MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN NƯỚC NGOÀI, QUYẾT ĐỊNH CỦA TRỌNG TÀI NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH TẠI VIỆT NAM

28/11/2023
Bài viết phân tích một số vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật về thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, xác định nhu cầu hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.


I. Thực trạng quy định của pháp luật:
Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018 và năm 2022 (sau đây xin gọt tắt là Luật THADS) có các điều khoản sau đây quy định về thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (“TANN”), quyết định của Trọng tài nước ngoài (“TTNN”) đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam: 
Tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật THADS, quy định: “Những bản án, quyết định được thi hành theo Luật này bao gồm: …d) Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.”
Theo quy định tại điểm khoản 1 Điều 28 Luật THADS: “Tòa án đã ra bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 2 của Luật này phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.”
Tại điểm d khoản 2 Điều 35 Luật THADS có quy định về “Thẩm quyền thi hành án” đối với loại việc này như sau: “Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:…d) Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.”  
Như vậy, theo các quy định nói trên thì các bản án, quyết định dân sự của TANN hoặc các quyết định của TTNN được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, sẽ được tổ chức thi hành theo quy định của Luật THADS, như trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực do Tòa án Việt Nam hoặc Trọng tài thương mại Việt Nam ban hành.
Thẩm quyền tổ chức thi hành án đối với loại việc này là cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh[1].  
Ngoài ra, qua rà soát các quy định của pháp luật có liên quan, tác giả nhận thấy còn 02 trường hợp sau đây chưa được quy định trong Luật THADS:  
I.1. Về thi hành Quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài: Cụ thể, tại Điều 118 Luật Phá sản năm 2014 (sau đây xin gọi tắt là “Luật PS”), có quy định về Thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài, như sau: “Việc công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài được thực hiện theo quy định của hiệp định tương trợ tư pháp mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định khác của pháp luật về tương trợ tư pháp”. Như vậy, theo Điều 118 của Luật PS nói trên, trong trường hợp quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài (‘Quyết định”) được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, thì phải đặt ra vấn đề tổ chức thi hành “Quyết định” này.
Trong khi đó, hiện nay Luật THADS có quy định tương đối cụ thể về “Thi hành quyết định về phá sản của Tòa án Việt Nam” (tại Mục 4 Chương 5 Luật THADS), tuy nhiên chưa có quy định đối với trường hợp “Quyết định giải quyết phá sản của TANN được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam” này. Mặc dù chúng ta có thể áp dụng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Luật THADS, về “Bản án, quyết định được thi hành”, để xem xét rằng  “Quyết định giải quyết phá sản của TANN được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam” nói trên cũng là một dạng“Bản án, quyết định dân sự của TANN đã được Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam”; Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, về bản chất thủ tục phá sản là một thủ tục thu hồi nợ tập thể nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tất cả các chủ nợ, do đó, nó khác với bản án, quyết định dân sự của TANN được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, chỉ áp dụng cho việc thu hồi nợ mang tính chất đơn lẻ, của từng chủ nợ. Mặt khác, quy định về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án đối với một vụ việc phá sản theo Luật THADS và Luật PS của Việt Nam hiện nay cũng có nhiều điểm khác biệt với pháp luật về phá sản của nhiều quốc gia trên thế giới[2].  
I.2. Về thi hành phán quyết theo Hiệp định EVIPA được quy định tại Nghị quyết số 113/2020/QH14 của Quốc hội:
Ngày 18/6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 113/2020/QH14 (sau đây xin gọi tắt là “Nghị quyết”), về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXNCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu (EU) và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (sau đây xin gọi tắt là Hiệp định EVIPA). Nghị quyết này có 04 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực[3]. Theo đó, Nghị quyết quy định về cơ chế công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nghĩa vụ về tài chính theo phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư được ban hành theo quy định tại Mục B, Chương 3 của Hiệp định EVIPA, được ký ngày 30/6/2019 tại Việt Nam. Như vậy, Việt Nam chỉ phải thi hành các nghĩa vụ về tài chính, mà trong đó được quy định cụ thể gồm: thiệt hại về tiền và lãi suất áp dụng; chuyển giao tài sản và được bồi thường thiệt hại bằng tiền, lãi suất áp dụng thay cho việc chuyển giao tài sản.
Về công nhận và cho thi hành phán quyết, theo quy định tại Điều 2 của Nghị quyết thì Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành nghĩa vụ về tài chính theo Phán quyết EVIPA như bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam và không xem xét lại giá trị pháp lý của Phán quyết này[4].  Theo đó, tòa án có thẩm quyền của Việt Nam được áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận phán quyết đó. Nội dung này phù hợp với Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài mà nước ta là thành viên[5].
Việc thông qua Nghị quyết số 113/2020/QH14 nhằm tạo một khung pháp lý vững chắc hơn, để tiếp tục cũng cố mạnh mẽ việc bảo hộ hoạt động đầu tư của nhà đầu tư EU tại Việt Nam cũng như nhà đầu tư Việt Nam tại các nước thành viên EU, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, thu hút môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và ngày càng phát triển hơn nữa. Trong đó, liên quan đến thi hành án dân sự, tại khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết này có quy định: “Phán quyết theo quy định tại Điều này được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự”.
Như vậy, đối với công tác thi hành án dân sự chúng ta có thể nhận thấy một đặc trưng rất nổi bật trong việc thi hành phán quyết của trọng tài giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA, đó là bên phải thi hành là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong trường hợp mà một Phán quyết đối với bị đơn là CHXHCN Việt Nam được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo Nghị quyết nói trên.
Tuy nhiên, Luật THADS hiện hành chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, mặc dù vẫn có thể áp dụng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 35 về thẩm quyền thi hành án như đối với “Bản án, quyết định của TANN, quyết định của TTNN được Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam”; tuy nhiên, như phân tích ở trên và thực tiễn công tác thi hành án dân sự, đối với trường hợp mà bên phải thi hành hành Phán quyết quá đặc thù này thì các Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thể sẽ phát sinh vướng mắc về thẩm quyền khi gặp phải loại việc này. Mặt khác, theo khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết thì Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết, tuy nhiên theo tác giả được biết thì đến nay, Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để thi hành Nghị quyết này[6].
II. Những vướng mắc, khó khăn về tổ chức thi hành án có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật hiện hành:
Hiện nay, Luật THADS chỉ có 01 điều luật liên quan trực tiếp về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án đối với việc thi hành án có yếu tố nước ngoài nói chung, cũng như việc thi hành “Bản án, quyết định về dân sự của TANN, quyết định của TTNN đã được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam” nói riêng, tuy nhiên điều luật này cũng chỉ dẫn chiếu đến các quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.
Cụ thể: Tại Điều 181 của Luật THADS về “Tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án”, có quy định: “1. Việc yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án, việc tiếp nhận và xử lý ủy thác tư pháp về thi hành án của nước ngoài trong quá trình thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.2. Cơ quan thi hành án dân sự có yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án phải lập hồ sơ ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp”
Ngoài ra, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS, đã bổ sung thêm về hướng dẫn xử lý đối với việc thi hành án có yêu cầu ủy thác tư pháp (“UTTP”) như sau: “a) Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ mà nhận được đủ kết quả theo yêu cầu thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thi hành án theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhận được kết quả ủy thác tư pháp nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc ủy thác tư pháp lần thứ hai. Nếu đã ủy thác tư pháp lần thứ hai mà kết quả không đáp ứng yêu cầu thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện theo quy định tại điểm b khoản này. b) Trường hợp hết thời hạn quy định tại điểm a khoản này mà không có kết quả hoặc có thông báo về việc không thực hiện được việc ủy thác tư pháp thì việc thông báo văn bản đã ủy thác và các văn bản khác trong quá trình thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Thi hành án dân sự. c) Trường hợp ủy thác tư pháp về việc giao trả giấy tờ, tài liệu liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự, nếu việc thực hiện ủy thác tư pháp không có kết quả hoặc đương sự không đến nhận thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm a khoản này hoặc hết thời hạn theo thông báo thì cơ quan thi hành án làm thủ tục gửi cho người đó; trường hợp không xác định được địa chỉ người nhận thì gửi cho cơ quan, tổ chức đã ban hành giấy tờ, tài liệu hoặc cơ quan đại diện của nước có cơ quan, tổ chức đã ban hành giấy tờ, tài liệu”[7].
Hiện nay, cơ sở pháp lý của pháp luật về tương trợ tư pháp bao gồm Luật Tương trợ tư pháp, Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 12/2016 ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và TANDTC và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Cụ thể, tại Điều 6 Luật tương trợ tư pháp quy định về tương trợ tư pháp như sau: “1. Uỷ thác tư pháp là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 2. Tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông qua ủy thác tư pháp”.
Từ quy định trên, có thể thấy rằng Điều 6 Luật Tương trợ tư pháp đã xác định “tương trợ tư pháp” là việc Việt Nam hoặc nước ngoài thực hiện cho nhau “một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp” được quy định trong nội luật quốc gia hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên[8]. Để được Việt Nam hoặc nước ngoài thực hiện “một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp”, thì nước này phải ủy thác tư pháp cho nước kia bằng văn bản. Tiếp đó, Điều 10 Luật Tương trợ tư pháp làm rõ hơn hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài bao gồm những hoạt động sau đây: “1. Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự; 2. Triệu tập người làm chứng, người giám định; 3. Thu thập, cung cấp chứng cứ; 4. Các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự”.
Như vậy, từ các quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 6 Luật Tương trợ tư pháp, có thể xác định “một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp” của Luật Tương trợ tư pháp chủ yếu là hoạt động tố tụng dân sự: tống đạt giấy tờ, tài liệu và thu thập, cung cấp chứng cứ (việc triệu tập người làm chứng, người giám định, xét về bản chất vẫn là hoạt động thu thập chứng cứ). Ngoài ra, cần lưu ý rằng đối với Việt Nam, việc bắt giữ tàu biển và một số hoạt động thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài cũng được xác định là hoạt động tương trợ tư pháp. Xét về nguồn gốc lịch sử lập pháp, quy định hoạt động tương trợ tư pháp bao gồm cả thi hành án dân sự là sự cụ thể hóa quy định tương ứng tại một số Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, tại các Hiệp định này có quy định cơ quan trung ương của nước này sẽ nhận hồ sơ yêu cầu công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án mình do đương sự gửi đến để chuyển cho cơ quan trung ương có thẩm quyền của nước kia. Sau khi nhận được, cơ quan trung ương có thẩm quyền sẽ chuyển cho Tòa án của nước mình xem xét, giải quyết. Hoạt động gửi, nhận hồ sơ này được xếp vào hoạt động tương trợ tư pháp nhận, gửi giấy tờ, tài liệu theo quy định của Hiệp định[9].
Tại bài viết “Về một số quy định chưa thống nhất, đồng bộ giữa Bộ luật TTDS và Luật THADS hiện hành”, tác giả bài viết này đã phân tích một số nội dung chưa thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Bộ luật TTDS với Luật THADS, liên quan đến việc công nhận và cho thi hành Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể là về vấn đề thời hiệuchủ thể có quyền yêu cầu thi hành án[10].
Tuy nhiên, trong thực tiễn tổ chức thi hành đối với loại việc thi hành án có yếu tố nước ngoài thì vướng mắc nội bật nhất là hoạt động tương trợ tư pháp về thi hành án dân sự, cụ thể là việc tống đạt, thông báo về thi hành án cho đương sự ở nước ngoài. Hiện nay, Luật THADS quy định trình tự, thủ tục thi hành án có yếu tố nước ngoài giống như việc tổ chức thi hành án ở trong nước, trong khi đó, pháp luật về thi hành án dân sự quy định toàn bộ các quyết định, giấy báo, giấy triệu tập và các văn bản khác có liên quan đều phải thông báo cho đương sự (Điều 39 Luật THADS). Nghĩa là trường hợp đương sự ở nước ngoài thì toàn bộ các văn bản, tài liệu muốn thông báo cho đương sự thì đều phải thực hiện thủ tục UTTP.
Trong khi đó, thời hạn thực hiện ủy thác tư pháp thường kéo dài làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các trình tự, thủ tục khác về thi hành án. Ngoài ra, không phải các yêu cầu về UTTP đều nhận được trả lời, theo thống kê chỉ có khoảng dưới 60% yêu cầu UTTP là nhận được phản hồi. Cụ thể, theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện UTTP về dân sự qua cơ quan đầu mối trong năm 2019,  đối với Ủy thác tư pháp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam như sau: Tổng số yêu cầu UTTP của Việt Nam gửi cho nước ngoài: 2.185 yêu cầu.Trong đó có 231 (10,5%) yêu cầu được gửi đến những nước chưa có ĐƯQT về TTTP với Việt Nam; 1.245 (57%) yêu cầu thực hiện theo kênh Công ước tống đạt; 709 (32,5%) yêu cầu thực hiện theo kênh Hiệp định TTTP song phương. Trong khí đó, tổng số yêu cầu UTTP có trả lời là 1.118/2.185 yêu cầu (51,1%). Trong đó, 11/231 (0,4%) yêu cầu gửi đến những nước chưa có ĐƯQT về TTTP với Việt Nam có trả lời; 706/1.245 (56,7%) yêu cầu gửi theo kênh Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt) có trả lời, 401/709 (56,6%) yêu cầu gửi theo kênh hiệp định song phương có trả lời. Ngoài ra, trong năm 2019, Bộ Tư pháp còn nhận được 405 phản hồi đối với các hồ sơ UTTP đã gửi yêu cầu từ các năm 2017 và 2018[11]. Tuy nhiên, số liệu này cũng không phân định rõ số lượng vụ việc yêu cầu UTTP của các cơ quan thi hành án dân sự là bao nhiêu?, cũng như có bao nhiêu việc UTTP của các cơ quan thi hành án dân sự đã nhận được trả lời đầy đủ?.
Theo quy định tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị địngh số 33/2020/NĐ-CP) thì trong trường hợp nhận được kết quả ủy thác tư pháp, thời gian để cơ quan thi hành án dân sự chờ nhận đủ kết quả là từ 6 tháng đến 12 tháng. Còn trong trường hợp không nhận được kết quả hoặc có thông báo về việc không thực hiện được ủy thác tư pháp thì cơ quan thi hành án dân sự phải chờ thời gian tối đa là 12 tháng để có thể thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của Luật thi hành án dân sự.
Vậy thủ tục thi hành án sẽ được thực hiện như thế nào để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật nhưng vẫn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự ở nước ngoài? Những thời hạn quy định trong Luật thi hành án dân sự sẽ được áp dụng như thế nào trong trường hợp sau 06 tháng hoặc thậm chí là sau 01 năm, đương sự mới nhận được thông báo hợp lệ? Thời hạn đó được tính kể từ ngày đương sự nhận được thông báo hợp lệ, hay tính kể từ ngày cơ quan thi hành án dân sự bắt đầu thực hiện việc thông báo? Đây là một vấn đề chưa có quy định rõ ràng và gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình áp dụng[12].
 III. Một số đề xuất, kiến nghị:
Như vậy, qua phân tích trên, chúng ta có thể nhận thấy việc Luật THADS hiện hành còn “thiếu vắng” các quy định đặc thù riêng về THADS có yếu tố nước ngoài, cũng như chưa quy định cụ thể về hợp tác quốc tế trong thi hành án trong trường hợp phát sinh các vụ việc có yếu tố nước ngoài sẽ gây khó khăn cho các cơ quan THADS, chấp hành viên trong thực thi nhiệm vụ. Do đó, trong quá trình sửa đổi Luật THADS, cần nghiên cứu bổ sung các nội dung liên quan đến THADS có yếu tố nước ngoài; mở rộng phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự trong lĩnh vực THADS; đảm bảo nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với các nước; tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan thi hành án có thể ủy thác tư pháp cho nước ngoài thực hiện các việc liên quan đến xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án; đồng thời, tạo cơ chế theo dõi, đánh giá, tổng kết toàn diện và thường xuyên đối với công tác thực hiện tương trợ tư pháp cho nước ngoài tại Việt Nam[13].
Hiện nay, theo Bản “Dự kiến Đề cương chi tiết Luật THADS (sửa đổi)” đã bổ sung điều luật mới về áp dụng Luật THADS đối với việc thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài, cụ thể tại khoản 3 Điều 2 Dự kiến Luật THADS (sửa đổi), có quy định: “Luật THADS được áp dụng đối với việc thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài; trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”. Đồng thời, Bản Dự kiến Luật THADS (sửa đổi) cũng đã bổ sung Chương XXIV, về “Thi hành án có yếu tố nước ngoài”, gồm các điều luật mới như sau: “Điều 268: Xác định thẩm quyền thi hành án”; “Điều 269: Thông báo thi hành án có yếu tố nuốc ngoài”; “Điều 270: Ủy thác tư pháp về dân sự trong thi hành án”; “Điều 271: Phối hợp cung cấp thông tin về việc xuất, nhập cảnh của người phải thi hành án” và “Điều 272: Xử lý trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án ở Việt Nam”.
Như vậy, trong thời gian tới khi dự thảo Luật THADS (sửa đổi) này được thông qua thì những nội dung vướng mắc, bất cập nêu trên phần lới sẽ được giải quyết.
Tuy nhiên, tác giả bài viết tiếp tục đề xuất ở Chương XXIV này, cần bổ sung thêm điều luật quy định về thi hành “Bản án, quyết định về dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài đã được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam”; cụ thể, tại điều luật này cần quy định rõ về thời hiệu yêu cầu thi hành án (cần quy định rõ việc tính thời hiệu từ thời điểm đương sự nộp đơn yêu cầu công nhận hay từ thời điểm có Quyết định công nhận và cho thi hành Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam; Thời hiệu yêu cầu thi hành án là 03 năm hay là 05 năm)[14] và về thủ tục nộp đơn yêu cầu thi hành án (trong đó cần quy định rõ các phương thức nộp đơn yêu cầu thi hành án và các văn bản, tài liệu phải nộp kèm đơn yêu cầu thi hành án đối với trường hợp này).

Nguyễn Giao – Chi cục THADS Quận 12 TP. Hồ Chí Minh


[1] Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật THADS, quy định về “Thẩm quyền ủy thác thi hành án dân sự” thì Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh chỉ được ủy thác thi hành bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nới khác.

[2] Ví dụ, pháp luật về phá sản ở một số quốc gia trên thế giới (Mỹ, Nhật…) có quy định về phá sản đối với cá nhân, tuy nhiên, Luật PS Việt Nam chỉ áp dụng đối với pháp nhân.

[3] Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Ngày 01/12/2015, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 01/02/2016, văn bản hiệp định được công bố. Ngày 26/06/2018, một bước đi mới của EVFTA được thống nhất. Theo đó, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA); đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với Hiệp định EVFTA. Tháng 08/2018, quá trình rà soát pháp lý đối với EVIPA cũng được hoàn tất. Hai Hiệp định được ký kết ngày 30/06/2019. EVFTA và EVIPA được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu vào ngày 12/2/2020, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020. Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua EVFTA. Đối với EVFTA, do đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn, Hiệp định này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đối với EVIPA, về phía EU, Hiệp định sẽ còn phải được sự phê chuẩn tiếp bởi Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU mới có hiệu lực.

[4] Về nguyên tắc “không bị kháng cáo, xem xét lại, hủy bỏ hoặc tuyên vô hiệu hoặc bất kỳ sửa đổi nào khác” (điểm b, khoản 1 Điều 3.57) đlà bảo đảm thực thi theo đúng quy định của Hiệp định EVIPA.

[5] Cụ thể, tại Điều 2 của Nghị quyết số 113/2020/QH14 quy định về “Công nhận và cho thi hành Phán quyết”: 1. Phán quyết được ban hành trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc trong một thời gian dài hơn theo quyết định của Ủy ban thành lập theo Điều 4.1 của Hiệp định đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được coi như phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phù hợp với Công ước Niu-oóc năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận Phán quyết đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.  2. Phán quyết được ban hành sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận và cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu. 3. Kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Phán quyết được ban hành đối với bị đơn là Liên minh Châu Âu hoặc nước thành viên Liên minh Châu Âu được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận và cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.
4. Phán quyết theo quy định tại Điều này được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.
 [6]Cụ thể, theo quy định tại Điều 3 của Nghị quyết số 113/2020/QH14: 1. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết này. 2. Bộ Ngoại giao thông báo kịp thời cho Tòa án nhân dân tối cao thời điểm kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này.
 [7] Khoản 3 Điều 50 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020), quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS.

[8] Hiện nay có 17 Hiệp định, thỏa thuận tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên với 9 nước châu Âu (Nga, U-crai-na, Ba Lan, Bê-la-rút, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Séc, Xlô-va-ki-a, Pháp), 6 nước châu Á, 1 vùng lãnh thổ: Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Ca-dắc-xtan, Mông Cổ, Triều Tiên, Lãnh thổ Đài Loan); 01 nước châu Phi (An-giê-ri), 01 nước châu Mỹ (Cu Ba).

[9] Lê Mạnh Hùng, Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định giải quyết phá sản của tòa án nước ngoài – Một số vấn đề pháp lý đặt ra. Xem tại: https://tapchitoaan.vn/cong-nhan-va-cho-thi-hanh-tai-viet-nam-quyet-dinh-giai-quyet-viec-pha-san-cua-toa-an-nuoc-ngoai-%E2%80%93-mot-so-van-de-phap-ly-dat-ra

 [10] Nguyễn Giao, Về một số quy định chưa thống nhất, đồng bộ giữa Bộ luật TTDS và Luật THADS hiện hành. Xem tại: https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=1048
 [11] Theo Báo cáo số 479/BC-CP ngày 12/10/2019 của Chính phủ về hoạt động tương trợ tư pháp năm 2019. Xem tại: https://moj.gov.vn/tttp/tintuc/Pages/tuong-tro-tu-phap.aspx?ItemID=13.

[12] Hoàng Thu Thủy, Thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài – đề xuất hoàn thiện quy định của Luật THADS.Xem tại:https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=1064

 [13] Phạm Minh Đức, Đẩy mạnh việc tham gia vào cơ chế hợp tác đa phương trong lĩnh vực thi hành án đáp ứng yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay. Xem tại:https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=1038

[14] https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=1048