành án hăng hái hành động để trở thành người có ích cho nhân dân, cho đất nước.
Bản thân tôi nhất trí với quan điểm thứ hai. Bởi lẽ, theo cách quy định của Điều 61 Luật Thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung và Thông tư liên tịch số 12, cần hiểu theo hướng: Người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành án phí, tiền phạt đã tích cực thi hành được một phần thì lập công lớn sẽ được xét miễn phần án phí, tiền phạt còn lại.
Tuy nhiên, để áp dụng quy định này chặt chẽ và toàn diện hơn, tôi có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, việc tính thời điểm lập công lớn để xét miễn án phí, tiền phạt này mới chỉ phù hợp với người phải thi hành án trong các bản án hình sự. Việc thi hành án phí trong vụ án dân sự cũng cần được xem xét để miễn, nếu người phải thi hành án lập công lớn.
Quan điểm:
Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, việc xác định thời điểm lập công lớn làm căn cứ xét miễn các khoản án phí trong các vụ án dân sự cho người phải thi hành án có thể tính trước thời điểm bản án có hiệu lực lực pháp luật. Pháp lệnh phí, lệ phí tòa án chưa có quy định nào để miễn hay giảm một phần án phí trong vụ án dân sự cho người phải thi hành án lập công lớn. Do đó, để đảm bảo tính công bằng của pháp luật, đảm bảo quyền lợi ích cho người phải thi hành án, cần tính thời điểm lập công lớn kể cả trước khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đối với người phải thi hành án trong các vụ án dân sự.
Thứ hai, việc xét miễn án phí, tiền phạt cho người phải thi hành án cần phải đảm bảo hai nguyên tắt nhất định sau:
- Mỗi hành động lập công lớn chỉ được làm căn cứ xét miễn một lần cho một bản án, quyết định;
- Nếu người phải thi hành án đang thi hành các khoản thu nộp ngân sách trong nhiều bản án, quyết định khác nhau thì việc xét miễn có thể áp dụng cho bản án, quyết định gần nhất với thời gian người phải thi hành án lập công lớn
2.2. Về điều kiện “Đã tích cực thi hành được một phần án phí, tiền phạt”
Hiện có 02 cách hiểu như sau:
- Quan điểm thứ nhất: “Đã tích cực thi hành được một phần án phí, tiền phạt...” có nghĩa là người phải thi hành án có ý thức chấp hành pháp luật, tích cực thi hành nghĩa vụ mà bản án đã tuyên, thể hiện ở việc nhiều lần nộp tiền thi hành án, khi có điều kiện đều tự nguyện thi hành, nhưng đến trước thời điểm lập công lớn người phải thi hành án vẫn chưa thi hành xong.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: “Đã tích cực thi hành được 1 phần tiền án phí, tiền phạt....” có nghĩa là người phải thi hành án đã thi hành được một khoản tiền nhất định đáp ứng được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 12.
Theo quan điểm của bản thân, thiết nghĩ: “ đã tích cực thi hành được một phần án phí, tiền phạt” phải bảo đảm cả hai quan điểm trên, nghĩa là thái độ thi hành tích cực và kết quả là thi hành được một phần theo quy định của khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 12.
Pháp luật là công cụ để điều hành, quản lý xã hội, thể hiện tính công bằng, nghiêm minh nhưng đồng thời cũng thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước dành cho những cá nhân có thành tích nổi bật đóng góp quan trọng cho lợi ích cộng đồng. Chính vì lẽ đó, trong phạm vi xét miễn các khoản án phí, tiền phạt đối với người phải thi hành án lập công lớn, chúng ta không nên vận dụng pháp luật một cách cứng nhắc mà phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống gắn liền với các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước để giải quyết
Những vấn đề trao đổi trên là những vướng mắc cần giải quyết qua thực tiễn tổ chức thi hành án.. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp tất cả các đồng nghiệp và bạn đọc./.
Đặng Quyền Sang