Nói đến thi đua là nói đến hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể. Một hình thức để vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhằm hướng đến mục đích chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, thi đua phải trở thành phong trào mang tính toàn dân, toàn diện, là công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi cá nhân và tập thể.
Đây là vấn đề rất cơ bản về công tác thi đua, vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn trong tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Làm bất cứ việc gì cũng cần phải có thi đua, thi đua gắn liền với công việc hàng ngày của mọi người, của mọi ngành, mọi cấp. Tóm lại, thi đua gắn với mọi hoạt động của con người trong đời sống xã hội, thi đua là nhiệm vụ tất yếu của sự phát triển xã hội.
Ngay trong Lời kêu gọi Thi đua ái quốc ngày 11/6/1948, tính toàn dân toàn diện được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ. Chúng ta đã động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống yêu nước, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của dân tộc, đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Theo Hồ Chí Minh “Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”, nghĩa là thi đua không phải cái gì xa xôi mà ngay chính trong công việc hàng ngày của mỗi cá nhân, tập thể. Nói đến công việc hàng ngày là nói đến mọi hoạt động của đời sống con người. Chúng ta thử đặt câu hỏi, nếu như tất cả các hoạt động của đời sống xã hội cứ diễn ra đều đều, không có tính đột phá, không có sự thi đua thì sẽ ra sao? Một điều chắc chắn là xã hội sẽ không phát triển. Sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước sẽ không thực hiện được.
Vì vậy, Hồ Chí Minh xem thi đua yêu nước là công việc của mọi người, mọi ngành, mọi cấp, không phân biệt già trẻ, gái trai,... hễ là người Việt Nam đều có thể và cần phải thi đua yêu nước.
Người cho rằng “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Quyền hạn và lực lượng đều ở nơi dân”, “vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”.
Trên thực tế, không phải ai cũng hiểu được “Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Trong Lời kêu gọi thi đua yêu nước ngày 01/8/1949 sau khi khen ngợi, biểu dương kết quả thi đua yêu nước của đồng bào và chiến sĩ cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “Còn nhiều nơi nhân dân, trước hết là cán bộ, chưa hiểu rõ ràng ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước. Do đó, mà có những khuyết điểm như sau: tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”.
Để giải thích ý kiến của mình, Người đưa ra ví dụ rất cụ thể: từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy.
Đối với từng đối tượng, từng lĩnh vực Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra những nhiệm vụ thi đua yêu nước phù hợp vị trí của họ:
“Binh: giết nhiều giặc, cướp nhiều đồn, dụ nhiều hàng binh, đoạt nhiều vũ khí; hăng hái tham gia cuộc vận động rèn luyện cán bộ, chỉnh đốn quân đội;
Sĩ: học trò chăm học và phải học quân sự, nhà chuyên môn phát minh và sáng chế để giúp cho bộ đội đánh giặc và cải thiện đời sống cho nhân dân; văn nghệ sĩ sáng tác để động viên tinh thần dân tộc và để tuyên truyền kháng chiến ra nước ngoài; các viên chức triệt để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính;
Nông: trồng nhiều lúa, nhiều màu, nhiều bông, để quân và dân đủ ăn, đủ mặc, đủ dùng; bảo vệ mùa màng, cất giấu thóc lúa, sẵn sàng tiếp tế lương thực cho quân đội và các cơ quan;
Công: chế nhiều vũ khí, dụng cụ, sản phẩm để đánh giặc và để cung cấp cho nhân dân;
Thương: mở mang việc buôn bán, giúp vào việc tiếp tế, buôn nội hóa, tránh chợ đen; giữ vững đồng tiền Việt Nam”.
Như vậy, thi đua ở đây không chỉ dừng lại trên lĩnh vực sản xuất vật chất mà còn được mở rộng ra các lĩnh vực văn học, báo chí, nghệ thuật, khoa học, giáo dục, y tế... tất cả đều có thể thi đua.
Với khẩu hiệu “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua” chúng ta đã động viên được hàng triệu triệu người và mọi cấp mọi ngành trong cả nước tham gia, tạo nên khí thế thi đua rất sôi nổi.
Thi đua theo quan điểm Hồ Chí Minh không chỉ trong một thời gian ngắn, không chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào. Mà thi đua phải thường xuyên, liên tục, là công việc của tất cả mọi người. Cho nên, trong thi đua, chúng ta phải đồng thời bồi dưỡng lực lượng và tinh thần của quần chúng. Người căn dặn “tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua phải trường kỳ. Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”, “thi đua phải lâu dài và rộng khắp”.
75 năm qua, thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn được Ðảng và Nhân dân ta vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Phong trào thi đua yêu nước luôn thể hiện là tư tưởng chủ đạo trong công tác vận động cách mạng hiệu quả. Trở thành nhân tố quan trọng góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.
Đặng Ngọc Kính
|