Tháng 1/1997 tỉnh Hưng Yên được tái lập, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên được thành lập bao gồm: Phòng Thi hành án dân sự và 6 Đội Thi hành án dân sự cấp huyện với 43 cán bộ, công chức. Sau khi chia tách huyện Phù Tiên và huyện Mỹ Văn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã quyết định thành lập 5 Đội Thi hành án dân sự theo đơn vị hành chính cấp huyện mới, nâng tổng số cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh là 11 đơn vị, gồm Phòng Thi hành án dân sự tỉnh và 10 Đội Thi hành án dân sự huyện, thị xã. Khi mới tái lập tỉnh, hầu hết các cơ quan Thi hành án dân sự gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn, trụ sở làm việc chật hẹp. Với những ngày đầu khó khăn như thế, tập thể lãnh đạo và công chức thi hành án dân sự hai cấp đã từng bước khắc phục khó khăn, yếu kém, chung sức, đồng lòng tạo thành một guồng máy chung để dần khẳng định vị thế của cơ quan Thi hành án dân sự.
Thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Nghị định 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ, theo đó hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên được chuyển đổi từ Phòng Thi hành án dân sự tỉnh thành Thi hành án dân sự tỉnh; Đội Thi hành án dân sự thành Thi hành án dân sự các huyện, thị xã. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và chiến lược cải cách tư pháp đồng thời triển khai thực hiện Luật Thi hành án dân sự 2008, Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 9/9/2009 của Chính phủ, ngày 6/11/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2723/QĐ-BTP quyết định thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên và các quyết định thành lập 10 Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Lúc này hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự của Hưng Yên chính thức được hình thành, trở thành một ngành trong hệ thống các cơ quan nhà nước.
Những năm đầu được thành lập, Cục Thi hành án dân sự chỉ có 3 Phòng chuyên môn trực thuộc là Phòng Nghiệp vụ và tổ chức Thi hành án, Phòng Kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo và Văn phòng. Từ năm 2013, theo Quyết định số 2889/QĐ-BTP ngày 6/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã thành lập thêm Phòng Tổ chức cán bộ. Năm 2005, ngành Thi hành án dân sự có 77 công chức, trong đó có 26 chấp hành viên. Đến nay, số lượng công chức toàn ngành là 112 người, trong đó có 4 Chấp hành viên trung cấp, 45 Chấp hành viên sơ cấp, 9 thẩm tra viên và các chức danh khác, về cơ bản đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Cục và các Chi cục. Cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự của Hưng Yên có đầy đủ phẩm chất chính trị, nghiệp vụ chuyên môn và luôn được tạo điều kiện tốt nhất để học tập, nâng cao nghiệp vụ công tác cũng như các chính sách, chế độ trong cuộc sống. Cục và 10 Chi cục đều có trụ sở làm việc khang trang, cơ sở vật chất và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, mặc dù tổng số việc và tổng số tiền phải thi hành án năm sau đều tăng so với năm trước, song nhờ có sự hoàn thiện về thể chế, cũng như về tổ chức bộ máy, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành, cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp đã bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương, đoàn kết, quyết tâm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nên công tác thi hành án dân sự đã thu được những kết quả toàn diện, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày một nâng cao, công tác Đảng, đoàn thể được quan tâm, chú trọng hoạt động đi vào có chiều sâu.
Tổng số việc phải thi hành từ năm 2006 đến hết tháng 5/2013 là 24.153 việc với số tiền phải thi hành hơn 1.065 tỷ đồng. Đã giải quyết được 22.021 việc với số tiền thi hành trên 844 tỷ đồng làm giảm đáng kể lượng án tồn đọng về việc và tiền. Đặc biệt năm 2011 đã giải quyết 3.269 việc, đạt 95% chỉ tiêu kế hoạch đề ra với số tiền giải quyết trên 162 tỷ đồng, đạt 90%; Giảm tồn hơn 400 việc và hơn 17 tỷ đồng. Năm 2012, tổng số việc phải thi hành án là 5.637 việc, với số tiền trên 349 tỷ đồng, đã thi hành xong 3.558 việc, đạt tỷ lệ 98,7% với số tiền trên 242 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 95,3%; Giảm tồn 390 việc và trên 12 tỷ đồng. Đáng chú ý nhiều vụ việc thi hành án phức tạp, tồn đọng kéo dài đã được tổ chức thi hành dứt điểm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân, tạo niềm tin cho nhân dân, khẳng định vị thế của ngành Thi hành án dân sự đối với các ngành khác, tạo đà cho công tác thi hành án những năm tiếp theo.
Với những thành tích nêu trên cho thấy công tác thi hành án dân sự đã đạt được về cả lượng và chất, từ kiện toàn tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị đến hiệu quả hoạt động, khẳng định được vị trí và tầm quan trọng của công tác thi hành án dân sự trong đời sống xã hội. Ghi nhận thành tích đã đạt được trong những năm qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã công nhận danh hiệu thi đua và tặng Bằng khen, Cờ thi đua cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, năm 2012 Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ, nhiều cá nhân được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp, Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen...Trải qua quá trình hình thành và phát triển, để ghi nhận thành tích đã đạt được và động viên các thế hệ cán bộ, công chức và người làm công tác thi hành án dân sự, qua đó tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Thi hành án dân sự, ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QÐ-TTg lấy ngày 19/7 hàng năm là "Ngày truyền thống Thi hành án dân sự”.
Để lịch sử của ngành tiếp diễn những trang mới hào hùng, vẻ vang, toàn cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt khó khăn, thử thách, khắc phục hạn chế và tồn tại, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, vận dụng đúng các quy định của pháp luật vào công tác bảo đảm chất lượng và hiệu quả cao nhất. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, thu hút sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể quần chúng tham gia vào công tác thi hành án, tăng cường phối hợp chặt chẽ của các ngành hữu quan, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng và chính quyền cơ sở đối với các vụ án điểm, vụ án phức tạp. Nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới còn gặp nhiều khó khăn, thử thách song với tinh thần chủ động, trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo và sự đổi mới cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp và đội ngũ làm công tác thi hành án dân sự Hưng Yên sẽ bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan; Chú trọng nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo nghiệp vụ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự của các đơn vị trực thuộc; Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những vi phạm, tiêu cực, có biện pháp uốn nắn, xử lý nghiêm minh, kiên quyết làm trong sạch đội ngũ công chức Thi hành án, đồng thời có các hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời, thoả đáng đối với các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án; Phấn đấu tổ chức thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án được giao năm 2013 và những năm tiếp theo, vững bước trên con đường đổi mới... “vì dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh...” như lời hát ngân vang của Bài ca ngành Thi hành án dân sự.
Vũ Hoàng Thụ
Cục THADS tỉnh Hưng Yên