Những vướng mắc, bất cập khi thi hành khoản nghĩa vụ buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không thực hiện những hành vi nhất định

13/10/2023


Thi hành án dân sự (THADS) là hoạt động đưa nội dung bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền buộc người phải thi hành án thực hiện các nghĩa vụ trên thực tế. Theo đó, theo quy định, người phải thi hành án phải thi hành nhiều khoản nghĩa vụ khác nhau như nghĩa vụ trả tiền, nghĩa vụ giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất, giao con,...Các khoản nghĩa vụ này có thể chia thành hai nhóm nghĩa vụ khác nhau đó là: nghĩa vụ liên quan đến tài sản và nghĩa vụ không liên quan đến tài sản. Nhóm nghĩa vụ không liên quan đến tài sản chính là những nghĩa vụ mà người phải thi hành án phải thực hiện hoặc không thực hiện những hành vi nhất định. Nhóm nghĩa vụ này rất đa dạng như: Ngăn chia ranh giới mặt đất; Mở lối đi; Bịt cửa sổ; Khôi phục nguyên trạng như trước khi xâm phạm, như các việc xâm phạm mồ mả, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, lưu thông đường cấp thoát nước…; Chấm dứt hành vi gây ô nhiễm môi trường; Chấm dứt hành vi cản trở việc thực hiện quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất hợp pháp; Cải chính tin tức sai sự thật; Công khai xin lỗi người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Nhận người lao động bị buộc thôi việc trái phép trở lại làm việc; Giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng; Chấm dứt hành vi sử dụng lối đi… Để thi hành, pháp luật THADS đã quy định Chấp hành viên (CHV) có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định (khoản 6 Điều 71 Luật THADS) và quy định cụ thể tại mục 10 Chương 2 (Điều 118 đến Điều 121). Mặc dù pháp luật đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục tổ chức thi hành đối với loại việc này, tuy nhiên, trên thực tiễn vẫn còn phát sinh nhiều vướng mắc cụ thể như sau:
1. Vướng mắc chung
1.1. Vấn đề xử phạt vi phạm hành chính do người phải thi hành án không thực hiện một công việc nhất định
Thẩm quyền xử phạt không phù hợp với hành vi vi phạm hành chính: Theo quy định tại Điều 118 đến Điều 121 Luật THADS (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), thì CHV đang tổ chức thi hành án, có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi như: “Người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ phải thực hiện công việc nhất định theo bản án, quyết định thì CHV quyết định phạt tiền…” (Điều 118); “Người phải thi hành án không tự nguyện chấm dứt việc thực hiện công việc mà theo bản án, quyết định không được thực hiện thì CHV ra quyết định phạt tiền đối với người đó, trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu họ khôi phục hiện trạng ban đầu…” (Điều 119); “Người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì CHV ra quyết định phạt tiền...” (Điều 120); “Trường hợp người sử dụng lao động không nhận người lao động trở lại làm việc theo bản án, quyết định thì CHV ra quyết định phạt tiền đối với người sử dụng lao động là cá nhân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng lao động…” (Điều 121).
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ thì đối với các hành vi vi phạm hành chính “Không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định” và “Không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định” thì bị phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng. Nhưng, theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì CHV THADS đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 500.000 đồng, nên đối với hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Điều 118 đến Điều 121 Luật THADS (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì thẩm quyền xử phạt thuộc về Cục trưởng Cục THADS. Do vậy, thực tiễn phát sinh vướng mắc:
Thứ nhất, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của CHV quá thấp so với yêu cầu của thực tiễn thực hiện công vụ: Theo quy định nêu trên thì CHV THADS đang thi hành công vụ có quyền Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng. Trong khi đó, các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động THADS được quy định tại Điều 64 Nghị định số 82/20/NĐ-CP thì mức xử phạt thấp nhất là cảnh cáo và khung xử phạt thấp nhất bằng tiền là từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính (đối với tổ chức là gấp đôi) và khung hình phạt tiền cao nhất là từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính (đối với tổ chức là gấp đôi), đồng thời, việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể (Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính). Theo các quy định trên thì CHV THADS đang thi hành công vụ chỉ được xử phạt vi phạm hành chính đối với một hành vi vi phạm duy nhất là “Đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền thi hành án nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng” và hình thức xử phạt là phạt cảnh cáo. Như vậy, về quy định của pháp luật, thì CHV được phạt tiền đến 500.000 đồng đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực THADS, nhưng thực tế thì CHV THADS đang thi hành công vụ không thể thực hiện quyền phạt tiền (vì vượt quá thẩm quyền), mà chỉ được phạt cảnh cáo. Trong khi đó, Luật THADS lấy CHV là trung tâm của việc tổ chức thi hành án, CHV là người trực tiếp thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Việc quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của CHV quá thấp so với yêu cầu của thực tiễn thực hiện công vụ đã gây khó khăn cho CHV trong quá trình tổ chức thi hành án, làm giảm đi tính chủ động và độc lập của CHV trong khi thi hành công vụ, làm giảm hiệu quả tổ chức thi hành án của CHV.
Thứ hai, để xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp trên, CHV phải lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển ngay đến Cục trưởng Cục THADS để xử phạt theo thẩm quyền. Trong thực tế thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do địa bàn công tác và khoảng cách về đơn vị hành chính (có đơn vị cấp huyện cách tỉnh đến hàng trăm ki lô mét, trong khi đường xá đi lại khó khăn), nên việc xử phạt và thực hiện việc xử phạt thường không đảm bảo thời hạn theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cũng như thời hạn của Luật THADS để CHV tiến hành các hoạt động tác nghiệp tiếp theo.
1.2. Về việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án
Hiện nay pháp luật chưa có biện pháp chế tài mang tính ràng buộc quyền lợi và nghĩa vụ của người thi hành, trong khi đó việc áp dụng quy định của Luật hình sự là không đơn giản và thực tế cũng chưa có đơn vị nào áp dụng, hơn nữa việc ra quyết định về xử lý vi phạm hành chính chỉ là biện pháp nối tiếp chứ chưa đạt được hiệu quả cuối cùng là giá trị của hiệu lực bản án được tuyên được tuân thủ.Theo quy định tại khoản 2 Điều 120 Luật THADS thì: khi hết thời hạn đã ấn định tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính (5 ngày làm việc) mà người phải thi hành án không thực hiện thì CHV tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. Việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án đối với người phải thi hành án trên thực tế rất khó khăn. CHV phải thực hiện rất nhiều thủ tục để lập hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không Chấp hành án…nhưng có những trường hợp Công an, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp không thống nhất giải quyết. Thực tế có những trường hợp cơ quan thi hành án phải nhiều lần gửi hồ sơ và Công văn đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự; đồng thời tiến hành tác động nhiều chiều (đề nghị chủ tịch UBND huyện chỉ đạo, UBND xã đề nghị…) nhưng không có kết quả hoặc chậm có kết quả. Vì thế, pháp luật cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc phối hợp với cơ quan thi hành án.
1.3. Một số khó khăn khác
Thứ nhất, nhiều vụ việc khó khăn do nội dung quyết định của Bản án, quyết định tuyên không rõ khó thi hành: Điển hình cho dạng khó khăn này là một số vụ việc Tòa án tuyên buộc mở lối đi có họa đồ kèm theo, tuy nhiên khi CHV xác minh thực tế hiện trường thì lối đi không đảm bảo đúng theo họa đồ hoặc trên lối đi phải mở có nhiều tài sản cây trồng có giá trị nhưng quyết định Bản án không xác định, ngoài ra, quá trình tổ chức thi hành những việc án buộc di dời nhà trả đất cũng gặp không ít khó khăn, do nhà trên đất là nhà tường được xây dựng kiên cố, việc di dời là không thể thực hiện. Trong thực tế thi hành những loại việc án buộc mở lối đi, giao trả đất... sau khi CHV tổ chức thi hành án xong, người phải thi hành án thường tái chiếm hoặc rào lối đi, cản trở, không cho người được thi hành án sử dụng, từ đó phát sinh khiếu nại bức xúc của người dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương
Thứ hai, ý thức chấp hành bản án, quyết định của người phải thi hành án chưa cao, người phải thi hành án thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc thi hành án, có trường hợp đương sự cố tình không thực hiện, chống đối quyết liệt vì không đồng ý với quyết định của Tòa án các cấp. Trường hợp buộc thực hiện công việc nhất định phải do chính người phải thi hành án thực hiện không thể giao cho người khác như giao con, đối với loại việc này thì đương sự cố tình trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng.
Thứ ba, thực tế hiện nay, việc tổ chức thi hành loại việc này gặp không ít khó khăn do sự phối kết hợp của các ban, ngành tại địa phương chưa được thống nhất, còn đùn đẩy trách nhiệm.
2. Vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành một số loại việc cụ thể
2.1.  Đối với việc thi hành án giao con
Thi hành án giao con là loại việc hết sức phức tạp, bởi đối tượng thi hành án ở đây không phải là tiền hay tài sản mà là con người cụ thể, do đó nó là loại việc rất đặc thù và gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành. Bên phải giao là cha, mẹ,…hoặc người có quan hệ ruột thịt của đối tượng được giao thường không muốn giao con. Họ tìm mọi cách để lẩn tránh việc giao con, thậm trí là đưa con đi rất xa khỏi địa phương (họ nêu lý do việc giao con sẽ làm thời gian sinh hoạt, học tập của con họ bị đảo lộn) không rõ địa chỉ, nên không thể thực hiện các thủ tục làm việc, thông báo, phạt tiền theo quy định; mặt khác bản thân người phải thi hành án có biểu hiện chống đối quá thái có thể gây tổn thương cho người chưa thành niên buộc phải giao trả gây khó khăn cho công tác thi hành án. Trong trường hợp này, CHV không xác định được địa chỉ mới của đối tượng thi hành án dẫn đến việc thi hành án bị tồn đọng. Có trường hợp “tái chiếm”, lợi dụng quyền thăm nôm, giữ con không giao lại khi cơ quan thi hành án đã giao xong. Cũng có trường hợp mang con đi giấu, hoặc con không chịu theo người được thi hành án.
Có trường hợp người được thi hành án làm đơn yêu cầu giao con, sau đó bỏ địa phương đi nơi khác, CHV báo gọi nhiều lần nhưng không có mặt, căn cứ điểm e khoản 1 Điều 48 Luật THADS, CHV đề xuất lãnh đạo ra Quyết định hoãn thi hành án, dẫn đến tồn đọng án, không xử lý được.
2.2. Đối với việc yêu cầu cưỡng chế giao, trả giấy tờ không thể thu hồi được nhưng có thể cấp lại
- Trong các biện pháp cưỡng chế THADS được quy định tại Điều 71 Luật THADS năm 2008, thì biện pháp cưỡng chế buộc chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ là một trong những biện pháp cưỡng chế không phức tạp nhưng vướng mắc khi áp dụng điều luật này vào thực tiễn. Đó là vấn đề thu hồi giấy tờ có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng  tài sản của đối tượng phải thi hành án sau khi cưỡng chế thi hành án mà không thu hồi được. Giải quyết vấn đề này, Luật THADS năm 2008 cũng đã quy định rất mới và thông thoáng tại Điều 106, khoản 4, Điều 116. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành án, áp dụng những điều này lại gặp phải những vướng mắc. Theo quy định tại khoản 1 Điều 116 Luật THADS (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì trường hợp người phải thi hành án không giao, trả giấy tờ cho người được thi hành án theo nội dung bản án, quyết định thì CHV cưỡng chế buộc người phải thi hành án giao, trả giấy tờ đó. Tuy nhiên, trên thực tế việc cưỡng chế gần như không được vì đa phần người phải thi hành án cố tình che giấu hoặc hủy hoại giấy tờ. Đối với trường hợp này CHV cơ quan thi hành án không thể nào lấy lại giấy tờ để trả lại cho người được thi hành án mà chỉ có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với người phải thi hành án theo quy định. Trong trường hợp này giấy tờ không thể thu hồi được nhưng có thể cấp lại thì CHV yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy giấy tờ đó và cấp mới cho người được thi hành án. Tuy giải pháp này đã khắc phục được tình trạng bất hợp tác của người phải thi hành án nhưng lại gặp phải khó khăn khác đó là khi CHV yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ và cấp giấy tờ mới cho người được thi hành án thì không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận, cụ thể UBND cấp huyện sẽ căn cứ khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013 và khoản 6 Điều 87 Nghị định 43/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai 2013: “Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã được thi hành”.
- Những vụ việc này thông thường người phải giao các giấy tờ đồng thời là người được thi hành án trong vụ việc đó, họ đưa ra lý do người được thi hành án còn nợ mình nên không chịu giao hoặc báo giấy tờ đã bị thất lạc, không tìm ra được nên không giao. Trường hợp này, CHV cần giải thích, động viên, thuyết phục người phải thi hành án giao trả giấy tờ, nếu không có kết quả thì xử lý theo quy định tại Điều 116 Luật THADS, sửa đổi, bổ sung năm 2014.
2.3. Đối với những vụ việc buộc chuyển giao quyền sử dụng đất
Đối với những vụ việc này có những trường hợp bản án của Tòa án tuyên không đúng với thực tế, trên đất chuyển giao có tài sản nhưng Tòa án không tuyên việc xử lý… dẫn đến việc thi hành án không thể thi hành được.
 2.4. Đối với việc buộc tháo dỡ, di dời nhà, vật kiến trúc
Loại việc này thường gặp khó khăn do tài sản phải di dời có giá trị lớn, không đúng với thực tế, hoặc đã thay đổi vào thời điểm tổ chức thi hành. Đồng thời, đa số đương sự không tự nguyện thi hành, chống đối, cản trở. Mặc dù bản án của Tòa án xét xử đúng quy định của pháp luật, nhưng trong giai đoạn thi hành án không thể tổ chức thi hành án (như xây dựng nhà bị nghiên chiếm khoảng không gian của bên liền kề, Tòa án buộc tháo dỡ phần chiếm khoảng không gian; xây dựng nhà, ban công nằm trên ban công của nhà liền kề, Tòa án buộc tháo dỡ,...), cơ quan thi hành án chưa tìm được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, năng lực thực hiện.
2.5. Đối với việc buộc tiếp tục làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất
- Đây là nội dung liên quan đến thủ tục chuyên môn thuộc cơ quan liên quan, nên khó khăn cho CHV, khó cho cả cơ quan chuyên môn, người được thì bỏ địa phương đi không rõ địa chỉ, người phải thi hành án thì không hợp tác thực hiên (Công việc phải do hai bên phối hợp thực hiện).
- Khó khăn khi Cơ quan THADS tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở việc đo vẽ nhà đất. Theo quy định của Luật THADS quy định về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì không có quy định cụ thể nào về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở việc đo vẽ, định giá tài sản hoặc buộc đương sự mở cửa nhà để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đo vẽ nhà đất. Để tổ chức thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở việc đo vẽ, định giá tài sản hoặc buộc đương sự mở cửa nhà để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đo vẽ nhà đất thì cơ quan thi hành án phải vận dụng Điều 118 Luật THADS để buộc đương sự thực hiện. Tuy nhiên, nếu đương sự không hợp tác thì cũng không có căn cứ và quy định để tiến hành cưỡng chế mở cửa…vì cưỡng chế buộc đương sự mở của nhà chỉ áp dụng đối với trường hợp kê biên tài sản, đồ vật bị khóa hoặc đóng gói và đã có quy định rõ về việc xử lý tài sản trong những trường hợp này. Còn đối với trường hợp đo vẽ, định giá này thì, khi người phải thi hành án khóa cửa không có mặt tại nhà, hoặc vắng mặt tại địa phương không chấp hành việc thi hành án, thì khi cơ quan thi hành án khi tổ chức cưỡng chế có được phá khóa của người phải thi hành án không. Tài sản sau khi phá khóa có phải liệt kê, mô tả, chuyển về nơi giữ bảo quản tài sản không. Chi phí này ai phải chịu. Nếu không liệt kê mô tả tài sản mà niêm phong khóa lại nhưng Hội đồng cưỡng chế rút khỏi địa bàn nhưng không có người trông giữ khi cửa bị khóa sẽ xử lý như thế nào.
Đối với việc tổ chức thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật, sau khi thực hiện việc mở khóa để kê biên tài sản mà người phải thi hành án, chủ sở hữu tài sản, người đang quản lý tài sản hoặc người thân thích của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật không nhận bảo quản tài sản kê biên thì CHV thuê người bảo quản tài sản (Điều 58), chi phí bảo quản tài sản do người bị cưỡng chế chịu. Tuy nhiên, các quyết định khẩn cấp tạm thời của Tòa án ban hành chỉ quy định về chi phí đo vẽ, định giá, không quy định chi phí bảo quản tài sản. Như vậy khi xảy ra trường hợp phải thuê bảo quản tài sản khi cưỡng chế thì sẽ không có chi phí để thực hiện.
 Vì những lý do trên, nên thực tế hiện nay rất nhiều vụ việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở việc đo vẽ, định giá tài sản hoặc buộc đương sự mở cửa nhà để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đo vẽ nhà đất Cơ quan THADS không thể thi hành được và vụ việc rơi vào bế tắc cho cả cơ quan thi hành án và Tòa án.
2.6. Đối với án buộc nhận người lao động trở lại làm việc
- Bản án tuyên không rõ loại hình lao động buộc người lao động trở lại làm việc nên khi cơ quan thi hành án thực hiện rất khó vì người sử dụng lao động nhất quyết không nhận người lao động đó trở lại làm việc hoặc nếu phải nhận người lao động trở lại làm việc với điều kiện chỉ ký hợp đồng có xác định thời hạn, nhưng người lao động lại nhất quyết phải yêu cầu ký hợp đồng không xác định thời hạn. Nên mâu thuẫn giữa 2 bên đương sự gây khó khăn cho cơ quan thi hành án.
- Cơ quan thi hành án không có chế tài áp dụng đối với cơ quan nhận người lao động trở lại làm việc khi họ không chấp hành bản án đã tuyên./.

Phạm Thị Hiền - Vụ Nghiệp vụ 1