Tổng cục THADS triển khai văn bản của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác THADS

22/01/2024
Thực hiện Công văn số 693-CV/BCSĐ ngày 11/01/2024 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự (THADS), ngày 18/01/2024 Tổng cục THADS đã có Công văn số 260/TCTHADS-GQKNTC yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ.


Thứ nhất, quán triệt, phổ biến Công văn số 693-CV/BCSĐ nêu trên đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị. Cấp ủy, Thủ trưởng các đơn vị của Tổng cục, Cục, Chi cục tiếp tục thực hiện hiệu quả các văn bản, Nghị quyết, Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Nghị quyết của Đảng ủy Tổng cục, trong đó triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 68-NQ/BCSĐ ngày 03/4/2020 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong ngành tư pháp giai đoạn 2020-2025; Chương trình hành động số 87-CTr/BCSĐ ngày 28/6/2023 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong THADS giai đoạn 2023-2026; Quyết định số 779/QĐ-TCTHADS ngày 30/9/2021 của Tổng Cục trưởng Tổng cục ban hành Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS giai đoạn 2021-2025. Có các hình thức thường xuyên phổ biến, quán  triệt về vai trò, ý nghĩa của công tác kiểm tra để nâng cao nhận thức trong cấp ủy, Lãnh đạo cơ quan, đơn vị xác định hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra là công cụ để đánh giá, giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác, kiểm soát quyền lực trong hoạt động THADS; nâng cao ý thức trong chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, răn đe, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, tham nhũng, tiêu cực xảy ra.
Công văn 693-CV/BCSĐ của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp yêu cầu Tổng cục THADS và Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm trong toàn Hệ thống THADS về những tồn tại, hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong các kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh, kết luận kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân, kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ, kết luận kiểm tra của Tổng cục, Cục. Cấp ủy, Thủ trưởng các đơn vị từ Tổng cục, Cục, Chi cục tiếp tục thực hiện hiệu quả các văn bản, Nghị quyết, Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Nghị quyết của Đảng ủy Tổng cục, trong đó triển khai thực hiện nghiêm Chương trình hành động số 87-CTr/BCSĐ ngày 28/6/2023 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong THADS giai đoạn 2023-2026.
Thường xuyên quán triệt nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác tự kiểm tra, kiểm tra trong cấp ủy, Lãnh đạo cơ quan, đơn vị để đánh giá, giám sát kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ. Chú trọng bố trí lực lượng làm công tác kiểm tra có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác kiểm tra.
- Tổng cục tăng cường công tác kiểm tra đối với công tác THADS, THAHC theo hướng sâu sát, chất lượng, hiệu quả, đúng quy định; rà soát các quy trình, quy chế nội bộ, quy chế kiểm tra, chủ động sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính khả thi, đồng bộ; chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra hàng năm trong Hệ thống THADS có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng tự kiểm tra, kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ; kiểm tra công tác tổ chức cán bộ, công tác tài chính; kiểm tra địa bàn, lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kiểm tra công tác phân loại án, công tác đưa tài sản thi hành án ra định giá, bán đấu giá, việc tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ việc do Ban chỉ đạo Trung ương và địa phương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi. Xử lý nghiêm các vi phạm, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý.
Chủ động thực hiện kiểm tra đối với Cục; có biện pháp chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm người đứng đầu Cục thực hiện không hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, đơn vị mình phụ trách, công tác kiểm tra, tự kiểm tra; chỉ đạo, yêu cầu các Cục thực hiện biện pháp khắc phục vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp phát hiện sau kiểm tra.
- Tổng cục chỉ đạo các Cơ quan THADS tổ chức kiểm tra toàn diện các mặt công tác giai đoạn từ năm 2016 đến ngày 30/9/2023, gửi về Tổng cục trước ngày 30/3/2024 để tổng hợp báo cáo Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp. Việc thực hiện tự kiểm tra phải Kết luận theo đúng mẫu của Quy chế kiểm tra trong THADS ban hành kèm theo Quyết định số 196/QĐ-TCTHADS ngày 03/3/2021 của Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS. Tổng Cục trưởng, Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, trước pháp luật về kết quả kiểm tra của các cơ quan, đơn vị quản lý theo thẩm quyền. Trường hợp qua kiểm tra, kết luận không phát hiện sai phạm mà các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm sát kiểm tra lại phát hiện sai phạm thì sẽ xem xét trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở báo cáo tổng hợp của Tổng cục, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra kết quả tự kiểm tra của địa phương
Thứ hai, Cục THADS phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả Công văn số 693-CV/BCSĐ nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra trong THADS.
Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, tự kiểm tra, trong đó tập trung kiểm tra công tác tổ chức cán bộ; công tác tài chính; địa bàn trọng điểm, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, có vấn đề nổi cộm; tăng cường kiểm tra công tác phân loại án, công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, án có điều kiện thi hành nhưng trên một năm vẫn chưa thi hành xong, việc tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước, nhất là các vụ việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.
Yêu cầu Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện ngay việc tổ chức tự kiểm tra toàn diện các mặt công tác từ năm 2016 đến ngày 30/9/2023 theo đề cương kèm theo Công văn số 693-CV/BCSĐ, báo cáo kết quả về Tổng cục THADS trước 30/3/2024.
Cục trưởng Cục THADS chịu trách nhiệm trước Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, trước pháp luật về kết quả kiểm tra của các cơ quan, đơn vị quản lý theo thẩm quyền; thực hiện biện pháp khắc phục vi phạm, thiếu sót phát hiện theo các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm sát. Trường hợp, qua kiểm tra, kết luận không phát hiện sai phạm mà các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm sát kiểm tra lại phát hiện sai phạm, thực hiện không hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, đơn vị mình phụ trách thì sẽ xem xét trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Trên cơ sở báo cáo tổng hợp kết quả tự kiểm tra của các Cục THADS địa phương, Tổng cục sẽ báo cáo Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra kết quả tự kiểm tra của địa phương.
Chỉ đạo Chi cục THADS trực thuộc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra theo đúng Quy chế kiểm tra trong THADS; chỉ đạo các Chi cục trực thuộc tổ chức tự kiểm tra toàn diện các mặt công tác từ năm 2016 đến ngày 30/9/2023 theo đề cương kèm theo Công văn số 693-CV/BCSĐ ngày 11/01/2024 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, báo cáo kết quả về Cục để tổng hợp, báo cáo Tổng cục THADS trước 30/3/2024. Tiếp tục tăng cường công tác tự kiểm tra ngay từ giai đoạn đầu và từng khâu của quá trình THADS của Chấp hành viên, hạn chế tối đa việc để xảy ra các vi phạm. Tăng cường phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát ngay những vụ việc liên quan đến thẩm định giá, bán đấu giá tài sản THADS trước khi đưa ra bán đấu giá.
Thứ ba, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình công tác trọng tâm trong THADS, THAHC, kế hoạch kiểm tra hàng năm trong Hệ thống THADS và các nhiệm vụ kiểm tra khi được phân công.
Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo là đầu mối tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Quy chế kiểm tra trong THADS; khẩn trương rà soát việc thực hiện Quy chế kiểm tra, chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Quý II năm 2024, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ. Chủ trì tham mưu tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm trong toàn Hệ thống THADS về công tác kiểm tra, tự kiểm tra, nhất là những tồn tại, hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong các kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh, kết luận kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân, kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ, kết luận kiểm tra của Tổng cục, Cục. Chủ trì tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra hàng năm trong Hệ thống THADS có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng tự kiểm tra, kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ; kiểm tra công tác tổ chức cán bộ, công tác tài chính; kiểm tra địa bàn, lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kiểm tra công tác phân loại án, công tác đưa tài sản thi hành án ra định giá, bán đấu giá, việc tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ việc do Ban chỉ đạo Trung ương và địa phương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi. Xử lý nghiêm các vi phạm, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý. Theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm sát trong đó kiểm soát việc thực hiện các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, vi phạm đã được nêu trong kết luận.
Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu cho Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục biện pháp chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện không hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra; cũng như có hình thức xử lý nghiêm các cá nhân để xảy ra vi phạm tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi.
                                                                                                                        Anh Tuấn