Bộ Tư pháp báo cáo kết quả công tác thi hành án năm 2016 tại Phiên họp toàn thể lần thứ hai của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa 14

09/09/2016
Trong 02 ngày 06,07 tháng 9 năm 2016, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa 14 đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ hai để thẩm tra một số báo cáo, phục vụ Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 12 đến ngày 23 tháng 9 năm 2016. Các nội dung thẩm tra tại Phiên họp toàn thể lần thứ hai của Ủy ban Tư pháp bao gồm: Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2016; Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của ngành và Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành trong năm 2016; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2016 và Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016.

Tại Phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa 14, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ và được sự phân công của Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2016 theo số liệu 10 tháng từ ngày 01/10/2015 đến ngày 31/7/2016 (Báo cáo số 286/BC-CP ngày 01/9/2016), trong đó có công tác thi hành án dân sự, hành chính.
Theo Thứ trưởng, trong năm 2016, nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án theo Nghị quyết số 111/2015/QH13, với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ Nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác thi hành án, nhờ đó, công tác thi hành án nói chung và công tác thi hành án dân sự nói riêng trong 10 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thể hiện cụ thể ở một số mặt công tác chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong số việc, tiền nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2015
Về việc, đến hết tháng 9/2015, số cũ chuyển sang là 257.427 việc; từ 01/10/2015 đến 31/7/2016, thụ lý mới 490.469 việc. Như vậy, tổng số thụ lý là 747.896 việc (trong đó, các cơ quan THADS thụ lý 747.239 việc, các cơ quan thi hành án trong Quân đội thụ lý 657 việc), tăng 38.291 việc (5,4%) so với cùng kỳ năm 2015. Tổng số phải thi hành là 736.657 việc, trong đó: số có điều kiện thi hành là 616.753 việc (83,72%); số chưa có điều kiện thi hành là 119.904 việc (16,28%). Kết quả: Thi hành xong 400.776 việc, đạt tỉ lệ 64,98%[1].
Về tiền, đến hết tháng 9/2015, số cũ chuyển sang là 83.136 tỷ 885 triệu 439 nghìn đồng; từ 01/10/2015 đến 31/7/2016, thụ lý mới 54.483 tỷ 563 triệu 190 nghìn đồng. Như vậy, tổng số thụ lý là 137.620 tỷ 448 triệu 629 nghìn đồng (trong đó, các cơ quan THADS thụ lý 137.557 tỷ 954 triệu 53 nghìn đồng, các cơ quan thi hành án trong Quân đội thụ lý 62 tỷ 494 triệu 576 nghìn đồng), tăng 15.587 tỷ 700 triệu 486 nghìn đồng (12,77%) so với cùng kỳ năm 2015.
Tổng số phải thi hành là 130.670 tỷ 425 triệu 191 nghìn đồng, trong đó: số có điều kiện thi hành là 102.746 tỷ 534 triệu 514 nghìn đồng (78,63%); số chưa có điều kiện thi hành là 27.923 tỷ 890 triệu 678 nghìn đồng (21,37%). Kết quả: Thi hành xong 20.758 tỷ 278 triệu 301 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 20,20%[2] (tăng 5.047 tỷ 764 triệu 166 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2015).
Như vậy, so với cùng kỳ năm 2015, kết quả thi hành án dân sự 10 tháng năm 2016 tăng 25.237 việc và tăng 5.047 tỷ 764 triệu 166 nghìn đồng.
Thứ hai, công tác xác minh, phân loại án được chú trọng thực hiện, bảo đảm phân loại chính xác đúng pháp luật án có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành
Thực hiện Nghị quyết số 111/2015/QH13 về “chú trọng việc xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành”, năm 2016, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra xác minh điều kiện thi hành án, công tác phân loại án...; kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp phân loại án không chính xác để chạy theo thành tích, qua đó đã giúp kết quả phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành chính xác hơn và đạt tỷ lệ 83,72% về việc và 78,63% về tiền, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước, nhất là về tiền (10 tháng năm 2015 đạt 78,79% về việc và 59,23% về tiền, 10 tháng năm 2014 đạt 79,9% về việc và 67,29% về tiền).
Thứ ba, công tác thi hành án hành chính tiếp tục đi vào nề nếp
Thực hiện Nghị quyết số 111/2015/QH13 về “chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật”, trong 10 tháng năm 2016, các cơ quan THADS đã thụ lý yêu cầu đôn đốc tổng số 268 việc thi hành án hành chính, tăng 55 việc (25,82%) so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, số cũ chuyển sang là 71 việc, số thụ lý mới là 197 việc. Kết quả: Đã có văn bản đôn đốc đối với 262 việc (tăng 51 việc so với cùng kỳ năm 2015), đạt tỷ lệ 97,76%; trong số 262 việc đã có văn bản đôn đốc, có 171 việc đã thi hành xong (đạt tỷ lệ 65,26%), số việc chưa thi hành xong là 91 việc. Bên cạnh đó, năm 2016, Chính phủ đã tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai công tác thi hành án hành chính. Trên cơ sở đó, đồng thời với việc triển khai Luật tố tụng hành chính năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý ổn định, đưa công tác thi hành án hành chính tiếp tục đi vào nề nếp.
Thứ tư, công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đã hướng đến việc tổng hợp, ban hành văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cho cơ sở
Trong 10 tháng năm 2016, Tổng cục THADS tiếp nhận tổng số 175 vụ việc đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các cơ quan THADS địa phương. Kết quả: đã giải quyết xong 169/175 vụ việc, đạt tỷ lệ 96,57%, còn 06 vụ việc đang trong thời hạn giải quyết. Tổng kết những vướng mắc trong thực tiễn, Tổng cục THADS đã ban hành các văn bản hướng dẫn chung các cơ quan THADS áp dụng thống nhất pháp luật trong việc cung cấp thông tin đối với tài sản kê biên, quản lý sử dụng tiền đặt trước, việc tiến hành giao tài sản cho người mua trúng đấu giá...
Đồng thời, để tập trung hướng dẫn, chỉ đạo những vụ án lớn, những vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, những vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, bảo hiểm xã hội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh việc ban hành và triển khai thực hiện các Quy chế phối hợp[3] nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan THADS trong việc áp dụng pháp luật. Tại địa phương, các Cục THADS đã quan tâm chỉ đạo khắc phục các sai sót, vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ; chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ đối với các Chi cục; kịp thời báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo THADS đối với vụ việc phức tạp; thường xuyên duy trì chế độ giao ban, trực tiếp chỉ đạo, làm việc để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc hoặc nhắc nhở, yêu cầu đẩy mạnh tiến độ tổ chức thi hành án đối với những Chi cục có kết quả thi hành án thấp...
Thứ năm, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự được tập trung chỉ đạo thực hiện sát sao, nhất là trong giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài
 Trong 10 tháng năm 2016, Bộ Tư pháp đã tiếp 515 lượt công dân, giảm 61 lượt so với cùng kỳ năm 2015. Để hướng dẫn, thống nhất việc thực hiện các quy định mới của Luật Tiếp công dân, ngày 01/02/2016, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BTP hướng dẫn một số nội dung trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS.
Toàn Hệ thống THADS đã tiếp nhận 6.820 đơn, bao gồm: 5.859 đơn khiếu nại và 961 đơn tố cáo, giảm 635 đơn so với cùng kỳ năm 2015, tương ứng với 5.943 việc, trong đó có 2.799 việc thuộc thẩm quyền. Kết quả: đã giải quyết xong 2.507 việc/2.799 việc thuộc thẩm quyền (2.336 việc khiếu nại và 171 việc tố cáo), đạt tỷ lệ 89,63%, tương đương cùng kỳ năm 2015.
Về kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, tính đến hết ngày 31/7/2016, còn 16 vụ việc đang chỉ đạo giải quyết. Bộ Tư pháp cũng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như tiếp tục hoàn thiện quy định về tiêu chí xác định việc THADS trọng điểm, vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; xây dựng Kế hoạch chỉ đạo, giải quyết từng vụ việc; phân công đơn vị thường trực tổng hợp, cập nhật tiến độ giải quyết; định kỳ hàng tháng, hàng tuần tổ chức cuộc họp giao ban nghe báo cáo tiến độ; tổ chức các cuộc họp liên ngành, ban hành văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc.
Thứ sáu, tổ chức bộ máy các cơ quan thuộc Hệ thống tiếp tục được quan tâm củng cố, kiện toàn; kỷ cương, kỷ luật hành chính ngày càng được siết chặt, tăng cường
Về biên chế, đã thực hiện được 9.497/9.807 biên chế. Hiện nay Bộ Tư pháp đang tập trung tổ chức đợt tuyển dụng công chức nhằm kịp thời bổ sung nguồn nhân lực cho các cơ quan THADS.
Về đội ngũ Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án, năm 2016, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm 191 Chấp hành viên trung cấp và 33 Thẩm tra viên chính. Toàn quốc hiện có 3.944 Chấp hành viên[4]; 598 Thẩm tra viên[5], có 1.732 Thư ký[6]. Tháng 4/2016, Bộ Tư pháp đã tổ chức Kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp, đồng thời, chuẩn bị tổ chức Kỳ thi nâng ngạch Chấp hành viên cao cấp, Chấp hành viên trung cấp, Thẩm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên chính. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp luôn quan tâm tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ[7] nhằm tạo nguồn cán bộ ổn định, bền vững cho giai đoạn tới.
Về kiện toàn đội ngũ Lãnh đạo quản lý, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung kiện toàn đội ngũ Lãnh đạo quản lý của các Cục THADS địa phương nên hiện có 59/63 Cục trưởng, 03 đơn vị giao Quyền Cục trưởng (TP Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Bình Định), 01 đơn vị Phó Cục trưởng được giao phụ trách (Tiền Giang) và 135 Phó Cục trưởng; tại cấp huyện có 674 đơn vị có Chi cục trưởng, 14 đơn vị có Quyền Chi cục trưởng, còn 23 đơn vị Phó Chi cục trưởng được giao phụ trách.
Năm 2016, Bộ Tư pháp đã tiếp tục siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ; yêu cầu các cơ quan THADS thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11/02/2014 về tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động THADS; đồng thời, đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm.
Nhìn chung, 10 tháng năm 2016, trong điều kiện số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2015 (tăng 5,4% về việc và 12,77% về tiền) và cao nhất từ trước đến nay về tiền[8] (trên 130.000 tỷ đồng), song Hệ thống THADS đã thi hành xong số việc, tiền cao hơn so với cùng kỳ năm 2015 (tăng 25.237 việc và tăng trên 5.047 tỷ đồng). Công tác xác minh, phân loại án có điều kiện thi hành và án chưa có điều kiện thi hành được chú trọng, bảo đảm chính xác, đúng pháp luật và đạt tỷ lệ khá cao (83,72% về việc và 78,63% về tiền). Tổ chức bộ máy các cơ quan THADS tiếp tục được củng cố, kiện toàn; kỷ cương, kỷ luật hành chính không ngừng được tăng cường. Kết quả đạt được cho thấy công tác THADS tiếp tục có những tiến bộ rõ rệt, với xu hướng ngày càng bền vững, qua đó, góp phần quan trọng, tích cực vào việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của công tác thi hành án dân sự trong 10 tháng qua, đó là: (i) Còn một lượng lớn việc và tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong phải chuyển kỳ sau (215.977 việc với số tiền gần 82.000 tỷ đồng) và có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2015 (tăng 27,11% về việc và 16,11% về tiền); (ii) Số công chức bị xử lý kỷ luật do vi phạm nghiệp vụ thi hành án tăng so với cùng kỳ năm 2015, trong 10 tháng năm 2016, toàn Hệ thống đã xử lý kỷ luật 30 trường hợp[9] vi phạm nghiệp vụ thi hành án dân sự, tăng 09 trường hợp so với năm 2015; (iii) Một số vụ việc trọng điểm, phức tạp đã kéo dài nhiều năm trong khi điều kiện kinh tế, xã hội và các quy định của pháp luật liên quan có nhiều thay đổi so với thời điểm giải quyết vụ việc, cần phải có sự phối hợp, chỉ đạo thống nhất của nhiều cấp, nhiều ngành; (iv) Thị trường bất động sản chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt nên nhiều tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần vẫn không bán được (có 11.458 việc đã kê biên, định giá lại, bán đấu giá nhưng chưa xử lý được với số tiền trên 18.509 tỷ đồng); việc xác minh, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản thế chấp trong các vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng gặp nhiều khó khăn[10]; (v) Điều kiện thi hành án trong những vụ án lớn, đặc biệt là án kinh tế, tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án; đương sự đang phải chấp hành án phạt tù không có tài sản để thi hành án; (vi) Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, nhiều vụ việc, người phải thi hành án chây ỳ, thậm chí là chống đối quyết liệt.
Cũng tại Phiên họp, báo cáo của Nhóm nghiên cứu bước đầu của Ủy ban Tư pháp đã đánh giá “Năm 2016, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án theo các yêu cầu, nhiệm vụ  của Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội. Nhóm nghiên cứu cơ bản tán thành với những đánh giá, nhận định của Chính phủ về công tác thi hành án. Báo cáo của Chính phủ về cơ bản đã phản ánh khá đầy đủ các mặt công tác, các chỉ tiêu nhiệm vụ đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và các giải pháp trong thời gian tới. Riêng về thi hành án dân sự, trên cơ sở quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự và các nội dung kiến nghị của Ủy ban tư pháp, Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản hướng dẫn về công tác thống kê số liệu kết quả thi hành án, phản ánh sát thực tế kết quả công tác trong lĩnh vực này”. Bên cạnh ý kiến thẩm tra bước đầu của Nhóm nghiên cứu, công tác thi hành án dân sự cũng nhận được các ý kiến chia sẻ đầy tâm huyết của các vị Đại biểu, thành viên của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự cũng như sự ghi nhận, đánh giá cao về những kết quả thi hành án dân sự đạt được trong 10 tháng đầu năm 2016.
Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban Tư pháp và kết luận tại Phiên họp thẩm tra của đồng chí Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị nội dung tiếp thu, giải trình một số vấn đề liên quan đến Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2016 để phục vụ Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 sắp diễn ra trong thời gian tới.
Huy Hùng-VPTC
 
[1] So với chỉ tiêu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao (70%) còn thiếu 5,02%.
[2] So với chỉ tiêu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao (30%) còn thiếu 9,80%.
[3] Quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với Tổng cục Cảnh sát THAHS và hỗ trợ tư pháp.
[4] 22 Chấp hành viên cao cấp, 921 Chấp hành viên trung cấp và 3.001 Chấp hành viên sơ cấp.
[5] 04 Thẩm tra viên cao cấp, 56 Thẩm tra viên chính, 538 Thẩm tra viên.
[6] Trong đó có 1.431 Thư ký thi hành án, 301 Thư ký trung cấp thi hành án.
[7] 03 lớp bồi dưỡng ngạch Chấp hành viên trung cấp cho 288 học viên, 01 lớp đào tạo nghiệp vụ thi hành án với 264 học viên.
[8] Năm 2014 là trên 95.000 tỷ đồng, năm 2015 là trên 125.000 tỷ đồng.
[9] Khiển trách 16; hạ bậc lương 01; Cách chức 02; Cảnh cáo 07; Buộc thôi việc 04.
[10] Như xác định ranh giới đất, định giá chênh lệch nhiều so với giá thẩm định lúc cho vay, bán đấu giá không có người mua, bên được thi hành án không nhận tài sản.


Các tin khác