Tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 liên quan đến thi hành án phạt tiền, tịch thu tài sản và các quyết định về dân sự trong vụ án hình sự

28/11/2012
Bộ luật Tố tụng hình sự (sau đây viết tắt là BLTTHS) được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2004. Bộ luật đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, việc thi hành các quy định của BLTTHS trong những năm qua đã bộc lộ không ít hạn chế, vướng mắc trong quá trình tố tụng nói chung và quá trình thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự nói riêng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan Thi hành án dân sự và lợi ích hợp pháp của người dân. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cải cách tư pháp hiện nay, cùng với việc sửa đổi Hiến pháp, đảm bảo tính đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan (Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Thanh tra,...) và nội luật hóa các văn kiện quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam đã tham gia, ký kết, việc sửa đổi, bổ sung BLTTHS là rất cần thiết.


Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, thực tiễn cho thấy việc thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự chiếm số lượng lớn án tồn đọng, không có điều kiện thi hành, chủ yếu là các khoản thu cho ngân sách nhà nước, thuộc các quyết định chủ động thi hành án dân sự nhằm thi hành các khoản phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí; tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự. Theo thống kê, tính đến ngày 01/7/2009, các khoản phải thi hành cho ngân sách nhà nước còn tồn chưa thi hành được đối với các quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự/ tổng số tiền phải thi hành còn tồn đọng là 800.588.081.000 đồng/909.310.735.000 đồng, chiếm 88,04%; số việc thi hành án dân sự trong các bản án, quyết định hình sự/ tổng số việc tồn đọng, không thể thi hành là 37.680 việc/ 50.523 việc, chiếm 74,43%([i]). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các quy định của BLTTHS còn chưa chặt chẽ, hợp lý; việc áp dụng BLTTHS chưa hiệu quả, thống nhất.

Thực hiện Kế hoạch tổng kết thực tiễn thi hành BLTTHS trong ngành tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổng hợp báo cáo của Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực tiễn thi hành Bộ luật liên quan đến thi hành án phạt tiền, tịch thu tài sản và các quyết định về dân sự trong vụ án hình sự để góp phần vào việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi hành án dân sự.

Qua tổng kết cho thấy, những vướng mắc, bất cập của việc áp dụng BLTTHS trong thực tiễn hoạt động thi hành án dân sự tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, việc thi hành án phạt tiền, tịch thu tài sản, thu án phí và các quyết định về dân sự trong bản án hình sự gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vật chứng, đồ vật, tài liệu bị tạm giữ, tài sản kê biên; cơ quan Thi hành án dân sự phải giải quyết hậu quả của việc áp dụng không hiệu quả và đúng đắn các biện pháp ngăn chặn, biện pháp kê biên tài sản; khoản thu án phạt tiền khó thi hành do án tuyên không khả thi, thu án phí hình sự phát sinh nhiều thủ tục, không đạt được mục đích của khoản phải thu.

Thứ hai, về cơ chế quản lý và mối quan hệ giữa cơ quan Thi hành án dân sự, các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức có liên quan: còn nhiều vướng mắc và chưa hợp lý trong các quy định về thẩm quyền, thời hạn ra quyết định thi hành án; thời hạn chuyển giao bản án, quyết định; công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc thi hành các quyết định hình sự chưa hiệu quả, gây bị động cho cơ quan Thi hành án dân sự; chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan trong thi hành án chưa phối hợp tốt với cơ quan Thi hành án dân sự; thời hạn trả lời kiến nghị về việc giám đốc thẩm, tái thẩm chưa được quy định; thiếu quy định về giải quyết hệ quả của việc giám đốc thẩm, tái thẩm thay đổi căn bản nội dung bản án sau khi đã thi hành 1 phần hoặc thi hành xong nghĩa vụ dân sự; quy định về giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích còn bất cập.

Trên cơ sở tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của việc áp dụng BLTTHS trong thực tiễn hoạt động thi hành án dân sự và chỉ ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đã đề xuất sửa đổi, bổ sung khoảng 20 điều luật của BLTTHS và kiến nghị bổ sung một số vấn đề để hoàn chỉnh các quy định hiện hành của BLTTHS trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

Ban biên tập trân trọng giới thiệu nội dung cơ bản của báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành BLTTHS liên quan đến thi hành án phạt tiền, tịch thu tài sản và các quyết định về dân sự trong vụ án hình sự tới các bạn độc giả, mong nhận được các ý kiến đóng góp, bổ sung để tiếp tục hoàn chỉnh BLTTHS trong thời gian tới.

([i]) Bộ Tư pháp - Đề án đề nghị Quốc hội xem xét miễn thi hành án đối với những khoản thu cho ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành án tính đến ngày 01/7/2009 - dự thảo lần 7 - Hà Nội, 25/5/2012 - trang 10 - 12. 

Vụ Nghiệp vụ 2

Tổng cục Thi hành án dân sự

Tải file đính kèm : Tổng kết BLTTHS sự năm 2003

                              Phụ lục

 


Các tin khác