Tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào trong công tác thi hành án dân sự

29/07/2017
Từ ngày 24 đến hết ngày 28/7/2017,  Đoàn công tác của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự Việt Nam đã đến thăm và làm việc, trao đổi về công tác thi hành án  với Bộ Tư pháp, Vụ Quản lý thi hành án, Học viện Tư pháp, Sở Tư pháp và Phòng tổ chức thi hành án thủ đô Viên Chăn Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Có thể nói chuyến thăm và làm việc đã góp phần tăng cường mối quan hệ sâu sắc, thân thiết, thắm tình hữu nghị giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào trong quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án nói riêng và quan hệ giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào nói chung. Tham dự Đoàn công tác có đồng chí Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Trường Thiệp, Phó Giám đốc Học Viện Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự và một số cán bộ lãnh đạo cấp Vụ thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam đã có buổi hội kiến chào xã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào và tham dự buổi hội thảo về công tác thi hành án dân sự Việt Nam do Bộ Tư pháp Lào tổ chức tại Viên Chăn.
Tại buổi hội thảo về công tác thi hành án dân sự Việt Nam tại Lào, đồng chí Mai Lương Khôi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã thông tin những nét cơ bản, quan trọng về quá trình hình thành và phát triển công tác thi hành án dân sự ở Việt Nam, đặc biệt là hoàn thiện thể chế và tổ chức bộ máy thi hành án dân sự qua các giai đoạn, với bước ngoặt quan trọng hình thành Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Qua gần 10 năm thực hiện Luật Thi hành án dân sự, với Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự theo ngành dọc cho thấy là hoàn toàn đúng đắn, chứng minh bằng sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Chính phủ thống nhất quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước, có sự phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tháo gỡ kịp thời, chỉ đạo sát sao cơ quan cấp dưới kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự; hàng năm báo cáo Quốc hội về công tác thi hành án. Bên cạnh đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân trong công tác thi hành án dân sự cũng được quy định cụ thể tại Luật Thi hành án dân sự, hoạt động thi hành án dân sự liên quan trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức ở địa phương nên không thể tách rời khỏi địa phương, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, như chỉ đạo sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác thi hành án dân sự và chỉ đạo cưỡng chế những vụ án lớn, phức tạp có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và có ý kiến đối với việc bổ nhiệm Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong bổ nhiệm Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự với nhiều vấn đề chung và từng trường hợp cụ thể. Các chức danh trong Hệ thống thi hành án dân sự, trong đó chức danh giữ vị trí trung tâm của hoạt động thi hành án dân sự là Chấp hành viên được đào tạo bài bản, để được bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp thì phải trúng tuyển kỳ thi tuyển cấp quốc gia, để chuyển ngạch từ Chấp hành viên sơ cấp lên Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên trung cấp lên Chấp hành viên sơ cấp thì cũng phải qua kỳ thi nâng ngạch cấp quốc gia. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải là Chấp hành viên.

Đánh giá sự cần thiết phải tổ chức Hệ thống thi hành án dân sự theo ngành dọc sẽ khắc phục được sự quản lý không thống nhất, khó khăn cho cả địa phương và trung ương trong công tác quản lý, chỉ đạo thi hành án dân sự, khó trong cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự với cơ quan hữu quan như công an, Tòa án, Viện kiểm sát và thiếu sự chăm lo, bồi dưỡng, chuyên môn hóa. Thực tiễn cho thấy một nhiệm vụ chỉ nên giao cho một cơ quan thực hiện, còn các cơ quan khác phối hợp. Kết quả thi hành án dân sự ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây năm sau cao hơn năm trước. Định hướng trong thời gian tới tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế công tác thi hành án dân sự trên các mặt công tác, bảo đảm cụ thể hóa các nguyên tắc hiến định về pháp quyền xã hội chủ nghĩa; củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thi hành án dân sự; thực hiện các chủ trương, biện pháp khác, trong đó có từng bước xã hội hóa công tác thi hành án dân sự, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự.
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra và đề nghị phía Việt Nam phân tích, đánh giá một số vấn đề lớn về công tác thi hành án, trong đó có đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào thông tin kế hoạch xây dựng Luật Thi hành án (sửa đổi) của Lào theo chương trình thông qua trong 6 tháng đầu năm 2018. Trao đổi về cách thức, định hướng xây dựng Luật Thi hành án (sửa đổi) của Lào, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường gợi mở cần phải lưu ý đến việc đánh giá tác động. Tác động của Luật Thi hành án dân sự 2008 thì có nhiều nhưng nổi bật thể hiện có 02 tác động trực tiếp sau hơn 09 năm thực hiện là (1) đã tạo sự chuyển biến căn bản và bền vững về kết quả, về tiền còn lớn tuy nhiên phụ thuộc vào yếu tố khách quan do quản lý tài sản; (2) tác động trực tiếp thứ hai rất quan trọng là lợi ích của Nhà nước, của xã hội, của các bên đương sự theo bản án được bảo đảm; thu cho ngân sách, doanh nghiệp, ngân hàng rất lớn; công bằng được bảo đảm. Mặt khác 03 tác động gián tiếp nổi bật là (1) góp phần làm ổn định đất nước, bớt khiếu nại khiếu kiện chiếm chưa đến 1% các khiếu nại khiếu kiện của dân; (2) tạo ra sự tin cậy cho môi trường đầu tư kinh doanh của đất nước nhờ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, (3) đề cao vai trò của Tòa án, với vị trí Trung tâm. Đổi mới xây dựng Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự theo ngành dọc từ năm 2008 thì Đảng hầu như không mất cái gì mà được tất cả, không tăng biên chế nhưng chất lượng hoàn toàn khác, Chấp hành viên được đào tạo bài bản, kỷ cương kỷ luật thiết chặt; sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước rất rõ ràng. Về mối quan hệ giữa Ủy ban Tư pháp của Quốc hội với Bộ Tư pháp, Chính phủ thì ngoại trừ công tác xây dựng pháp luật, hàng năm Ủy ban Tư pháp giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về công tác thi hành án, kể cả đối với các vụ việc thi hành án cụ thể; mặt khác Ủy ban Tư pháp có quyền đề nghị Quốc hội giám sát tối cao đối với báo cáo về công tác thi hành án dân sự, bản thân Ủy ban Tư pháp cũng có quyền trực tiếp giám sát, mỗi thành viên của Ủy ban Tư pháp đều có quyền nhận đơn thư về công tác thi hành án và nếu thấy có cơ sở thì báo cáo lãnh đạo Ủy ban Tư pháp có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp xem xét giải quyết.

Trong những buổi làm việc trực tiếp với Vụ Quản lý thi hành án (Judgment Enforcement Management Department) Bộ Tư pháp Lào, hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề cụ thể về công tác thi hành án dân sự. Phía bạn Lào thông tin cho biết hiện nay công tác thi hành án dân sự ở Lào đã đạt nhiều kết quả. Văn bản quy phạm pháp luật hiện đang điều chỉnh là Luật Thi hành án (Law on Judgment Enforcement) số 04/NA ngày 08/7/2008 gồm 64 điều. Mô hình tổ chức thi hành án dân sự ở Lào khá giống với Việt Nam trước khi có Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (từ 1993-2008). Chính phủ Lào thống nhất quản lý và chỉ đạo công tác thi hành án trong phạm vi cả nước. Bộ Tư pháp Lào giúp Chính phủ quản lý và chỉ đạo công tác thi hành án trong cả nước. Tại Bộ Tư pháp Lào có Vụ Quản lý thi hành án, hiện có 25 công chức, gồm 01 Vụ trưởng, 03 Phó Vụ trưởng, 04 Phòng thuộc Vụ. Ở địa phương, cấp tỉnh có Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ở cấp huyện có Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Cơ chế quản lý thi hành án, ở Trung ương quản lý về chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự, ở địa phương quản lý về cán bộ và cơ sở vật chất; cả nước có 488 Chấp hành viên. Án tồn chuyển từ năm trước sang hơn 20.000 vụ, 06 tháng đầu năm 2016 thụ lý mới 2.921 vụ. Công tác thi hành án ở Lào còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Cơ chế quản lý thi hành án dân sự tỏ ra nhiều bất cập, ở Trung ương không quản lý về cán bộ; số lượng án tồn chưa thi hành được còn nhiều. Bộ Tư pháp Lào đã nghiên cứu và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xây dựng Luật Thi hành án sửa đổi. Quốc hội cơ bản đã nhất trí và đưa vào chương trình làm Luật năm 2018 có Luật Thi hành án. Vì vậy, việc tìm hiểu, tham khảo kinh nghiệm của Việt Nam trong việc xây dựng Luật Thi hành án dân sự và tổ chức mô hình thi hành án dân sự theo ngành dọc cũng như các biện pháp phù hợp để thi hành án dân sự hiệu quả trong thực tiễn là yêu cầu đặt ra đối với Bộ Tư pháp, Vụ Quản lý thi hành án của Lào. Xác định tên gọi Luật “thi hành án dân sự” hay “thi hành án”, phần dân sự trong hình sự phân chia như thế nào, Tòa án có phải phán quyết phân chia hình phạt, bồi thường thiệt hại hay không.  Nguyên tắc thi hành án sau khi bản án thì sẽ cho hai bên cùng thi hành khoảng thời hạn nhất định sau đó mới có quyền yêu cầu thi hành án. Việc xác định có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan nào xác định. Có phải gửi lại cho Tòa án biết hay không. Có quyết định chưa có điều kiện thi hành án thì giải thích như thế nào cho người được thi hành, kiểm tra vấn đề này như thế nào. Mối quan hệ giữa Tòa và cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án đề nghị nhưng không được thi xem xét thì như thế nào. Quyền và nghĩa vụ của đương sự và Viện kiểm sát; cơ quan, tổ chức được giao theo dõi, quản lý người đang chấp hành án hình sự phối hợp như thế nào. Người nước ngoài vi phạm tại Việt Nam có phần hình sự và dân sự, họ đã thực hiện phạt tù thì quản lý người đó ra sao; nếu họ xin phạt tù ở nước họ thì thi hành phần dân sự như thế nào. Đối với thi hành án tử hình thì cơ quan thi hành án dân sự có tham gia không. Sau khi xóa án tích thì những người đó có quyền khiếu kiện lại không ?
Đoàn công tác của Việt Nam đã trao đổi những vấn đề phía Lào nêu ra và khuyến nghị những vấn đề đặt ra khi xây dựng Luật Thi hành án theo đó phải trả lời cho bằng được 03 câu hỏi lớn: Tại sao phải sửa Luật, mục đích sửa Luật để làm gì và quan điểm sửa như thế nào ?. Bất cập có sự không thống nhất về cơ chế quản lý, tạo ra sự cắt khúc trong quản lý, nguyên lý mỗi người quản lý một mảng mà không thống nhất dẫn đến kém hiệu quả trong quản lý; đòi hỏi phải tập trung, đào tạo chuyên môn, có cải cách rất lớn, rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết mới đáp ứng yêu cầu. Với sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào thì việc tổ chức lực lượng thi hành án chuyên nghiệp, sau đó đến các nhiệm vụ về trình tự, thủ tục thi hành án, thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, đào tạo bồi dưỡng. Nếu không có tổ chức bộ máy tốt thì các vấn đề khác thì không giải quyết được. Nhiệm vụ cần làm là phải tổng kết để thấy được những hạn chế từ đó trả lời cho câu hỏi vì sao phải sửa Luật, ví dụ trong tổ chức bộ máy, trình tự thủ tục có những hạn chế gì, nguyên nhân, từ đó mới có quan điểm, định hướng để xử lý chính xác.

Thăm và làm việc tại Phòng tổ chức thi hành án Sở Tư pháp thủ đô Viên Chăn được biết Thủ đô Viên Chăn có Phòng tổ chức thi hành án và 9 Đội thi hành án cấp huyện. Nhân viên thi hành án thuộc Phòng tổ chức thi hành án có 34 người, trong đó có nữ 21 nữ, lãnh đạo Phòng có 01 Trưởng và 03 Phó trưởng phòng; ở 9 Đội thi hành án cấp huyện thuộc Thủ đô Viên Chăn có 31 người, trong đó có nữ. Toàn thủ đô Viên Chăn thụ lý thi hành từ đầu năm 2017 có 9.698 vụ án, trong đó riêng của Phòng tổ chức thi hành án Thủ đô Viên Chăn có 7.528 vụ án; 9 đơn vị cấp huyện có 2170 vụ án, trong đó 778 dân sự, 1.392 hình sự. Trình tự, thủ tục thi hành án trước hết cho các đương sự tự thỏa thuận, sau đó mới xử lý tài sản. Tất cả các bản án đều được đưa ra thi hành mà không cần có yêu cầu thi hành án của người được thi hành án. Mọi bản án Tòa án chuyển thẳng vào cho cơ quan thi hành án và cơ quan thi hành án thi hành tất cả các khoản. Việc thành lập Hội đồng định giá và bán đấu giá tài sản thì phải xin ý kiến của Tỉnh trưởng đối với từng vụ việc. Khi định giá tài sản phải có ví dụ nhà thì có cơ quan quản lý nhà, đất thì phải có cơ quan quản lý nhà đất, có Chánh Văn phòng Tỉnh, Viện kiểm sát. Đối với cưỡng chế giao trả nhà, tùy theo mục đích của tài sản, ví dụ nhà thì có cơ quan quản lý nhà, đất thì phải có Viện kiểm sát và Công an. Trước khi cưỡng chế phải có nhiều cuộc họp với các ngành liên quan. Khó khăn nhất là họ không có nơi ở nên nhiều khi phải đi thuê nhà cho họ, phải bán xong mới cưỡng chế giao nhà.
Các đại biểu của Lào tham dự buổi làm việc cũng đưa ra nhiều câu hỏi đề nghị Đoàn công tác của Việt Nam thông tin, trao đổi, như: Tòa án chuyển bản án sang thì chuyển toàn bộ hồ sơ hay chỉ bản án, ở Lào thì chuyển toàn bộ, kể cả biên bản ghi lời khai của các đương sự tại Tòa, khi cần thì cơ quan thi hành án trả lại hồ sơ cho Tòa để xem xét giám đốc thẩm hoặc tái thẩm bản án. Thông báo thi hành án dân sự khó khăn gửi rồi, người được nhận đã nhận nhưng họ không đến thì giải quyết như thế nào ? Việc thu phí trong công tác thi hành án như thế nào, mức thu phí là bao nhiêu, khi nào thu, ai chịu phí ? Việc quản lý tài sản tịch thu, bảo quản tài sản. Có hay không việc đã thi hành xong thì có thay đổi bản án do kháng nghị. Thời hiệu yêu cầu thi hành án, khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án. Án phí, lệ phí Tòa án thi hành đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù làm như thế nào; khi họ chấp hành xong hình phạt nhưng chưa thi hành xong án phí thì xử lý như thế nào. Xử lý người không thi hành án bằng hình sự như thế nào. Thời gian để Trung tâm thẩm định giá, bán đấu giá tài sản là bao nhiêu lâu, thủ tục như thế nào ?  Một đương sự sau khi đã có quyết định của Tòa nhưng họ không hài lòng với bản án mặc dù Tòa án đã chuyển cho cơ quan thi hành án thi hành nhưng họ gửi đơn đến cơ quan Thanh tra, Quốc hội hoặc nhiều cơ quan khác thì cơ quan thi hành án có tiếp tục thi hành hay phải ngừng. Ở cấp tỉnh, cấp huyện có Ban Chỉ đạo thi hành án thì cơ quan nào chịu trách nhiệm nếu sai sót trong thi hành án.

Kết quả qua các buổi làm việc, phía Lào đánh giá cao những thông tin, phân tích, đánh giá, khuyến nghị về công thi hành án đối với Lào, cũng như công tác thi hành án dân sự của Việt Nam. Những phân tích, đánh giá, khuyến nghị của Đoàn công tác Việt Nam là cơ sở quan trọng cho Bộ Tư pháp, Vụ Quản lý thi hành án Lào định hướng xây dựng Luật Thi hành án (sửa đổi) báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua trong năm 2018 cũng như là kinh nghiệm lớn cho việc quản lý, chỉ đạo công tac thi hành án ở Lào đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.
Lê Anh Tuấn