Sửa đổi Nghị định về thủ tục Thi hành án dân sự: Đề xuất “nới lỏng” điều kiện miễm, giảm thi hành án.

28/12/2012
Thay vì phải thi hành được ít nhất bằng 1/20 khoản phải thi hành nộp ngân sách nhà nước mới được xét miễn, giảm thi hành án, Tổ Biên tập đề nghị “rút” xuống còn 1/80 để đảm bảo tính khả thi.
Hôm qua, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2009/N Đ-CP về thủ tục thi hành án dân sự đã họp phiên đầu tiên.


Tạo điều kiện cho người yếu thế được thi hành án

Theo ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự nhằm tạo điều kiện cho những đối tượng “đặc biệt” được thi hành án thuận lợi nhất và thể hiện sự hỗ trợ lớn của Nhà nước đối với người yếu thế, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58 quy định theo hướng trường hợp người được thi hành án là người thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài theo quy định của pháp luật hiện hành thì đơn yêu cầu thi hành án không bắt buộc phải xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc người đó hoặc người đại diện theo ủy quyền đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án (quy định này hiện nay đang là bắt buộc- PV).

Để thuận lợi hơn cho người được thi hành án, cũng theo ông Thủy, sẽ quy định rõ hơn về thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền có yêu cầu trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Người đang chấp hành hình phạt tù: không nên coi là trở ngại khách quan.

Theo đại diện Tổ biên tập, quá trình xây dựng Nghị định sửa đổi, có ý kiến cho rằng cần bổ sung trường hợp đương sự trong thời gian đang chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ, đang bị tạm giam, tạm giữ; đang bị quản lý tại cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng là trở ngại khách quan làm cho người được, người phải thi hành án không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn để không tính thời gian này vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, vì những người này bị hạn chế một số quyền nhất định, trong đó việc trao đổi thông tin gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ kiểm sát thi hành án – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì “không nên quy định như vậy vì sẽ làm khó cho cơ quan Thi hành án”. Ông Hùng cũng cho rằng quan trọng là đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật về thi hành án, trong các trại tạm giam, tạm giữ để phạm nhân biết quyền của mình.

Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo Lê Thị Kim Dung cũng đồng tình: không nên bổ sung quy định này vì pháp luật về thi hành án đã có cơ chế ủy quyền, có cách để cơ quan thi hành án thông báo qua giám thị trại giam, kể cả khi xét xử Tòa án cũng đã giải thích luật.

Bà Vũ Hằng, Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ đề xuất thêm “Thời hiệu chỉ nên quy định với người được thi hành án, còn với người phải thi hành án thì không nên đặt ra vấn đề này. Thực tế, nhiều người đang chấp hành hình phạt tù, trong thời hiệu yêu cầu thi hành án, họ không có tiền nộp nhưng khi hết thời hiệu mới có điều kiện để thi hành”

Nhiều ý kiến trong Ban soạn thảo cũng tán thành với các lập luận này. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh “những người trong tù vẫn có những quyền cơ bản của mình, ví dụ như quyền được ủy quyền thi hành án, ủy quyền xác minh, xử lý tài sản…Nếu thừa nhận là trở ngại khách quan tức là người đi tù sẽ mất hết các quyền là không đúng. Vấn đề chỉ là cách tổ chức thực hiện”.

Miễn giảm, chỉ cần thi hành ít nhất 1/80?

Dự thảo Nghị định quy định theo hướng giảm mức đã thi hành được ít nhất bằng 1/80 khoản phải thi hành nộp ngân sách nhà nước (hiện nay ít nhất là 1/20) làm căn cứ xét miễn, giảm thi hành án,  nhưng cũng có ý kiến đề nghị bỏ luôn quy định này. Tuy nhiên, theo Tổ biên tập thì bỏ là cần thiết nhưng do quy định của Luật Thi hành án dân sự và Bộ Luật hình sự vẫn quy định phải thi hành được một phần mới xét miễn, giảm. Do đó, phải chờ sửa đổi Luật Thi hành án dân sự. Trước mắt, Nghị định sửa đổi nên hạ xuống mức thi hành được 1/80.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Võ Đình Toàn ủng hộ cao sửa đổi này “Ta cứ lo thất thu cho ngân sách nhà nước nhưng thực ra số tiền này không đáng kể, giảm đi để bớt lượng án tồn đọng, ổn định xã hội thì rất nên làm”.

Đa số các thành viên trong Ban soạn thảo đều đồng tính cao với đề xuất này.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính đặc biệt lưu ý đây là Nghị định liên quan đến toàn ngành Thi hành án dân sự, do đó cần lắng nghe đầy đủ ý kiến từ các địa phương. Những vấn đề “nhạy cảm” phải được đánh giá cẩn trọng qua tổng kết quá trình thực thi.

Bình An