Theo phản ánh của công dân có nơi vẫn để xảy ra tình trạng cán bộ tiếp công dân có thái độ thờ ơ, vô cảm, thách đố dân vì vậy dẫn đến nảy sinh tâm lý tiêu cực, bế tắc, thậm chí mất lòng tinh của công dân vào cơ quan thực thi pháp luật nói chung, cơ quan Thi hành dân sự nói riêng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, vượt cấp kéo dài về thi hành án dân sự.
Nhiều địa phương vẫn còn hiện tượng giải quyết né tránh, đùn đẩy, thấy sai nhưng không chịu sửa làm cho việc giải quyết lòng vòng, kéo dài, cá biệt có cơ quan không thực hiện đúng trách nhiệm được giao và nghĩa vụ pháp lý của mình, có hành vi bao che, cố ý làm sai. Tại nhiều địa phương có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo mặc dù đã được Bộ, Ngành tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, có báo cáo kết luận, đề xuất hướng xử lý và báo cáo nội dung xin ý kiến chỉ đạo Thủ tướng chính phủ và đã được Thủ tướng phê duyệt cho ý kiến chỉ đạo nhưng cơ quan Thi hành án thực hiện chưa triệt để, không nghiêm túc cá biệt có địa phương không thực hiện từ đó người dân tiếp tục khiếu kiện gay gắt về Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp dẫn đến việc Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp phải ra văn bản đôn đốc có phương án giải quyết vụ việc kéo dài, vụ việc đã được Lãnh đạo Bộ tiếp công dân.
Vẫn có những địa phương chưa quan tâm đến công tác tiếp công dân, công tác nắm bắt tình hình diễn biến khiếu nại tố cáo chưa được tốt, công tác dự báo chưa được quan tâm đúng mức thiếu ý thức phối hợp do vậy kết quả đạt được chưa cao.
1. Về giải pháp thực hiện
1.1.Về công tác phối hợp tiếp công dân: Nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo phụ trách, cán bộ làm công tác thường xuyên tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân trong việc phối hợp tiếp công dân, xử lý đơn thư phải đồng bộ, toàn diện về chất lượng cán bộ làm công tác tiếp công dân như: Cán bộ làm công tác tiếp công dân tại các cấp trước tiên phải có tác phong nghiêm túc tạo được thiện cảm đối với các tầng lớp nhân dân, luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp, được trang bị đầy đủ các kỹ năng giao tiếp, nắm bắt tâm lý người đối diện. Phải luôn nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, có ý thức đối với trọng trách được giao, đặc biệt phải xây dựng được chính sách đặc thù đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân để họ hoàn toàn yên tâm công tác, có nhiệt huyết, có nhiều sáng kiến khi thực hiện nhiệm vụ.
Thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp số 3982/QĐ- BTP, ngày 29/9/2011 giữa Tổng cục Thi hành án dân sự và Thanh tra Bộ Tư pháp. Tăng cường sự phối hợp, giao lưu giữa các địa phương và bộ phận tiếp công dân, xử lý đơn thư của Tổng cục Thi hành án dân sự; xây dựng, ký kết các văn bản hợp tác, quy chế phối hợp giữa địa phương với đơn vị tiếp dân, xử lý đơn thư Tổng cục Thi hành án dân sự và các đơn vị có liên quan, đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, việc tiếp dân bằng nhiều hình thức như đăng tin bài, trên các phương tiện thông tin, truyền thông từ Trung ương đến cơ sở.
Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các địa phương, các đơn vị thực hiện tốt công tác phối hợp tiếp công dân và xử lý đơn thư;
Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn các địa phương trong công tác tiếp công dân, cần có sự phối hợp tích cực với chính quyền và các lực lượng công an của địa phương.
Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự tham gia các cuộc đối thoại trực tiếp của các cơ quan, đại biểu Trung ương tại các địa phương khi có yêu cầu.
Tăng cường công tác kiểm tra trách nhiệm đối với người đứng đầu của các địa phương trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đối với các trường hợp khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp. Công dân đã được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp, đơn khiếu nại, tố cáo đã được Lãnh đạo Bộ, Tổng cục xử lý theo đúng quy định và đã có văn bản gửi các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương xem xét, giải quyết, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền hoặc yêu cầu báo cáo kết quả giải quyết về Tổng cục. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp các cơ quan này để quá thời gian quy định, không giải quyết, trả lời công dân, không tiếp công dân hoặc có tiếp thì tiếp sơ sài rồi trả lời qua loa. Dẫn đến tình trạng công dân lại tiếp tục quay lại Bộ, Tổng cục. Đối với những trường hợp này, đề nghị Lãnh đạo Thi hành án dân sự phải xem xét, xử lý theo đúng quy định của Pháp luật, gắn trách nhiệm tiếp công dân, xử lý đơn thư với trách nhiệm của Lãnh đạo Cục, chi cục Thi hành án dân sự.
1.2. Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư: Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư cần phải đề cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong tiếp dân; Gắn chặt công tác tiếp dân với kiên trì vận động, giải thích, đối thoại để giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Ngoài việc lắng nghe công dân trình bày, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu cần phải có cơ chế đặc thù riềng cho việc tổ chức đoàn đi kiểm tra, đôn đốc tại các địa phương làm tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư là rất cần thiết, từ đó có một cái nhìn tổng thể về sự việc khiếu nại, tố cáo và đề ra biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, bức xúc, kéo dài. Khi tiếp công dân đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp kéo dài; khiếu kiện đông người cần bố trí cán bộ tiếp dân là người có bản lĩnh, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, khách quan, công tâm; có kỹ năng giao tiếp, am hiểu về công tác dân vận, kiến thức quản lý Nhà nước và pháp luật. Nâng cao sự phối hợp giữa các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, từ việc thông tin với hệ thống dữ liệu chính xác, nắm tình hình đến việc tiếp dân, vận động thuyết phục và thống nhất biện pháp giải quyết, tránh để xảy ra tình trạng có ý kiến không nhất quán, thiếu thống nhất trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, phòng chuyên môn phải tham mưu giúp Thủ trưởng đơn vị, cấp uỷ, chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật; phát huy vai trò của Trưởng ban chỉ đạo thi hành án các cấp trong công tác tiếp dân, đối thoại với dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ngay tại địa phương nơi xảy ra vụ việc; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng không làm đúng chính sách, pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của công dân. Nắm rõ và kiểm soát chặt chẽ tình hình khiếu nại, tố cáo ở địa phương, ngay từ cơ sở. Thực hiện tốt các các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực pháp luật; trong thực hiện, nếu phát hiện vướng mắc hoặc có sai sót trong quá trình giải quyết thì cần có biện pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, hạn chế khiếu nại kéo dài. Tăng cường kiểm tra trách nhiệm các cấp, ngành trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung ở những Cục, chi cục Thi hành án dân sự thường xuyên để xảy ra nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo hoặc chất lượng, hiệu quả tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thấp, không chấp hành hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên. Chú ý đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhất là những điểm mới của Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân và các Nghị định hướng dẫn thi hành. Chú trọng việc thông tin, tuyên truyền về các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể, đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực; kịp thời phê phán những hành vi vi phạm pháp luật và những biểu hiện lệch lạc trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trong Thi hành án dân sự; biểu dương những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng chuyên nghiệp, ổn định; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, công chức các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị với chế độ đãi ngộ phù hợp.
Tích cực nâng cao chất lượng tiếp công dân ngay từ cơ sở, lãnh đạo Tổng cục, Cục, Chi cục cần tích cực quan tâm, chỉ đạo các Vụ, phòng chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến vụ việc phối hợp chặt chẽ với bộ phận làm công tác tiếp công dân để thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư. Cán bộ tiếp công dân, xử lý đơn thư có trách nhiệm thu thập tài liệu các nội dung khiếu nại, tố cáo bức xúc kéo dài, đông người, tiếp thu, nghi nhận tâm tư, nguyện vọng các đoàn khiếu nại, tố cáo đông người, các vụ việc kéo dài kịp thời báo cáo đến lãnh đạo có thẩm quyền xem xét, giải quyết và là tài liệu, cơ sở để phối hợp với cơ quan liên quan khi vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người diễn biến phức tạp, các vụ việc bức xúc kéo dài.
Tóm lại, để nâng cao được chất lượng tiếp công dân, xử lý đơn thư nhất là trong trường hợp khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, kéo dài đòi hỏi người cán bộ tiếp công dân phải tự đặt cho mình mục tiêu, khẩu hiệu (kiên trì giải thích dân sẽ hiểu) và làm tốt những yêu cầu nêu trên sẽ khắc phục được tình trạng khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp cũng như các bất cập khác trong giải quyết khiếu nại, tố cáo để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật. Mặt khác, một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự của công dân đó là việc thực hiện tốt ngay từ khâu tiếp công dân bởi đây là một trong những cầu nối, tiền đề thuận lợi cho việc giải quyết khiếu nại tố cáo giữa Cơ quan thi hành án dân sự và công dân. Thực tế cho thấy, nơi nào việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự được thực hiện tốt thì công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả cao. Chính vì vậy, công tác này có ý nghĩa rất quan trọng với mỗi cán bộ làm công tác tiếp dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự cần phải xác định rõ, mình là đại diện cho cơ quan Nhà nước xem xét công việc của dân không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và nắm vững các kỹ năng trên để đưa công tác tiếp công dân vào nề nếp, có hiệu quả, tạo được lòng tin của người dân đến khiếu nại, tố cáo vào công tác tiếp công dân của ngành nói riêng và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự nói chung.
Lê Thị Kim Thanh
Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo
Tổng cục Thi hành án dân sự