Thu hồi tài sản của Nhà nước qua thi hành án vụ án Vinashin: Khắc khoải chờ… yêu cầu thi hành án.

25/03/2013
Để chỉ đạo thi hành án kịp thời, hiệu quả đối với vụ án Vinashin, sáng qua (21/3), Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp liên ngành với sự tham gia của đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng.

Mới thi hành được hơn 6 tỷ đồng

Bà Vũ Thị Hằng (Trưởng phòng nghiệp vụ 1 – Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp) cho biết, Vinashin là vụ án lớn, phức tạp, với số tiền mà các đương sự phải liên đới bồi thường cho các doanh nghiệp nhà nước lên đến hơn 1.100 tỷ đồng và khoản án phí gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi xét xử, Tòa án các cấp đã không áp dụng các biện pháp bảo đảm nên việc thi hành án phần về tài sản sẽ gặp khó khăn. Mặt khác, đến nay bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng 6 doanh nghiệp là bên được thi hành án chưa có đơn yêu cầu khiến cơ quan Thi hành án chưa thể ra quyết định thi hành án để thu hồi tài sản cho Nhà nước (vì 5 trong số 6 bên được thi hành án là doanh nghiệp nhà nước).

Ngay khi bản án có hiệu lực, nhận thức đây là vụ án quan trọng, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng đã chủ động tổ chức thi hành án đối với khoản tiền án phí của các đương sự được hơn 145 triệu đồng và chi trả 5 tỷ đồng tiền bồi thường của Nguyễn Văn Dương cho Tập đoàn Vinashin và 1 tỷ đồng của Trần Quang Vũ cho Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu. Đồng thời, thực hiện ủy thác toàn bộ phần thi hành án chủ động là hơn 1,8 tỷ đồng tiền án phí hình sự, dân sự trong vụ án cho Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm, huyện Từ Liêm, quận Hai Bà Trưng, quận Thanh Xuân (Hà Nội), huyện Giao Thủy (Nam Định), quận Lê Chân (Hải Phòng).

Bên cạnh đó, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng cũng đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của Trần Quang Vũ, Nguyễn Tuấn Dương (thường trú tại thành phố Hải Phòng) và làm việc với bên được thi hành án là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, Công ty Cổ phần Cửu Long (có trụ sở tại thành phố Hải Phòng). Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng cho biết, sẽ ủy thác về các cơ quan Thi hành án có thẩm quyền khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án của các bên được nhận bồi thường của các đương sự Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm, Tô Nghiêm, Nguyễn Văn Tuyên (Hà Nội) và Đỗ Đình Côn (Nam Định).

 

Thi hành án “bó tay” khi chủ nợ không tha thiết đòi nợ

Vấn đề “bất bình thường nhất” trong việc thi hành án vụ án Vinashin chính là khoản bồi thường hơn 1.000 tỷ đồng được xác định chính là tài sản của Nhà nước tại các doanh nghiệp (bên được thi hành án) đang không được các “khổ chủ” có yêu cầu cơ quan Thi hành án tổ chức thi hành án để thu hồi công nợ. Không có đơn yêu cầu, cơ quan Thi hành án dân sự không thể ra quyết định thi hành án vì theo luật, đây là phần thi hành án theo yêu cầu.

Theo đại diện các Bộ, ngành, mặc dù Luật Thi hành án dân sự cho phép được quyền yêu cầu thi hành án trong 5 năm kể từ khi bản án có hiệu lực, nhưng với trách nhiệm bảo toàn vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp, việc các doanh nghiệp trong vụ án Vinashin chưa có đơn yêu cầu thi hành án cần được Bộ chủ quản là Bộ Giao thông vận tải xem xét, điều chỉnh để nhanh chóng thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng cho Nhà nước. Bên cạnh đó, nếu thu hồi được khoản công nợ này sẽ giúp được rất nhiều cho các doanh nghiệp này trong điều kiện hoạt động khó khăn do thiếu vốn như hiện nay.

Do tính chất vụ việc nhạy cảm, phức tạp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính khẳng định, “phải quyết liệt thi hành án vụ án này để thu hồi khoản tiền lớn cho Nhà nước nên cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương”. Đồng thời, thống nhất với đại diện các Bộ, ngành đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các ngành có ý kiến để bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, làm cơ sở cho việc tổ chức thi hành án đối với khoản bồi thường hơn 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự nhanh chóng tổ chức thi hành án, thu hồi tiền cho các doanh nghiệp theo luật định, theo dõi chặt chẽ diễn tiến thi hành án vụ việc để báo cáo, thông tin kịp thời cho các cấp thẩm quyền./.

Huy Anh