Bàn về việc xác định thời điểm sử dụng kết quả thẩm định giá khi đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá, việc thẩm định giá lại trong trường hợp Chứng thư hết hạn sử dụng.

25/08/2023


Thực tiễn trong quá trình tổ chức thi hành án của các cơ quan Thi hành án dân sự phát sinh vướng mắc liên quan đến việc xác định thời điểm sử dụng Chứng thư thẩm định giá khi đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá, căn cứ để thực hiện lại thủ tục thẩm định giá và người phải chịu chi phí thẩm định giá lại trong trường hợp Chứng thư quá hạn sử dụng, cụ thể:
Thứ nhất, quy định về định giá lại tài sản thi hành án khi kết quả thẩm định giá quá hạn sử dụng. Trong thời gian qua, việc đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá phát sinh khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc sử dụng kết quả thẩm định giá: Kết quả thẩm định giá chưa sử dụng hoặc đã sử dụng nhưng trình tự, thủ tục bán đấu giá không liên tục dẫn đến quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày phát hành Chứng thư. Để giải quyết vấn đề này, mỗi cơ quan THADS lại có biện pháp thực hiện khác nhau (thực hiện lại thủ tục thẩm định giá hoặc vẫn tiếp tục đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá).
Thứ hai, xác định thời điểm sử dụng kết quả quả thẩm định giá: Hiện nay, pháp luật về giá quy định kết quả thẩm định giá chỉ có hiệu lực trong thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày ban hành Chứng thư. Cơ quan THADS phải sử dụng kết quả thẩm định giá trong thời hạn, nếu vượt quá thời gian này thì Chứng thư không còn giá trị pháp lý. Tuy nhiên, pháp luật về THADS cũng như pháp luật về giá chưa quy định rõ thời điểm nào được xác định là thời điểm sử dụng Chứng thư trong hoạt động thi hành án dân sự dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau. Do đó, cần phải xác định chính xác thời điểm sử dụng Chứng thư, bởi vì nếu xác định được thời điểm này thì trình tự, thủ tục bán đấu giá tiếp theo không bị phụ thuộc vào thời hạn ghi trong Chứng thư.
Thứ ba, pháp luật hiện hành về THADS quy định người phải thi hành án chịu chi phí thẩm định giá lại. Tuy nhiên, đối với trường hợp Chứng thư hết hạn sử dụng không phải lỗi của người phải thi hành án thì cơ quan THADS không đủ căn cứ để buộc người phải thi hành án chịu chi phí. Do đó, cần phải quy định rõ ai là người phải chịu chi phí thực hiện lại thủ tục thẩm định giá trong trường hợp Chứng thư hết hạn sử dụng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Xác định đây là vướng mắc phát sinh do pháp luật chưa có quy định. Do đó, về giải pháp lâu dài nghiên cứu tham mưu đưa nội dung vướng mắc nêu trên vào Luật THADS (sửa đổi). Trước mắt, đề xuất thống nhất nội dung hướng dẫn chung toàn hệ thống THADS theo hướng:
* Về căn cứ định giá lại khi kết quả thẩm định giá quá hạn sử dụng
Pháp luật về THADS quy định các trường hợp phải thực hiện  thẩm định giá lại tại khoản 1 Điều 99 Luật THADS:
 “1. Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản;
b) Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản.”
Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định trường hợp Chứng thư hết hạn sử dụng thì có thực hiện thủ tục thẩm định giá lại hay không. Trong thực tế, đối với trường hợp chưa sử dụng hoặc đã sử dụng nhưng quá thời hạn ghi trong Chứng thư[1], kết quả thẩm định giá không còn giá trị pháp lý thì cần tiến hành thẩm định giá lại từ đầu để xác định chính xác nhất giá trị của tài sản tại thời điểm đưa ra bán đấu giá.
Đề xuất hướng giải quyết: Theo quy định của pháp luật về THADS, kết quả thẩm định giá được lấy làm giá khởi điểm để đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá. Cơ quan THADS phải sử dụng kết quả thẩm định giá đúng mục đích được ghi trong Hợp đồng thẩm định giá, Chứng thư thẩm định giá. Kết quả thẩm định giá chỉ được sử dụng trong thời hạn có hiệu lực được ghi trong Báo cáo kết quả thẩm định giá và Chứng thư thẩm định giá. Trường hợp Chứng thư chưa sử dụng hoặc đã sử dụng nhưng trình tự, thủ tục bán đấu giá không liên tục theo quy định dẫn đến Chứng thư quá thời hạn thì cơ quan THADS phải thực hiện lại thủ tục thẩm định giá.
* Xác định thời điểm sử dụng kết quả thẩm định giá khi đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá
Tại Điều 32 Luật giá và Mục 7 Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC thì kết quả thẩm định giá có hiệu lực trong thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày ban hành Chứng thư, cụ thể:
“Điều 32. Kết quả thẩm định giá
1. Kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong những căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và các bên liên quan xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá đối với tài sản.
2. Việc sử dụng kết quả thẩm định giá phải đúng mục đích ghi trong hợp đồng thẩm định giá hoặc văn bản yêu cầu thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Kết quả thẩm định giá chỉ được sử dụng trong thời hạn có hiệu lực được ghi trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá.”
Tại Mục 7 Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC quy định:
“Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và gửi cho khách hàng, các bên liên qua.
- Báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá được lập theo quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 06- Báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và hồ sơ thẩm định giá. 
- Xác định thời điểm bắt đầu có hiệu lực của chứng thư thẩm định giá: Thời điểm có hiệu lực của chứng thư thẩm định giá là ngày, tháng, năm ban hành chứng thư thẩm định giá.
- Xác định thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá:
Thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá được xác định trên cơ sở đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá; biến động về pháp lý, thị trường liên quan đến tài sản thẩm định giá và mục đích thẩm định giá nhưng tối đa không quá 6 (sáu) tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực.”
Tuy nhiên, pháp luật về THADS cũng như pháp luật về giá chưa quy định trường hợp khi đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá thì thời điểm nào được xác định là thời điểm sử dụng kết quả thẩm định giá. Do đó, trên cơ sở kết quả cuộc họp liên ngành và ý kiến thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Do đó đề xuất hướng giải quyết như sau: Xác định thời điểm sử dụng kết quả thẩm định giá trong hoạt động THADS: Thời điểm sử dụng kết quả thẩm định giá được xác định là thời điểm ký Hợp đồng Dịch vụ bán đấu giá tài sản thi hành án. Sau khi kết quả thẩm định giá được xác định là “đã sử dụng”, các trình tự, thủ tục tiếp theo phải được thực hiện liên tục, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về THADS và pháp luật về đấu giá.
* Về chi phí thẩm định giá lại do kết quả thẩm định giá hết hạn sử dụng
Về chi phí thực hiện lại thủ tục thẩm định giá trong trường hợp Chứng thư hết hạn sử dụng được thực hiện theo quy định tại Điều 73 Luật THADS, cụ thể: Người phải thi hành án chịu chi phí thẩm định giá lại theo điểm c khoản 1 “Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này”; người được thi hành án chịu chi phí thẩm định giá lại theo điểm a khoản 2 “chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá”; ngân sách Nhà nước trả chi phí thẩm định giá lại theo điểm a khoản 3 “định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá”. Trường hợp vụ việc có tính chất đặc biệt, phức tạp, có căn cứ xác định lỗi của Chấp hành viên, cơ quan THADS, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan thì phải thống nhất liên ngành để xem xét giải quyết; nếu phát sinh thiệt hại thì áp dụng quy định của pháp luật về bồi thường.
Đậu Thị Hiền - Vụ Nghiệp vụ 1
 

[1] Chứng thư đã sử dụng nhưng quá hạn vì các lý do như: Dịch bệnh, thiên tai; người có thẩm quyền yêu cầu hoãn thi hành án để xem xét lại bản án, quyết định; người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo yêu cầu dừng việc thi hành án; hoãn do Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp quyền sở hữu, đương sự chống đối…vv