Phú Yên, với 20 năm công tác thi hành án dân sự

05/08/2013
Nhân dịp kỷ niệm 67 năm (19/7/1946-19/7/2013) “Ngày truyền thống Thi hành án dân sự”, từ khi Chủ tịch Hồ Chi Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, trong đó, tại khoản 3 Điều 3 Sắc lệnh quy định “Ban Tư pháp xã có quyền thi hành những mệnh lệnh của thẩm phán cấp trên” bao gồm các bản án, quyết định của Tòa án. Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của ngành Thi hành án dân sự trong chế độ mới, tiếp đó ngày 19/7/1946 Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án.

Một chặng đường lịch sử 67 năm qua, nhìn lại sự hình thành và phát triển của ngành Thi hành án dân sự. Mốc son lịch sử này đã để lại ý nghĩa vô cùng to lớn và quan trọng để các thế hệ cán bộ, công chức và người làm công tác thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng, tổ chức ôn lại truyền thống vẻ vang và động viên khích lệ cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, tiếp thu, kế thừa và phát huy truyền thống của ngành cũng như khởi xướng những phương hướng, giải pháp mới, sáng tạo, hiệu quả nhằm xây dựng ngành Thi hành án dân sự ngày càng phát triển bền vững, đáp ứng công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Trong giai đoạn lịch sử ấy, một chặng đường 20 năm từ khi chính thức ngành Thi hành án dân sự được tách ra và được chuyển giao từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cải cách về công tác thi hành án dân sự từ năm 1993 đến nay. 20 năm qua, Phú Yên đã chứng kiến sự phát triển không ngừng của ngành Thi hành án dân sự cả về thể chế, tổ chức bộ máy và đội ngũ chấp hành viên, công chức Thi hành án dân sự.

Tháng 10/7/1993 sau khi hoàn thành việc chuyển giao, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên được hình thành gồm Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp huyện, thị xã. Tại thời điểm bàn giao toàn tỉnh Phú Yên chỉ có 11 cán bộ, trong đó có 4 chấp hành viên; Cơ sở vật chất nghèo nàn gồm 11 bộ bàn ghế làm việc, 11 tủ đựng hồ sơ tài liệu đã cũ, đa phần các cơ quan Thi hành án chưa có trụ sở làm việc độc lập, phải mượn tạm phòng làm việc của Tòa án, Ủy ban nhân dân; vật chứng phải gửi tạm kho của Tòa án … Với ngần ấy con người, trong điều kiện làm việc vô cùng thiếu thốn, khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ ngành Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên phải gồng gánh khối lượng công việc nặng nề do Tòa án bàn giao là 1.250 việc với tổng số tiền phải thu là 5 tỷ 514 triệu 727 nghìn đồng, đa số là các án thi hành dở dang, không có điều kiện thi hành, án tồn đọng từ nhiều năm trước … Đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, tất cả đều phải xây dựng từ đầu, ngành Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên, khó có khả năng đảm nhiệm công việc được giao từ buổi ban đầu.

Tuy nhiên, được sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự (trước đây là Cục quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp), sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp của các ban ngành trên địa bàn tỉnh và sự nỗ lực cố gắng của các thế hệ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự, ngành Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Sau 20 năm kể từ ngày tách ra khỏi ngành Tòa án, Phú Yên phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, gian nan để củng cố hoàn thiện dần theo sự phát triển của lộ trình cải cách tư pháp do Đảng, Nhà nước đề ra, tỉnh Phú Yên đã phát triển vượt bậc về mọi mặt cả về quy mô, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, cơ sở vật chất …đến hôm nay, ngành Thi hành án dân sự Phú Yên xứng đáng với vị thế của mình, đứng ngang tầm với các cơ quan, ban, ngành trong Khối Nội chính. Đó là những thành tựu đáng khích lệ, làm tiền đề cho công tác thi hành án dân sự tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong công cuộc cải cách tư pháp chung của đất nước và tỉnh Phú Yên nói riêng.

Hiện tại, Phú Yên đã hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, từ 11 biên chế chuyển giao đến nay đã có 95/115 biên chế được, trong đó có Cục trưởng, 01 Phó Cục trưởng; 04 Phòng chuyên môn (Văn phòng, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án, Phòng Kiểm tra, giải quyết khiếu nại – tố cáo). Lãnh đạo các phòng cơ bản được kiện toàn: có 01 Trưởng phòng và 06 Phó phòng; Ở cấp huyện, 09 Chi cục Thi hành án dân sự đều có Chi Cục trưởng và 01 Phó Chi Cục trưởng (riêng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Tuy Hòa có 02 Phó Chi Cục trưởng). Về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, hầu hết các đơn vị đã có trụ sở làm việc, kho vật chứng riêng, được xây dựng mới khang trang, đáp ứng được yêu cầu công việc. Các điều kiện, phương tiện khác cũng được đầu tư, trang bị theo hướng hiện đại, thiết thực, cơ bản đáp ứng đủ, phục vụ tốt các hoạt động của ngành như công nghệ thông tin (các đơn vị đều có hệ thống mạng, hầu hết cán bộ công chức đều được trang bị máy tính làm việc…), trang thiết bị văn phòng, nghiệp vụ. Về thực hiện, chức năng, nhiệm vụ của ngành đều thi hành vượt chỉ tiêu giao, năm sau cao hơn năm trước đã góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận những thành tựu và sự trưởng thành của ngành Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên từ năm 1993 đến nay, các cấp có thẩm quyền biểu dương và tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của ngành, Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Ông Hà Công Khánh - Cục trưởng, đã cho biết: Nhìn lại 20 năm qua, Ngành thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên, trưởng thành và phát triển bền vững đến hôm nay là nhờ được sự quan tâm của Bộ Tư Pháp, Tổng cục thi hành án dân sự và của các cấp ủy đảng; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, sự phối hợp đồng thuận của các cơ quan, ban, ngành ngành địa phương. Ngành thi hành án dân sự Phú Yên, rất mong tiếp tục được sự quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa để ngành hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao./.

Lê Lanh