Mở đầu cho buổi Lễ kỷ niệm, cán bộ, công chức, người lao động ngành thi hành án dân sự của tỉnh đã gửi tới các vị đại biểu, các vị khách quý những tiết mục biểu diễn, những lời ca tiếng hát mang đầy ý nghĩa về Đảng, về Bác, về ngành Thi hành án dân sự và quê hương Tuyên Quang lịch sử, gồm các ca khúc: Tư pháp Việt Nam - Vinh quang một chặng đường; Bài ca Thi hành án; Chúng con canh giấc ngủ cho Người; Trong xanh Khuôn Pén, và đặc biệt là ca khúc Bài ca Thi hành án Tuyên Quang của tác giả Xuân Tùng - người đã đạt giải A cuộc thi sáng tác ca khúc về ngành Tư pháp năm 2015.
Sau Lễ chào cờ, đồng chí Nguyễn Tuyên - Cục trưởng thay mặt lãnh đạo Cục đã đọc diễn văn ôn lại lịch sử hình thành, phát triển của Ngành Thi hành án dân sự và những đóng góp to lớn của ngành Thi hành án dân sự trong 70 năm qua. Diễn văn đã nêu lại những dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Ngành Thi hành án dân sự, đặc biệt là sự kiện ngày 24/01/1946, năm tháng sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, trong đó, khoản 3 Điều 3 của Sắc lệnh quy định: Ban Tư pháp xã có quyền “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của các cơ quan Thi hành án dân sự trong chế độ mới. Tiếp theo đó, ngày 19/7/1946 Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Có thể nói, đây là văn bản của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án. Sự kiện Quốc hội khóa IX ban hành Nghị quyết về việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ. Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 266-TTg ngày 02/6/1993 về việc triển khai việc bàn giao và tăng cường công tác thi hành án dân sự - đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cải cách về công tác thi hành án dân sự. Sự kiện ngày 14/11/2008, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Theo đó, Hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự được xác định rõ hơn theo nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện, với một vị thế mới, tương xứng với nhiệm vụ chính trị được giao và phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp...
|
Đối với Tuyên Quang, ngành Thi hành án dân sự của tỉnh đã từng bước được xây dựng, củng cố và phát triển, kiện toàn về tổ chức, đội ngũ cán bộ, cũng như đạt nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Năm 1993, khi tách ra khỏi Tòa án, toàn ngành THADS của tỉnh chỉ có 20 biên chế (Phòng thi hành án 03 người, các Đội thi hành án 17 người), trong đó trình độ đại học pháp lý 01 người, cao đẳng toà án 01 người, trung cấp pháp lý 02 người, còn lại là trình độ sơ cấp pháp lý hoặc chưa qua đào tạo về luật (chủ yếu là bộ đội chuyển ngành). Thì đến nay Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã có 4 phòng chuyên môn và 7 chi cục trực thuộc với tổng số 90 cán bộ, công chức, người lao động; chất lượng đội ngũ làm công tác thi hành án ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ, trên 90% có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học và 4% trên đại học; gần 70% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.
Về chuyên môn: Mặc dù số lượng án phải thi hành tăng nhanh qua từng năm, nhất là về phần tiền (Giai đoạn 1993 – 2003, tổng số phải thi hành 15.130 việc, với giá trị hơn 36 tỷ đồng, bình quân mỗi năm thụ lý hơn 1.500 việc, với số tiền gần 4 tỷ đồng; đến giai đoạn 2004 – 2008, thụ lý thi hành gần 14.000 việc, với giá trị hơn 57 tỷ đồng, bình quân mỗi năm thụ lý 2.800 việc, số tiền hơn 10 tỷ đồng; từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi năm thụ lý hơn 4.000 việc với số tiền xấp xỉ 100 tỷ đồng) và phát sinh nhiều vụ việc phức tạp, khó thi hành, nhưng trong những năm qua các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã nỗ lực, cố gắng thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu do Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao (bình quân hằng năm giải quyết xong trên 95% về việc và trên 85% về tiền trong số có điều kiện thi hành); số lượng án tồn đọng đã giảm đáng kể qua từng năm (giai đoạn 1993 – 2003 án chuyển kỳ sau trên 3.700 việc; đến năm 2015, án chuyển kỳ sau chỉ còn gần 1.300 việc, trong đó có gần 1.000 việc chưa có điều kiện thi hành). Toàn tỉnh không phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài về công tác thi hành án dân sự. Với những kết quả đạt được như trên đã góp phần bảo đảm tốt hơn hiệu lực của các bản án, quyết định của toà án, hiện thực hóa các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
|
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đồng chí Phùng Quang Đông- UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chúc mừng và biểu dương những kết quả của ngành Thi hành án dân sự tỉnh đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời đồng chí cũng chỉ ra một số vấn đề còn hạn chế trong công tác thi hành án đan sự. Đồng chí yêu cầu trong năm 2016 và những năm tiếp theo, cán bộ, công chức, người lao động trong ngành cần tập trung tổ chức quán triệt học tập Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi bổ sung năm 2014. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đặc biệt là các cơ quan trong khối Nội chính thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án dân sự theo đúng quy định của pháp luật và làm tốt công tác hòa giải, thuyết phục trong thi hành án. Ngành cần tập trung kiện toàn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng tinh thông nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nhân dịp này, thay mặt các đồng lãnh đạo tỉnh, đồng chí đã gửi tới cán bộ, công chức, người lao động Ngành thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang một lẵng hoa tươi thắm, chúc toàn ngành thi hành án dân sự ngày càng vững mạnh.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Ban Thi đua khen thưởng tỉnh, đ/c Nguyễn Đức Tuyên - Phó trưởng Ban Thi đua khen thưởng, Sở Nội vụ đã công bố các Quyết định khen thường của Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Thi hành án dân sự (19/7/2046-19/7/2016), Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ IV. Theo đó Bộ Tư pháp tặng giấy khen cho tập thể Cục Thi hành án dân sự tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 6 tập thể, 11 cá nhân. Cũng tại buổi lễ, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự đã trao tặng giấy khen cho 03 tập thể và 12 cá nhân đã có thành tích trong phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Thi hành án dân sự.
Kết thúc buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Tuyên, Cục trưởng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Tổng cục Thi hành án dân sự; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đã quan tâm tới ngành, cùng toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong toàn Ngành Thi hành án dân sự vì những nỗ lực, đóng góp trong thời gian qua. Chính sự cố gắng không ngừng của mỗi cán bộ, công chức, người lao động đã góp phần đưa ngành THADS từng bước trưởng thành, phát triển và có vị thế lớn mạnh. Đồng chí cũng mong muốn mỗi cán bộ thi hành án với lòng nhiệt huyết, đam mê với công việc sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất, tập trung xây dựng ngành ngày càng phát triển.
Nguyễn Hoàng Minh – Văn phòng Cục thi hành án dân sự