Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác này, Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai có hiệu quả nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân. Đối với lĩnh vực thi hành án dân sự, trong những năm qua công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng đã được các Ngành, các cấp quan tâm thực hiện tương đối tốt và đạt được nhiều kết quả, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, thông qua việc công dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và trực tiếp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan thi hành án dân sự cho thấy trong quá trình tổ chức thực hiện đối với công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số nơi Lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự chưa thực sự quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trình độ, năng lực của cán bộ tiếp công dân còn hạn chế nên chưa trả lời, giải thích, hướng dẫn công dân hiểu rõ và thực hiện các quy định của pháp luật dẫn đến công dân khiếu nại, tố cáo bức xúc, khiếu kiện kéo dài vượt cấp; việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền còn chậm, thiếu dứt điểm, không đảm bảo đầy đủ trình tự, thủ tục pháp luật quy định, còn lòng vòng kéo dài thời gian giải quyết.
Bài viết này tập trung trình bày, trao đổi khái quát các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân và những kỹ năng cơ bản trong tiếp công dân nói chung, đối với công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến thi hành án dân sự nói riêng.
1. Khái niệm
1.
Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 của Luật Tiếp công dân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp công dân bao gồm tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất.
2.
Xử lý đơn là việc cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền khi nhận được đơn của cá nhân, cơ quan, tổ chức phải căn cứ và đối chiếu với quy định của pháp luật để thụ lý giải quyết nếu thuộc thẩm quyền của mình hoặc hướng dẫn công dân hoặc chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình nói chung.
Khiếu nại về thi hành án dân sự nói riêng là việc đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án dân sự đề nghị người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
4. Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật Tố cáo quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Tố cáo về thi hành án dân sự là việc công dân báo cho người có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức trong thi hành án dân sự.
5.
Kiến nghị, phản ánh là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó.
Đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự là việc công dân, cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với người có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong thi hành án dân sự.
2. Trách nhiệm tổ chức tiếp công dân
2.1. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự
a) Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình:
Ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân;
Bố chí địa điểm thuận lợi cho việc tiếp công dân, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc tiếp công dân;
Phân công cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân thường xuyên;
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung;
Kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có trách nhiệm thuộc quyền quản lý của mình thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân;
Có trách nhiệm bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân;
Báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
b) Trực tiếp tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng tại Trụ sở, địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình.
c) Thực hiện tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp sau:
- Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau;
- Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Khi tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc cho công dân. Trường hợp chưa trả lời ngay được thì chỉ đạo đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo thời gian trả lời cho công dân.
2.2. Trách nhiệm của người tiếp công dân
Khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải bảo đảm trang phục chỉnh tề, có đeo thẻ công chức, viên chức hoặc phù hiệu theo quy định.
Yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); có đơn hoặc trình bày rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc.
Có thái độ đứng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.
Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.
Trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân.
Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
2.3. Địa điểm tiếp công dân
Địa điểm tiếp công dân của cơ quan thi hành án dân sự phải được bố trí tại vị trí thuận tiện, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh được dễ dàng, thuận lợi.
Tại địa điểm tiếp công dân, phải niêm yết rõ ràng nội quy tiếp công dân của cơ quan, đơn vị, hướng dẫn về quy trình tiếp công dân, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật và các thông tin về lịch tiếp công dân.
3. Quy trình tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh
Quy trình tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được quy định rõ tại Thông tư 06/2014/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ. Nhìn chung quy trình tiếp công dân gồm các bước cơ bản:
3.1. Xác định nhân thân, tính hợp pháp của người đại diện
Thực tế cho thấy một số cán bộ tiếp công dân còn lúng túng trong việc tiếp nhận và xử lý đơn của công dân. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người dân còn không biết viết đơn hoặc gửi đơn không đúng thẩm quyền hoặc đơn viết nội dung không rõ ràng, còn lẫn lộn các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Để đảm bảo cho người tiếp công dân tiếp nhận và xử lý đơn của công dân được thực hiện thống nhất, Điều 25 của Luật quy định, khi công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân có trách nhiệm đón tiếp, yêu cầu họ trình bày họ tên, địa chỉ, xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc giấy ủy quyền (nếu có); tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc hướng dẫn người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày nội dung vụ việc.
b) Xác định nhân thân của người khiếu nại, tố cáo
Khi tiếp công dân về thi hành án dân sự, cán bộ tiếp công dân đề nghị người khiếu nại, tố cáo giới thiệu họ tên, địa chỉ, xuất trình giấy tờ tùy thân của họ. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo không xuất trình được giấy tờ tùy thân thì cán bộ tiếp công dân từ chối không tiếp; trừ trường hợp khiếu nại, tố cáo quyết định, hành vi vi phạm pháp luật có khả năng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, cơ quan, tổ chức, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì cán bộ tiếp công dân phải kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất để thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn hoặc thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Theo Thông tư 06/2014/TT-TTCP thì người khiếu nại có quyền ủy quyền cho người khác khiếu nại hoặc cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại trong trường hợp nhiều người cùng khiếu nại. Trường hợp công dân đến tố cáo thì không được ủy quyền cho người khác tố cáo thay và cán bộ tiếp công dân phải có trách nhiệm giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo trừ khi người tố cáo đồng ý công khai.
Các điều kiện để khiếu nại, tố cáo
- Người khiếu nại, tố cáo là người phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Người khiếu nại là người có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi mà mình khiếu nại; trường hợp khiếu nại thông qua người đại diện thì người đại đại diện phải là một trong số những người khiếu nại nêu trên và phải là người có năng lực pháp luật dân sự đầy đủ.
b) Xác định tính hợp pháp của người đại diện
- Đại diện theo pháp luật: Người khiếu nại chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện là người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người tiếp công dân yêu cầu người đại diện xuất trình giấy giới thiệu, giấy tờ tùy thân của người được đại diện.
- Đại diện theo ủy quyền: Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại, theo đó, có các trường hợp sau:
+ Trường hợp người khiếu nại đau ốm, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì có thể ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại.
+ Trong trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người đại diện theo quy định của pháp luật để thực hiện việc khiếu nại thì người tiếp công dân đề nghị người được ủy quyền xuất trình giấy ủy quyền, giấy tờ tùy thân của người được ủy quyền.
+ Người khiếu nại có thể ủy quyền cho luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trong trường hợp qua kiểm tra, người công dân không có giấy ủy quyền hợp lệ hoặc việc ủy quyền không theo đúng quy định của pháp luật thì cán bộ tiếp công dân không tiếp nhận hồ sơ vụ việc nhưng phải giải thích rõ lý do, hướng dẫn để công dân làm các thủ tục cần thiết để thực hiện việc khiếu nại theo đúng quy định pháp luật.
c) Giữ bí mật và bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo
Trong quá trình tiếp người tố cáo, người tiếp công dân phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo trừ khi người tố cáo đồng ý công khai; không được tiết lộ những thông tin có hại cho người tố cáo; nếu thấy cần thiết hoặc khi người tố cáo yêu cầu thì người tiếp công dân áp dụng những biện pháp cần thiết hoặc kiến nghị áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo.
d) Những trường hợp từ chối tiếp công dân
Người tiếp công dân có quyền từ chối tiếp công dân trong các trường hợp sau (Điều 9. Luật tiếp công dân năm 2013).
- Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
- Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.
- Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tính khiếu nại, tố cáo kéo dài.
- Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật
3.2. Nghe, ghi chép nội dung khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận thông tin tài liệu
a) Vào Sổ tiếp công dân
Nội dung người khiếu nại, tố cáo trình bày phải được ghi vào Sổ tiếp công dân. Sổ tiếp công dân được in theo mẫu và có các nội dung sau: số thứ tự, ngày tiếp, họ và tên, địa chỉ, nội dung sự việc, quá trình xem xét, giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền (nếu có); yêu cầu, đề nghị của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Trường hợp người khiếu nại, tố cáo có đơn trình bày nội dung rõ ràng, đầy đủ thì người tiếp công dân xác định nội dung vụ việc, yêu cầu của người khiếu nại để xử lý cho phù hợp.
Trường hợp nội dung đơn khiếu nại không rõ ràng, chưa đầy đủ thì người tiếp công dân đề nghị người khiếu nại viết lại đơn hoặc viết bổ sung vào đơn những nội dung chưa rõ, còn thiếu.
Trường hợp không có đơn khiếu nại thì người tiếp công dân hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại theo các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật khiếu nại.
Nếu công dân trình bày trực tiếp thì người tiếp công dân ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung khiếu nại do công dân trình bày; nội dung nào chưa rõ thì đề nghị người khiếu nại trình bày thêm, sau đó đọc lại cho người khiếu nại nghe và đề nghị người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật khiếu nại.
Trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung thì người tiếp công dân hướng dẫn người khiếu nại cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, người tiếp công dân ghi lại nội dung khiếu nại bằng văn bản như theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật khiếu nại.
Trường hợp đơn khiếu nại có nội dung tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết thành đơn khiếu nại riêng để thực hiện việc khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
b) Lập biên bản tiếp công dân
Khi tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân phải giải thích và hướng dẫn cho công dân, người đại diện của họ về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự; trách nhiệm của người tiếp công dân, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.
Sau khi nghe người khiếu nại, tố cáo trình bày, nghiên cứu sơ bộ nội dung khiếu nại, các thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan mà người khiếu nại, tố cáo cung cấp, người tiếp công dân lập biên bản tiếp công dân. Biên bản được lập thành 02 bản, giao người khiếu nại, tố cáo 01 bản, biên bản xác định những nội dung sau:
- Địa điểm, thời gian phát sinh vụ việc.
- Người bị khiếu nại, tố cáo là cá nhân, cơ quan thi hành án dân sự nào.
- Nội dung khiếu nại, tố cáo và thẩm quyền giải quyết.
- Đối tượng khiếu nại, tố cáo là quyết định, hay hành vi.
- Quá trình xem xét, giải quyết (nếu có): cơ quan đã giải quyết; kết quả giải quyết; hình thức văn bản giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.
- Yêu cầu của người khiếu nại, tố cáo.
c) Tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng
Khi người khiếu nại cung cấp các thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan đến khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh như: quyết định hành chính bị khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có), các thông tin, tài liệu, bằng chứng khác có liên quan thì người tiếp công dân phải kiểm tra tính hợp lệ của các thông tin, tài liệu, bằng chứng đó.
Trong trường hợp khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, sau khi đối chiếu thông tin, tài liệu, bằng chứng do người khiếu nại cung cấp, người tiếp công dân phải viết
“Giấy biên nhận”. Giấy biên nhận được lập thành 02 bản, ghi lại tên các thông tin, tài liệu, bằng chứng đã nhận, tình trạng thông tin, tài liệu, bằng chứng và đề nghị người khiếu nại ký vào
“Giấy biên nhận”, giao 01 bản cho người khiếu nại, tố cáo.
3.3. Phân loại, xử lý khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh
a) Xử lý đối với khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị phản ánh thuộc thẩm quyền
Trường hợp khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì người tiếp công dân phải làm các thủ tục tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh và các thông tin, tài liệu, bằng chứng kèm theo (nếu có), báo cáo với Thủ trưởng cơ quan để thụ lý, giải quyết trong thời hạn do pháp luật quy định.
Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh đề nghị gặp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì người tiếp công dân ghi lại nội dung khiếu nại, tố cáo, đồng thời báo cáo với thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự xem xét, quyết định. Nếu thủ trưởng cơ quan đồng ý và thống nhất được thời gian tiếp thì người tiếp công dân ghi Phiếu hẹn ngày, giờ, địa điểm tiếp cho người khiếu nại, tố cáo; đồng thời có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc để phục vụ việc tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.
b) Xử lý đối với khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị phản ánh không thuộc thẩm quyền
Trường hợp khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới hoặc cơ quan khác thì người tiếp công dân hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
4. Một số điểm cần lưu ý trong việc tiếp công dân
4.1. Tiếp nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
a) Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung
Khi nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại nơi tiếp công dân thì người tiếp công dân yêu cầu những người này phải cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với người tiếp công dân. Người đại diện phải là người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, người phản ánh. Việc cử người đại diện phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký của tất cả những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Trường hợp có từ 05 đến 10 người thì cử 01 hoặc 02 người đại diện; trường hợp có trên 10 người thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 05 người. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử người đại diện.
Người tiếp công dân về thi hành án dân sự có trách nhiệm tiếp nhận các tài liệu, ghi chép đầy đủ ý kiến trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo của người đại diện, đọc lại cho người đại diện nghe và yêu cầu ký xác nhận.
- Nếu người đại diện là cá nhân có hành vi gây rối, vi phạm nội quy, quy chế tiếp công dân thì người tiếp công dân từ chối không để người đó làm đại diện và đề nghị cử người khác làm đại diện cho người khiếu nại, tố cáo.
- Yêu cầu người đại diện trình bày nội dung vụ việc và các yêu cầu của người khiếu nại, tố cáo. Trên cơ sở trình bày và các thông tin, tài liệu do người đại diện cung cấp và từ các nguồn khác có được, người tiếp công dân xác định nội dung vụ việc, nguyên nhân, động cơ của việc khiếu nại, tố cáo, yêu cầu của người khiếu nại, tố cáo để báo cáo Thủ trưởng cơ quan có các biện pháp xử lý kịp thời.
Trong quá trình tiếp công dân, người tiếp công dân chú ý phân loại các đối tượng đến khiếu nại, tố cáo, như: người có quyền lợi trực tiếp liên quan nội dung khiếu nại, tố cáo; người lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo người khác khiếu nại, tố cáo; những người bị kích động, lôi kéo; những đối tượng chính sách để có các biện pháp xử lý thích hợp.
b) Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về nhiều nội dung.
Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp, có nhiều nội dung, thuộc trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, đã qua nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, giải quyết hoặc vụ việc có rất nhiều người tham gia, diễn biến phức tạp thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm:
- Chủ trì hoặc phối hợp với đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hoặc đại diện Ủy ban nhân dân địa phương nơi phát sinh khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp người đại diện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự nơi sảy ra vụ việc cùng tiếp công dân;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu; cử người có trách nhiệm tham gia tiếp người đại diện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
c) Trường hợp những người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có hành vi kích động, gây rối trật tự hoặc đe dọa đối với người tiếp công dân
Trường hợp những người đến địa điểm tiếp dân có hành vi kích động, gây rối trật tự hoặc đe dọa đối với người tiếp công dân thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải kịp thời tăng cường người tiếp công dân; yêu cầu cơ quan công an hoặc cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.