An Giang: Một số vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự

08/01/2008
Trong những năm qua, nhất là sau khi Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 được ban hành, công tác thi hành án dân sự có những chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và của công dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tại tỉnh An Giang, bình quân mỗi năm các cơ quan thi hành án trong tỉnh đã giải quyết xong từ 5 đến 6 ngàn vụ việc thi hành án. Tuy nhiên, số lượng thi hành án tồn đọng vẫn còn nhiều, trong đó có không ít việc đã kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tính đến nay toàn tỉnh còn gần 5.000 việc tồn động, trong đó có hơn 3.000 việc chưa có điều kiện thi hành.


Tình trạng án tồn đọng nhiều năm nay do nhiều nguyên nhân như:

Hệ thống pháp luật về thi hành án chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập; cơ chế quản lý điều hành thiếu tập trung, hiệu lực chưa cao. Ví dụ: Khoản 4, Điều 3 Quy chế Uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Ban hành kèm theo Quyết định số 1148/2005/QĐ-BTP ngày 18/05/2005) của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được uỷ quyền,... Nơi nào xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, chất lượng công chức yếu kém, vi phạm kỷ luật thì Giám đốc Sở Tư pháp phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng,...”. Nhưng tại Khoản 3, Điều 3 lại nêu: Giám đốc Sở Tư pháp thực  hiện các nhiệm vụ quy định tại các Khoản 2, 3,... Điều 2 của Quy chế này trên cơ sở đề nghị của Trưởng THA dân sự cấp tỉnh. Như vậy, có nghĩa là Giám đốc Sở Tư pháp được Bộ trưởng uỷ quyền thực hiện các nhiệm vụ trên, nhưng phải trên cơ sở đề nghị của Trưởng cơ quan THA cấp tỉnh. Nếu như Trưởng cơ quan THA cấp tỉnh không đề nghị hoặc chưa đề nghị thì Giám đốc Sở Tư pháp sẽ không thực hiện được các nhiệm vụ do Bộ trưởng uỷ quyền. Cụ thể như Khoản 13, Điều 2, quy định Giám đốc Sở Tư pháp quyết định thanh tra hoạt động THA của THA dân sự cấp huyện và báo cáo kết quả thanh tra về Bộ Tư pháp, nhưng nếu Trưởng THA dân dự cấp tỉnh không đề nghị thanh tra thì Giám đốc Sở Tư pháp không được quyền thanh tra! Trong khi đó, tại Khoản 4, Điều 3 quy định Giám đốc Sở Tư pháp phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng!; Hoặc tại Điều 8 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân trong việc thi hành án mạng tính chất chung chung, không có chế tài xử lý khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể vấn đề này nên hiệu lực của hoạt động thi hành án không cao, làm cản trở, gây không ít khó khăn cho cơ quan thi hành án trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Một nguyên nhân khác là, Bộ máy tổ chức thi hành án chưa tinh gọn, thiếu chuyên nghiệp, năng lực, trình độ chuyên môn còn nhiều yếu kém, thậm chí có một bộ phận thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng  chức vụ, quyền hạn để thu vén cá nhân, tham nhũng, phải bị xử lý..; Bên cạnh đó, “nghề thi hành án” cũng có không ít rủi ro, trắc trở từ nhiều phía như hệ thống pháp luật chưa minh bạch, còn chồng chéo; áp lực từ phía cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lực can thiệp vào quá trình thi hành án; sự tránh né, chống đối của người phải thi hành án…nhất là chế độ, chính sách đãi ngộ chưa thoả đáng đối với cán bộ, công chức ngành thi hành án đã làm cho phần lớn cán bộ, công chức trong ngành có tâm lý ngán ngại, thiếu tích cực, thậm chí làm việc cầm chừng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mặc dù hiện nay chỉ tiêu biên chế của hầu hết các cơ quan thi hành án do Bộ Tư pháp phân bổ vẫn còn nhiều, nhưng không thể tuyển dụng cán bộ đủ tiêu chuẩn vào làm việc ở các cơ quan thi hành án.

Một vấn đề nổi cộm trong công tác thi hành án dân sự là người phải thi hành án không có điều kiện thi hành, người phải thi hành án đồng thời phải chấp hành hình phạt tù, người phải thi hành án tuy tuổi đã trưởng thành nhưng cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình, bố mẹ, người phải thi hành án tìm đủ cách để trốn tránh thi hành án như không đứng tên chủ sở hữu tài sản, tẩu tán tài sản trước khi bản án có hiệu lực pháp luật đang đặt ra nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác thi hành án. Bên cạnh đó, rất nhiểu bản án, quyết định của tòa án đã trong chưa chính xác, thiếu thuyết phục ( là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc người phải thi hành án không tự nguyện thi hành), làm số lượng án tồn đọng ngày càng cao.

Bên cạnh đó, hiện nay, các loại việc phải thi hành án liên quan đến cấp dưỡng thường kéo dài thời gian, rất mất công sức của cán bộ, Chấp hành viên các cơ quan Thi hành án dân sự. Số án tồn đọng, khó có khả năng thi hành chiếm tỷ lệ khá cao so với các vụ việc khác. Trên thực tế, việc cấp dưỡng có thể được thực hiện theo tháng, quý, năm, nhưng thời gian để chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng của các chủ thể có liên quan thường kéo dài. Thông thường việc cấp dưỡng được thực hiện theo tháng. Như vậy, cán bộ cơ quan thi hành án dân sự được phân công phụ trách vụ việc cứ phải hàng tháng mất công thu tiền rất “nhỏ giọt” cho đến khi người được cấp dưỡng trưởng thành. Một việc thi hành án về cấp dưỡng có khi phải kéo dài hàng chục năm.

Trước thực trạng trên, để giải quyết một cách cơ bản tình trạng án tồn đọng, cần có những chủ trương, giải pháp tích cực hơn nữa trong việc xây dựng, sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật về thi hành án; về cơ chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án; tăng thêm quyền hạn, trách nhiệm của CHV. Đồng thời, có biện pháp chế tài kiên quyết và mạnh mẽ hơn nữa đối với cá nhân và cơ quan, tổ chức trong thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin về tài sản, thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

Trần Hải Quân