THADS tỉnh Bình Định: Sau 5 năm thực hiện công tác chuyển giao án cho UBND cấp xã thực hiện việc đôn đốc thi hành án

29/02/2008

Thực hiện Chỉ thị số: 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự; Thông tư số: 05/2002/TT-BTP, ngày 27/02/2002 của Bộ Tư pháp hướng dẫn chuyển giao một số vụ việc trong thi hành án dân sự cho UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) trực tiếp đôn đốc thi hành và Thông tư liên tịch số: 15/2002/TT-LT-BTC-BTP, ngày 08/02/2002 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự, kinh phí để lại cho UBND xã, phường, thị trấn tham gia thực hiện công tác thi hành án đã thu nộp vào ngân sách nhà nước.



Ngay từ khi các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành, Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định đã tổ chức triển khai, tập huấn cho cán bộ, công chức trong các cơ quan Thi hành án và UBND cấp xã  trong tỉnh về việc thực hiện công tác chuyển giao, thu, chi tiền đối với các vụ việc chuyển giao. Sau 5 năm thực hiện việc đôn đốc thi hành án của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh Bình Định đã có những kết quả như sau:

1. Kết quả thực hiện về việc và tiền chuyển giao:

a. Về việc chuyển giao:

- Tổng số: 4.805.việc;

- Số việc đã đôn đốc thi hành xong: 3.560 việc.

Đạt tỷ lệ: 74%.

b. Về tiền:

- Tổng số tiền chuyển giao: 1.252.223.754đ;

- Số tiền đã thu được: 813.008.972đ.

Đạt tỷ lệ: 64,9%.

2. Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và kiến nghị:

-  Nhìn chung, trong toàn tỉnh công tác chuyển giao án cho UBND cấp xã đôn đốc thi hành đã thực hiện đúng theo qui định về trình tự thủ tục, góp phần làm giảm một lượng án tồn đọng nhất định cho các cơ quan Thi hành án dân sự. Việc qui định và thực hiện công tác chuyển giao án cho UBND cấp xã đôn đốc thi hành đã mở ra một cơ chế phối hợp mới giữa cơ quan Thi hành án dân sự với chính quyền cơ sở về công tác thi hành án dân sự, gắn một số vụ việc về thi hành án với công tác quản lý hành chính nhà nước của cấp chính quyền cơ sở, góp phần và tăng cường lực lượng để hỗ trợ công tác thi hành án dân sự ở địa phương. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại sau đây:

+ Cấp uỷ Đảng, chính quyền cấp xã nhiều nơi thiếu quan tâm trong việc chỉ đạo thực hiện công tác đôn đốc, xem đây là công việc của cơ quan Thi hành án, đùn đẩy dẫn đến án chuyển giao chậm được đôn đốc, thậm chí có nơi nhiều tháng liền sau khi nhận chuyển giao không tổ chức đôn đốc thi hành;

+ Nhiều địa phương cán bộ được phân công (chủ yếu cán bộ tư pháp) thực hiện đôn đốc thiếu nhiệt tình, ngại khó, sợ va chạm nên chưa thực hiện đúng và hết trách nhiệm của mình được pháp luật qui định, làm cho lượng án tồn đọng ngày một nhiều. Nhiều vụ việc, cơ quan Thi hành án nhắc nhở nhiều lần mới tổ chức đôn đốc, cá biệt có vụ việc có điều kiện thi hành án nhưng UBND cấp xã không tổ chức đôn đốc, cơ quan Thi hành phải rút về để trực tiếp tổ chức thi hành. Việc mở sổ sách để theo dõi việc đôn đốc chưa thực hiện đầy đủ, cập nhật các thông tin vào sổ không kịp thời, cá biệt có nơi không thực hiện. Công tác thu, chi và theo dõi  các khoản thu, chi thi hành án còn sơ sài, tuỳ tiện, chưa thực hiện đúng theo qui định tại Thông tư liên tịch số: 15/2002/TT-LT, ngày 08/02/2002 của Bộ Tài chính,Bộ Tư pháp, cá biệt có trường hợp xâm tiêu tiền thi hành án.

- Nguyên nhân:

+ Cán bộ được giao thực hiện việc đôn đốc thi hành án của cấp xã chưa được đào tạo, tập huấn cơ bản về nghiệp vụ, kỹ năng  thi hành án nên đã lúng túng khi thực hiện việc đôn đốc. Hầu hết ở cấp xã chỉ có 01 cán bộ tư pháp kiêm theo dõi và thực hiện việc đôn đốc thi hành án, trong khi đó chức năng, nhiệm vụ rất nhiều, nhất là sau ngày 01/7/2007 phải tiếp nhận và thực hiện công tác chứng thực do các Phòng Công chứng, Phòng Tư pháp huyện chuyển về theo qui định của Luật công chứng nên khối lượng công việc đã nhiều nay lại càng nhiều hơn, do đó không thể đảm đương hết những công việc được giao. Bên cạnh đó, có một số cán bộ nhận thức công tác thi hành án là của cơ quan Thi hành án nên không dành thời gian thích hợp cho công tác đôn đốc dẫn đến án tồn đọng ngày càng nhiều.

Số lượng cán bộ, chấp hành viên của các cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện còn thiếu nên việc theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra việc đôn đốc thi hành án đối với UBND cấp xã không thường xuyên, đôi lúc chưa kịp thời nên việc đôn đốc hàng năm chưa cao, có nơi xảy ra nhiều sai sót.

- Những vấn đề kiến nghị:

+ Như chúng ta biết, để thực hiện việc chuyển giao đúng theo qui định, từng thời điểm cơ quan Thi hành án dân sự phải thực hiện hàng loạt các thủ tục: như ra quyết định chuyển giao, lập và vào sổ sách để theo dõi công tác chuyển giao, theo dõi thu, chi thi hành án của UBND cấp xã, đối chiếu, quyết toán các khoản thu, chi, kiểm tra xác nhận các khoản để lại cho UBND cấp xã. Đồng thời, phải thường xuyên theo dõi, nhắc nhở việc đôn đốc, khi không có điều kiện đôn đốc phải kịp thời rút về để áp dụng các biện pháp xử lý nghiệp vụ. Với hàng loạt các trình tự, thủ tục nói trên đã tạo nhiều công việc cho chấp hành viên mà đôi lúc chỉ mang tính hình thức, không có hiệu quả. Thiết nghĩ, nên dành thời gian này cho chấp hành viên trực tiếp tổ chức thi hành án có hiệu quả hơn. Vì vậy, đề nghị chấm dứt thực hiện việc chuyển giao án không quá 500.000đ cho UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành, tăng biên chế cho cơ quan Thi hành án để trực tiếp tổ chức thi hành án.

+ Hoặc nếu vẫn duy trì việc chuyển giao thì phải có cơ chế phù hợp, gắn trách nhiệm cụ thể của UBND cấp xã trong công tác thi hành án, qui định thẩm quyền thực hiện các vụ việc nói trên là của UBND cấp xã, chịu trách nhiệm trước UBND cấp trên và trước cơ quan Thi hành án về việc thi hành án, trong đó nhất thiết phải tăng biên chế  cán bộ tư pháp (cán bộ thực hiện đôn đốc), đồng thời phải thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác này.

Võ Công Hoàng