Cần thiết phải quy định chức năng tổ chức thi hành án của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng

05/03/2024


Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ nhất ngày 06/10/1992 quy định một số điểm về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân, về việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án nhân dân các cấp sang cơ quan của Chính phủ, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 và quy định pháp luật, Bộ Quốc phòng thành lập cơ quan quản lý thi hành án dân sự trong Quân đội là Phòng Quản lý thi hành án Bộ Quốc phòng (nay là Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng) và 09 cơ quan thi hành án dân sự trong Quân đội là Phòng Thi hành án các quân khu, Quân chủng Hải quân và Quân khu Thủ đô (nay là Phòng Thi hành án Bộ Tổng Tham mưu).
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới xác định: Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án. Hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thi hành án hình sự, dân sự và hành chính…
Hiện nay, Hệ thống tổ chức, biên chế; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, cơ quan thi hành án trong Quân đội thực hiện theo quy định tại Điều 13, 15, 168, 172 Luật Thi hành án dân sự; Điều 54 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và Thông tư số 50/2017/TT-BQP ngày 08/3/2017 của Bộ Quốc phòng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Cục Thi hành án và Phòng Thi hành án cấp quân khu. Theo đó, Hệ thống tổ chức thi hành án trong Quân đội được tổ chức theo 2 cấp, gồm: Cơ quan quản lý thi hành án là Cục Thi hành án, trực thuộc Bộ Quốc phòng; 09 cơ quan thi hành án cấp quân khu là các Phòng Thi hành án trực thuộc Bộ Tư lệnh quân khu và tương đương. Mô hình tổ chức Thi hành án trong Quân đội cơ bản phù hợp với đặc thù công tác thi hành án dân sự trong Quân đội, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng Ngành Thi hành án Quân đội vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tiễn công tác thi hành án dân sự trong Quân đội thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, cụ thể:
1. Những năm qua, Ngành Thi hành án Quân đội đã thụ lý, giải quyết nhiều vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp, vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo có số tiền, giá trị tài sản phải thi hành rất lớn, liên quan đến đất quốc phòng, việc thi hành án có yếu tố nước ngoài nên việc thu hồi tiền, tài sản gặp nhiều khó khăn cần sự có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương và các cơ quan Trung ương, trong khi nguồn lực của cơ quan thi hành án không bảo đảm, số lượng Chấp hành viên ít cần phải có sự hỗ trợ của Cục Thi hành án; trong khi đó, theo quy định của pháp luật, Cục Thi hành án không có thẩm quyền tổ chức thi hành án, chỉ thực hiện công tác quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, dẫn đến có việc tổ chức thi hành án chưa kịp thời, thời gian kéo dài. Trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do đó số vụ việc thụ lý ngày càng tăng kể cả việc và tiền, tính chất phức tạp, Phòng Thi hành án cấp quân khu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải quyết việc thi hành án.
2. Theo thẩm quyền, Phòng Thi hành án cấp quân khu có chức năng thụ lý, tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án quân sự các cấp có hiệu lực pháp luật (trên địa bàn) và các việc thi hành án do cơ quan thi hành án dân sự ngoài Quân đội ủy thác đến, hằng năm số việc thi hành án phải thụ lý, giải quyết tăng, trong khi biên chế ít (08 đồng chí, có 4 Chấp hành viên); nhiều vụ việc có số lượng đương sự lớn, đối tượng đa dạng (cả trong và ngoài Quân đội, có yếu tố nước ngoài), tính chất phức tạp, nơi đương sự cư trú, có tài sản rải rác ở nhiều địa phương khác nhau nên để giải quyết xong một việc thi hành án thường kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm (đây là một trong những lý do án tồn đọng). Hệ thống tổ chức cơ quan thi hành án Quân đội không có cơ quan thi hành án cấp thứ hai, mỗi Phòng Thi hành án cấp quân khu đảm nhiệm địa bàn thi hành án trên phạm vi thuộc nhiều tỉnh, thành phố (từ 7- 12 tỉnh, thành phố), do đó công tác đôn đốc, xác minh, tổ chức thi hành án đối với các đương sự ở xa trụ sở cơ quan thi hành án gặp nhiều khó khăn. 
3. Phòng Thi hành án cấp quân khu là đơn vị trực thuộc Quân khu và tương đương, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh cấp quân khu nên việc điều động, luân chuyển cán bộ có năng lực, kinh nghiệm công tác từ Phòng Thi hành án cấp quân khu về Cục Thi hành án hoặc luân chuyển cán bộ của Cục Thi hành án xuống phòng Thi hành án để bồi dưỡng nghiệp vụ phải thực hiện nhiều thủ tục, thời gian kéo dài; những năm gần đây số cán bộ Phòng Thi hành án cấp quân khu được điều động, luân chuyển về Cục Thi hành án ít, do đó cần có cơ chế thuận lợi để thu hút cán bộ về Cục Thi hành án, vì đây là nguồn cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả cho công tác hướng dẫn, chỉ đạo nhiệp vụ và tổ chức thi hành án[1].
4. Các cơ quan tư pháp Tòa án quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự trung ương, Cục Điều tra hình sự Bộ quốc phòng đều tổ chức các đơn vị cấp phòng trực thuộc có chức năng điều tra, truy tố, xét xử, trong khi Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng không được tổ chức cơ quan thi hành án, việc tổ chức chưa thống nhất, gây khó khăn trong công tác phối hợp theo quy định của pháp luật. 
Để khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, chúng tôi thấy rằng cần nghiên cứu trong Luật THADS (sửa đổi) quy định chức năng, nhiệm vụ trực tiếp tổ chức thi hành án của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng. Nếu quy định như vậy cũng sẽ phải nghiên cứu để giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc kiểm tra, giám sát, kiểm sát và các nội dung có liên quan. Trong đó, có thể nghiên cứu, tham khảo một số đề xuất, cụ thể:
Về cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo: Do Phòng Thi hành án thuộc Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng nên Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng có trách nhiệm, thẩm quyền quản lý, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo về mọi mặt (bao gồm cả công tác nghiệp vụ thi hành án dân sự).
Về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án: Phòng Thi hành án thuộc Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng có thẩm quyền và chịu trách nhiệm tổ chức thi hành theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
Về cơ chế phối hợp, ủy thác thi hành án: Do đặc thù công tác thi hành án dân sự trong Quân đội không theo địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) như thi hành án dân sự ngoài Quân đội mà gồm nhiều tỉnh, thành (theo địa bàn các quân khu) hoặc toàn quốc (Phòng Thi hành án Quân chủng Hải quân), vì vậy, cơ chế phối hợp với địa phương, ủy thác thi hành án của Phòng Thi hành án thuộc Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng được thực hiện tương tự cơ chế của Phòng Thi hành án cấp quân khu.
Về kiểm sát: bổ sung thêm chức năng kiểm sát của Viện kiểm sát quân sự Trung ương trong việc kiểm sát việc tổ chức thi hành án của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng.
 Hoàng Thu Thủy, Vụ NV1
 
 

[1] Việc điều động, luân chuyển cán bộ khó khăn do phải thực hiện các thủ tục chuyển vùng đối với cán bộ và liên quan đến công tác hậu phương, hợp lý hóa gia đình của cán bộ.