Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum với công tác vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2010

23/11/2010
Thực hiện Kế hoạch số 3776/KH- BVSTBPN ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) ngành Tư pháp; Căn cứ Kế hoạch số 166/KH-CTHA ngày 12/4/2010 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum về việc ban hành Kế hoạch hành động VSTBPN các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum năm 2010. Nhằm đánh giá kết quả hoạt động trong năm của Ban VSTBPN Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum. Vừa qua, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum đã tiến hành kiểm tra hoạt động VSTBPN tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum, kết quả cho thấy công tác VSTBPN tại các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum bước đầu đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả và từng bước thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia VSTBPN, cụ thể:


- Công tác kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác VSTBPN:

Ngày 28/4/2010, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 190/QĐ-CTHA về việc thành lập Ban VSTBPN các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum do đồng chí Phó Cục trưởng làm Trưởng ban, đồng chí Phó chánh văn phòng làm Phó ban, đại diện Ban chấp hành Công đoàn, Ban Chấp hành đoàn Thanh niên và Thủ trưởng các Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thành phố làm thành viên.

Đối với các Chi cục, mặc dù chưa thành lập Ban (do chưa đủ số lượng cán bộ nữ theo quy định) nhưng 9/9 các đơn vị đã phân công 01 cán bộ nữ phụ trách công tác nữ công và 01 lãnh đạo cơ quan phụ trách công tác VSTBPN.

Nhìn chung, việc kiện toàn cán bộ phụ trách công tác VSTBPN tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum được thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản hướng dẫn của Ủy ban quốc gia VSTBPN Việt Nam và của Bộ Tư pháp.

- Việc thực hiện Kế hoạch hành động VSTBPN:

Ngay sau khi thành lập, Ban VSTBPN các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum đã xây dựng kế hoạch hành động nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 647/KH-BTP ngày 15/3/2010 của Bộ Tư pháp về hoạt động VSTBPN ngành Tư pháp nói chung và Kế hoạch số 166/KH-CTHA ngày 12/4/2010 về hành động VSTBPN các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum nói riêng, qua đó đưa hoạt động VSTBPN tại các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả và từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của Ban VSTBPN trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại cơ quan.

Ban VSTBPN các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai các nội dung của Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ; tuyền truyền các văn bản như: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… Việc tổ chức tuyên truyền và quán triệt được thực hiện dưới các hình thức như: phổ biến, tuyền truyền lồng ghép trong các đợt hội họp, tổ chức các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị…Thông qua các hoạt động này, phần nào giúp cán bộ, công chức trong toàn ngành nói chung và cán bộ, công chức nữ nói riêng nhận thức đúng đắn hơn các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Việc triển khai các mục tiêu VSTBPN theo Kế hoạch hành động trong năm 2010 như: xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nữ của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác tốt, nâng cao vai trò của công chức nữ trong công tác lãnh đạo, quản lý và các hoạt động đoàn thể; bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức nữ; thực hiện kịp thời, đúng quy định các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức nữ cũng được các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum chú trọng thực hiện có hiệu quả. Các công chức nữ được quan tâm sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với khả năng, năng lực, hoàn cảnh. Các đơn vị luôn chú ý đến công tác điều chỉnh cơ cấu ngạch công chức, xây dựng quy hoạch cán bộ với tiêu chí tăng số lượng và chất lượng cán bộ nữ cho phù hợp với tình hình tổ chức và điều kiện công việc.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ công chức nữ các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum ngày càng được tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng. Tỷ lệ được xét tuyển dụng vào công tác năm 2010 có số lượng công chức nữ cao hơn nam (80% là nữ), nâng số công chức nữ của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum lên 44/96 tổng số công chức hiện có (chiếm 45,8%). Trong đó, số cán bộ, công chức nữ có trình độ cao đẳng, đại học là 21/44 (chiếm gần 50%), số đã qua lớp đòa tạo lớp chức danh tư pháp là 6/44 (chiếm 14%).

Số công chức nữ được kết nạp Đảng, tham gia bộ máy lãnh đạo và giữ các chức danh nghiệp vụ được tăng cường. Đến hết tháng 10/2010, công chức nữ giữ vị trí lãnh đạo cấp Phòng là 01/03 và hiện đang làm hồ sơ đề nghị bổ nhiệm 01 công chức nữ giữ chức vụ Phó Chi cục trưởng; công chức nữ có chức danh nghiệp vụ là 06/ 29; công chức nữ đảng viên là 16/45 đảng viên; số công chức nữ giữ vị trí lãnh đạo các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội là 6/44 (trong đó 01 cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành huyện đoàn, 05 cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành Công đoàn cơ sở).

- Việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức nữ cũng được các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum triển khai kịp thời, đúng quy định, bảo đảm quyền và lợi ích cho cán bộ nữ. Các chế độ như ốm đau, thai sản, gia đình chính sách, nghỉ phép theo quy định… đều được quan tâm thực hiện tốt. Bên cạnh đó, nhân các ngày lễ 08/3, 20/10… Ban VSTBPN phối hợp với Công đoàn, Đoàn thanh niên tổ chức giao lưu giữa các cán bộ, công chức nữ để ôn lại truyền thống bất khuất, trung hậu, đảm đang của người phụ nữ, thông qua đó, kịp thời động viên công chức nữ tham gia các phong trào nữ công “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, hăng hái thi đua công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn.

- Từ những kết quả trên cho thấy, hoạt động VSTBPN của các cơ qan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum trong năm qua được thực hiện tốt, đảm bảo yêu cầu hoạt động chung của Ban VSTBPN Ngành Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra đối với công tác phụ nữ. Sự tích cực của Lãnh đạo các Phòng chuyên môn thuộc Cục, Thủ trưởng, cán bộ, công chức các đơn vị trong việc lồng ghép các mục tiêu VSTBPN vào các hoạt động chuyên môn của ngành trong thời gian qua cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành tại địa phương và từng bước đưa hoạt động VSTBPN của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum đến với các mục tiêu chung VSTBPN Việt Nam.

Bên cạnh đó, các hoạt động VSTBPN tại các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum còn gặp một số khó khăn mà trong thời gian tới cần được sự quan tâm, tạo điều kiện và phối hợp của Tổng Cục THADS - Bộ Tư pháp, Ủy Ban nhân dân tỉnh, Ban VSTBPN ngành Tư pháp… để khắc phục và thực hiện đạt hiệu quả cao, cụ thể như: Việc lồng ghép các quan điểm về giới và bình đẳng giới trong các hoạt động chuyên môn đạt hiệu quả chưa cao; Việc khám sức khỏe định kỳ cho công chức nữ chưa được thực hiện; kiện toàn công tác tổ chức phù hợp để đạt được mục tiêu 30% công chức nữ tham gia công tác lãnh đạo; vấn đề kinh phí để tổ chức các hoạt động VSTBPN của Ban,…

                                                                              Nguyễn Thọ Thanh