Nghiên cứu xây dựng Luật Thi hành án hành chính, một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính ở nước ta

25/12/2017
Thực hiện Kế hoạch hợp tác năm 2017 với Dự án “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020” (Dự án JICA), ngày 22 tháng 12 năm 2017, Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính ở Việt Nam”.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đã và đang dành nhiều quan tâm đến công tác thi hành án nói chung và thi hành án hành chính nói riêng; trên cơ sở những chủ trương, định hướng lớn về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị; đồng thời, nhằm góp phần thực hiện nguyên tắc hiến định mọi bản án, quyết định của Tòa án phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành (Điều 106 Hiếp pháp năm 2013).
Hội thảo nhằm mục đích bổ sung tư liệu cho việc đánh giá một cách khái quát những thuận lợi, khó khăn, tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai các quy định về thi hành án hành chính theo Luật tố tụng hành chính năm 2015; Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án; tổng hợp các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính ở nước ta; từ đó, nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật thi hành án hành chính.
Hội thảo đã nghe các chuyên gia đến từ Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, Tổng cục Thi hành án dân sự và một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương trình bày 07 chuyên đề. Đồng thời, tại Hội thảo, đã có rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận có trọng tâm, trọng điểm, về các nội dung như: Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính ở Việt Nam thời gian tới. Trong đó, về thể chế, hầu hết các đại biểu nhất trí với đề xuất cần xây dựng Luật thi hành án hành chính riêng, tách khỏi Luật tố tụng hành chính hiện nay, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ với các đạo luật khác cho hoạt động thi hành án hành chính. Về nội dung cơ bản của Luật thi hành án hành chính, nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ đề xuất xây dựng Luật thi hành án hành chính trên cơ sở hệ thống hóa những quy định hiện hành về thi hành án hành chính ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đồng tình với việc xây dựng Luật thi hành án hành chính theo hướng nghiên cứu quy định về cơ quan thứ ba có trách nhiệm tổ chức thi hành án hành chính (có thể giao cho hệ thống Tòa án hoặc hệ thống cơ quan thi hành án dân sự hoặc thành lập cơ quan tổ chức thi hành án hành chính mới).
Hội thảo cũng được nghe các chuyên gia đến từ Dự án JICA của Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm giải quyết và thi hành các phán quyết về vụ án hành chính của Tòa án. Theo đó, ở Nhật Bản cũng như ở các nước phát triển, do truyền thống, trình độ dân trí và tâm lý pháp luật, các phán quyết của Tòa án về vụ án hành chính được các bên đương sự, các tổ chức và cá nhân có liên quan nghiêm chỉnh chấp hành; đồng thời, cũng là do pháp luật đã quy định rõ những hành vi không nghiêm chỉnh chấp hành án sẽ bị xử lý nghiêm khắc, kịp thời.
Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, thay mặt tập thể Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia Dự án JICA đã giúp tổ chức thành công Hội thảo; cảm ơn các chuyên gia đến từ các cơ quan, đơn vị đã nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề có chất lượng, thiết thực; cảm ơn các đại biểu đã quan tâm, dành thời gian tham dự Hội thảo. Trên cơ sở kết quả của Hội thảo, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu và báo cáo, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về những giải pháp nhằm cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính ở Việt Nam; trong đó có việc xây dựng Luật thi hành án hành chính trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Kim Quy
Vụ Nghiệp vụ 3 - TCTHADS