Tổng kết thi hành Luật Cán bộ công chức; một số kiến nghị, đề xuất

03/05/2024


  I. Tình hình, kết quả triển khai thực hiện Luật Cán bộ, công chức trong hệ thống THADS
  1. Công tác tuyên truyền, phổ biến
  Trên cơ sở quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực pháp luật, Tổng cục THADS đã chủ động phối hợp với cấp ủy quán triệt, triển khai đến các cơ quan trong toàn Hệ thống THADS nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền để áp dụng thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của Luật thông qua các buổi sinh hoạt cơ quan, họp giao ban….
  Qua việc quán triệt, triển khai thực hiện Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành giúp cán bộ, công chức, viên chức nắm và hiểu rõ các quy định về cán bộ, công chức; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; quyền và nghĩ vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; điều kiện bảo đảm thi hành công vụ; các nguyên tắc hoạt động công vụ; hoạt động nghề nghiệp, đạo đức công vụ và những việc cán bộ, công chức không được làm; thanh tra công vụ, khen thưởng và xử lý các vi phạm của công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, từ đó giúp công chức, viên chức vận dụng tốt hơn vào quá trình thực hiện nhiệm vụ, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong công tác cán bộ, thực hiện đúng quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn.
  2. Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật
  Hệ thống văn bản phục vụ công tác cán bộ cơ quan THADS cơ bản hoàn thiện đầy đủ, đáp ứng yêu cầu công tác như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục THADS; Quyết định của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp về cơ cấu tổ chức Cục THADS, số lượng lãnh đạo Cục, Phòng và Chi cục thuộc Cục; Thông tư về phân cấp quản lý công chức, viên chức, người lao động Hệ thống THADS; Thông tư về hướng dẫn quản lý công chức, viên chức, người lao động; Thông tư quy định về chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành THADS; Quyết định về việc ban hành chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên; Khung năng lực vị trí việc làm Hệ thống THADS và nhiều quy chế, quy trình khác về công tác tổ chức cán bộ. Hệ thống văn bản về công tác cán bộ thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Sau khi ban hành các văn bản mới, đã triển khai, áp dụng thống nhất trong toàn Hệ thống THADS. Bên cạnh đó, Tổng cục THADS đã phối hợp, tham gia ý kiến góp ý đối với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo yêu cầu của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, đồng thời cụ thể hóa những quy định liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của công chức, viên chức trong một số văn bản thuộc nội bộ như: Quy chế làm việc, Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế thực hiện dân chủ….
  3. Việc chấp hành các quy định của luật
3.1. Các quy định về hoạt động công vụ của cán bộ, công chức: Nhìn chung, đội ngũ công chức, viên chức hệ thống cơ quan THADS thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thực hiện đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; có ý thức kỷ luật; nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan; bảo vệ bí mật nhà nước; an toàn an ninh mạng; công chức, viên chức được thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ, tiền lương và chế độ chính sách liên quan theo đúng quy định.
3.2. Các quy định về quyền, nghĩa vụ, những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm…: việc thực hiện các quy định về những việc công chức, viên chức không được làm được triển khai nghiêm túc, thể hiện qua việc các đơn vị đã ban hành đầy đủ Quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ và các quy định về văn hóa công sở….; thực hiện tốt công tác quản lý công chức, viên chức và người lao động nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức nghề nghiệp; hằng năm thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra trong thực hiện nhiệm vụ công vụ và thực hiện các hoạt động chuyên môn được giao, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những trường hợp vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, văn hóa công sở, những việc công chức, viên chức không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.
 3.3. Các quy định liên quan đến công chức
  - Công tác tuyển dụng: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phân cấp trong quản lý công chức, viên chức, căn cứ số lượng biên chế công chức toàn Hệ thống THADS được giao hằng năm, Tổng cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ rà soát nhu cầu và tổ chức tuyển dụng đối với các đơn vị trong toàn Hệ thống bảo đảm theo đúng quy định. Việc thực hiện tuyển dụng công chức được thực hiện công khai, minh bạch, nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của toàn Hệ thống THADS cũng như các cơ quan, đơn vị phối hợp. Qua công tác tuyển dụng đã bổ sung được lực lượng lớn nhân sự làm việc cho hệ thống cơ quan THADS (từ 2015 đến 2023 đã tuyển được 821 công chức qua hình thức thi tuyển).
- Công tác nâng ngạch: Công tác tổ chức thi tuyển Chấp hành viên, bổ nhiệm vào ngạch và thi nâng ngạch Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án bảo đảm đúng quy dịnh của pháp luật, tạo động lực cho đội ngũ công chức nỗ lực rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ năng lực, kỹ năng nghiệp vụ và đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hệ thống cơ quan THADS. Kết quả từ năm 2016 đến 2023 đã tổ chức 04 kỳ thi Chấp hành viên sơ cấp, 03 kỳ nâng ngạch công chức. Đã tuyển chọn và bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp 799 trường hợp. Đối với kỳ thi nâng ngạch: đã bổ nhiệm vào ngạch đối với: 1.630 trường hợp, cụ thể: vào ngạch Chấp hành viên cao cấp 24 trường hợp, Thẩm tra viên cao cấp 13 trường hợp, Chấp hành viên trung cấp 1.145 trường hợp, Thẩm tra viên chính 116 trường hợp, Thư ký thi hành án 188 trường hợp, Chuyên viên chính 71 trường hợp, Chuyên viên 03 trường hợp và Kế toán viên 69 trường hợp. Việc tổ chức thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên, thi nâng ngạch CHV, TTV, Thư ký thi hành án thời gian qua cho thấy yêu cầu về chất lượng cán bộ ngày càng được nâng cao. Công chức trúng tuyển, được bổ nhiệm vào ngạch bảo đảm về chất lượng, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng: Thực hiện Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 10/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP, công tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật và có sự chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý và theo tiêu chuẩn quy định của cán bộ, công chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực; triển khai đào tạo, bồi dưỡng theo hướng liên thông, kết nối giữa các ngạch chuyên ngành THADS. Trong giai đoạn 2015-2022 toàn hệ thống THADS đã cử gần 17.000 lượt công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng về các nội dung như lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học...
  - Công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm: Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Về luân chuyển cán bộ, Tổng cục THADS và các cơ quan Thi THADS đã xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện và cách làm thận trọng, coi trọng công tác tư tưởng đối với cán bộ được luân chuyển; giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng với ổn định, phát triển đội ngũ cán bộ tại chỗ. Việc luân chuyển cán bộ đã góp phần tích cực vào việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn, tạo điều kiện để cán bộ trẻ trưởng thành và phát triển. Qua thực hiện hầu hết các cán bộ được luân chuyển đã hoàn thành nhiệm vụ và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện hơn. Việc điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đã khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín; tăng cường, bổ sung nhiều cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản; từng bước trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý.
- Công tác quy hoạch: Các đơn vị trong hệ thống THADS thường xuyên rà soát, quy hoạch những cán bộ trẻ có phẩm chất, có trình độ, năng lực và triển vọng phát triển vào các vị trí Lãnh đạo Tổng cục, cấp Vụ thuộc Tổng cục, cấp Cục, cấp Chi cục để khắc phục từng bước tình trạng hụt hẫng cán bộ, bảo đảm tính liên tục và kế thừa giữa các thế hệ cán bộ; chú trọng đưa vào quy hoạch các cán bộ nữ và người dân tộc để tăng số lượng cán bộ lãnh đạo là nữ, người dân tộc. Công tác quy hoạch cán bộ Hệ thống cơ quan THADS thực hiện cơ bản được kịp thời, tạo nguồn bổ nhiệm phong phú các chức danh lãnh đạo, quản lý.
  3.5. Các quy định liên quan đến các điều kiện bảo đảm thi hành công vụ
Theo quy định tại Điều 11 Luật cán bộ, công chức 2008 thì quyền của cán bộ, công chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ được quy định cụ thể như sau:
1. Được giao quyền tương xứng với nhiệm vụ.
2. Được bảo đảm trang thiết bị và các điều kiện làm việc khác theo quy định của pháp luật.
3. Được cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
4. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
5. Được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ.
Thời gian qua, căn cứ quy định của Luật, về cơ bản đội ngũ công chức trong ngành THADS đã được bảo đảm các điều kiện cần thiết để bảo đảm thi hành công vụ một cách hiệu quả. Công chức được cung cấp các trang thiết bị làm việc cần thiết như máy vi tính, máy in, hệ thống phòng họp trực tuyến..; đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Chấp hành viên được hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ, sử dụng trong công tác THA như các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, găng tay điện, loại phương tiện xịt hơi cay, chất gây mê, các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, chất gây mê và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này. Các cơ quan THADS được cấp kinh để xây dựng hoặc cải tạo các trụ sở làm việc, góp phần thực hiện công việc hiệu quả hơn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công chức được giao quyền tương xứng với nhiệm vụ, được cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao, được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ. Công chức trong hệ thống THADS được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
3.6. Các quy định liên quan đến nội dung quản lý cán bộ, công chức, viên chức
Thời gian qua, cơ quan THADS thực hiện công tác tổ chức cán bộ theo đúng phân cấp tại Thông tư số 09/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục THADS và các cơ quan THADS và các quy định khác của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, Tổng cục đang tiếp tục nghiên cứu, tham mưu báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp phân cấp thêm một số nội dung công tác tổ chức cán bộ (đang thuộc thẩm quyền của Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS) cho Cục trưởng Cục THADS cấp tỉnh (như thẩm quyền quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ khác đối với chức danh Chi cục trưởng Chi cục THADS cấp huyện), bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.
  4. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành luật tại Bộ, ngành, địa phương
Cùng với việc tăng cường công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức lãnh đạo gắn với việc tăng cường kiểm tra, phối hợp thanh tra, giám sát đối với công tác cán bộ của toàn Hệ thống THADS, hằng năm Tổng cục xây dựng kế hoạch kiểm tra; chỉ đạo thực hiện tự kiểm tra; phối hợp với Thanh tra Bộ Tư pháp thanh tra công tác cán bộ, đồng thời, định kỳ Bộ Nội vụ đã thực hiện công tác thanh tra công tác tổ chức cán bộ hệ thống THADS. Kết quả thanh tra cơ bản được đánh giá thực hiện tốt các quy định trong lĩnh vực tổ chức cán bộ. Sau thanh tra đã ban hành kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện hiện kết luận thanh tra, tổng hợp, báo cáo giải trình kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm, xử lý kịp thời đối với tổ chức cá nhân có liên quan.
II. Những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong thi hành Luật và đề xuất, kiến nghị
  1. Khó khăn, vướng mắc
- Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức được ban hành đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý để áp dụng chung trong các cơ quan hành chính nhà nước (có hiệu lực từ ngày 01/12/2020). Văn bản này không phân cấp cho các Bộ, ngành ban hành văn bản quy phạm hướng dẫn, quy định chi tiết các nội dung trên.
- Hiện nay, việc chậm thế chế hóa các văn bản của Đảng, trong khi công tác cán bộ là của Đảng (các quy định liên quan đến chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương, chưa có hướng dẫn thực hiện Quy định số 80-QĐ/TW) dẫn đến việc áp dụng, thực hiện của các cơ quan, đơn vị gặp một số khó khăn nhất định; một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo khi thực hiện như thành phần Hội nghị, trình tự các bước bổ nhiệm tại Quy định số 80-QĐ/TW và Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.
- Ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định này thay thế Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 02/10/2009 của Bộ Chính trị và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Do Quy định số 41-QĐ/TW có nhiều nội dung liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn từ chức, miễn nhiệm và chưa được thể chế hóa trong Nghị định số 138/2020/NĐ-CP. Đây là nội dung mới, liên quan đến quyền, nghĩa vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý nên cần quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, ngày 18/08/2022, Bộ Chính trị đã ban hành quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó có nhiều quy định mới về công tác cán bộ. Như vậy, cho đến nay, nhiều điểm trong Nghị định số 138/2020/NĐ-CP và Luật Cán bộ, công chức đã có sự khác nhau với văn bản của Trung ương.
- Điều kiện bảo đảm đối với cán bộ công chức còn nhiều hạn chế, nhất là cơ chế tiền lương, thu nhập và các điều kiện bảo vệ cán bộ công chức trong thực thi công vụ, do đó chưa tạo được sức hút trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công nói chung và cơ quan THADS nói riêng.
- Công tác cán bộ vẫn còn mang tính cơ chế xin cho trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến biên chế, tuyển dụng, bổ nhiệm; chưa thực hiện phân cấp triệt để đối với cấp dưới dẫn đến thiếu chủ động, linh hoạt, nhất là đối với các cơ quan cấp dưới được tổ chức theo hệ thống ngành dọc.
- Vấn đề đào tạo theo quy định: Còn dàn trải, thực tế lãng phí ngân sách, nguồn nhân lực, không cần thiết; điều kiện tiêu chuẩn trùng lặp nội dung, văn bằng chứng chỉ vẫn là hình thức trong nhiều trường hợp không cần thiết.
- Quy trình, hình thức, thủ tục… tổ chức trong các kỳ thi (tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch…) còn nhiều bất hợp lý, chậm thay đổi, không còn phù hợp với tình hình mới hiện nay.
2.  Kiến nghị
- Cần xem xét sửa đổi Luật theo hướng cụ thể, chi tiết hơn, giảm bớt số văn bản quy định chi tiết; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản của Đảng và Nhà nước, trong đó có các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, đánh giá cán bộ, công chức.
- Quy định cụ thể điều kiện bảo đảm trong thực thi công vụ, chế độ chính sách tiền lương của công chức… bảo đảm cho việc yên tâm công tác, thu hút người làm việc trong cơ quan nhà nước.
- Quy định cụ thể về cơ chế việc phân cấp, đào tạo bồi dưỡng thiết thực, trọng tâm trọng điểm mang lại hiệu quả thực sự trong thực tiễn, tránh dàn trải gây lãng phí kinh phí nhà nước và thời gian công chức phải tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
- Quy định chi tiết trình tự, thủ tục trong tổ chức các kỳ thi; giảm bớt các thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong vào các kỳ thi./.
                                                                                     Nguyễn Thìn Vụ TCCB