Thái Nguyên: Việc triển khai thực hiện miễn, giảm Thi hành án theo Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT ngày 17.6.2005 đạt tỷ lệ thấp.

29/11/2007

Các văn bản như Bộ luật hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh thi hành án  dân sự 2004 v à Nghị định 173/N Đ-CP ngày 30.9.2004 quy định về miễn giảm chấp hành hình phạt tiền, án phí cho người phải thi hành án. Hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, Liên ngành Trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT/TANDTC- VKSNDTC-BTP-BTC-BCA ngày 17.6.2005 ( sau đây gọi tắt là Thông tư 02 ) để hướng dẫn các cơ quan thực hiện việc miễn giảm khoản tiền phạt và án phí.



 Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên xác định việc triển khai thực hiện Thông tư 02 là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định xã hội, giữ nghiêm kỷ cương pháp luật và từng bước giảm dần án tồn đọng. Sau khi Thông tư 02 có hiệu lực, Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện nghiêm túc: thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về điều kiện, trình tự và thời gian xét miễn thi hành án đối với các khoản tiền phạt; sao gửi văn bản tới các đơn vị Thi hành án dân sự cấp huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh; chỉ đạo Chấp hành viên cấp tỉnh  tích cực xác minh điều kiện thi hành án, rà soát lên danh sách các đối tượng thuộc diện được xét miễn để uỷ thác đến cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện ( nơi cư trú của người thuộc diện được xét miễn ); yêu cầu các đơn vị Thi hành án cấp huyện  xây dựng hồ sơ và đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức xét miễn. Đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan như Kiểm sát, Toà án cấp tỉnh giải thích, hướng dẫn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện. Thực tế cho thấy qua hơn 02 năm thực hiện Thông tư 02 ở tỉnh Thái Nguyên đạt tỷ lệ thấp, số lượng vụ việc được Toà án quyết định miễn, giảm và cơ quan Thi hành án các địa phương đình chỉ các việc loại này không nhiều so với số án tồn đọng.

Theo thống kê, trung bình hàng năm, các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh Thái Nguyên phải giải quyết trung bình hơn 10.000 việc ( năm 2007 là 12.461việc ), một  số đơn  vị có số việc nhiều như Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên ( năm 2007 là  4.840 việc ); Thi hành án dân sự huyện Đại Từ ( năm 2007 là 1.390 ); Thi hành án dân sự huyện Đồng Hỷ ( năm 2007 là 1.515 việc ). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng việc tồn đọng từ  những năm trước chuyển sang tương đối lớn, chiếm hơn 1/2 v ụ việc phải giải quyết trong năm ( năm 2006 chuyển sang: 8.671 việc, thụ lý mới 3.790 việc. Số việc chuyển sang năm 2008 là: 8.102 việc )

- Số việc thuộc diện miễn giảm: 215 việc với số tiền 2.108.262.000đ

- Số việc đề nghị: 138 việc với số tiền 1.202.389.000đ

- Số việc được quyết định miễn giảm: 111 việc với số tiền 1.036.573.000đ

Như vậy, số việc được Toà án quyết định miễn, giảm so với số việc thuộc diện miễn giảm chỉ bằng 51,6%. Số việc được Toà án quyết định miễn giảm là rất thấp so với số án tồn  đọng ( bằng 1,37%). Bên cạnh một số đơn vị làm tốt công tác này như THADS huyện Phú Bình; THADS huyện Đại Từ thì còn một số đơn vị thực hiện chưa tốt, thậm chí không thực hiện được việc nào. Qua kiểm tra, có thể thấy việc thực hiện việc xét miễn giảm tại Thái Nguyên đạt hiệu quả thấp do một số nguyên nhân như sau:

* Nguyên nhân do bất cập từ văn bản hướng dẫn thực hiện: Thông tư 02 quy định điều kiện để xét miễn cứng nhắc làm thu hẹp các đối tượng thuộc diện miễn giảm; một số quy định chưa rõ ràng khiến nhận thức của các cơ quan còn khác nhau; Trình tự, thủ tục xét miễn còn rườm rà, chưa xác định là áp dụng thủ tục tố tụng dân sự hay hình sự; Chưa xác định trách nhiệm của các cơ quan trong việc thẩm định, đánh giá hồ sơ ( nhất là đối với Viện kiểm sát )....

* Nguyên nhân từ phía người thuộc diện được xét miễn giảm: nhiều đương sự sau khi chấp hành xong hình phạt tù nhưng không trở về địa phương, không khai báo việc cư trú nên không xác định được địa chỉ. Bên cạnh đó, Thông tư quy định mọi trường hợp xét miễn phải có đơn yêu cầu và xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi làm việc. Thậm chí cá biệt có trường hợp tỏ thái độ bất hợp tác, sau khi được cán bộ Thi hành án vận động, giải thích người được xét miễn không phải chịu bất kỳ một chi phí nào cho việc xét miễn giảm nhưng không làm đơn xin xét miễn giảm vì cho rằng bản thân đã chấp hành xong hình phạt tù, hiện tại không có nghề nghiệp, không có thu nhập, không có gì để mất nên không cần phải làm đơn xin xét miễn giảm...

* Nguyên  nhân từ phía cơ quan Thi hành án dân sự: Chấp hành viên một số đơn vị Thi hành án chưa thực sự nỗ lực xác minh, phân loại, đưa số việc đủ điều kiện vào diện xét miễn giảm. Các cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện chưa xem xét trách nhiệm của Chấp hành viên trong quá trình thực hiện việc lập hồ sơ từ khâu xác minh đến lúc chuyển sang Toà án: đánh giá bao nhiêu việc đã chuyển sang Toà án, bao nhiêu việc được Toà án chấp nhận; Lý do tại sao Toà án không chấp nhận để có hướng kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Trên đây là một số nguyên nhân khiến việc thực hiện Thông tư 02 tại Thái Nguyên trong năm 2007 đạt tỷ lệ thấp. Trong thời gian tới, Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên sẽ bố trí cán bộ, đầu tư thời gian, công sức để tích cực kiểm tra, đôn đốc sát sao hơn nữa để việc xét miễn giảm tiền phạt được thực hiện thành nề nếp. Đưa việc xét miễn giảm khoản án phí, tiền phạt là một trong những nội dung chính trong đợt phát động cao điểm giải quyết án tồn đọng và xét thành tích thi đua cuối năm.

Hà Tuấn  Phương