Công tác thi hành án dân sự ở Hưng Yên sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII

16/07/2018
Năm 2018 là năm có ý nghĩa quan trọng đánh dấu nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII xác định: “…tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp. Thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án dân sự, phấn đấu không để số việc, số tiền có điều kiện thi hành tồn đọng kéo dài”.


Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết ghi nhận, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh Hưng Yên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực cố gắng nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự được xác định trong Nghị quyết và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, đồng thời hướng đến kỷ niệm 72 Ngày truyền thống Thi hành án dân sự 19/7/2018.
 Được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thi hành án dân sự theo Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp; Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự nên kết quả công tác năm sau cao hơn năm trước đều đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Do đó tiếp tục vun đắp trong chặng đường 72 năm xây dựng và trưởng thành của Hệ thống Thi hành án dân sự, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt.
 Bước sang năm 2018, ngay từ đầu năm, Cục Thi hành án dân sự đã bám sát Chương trình công tác trọng tâm trong lĩnh vực thi hành án dân sự của Bộ Tư pháp, nhiệm vụ chính trị của địa phương; chỉ tiêu, nhiệm vụ Tổng cục Thi hành án dân sự và của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh giao, xây dựng và ban hành Kế hoạch công tác xác định mục tiêu, yêu cầu cụ thể lộ trình và tiến độ thực hiện, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác năm, gắn với thực hiện các phong trào thi đua trong Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự hai cấp; Cục ban hành Quyết định giao chỉ tiêu đến từng đơn vị và từng Chấp hành viên và nhiều văn bản quản lý nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác năm.
Một trong những giải pháp đột phá được lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh thực hiện là đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành. Cục đã tranh thủ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đối với công tác thi hành án dân sự, đặc biệt đối với một số vụ việc có tính chất phức tạp và kéo dài. Lãnh đạo Cục đã quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt đối với các đơn vị, tăng cường các chuyến đi về cơ sở, kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị tại địa phương đồng thời chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật và củng cố, kiện toàn về công tác cán bộ, tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với những địa bàn có nhiều án lớn hoặc kết quả thi hành án đạt thấp. Lãnh đạo Cục đã tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt đối với những vụ án có số tiền lớn, án có liên quan đến tín dụng ngân hàng và những vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng. Đồng thời tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án. Đối với các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất. Đặc biệt ở các Chi cục có lượng án nhiều, phức tạp đã mạnh dạn áp dụng những giải pháp sáng tạo, đột phá để nâng cao tỷ lệ thi hành án dân sự về việc, về tiền, đảm bảo các chỉ tiêu được giao. Các đơn vị đã nâng cao hiệu quả công tác phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành bảo đảm chính xác, đúng quy định của pháp luật. Các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực đều được ra quyết định thi hành án đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Hiểu được sự khó khăn, vất vả trong công tác thi hành án dân sự, đội ngũ cán bộ, Chấp hành viên luôn tìm tòi, áp dụng sáng tạo nhiều biện pháp thi hành án sao cho phù hợp với pháp luật đồng thời bảo đảm được lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân.
 Các Chi cục Thi hành án dân sự chủ động phối hợp lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án cho đương sự theo quy định pháp luật. Đối với những vụ, việc thi hành án dân sự phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, công tác dân vận được vận dụng khéo léo với phương châm “thấu tình đạt lý”, nhằm làm cho đương sự tự nguyện thi hành án và bảo đảm sự đoàn kết trong cộng đồng. Trường hợp cố tình lẩn tránh, chống đối thì kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế và xử lý theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho bản án, quyết định được thực thi và có tác dụng tốt trong giáo dục, phòng ngừa chung. Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, công tác thi hành án dân sự ngày càng có bước chuyển biến quan trọng, kết quả thi hành án dân sự ngày càng bền vững. Nửa nhiệm kỳ kết quả công tác đạt được cụ thể:
 - Về việc tổng số thụ lý là 14.459 việc, trong đó: Số cũ chuyển sang là 1.762 việc, số thụ lý mới là 12.697 việc. Sau khi trừ số ủy thác thi hành án 400 việc, số còn phải thi hành là 14.059 việc. Kết quả xác minh, phân loại có 12.857 việc có điều kiện thi hành, số còn lại 1.202 việc chưa có điều kiện thi hành. Kết quả, đã thi hành xong 11.712 việc trong số việc có điều kiện thi hành. Số chưa thi hành xong chuyển kỳ sau là 2.347 việc.
 - Về tiền tổng số thụ lý là 1 nghìn 190 tỷ 159 triệu 576 nghìn đồng, trong đó: Số cũ chuyển sang là 287 tỷ 515 triệu 967 nghìn đồng; số thụ lý mới là 902 tỷ 643 triệu 609 nghìn đồng. Sau khi trừ số ủy thác thi hành án 116 tỷ 307 triệu 740 nghìn đồng, số còn phải thi hành 1 nghìn 073 tỷ 851 triệu 836 nghìn đồng. Kết quả xác minh, phân loại có 911 tỷ 966 triệu 880 nghìn đồng có điều kiện thi hành, số còn lại 161 tỷ 884 triệu 956 nghìn đồng chưa có điều kiện thi hành. Kết quả, đã thi hành xong 500 tỷ 505 triệu 494 nghìn đồng trong số có điều kiện thi hành. Số tiền chuyển kỳ sau là 573 tỷ 346 triệu 342 nghìn đồng.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích, tổng hợp giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh phải thi hành 21.043 việc, với số tiền  1 nghìn 069 tỷ 496 triệu 191 nghìn đồng; trung bình mỗi năm phải thi hành 4.208 việc, với số tiền  213 tỷ 899 triệu 238 nghìn đồng. Đã thi hành xong 19.279 việc, với số tiền 781 tỷ 535 triệu 071 nghìn đồng; trung bình mỗi năm giải quyết được 3.855 việc, với số tiền  156 tỷ 307 triệu 014 nghìn đồng. Giai đoạn thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm thi hành xong trên 4.684 việc, với số tiền 200 tỷ 899 triệu 238 nghìn đồng; số việc thi hành giải quyết xong hàng năm tăng so với nhiệm kỳ trước là 829 việc, bằng 21%, với số tiền 53 tỷ 592 triệu 224 nghìn đồng, bằng 34%; thi hành xong tăng trung bình hàng năm là 1.964 việc, với số tiền 175 tỷ 899 triệu 238 nghìn đồng, tương ứng với việc giải quyết tăng 172% về việc, 703% về tiền so với nhiệm kỳ 2005 - 2010. Đặc biệt, số việc cũ chuyển sang giai đoạn 2011 - 2015 là 2.786 việc, đến nay số việc tồn chuyển kỳ sau sang năm 2018 còn là 1.826, giảm 960 việc, bằng 34%, góp phần bảo đảm được quyền và lợi ích của Nhà nước, các tổ chức và công dân.
Song song với các giải pháp trên, xác định công tác cán bộ là khâu quan trọng có ý nghĩa quyết định tới chất lượng và hiệu quả công việc, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chú trọng làm tốt Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, Chấp hành viên. Hiện nay, các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh có 114 cán bộ, trong đó 54 Chấp hành viên, 13 Thẩm tra viên, còn lại là các chức danh khác. Đội ngũ cán bộ được cử đi học, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nên hầu hết đều có bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện thường xuyên bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần tạo sự chuyển biến trong công tác của các đơn vị, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác của các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đã được quan tâm đầu tư khá toàn diện. Đến nay, trụ sở của các đơn vị thi hành án dân sự đều được đầu tư xây dựng, sửa chữa và nâng cấp, phục vụ hiệu quả cho hoạt động chuyên môn.
Nhìn lại chặng đường đã qua, lớp lớp thế hệ những người làm công tác thi hành án dân sự xứ nhãn đã cống hiến để góp phần giữ vững kỷ cương, pháp luật của Nhà nước, công bằng của xã hội. Ghi nhận những cống hiến đó, trong quá trình 72 năm xây dựng và trưởng thành, nhiều đơn vị Thi hành án dân sự đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh công nhận Tập thể lao động xuất sắc, được nhận Bằng khen và Cờ thi đua các loại, nhiều cá nhân được Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp... Từ những kết quả trên cho thấy, công tác thi hành án dân sự thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, mang tính “bền vững” và có chiều sâu, đã dần khẳng định được vị trí và tầm quan trọng của công tác thi hành án dân sự trong đời sống xã hội.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự theo Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cơ quan thi hành án dân sự hai cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp (1)Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó chú trọng thực hiện những văn bản lãnh đạo chỉ đạo liên quan đến công tác thi hành án dân sự, nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương, nhất là Nghị quyết của Quốc hội; Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị của UBND tỉnh về lĩnh vực thi hành án dân sự. (2) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết lần thứ tư Ban Chấp hànhTrung ương Đảng Khóa XII; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Nâng cao năng lực, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong cơ quan Thi hành án dân sự trong việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành và địa phương, nhiệm vụ chính trị của đơn vị. (3) Cục Thi hành án dân sự tiếp tục đổi mới công tác quản lý chỉ đạo, điều hành gắn với củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, siết chặt kỷ cương, kỷ luật làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự. Phát huy vai trò của Thường trực Ban Chỉ đạo, kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác thi hành án dân sự trên địa bàn, tăng cường sự phối hợp liên ngành trong hoạt động thi hành án dân sự, kịp thời tranh thủ sự chỉ đạo của cấp trên nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.(4) Cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp làm tốt công tác phân loại án; đảm bảo thi hành án đúng trình tự thủ tục, tập trung cao độ chỉ đạo giải quyết những việc trọng điểm, phức tạp kéo dài, việc liên quan đến khoản thu cho tổ chức tín dụng ngân hàng, việc có giá trị thi hành lớn, những việc tổ chức cưỡng chế không thành, việc Ban Chỉ đạo tỉnh đã cho ý kiến, việc Ban Nội chính đưa vào theo dõi, việc thi hành án có điều kiện thi hành, việc thi hành cho ngân sách nhà nước có đủ điều kiện miễn, giảm; vận dụng đồng bộ các biện pháp, giải pháp, kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế để tổ chức thi hành dứt điểm những vụ việc có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành án. (5) Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết các kiến nghị phản ánh của nhân dân; giải quyết triệt để đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án, làm tốt công tác kiểm tra, tự kiểm tra tại đơn vị để giám sát tiến độ tổ chức thi hành án và kịp thời phát hiện các sai phạm để xử lý. Làm tốt công tác dân vận trong thi hành án dân sự gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung, đương sự nói riêng nhằm tạo sự đồng thuận cao trong thi hành án dân sự. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống; tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhằm góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Vũ Hoàng Thụ
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên