Tổng kết thực tiễn bốn năm triển khai thực hiện và góp ý Dự thảo sửa đổi Luật Thi hành án dân sự năm 2014

18/03/2014
Luật Thi hành án dân sự ra đời năm 2008, có hiệu lực thi hành ngày 01/07/2009, là văn bản pháp lý cao nhất trong lĩnh vực thi hành án dân sự ở thời điểm hiện tại. Sau bốn năm áp dụng Luật Thi hành án dân sự, nhận thấy công tác thi hành án dân sự đã có những chuyển biến thực sự tích cực. Bộ máy tổ chức các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương nhanh chóng được kiện toàn, số lượng cán bộ, công chức thi hành án dân sự tăng kể cả về số và chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự được minh chứng qua kết quả thi hành án dân sự của từng năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, đã được chính quyền các cấp và quần chúng nhân dân tin tưởng, ghi nhận. Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng Luật Thi hành án dân sự năm 2008 nhận thấy Luật cũng còn một số điểm hạn chế, tồn tại cần sửa đổi hoàn thiện.


Ngày 18/6/2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh Khóa XIII, năm 2013 và Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2014. Theo Nghị quyết này, có 43 Dự thảo Luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2014, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp lần thứ 8. Qua theo dõi, tổng hợp xin đóng góp một số ý kiến để Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Thi hành án dân sự sửa đổi và hệ thống văn bản pháp luật về công tác thi hành án dân sự để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, đặc biệt hạn chế thấp nhất số việc thi hành án dân sự tồn đọng hiện nay.

1. Vấn đề thời gian áp dụng biện pháp bảo đảm:

Quá trình áp dụng quy định này nhận thấy, Luật quy định về thời gian xử lý tài sản sau khi đã áp dụng biện pháp bảo đảm đối với các trường hợp rất ngắn, không đủ thời gian để chấp hành viên thực hiện rất nhiều các thao tác nghiệp vụ khác mà pháp luật quy định buộc chấp hành viên phải thực hiện, những biện pháp bảo đảm mà chấp hành viên áp dụng là những biện pháp ngăn chặn, mục đích không để đương sự tẩu tán tài sản, nhằm trốn tránh nghĩa vụ về thi hành án vì thế thông thường chấp hành viên phải áp dụng biện pháp ngăn chặn ngay lập tức. Tuy nhiên, để ban hành một quyết định cưỡng chế hay quyết định hủy bỏ biện pháp bảo đảm đối với tài sản đã áp dụng biện pháp bảo đảm, ngoài những thông tin về tài sản có thể do đương sự cung cấp hoặc do chấp hành viên thu thập được, chấp hành viên vẫn rất cần những thông tin khác như thái độ của đối tượng thi hành án, tình hình an ninh, chính trị tại địa bàn khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Trước khi ban hành quyết định cưỡng chế, chấp hành viên phải xây dựng Kế hoạch cưỡng chế, muốn cưỡng chế thành công, phải có Kế hoạch cưỡng chế thật hoàn hảo, do vậy pháp luật về thi hành án dân sự cũng nên quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức cưỡng chế, thời hạn cụ thể đối với từng bước thực hiện, đối với từng loại tài sản.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30/03/2012 thì:

1. Trước thời điểm ban hành kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự ít nhất 10 ngày, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải cung cấp thông tin, trao đổi ý kiến với cơ quan công an cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan về các nội dung, yêu cầu cụ thể của vụ việc cưỡng chế có huy động lực lượng tham gia bảo vệ, bao gồm:

a) Tên và địa chỉ của người bị cưỡng chế;

b) Dự kiến thời gian, địa điểm tiến hành cưỡng chế, biện pháp cưỡng chế cần áp dụng;

c) Tóm tắt nội dung vụ việc cần cưỡng chế; tính chất phức tạp của vụ việc (đặc điểm địa bàn, tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, diễn biến tâm lý, thái độ, khả năng chống đối của đương sự);

d) Yêu cầu cụ thể của cơ quan Thi hành án dân sự về các nội dung cần phối hợp; dự kiến số lượng người cần tham gia bảo vệ cưỡng chế; các trang thiết bị, công cụ, phương tiện cần thiết để phục vụ cho việc bảo vệ cưỡng chế và dự trù kinh phí chi cho việc bảo vệ cưỡng chế.

Trên cơ sở dự thảo Kế hoạch cưỡng chế đó, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức cuộc họp với sự tham gia của cơ quan công an cùng cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan để tham khảo ý kiến. Cuộc họp đóng góp ý kiến phải được tổ chức trước ít nhất 10 ngày, kể từ thời điểm cưỡng chế đã được ấn định. Với quy định về tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản theo Điều 69 Luật Thi hành án dân sự là 15 ngày kể từ ngày ra quyết định, chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, thời gian như vậy rất khó cho chấp hành viên hoàn tất các thủ tục để ban hành quyết định kê biên tài sản hoặc chấm dứt biện pháp phong tỏa.

Thứ nhất, sau khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, trong nhiều trường hợp, chấp hành viên phải tiến hành xác minh tài sản, các thông tin về tài sản sau đó mới quyết định biện pháp cưỡng chế hay không, chẳng hạn tại Điều 89 quy định: “Trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký”. Trong trường hợp này thời hạn xác minh, cung cấp thông tin không phải hoàn toàn do chấp hành viên quyết định, còn có các yếu tố khách quan từ các cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin về tài sản. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp các cơ quan có thẩm quyền quản lý về tài sản cung cấp các thông tin không kịp thời, làm chậm tiến độ giải quyết án, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Luật quy định như vậy ưu điểm đã gắn được trách nhiệm của chấp hành viên đối với việc thực thi nhiệm vụ, hạn chế việc chấp hành viên cố tình kèo dài thời gian tổ chức thi hành án. Tuy nhiên thực tế nhiều trường hợp đã gây không ít khó khăn cho chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp.

2. Vấn đề tiêu hủy vật chứng, tài sản theo quy định tại Điều 125: “Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu huỷ vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu huỷ theo bản án, quyết định, trừ trường hợp pháp luật quy định phải tiêu huỷ ngay”. Đối với các địa bàn miền núi, số lượng án không nhiều vì thế vật chứng tài sản nhiều thời điểm không lớn, việc quy định thời hạn xử lý tiêu hủy vật chứng trong thời hạn một tháng là chưa phù hợp, thực tế có những huyện miền núi một năm tổng số án thụ lý giải quyết chỉ gồm trên, dưới 100 việc thi hành án, có tháng chỉ thụ lý mới từ 3 - 4 việc thi hành án, số lượng vật chứng, tài sản tiêu hủy rất ít, theo quy định vẫn phải tiến hành thành lập Hội đồng tiêu hủy vật chứng gây chi phí tốn kém về kinh phí, thời gian. Do vậy việc quy định như vậy đối với địa bàn miền núi chưa thật phù hợp, cần thiết phải có quy định linh hoạt hơn đối với các địa bàn miền núi, tỉ lệ án giải quyết ít, vật chứng tài sản xử lý không nhiều.

3. Trường hợp xác minh điều kiện thi hành án: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 44 Luật Thi hành án dân sự:

“Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay”.

Đối với các tỉnh miền xuôi, địa bàn nhỏ, gọn giao thông đi lại thuận lợi, việc quy định thời hạn xác minh điều kiện thi hành án trong thời hạn 10 ngày có thể không gây khó khăn đối với chấp hành viên, công chức thi hành án, nhưng đối với các tỉnh miền núi, địa bàn rộng, địa hình khó khăn, phức tạp, có những huyện cách trung tâm tỉnh lỵ tới trên 200 km, chưa kể từ trung tâm huyện đến các bản vùng cao có thể phải đi bộ hàng tuần mới đến được địa chỉ của người phải thi hành án. Để xác minh điều kiện thi hành án đúng thời hạn luật định, rất khó thực hiện.

* Đối với phần Dự thảo sửa đổi Luật Thi hành án dân sự:

Nhiều ý kiến cho rằng tỉ lệ án tồn đọng hiện nay, không thi hành được là do một số quy định của Bộ Luật hình sự năm 1999 đối với các tội danh về ma túy, đặc biệt đối với các đối tượng nghiện hút hoàn toàn không có khả năng thi hành án mức phạt tiền quá cao, mặt khác, một số Tòa án địa phương hiện nay khi áp dụng hính phạt bổ sung là hình phạt tiền không tiến hành điều tra, xác minh khả năng thi hành án của các bị cáo, do vậy mức phạt tiền đối với các bị cáo vẫn ở mức rất cao; việc phối hợp giữa các cơ quan liên ngành tố tụng chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn, vì thế đã làm gia tăng tỉ lệ án dân sự tồn đọng như hiện nay. Vấn đề thẩm quyền ban hành các quyết định thi hành án theo như Dự thảo Luật Thi hành án dân sự sửa đổi lần 2 gồm: Quyết định thi hành án, quyết định hoãn, đình chỉ, tạm đình chỉ, trả đơn…thuộc thẩm quyền Chánh án Tòa án, như vậy cũng không làm giảm án dân sự tồn đọng hiện nay. Thẩm quyền ra quyết định thi hành án thuộc cơ quan Thi hành án dân sự hay thuộc cơ quan Tòa án về bản chất vẫn là thực thi bản án, quyết định của Tòa án, không phải là nguyên nhân chính dẫn đến án dân sự tồn đọng. Thậm trí còn làm phát sinh thủ tục hành chính rườm rà, ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án.

Dự thảo sửa đổi Luật Thi hành án dân sự lần thứ 4, đã có những thay đổi lớn phù hợp với thực tế công tác thi hành án dân sự, tạo điều kiện tốt hơn cho các chấp hành viên, công chức cơ quan Thi hành án dân sự trong hoạt động thi hành án. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cần tiếp tục chỉnh sửa để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

+ Việc gửi các quyết định thi hành án được quy định như sau:

“Điều 38. Gửi quyết định về thi hành án

1. Quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp.

2. Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là ủy ban nhân dân cấp xã) nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.

3. Quyết định thi hành án, khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án, ủy thác, hoãn, tạm đình chỉ, tiếp tục thi hành án, rút hồ sơ thi hành án lên để tổ chức thi hành phải được gửi cho Tòa án đã ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành.

Khi kết thúc thi hành án theo quy định tại Điều 52 của Luật này, cơ quan Thi hành án dân sự thông báo kết quả thi hành án cho Tòa án đã ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành.”.

Nhận thấy Viện Kiểm sát các cấp là cơ quan thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự đối với chấp hành viên, công chức, cơ quan Thi hành án, do vậy việc gửi các quyết định về thi hành án là hoàn toàn phù hợp với các quy định của Luật. Xong, đối với cơ quan Tòa án thực hiện chức năng xét xử, kết thúc hoạt động xét xử, bản án, quyết định của Tòa được chuyển sang cơ quan Thi hành án để tổ chức thi hành, việc giám sát các hoạt động thi hành án thuộc về các cơ quan Viện Kiểm sát, mục đích của việc gửi các quyết định thi hành án để cơ quan có thẩm quyền kiểm sát các hoạt động này, đối với Tòa án không thực hiện chức năng này do đó các quyết định thi hành án, bao gồm cả việc khi kết thúc thi hành án trong trường hợp “Đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình; có quyết định đình chỉ thi hành án; có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án” không cần thiết phải gửi cho Tòa án.

Đối với vấn đề xác minh điều kiện thi hành án quy định tại Điều 44: “Chấp hành viên có trách nhiệm tiến hành xác minh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định thi hành án” mặc dù đã có thay đổi về thời hạn xác minh thi hành án tăng thêm 5 ngày so với quy định tại Luật Thi hành án dân sự 2008, nhưng đối với các địa bàn miền núi nên có quy định linh hoạt để chấp hành viên có thể thực hiện đúng các quy định của pháp luật đối việc xác minh thi hành án.

Quy định thủ tục thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án tại Khoản 5 Điều 47a thì: “Khi thi hành án tại cơ sở, trường hợp người phải thi hành án và người được thi hành án ở cùng một nơi, chấp hành viên có thể chi trả ngay cho đương sự số tiền, tài sản thu được. Việc chi trả tiền, tài sản phải lập biên bản ghi đầy đủ thời gian, địa điểm, họ tên đương sự, lý do, nội dung giao nhận, số tiền, tài sản, chữ ký và họ tên của các bên đương sự, chấp hành viên. Biên bản phải giao cho các đương sự, lưu hồ sơ thi hành án và chuyển cho kế toán cơ quan Thi hành án dân sự để vào sổ theo dõi”. Nên có quy định cụ thể phạm vi về địa giới hành chính để chấp hành viên thống nhất thực hiện tránh việc chấp hành viên tùy tiện thực hiện, hạn chế phát sinh tiêu cực trong tác nghiệp thi hành án: “Ở cùng một nơi" có thể hiểu cùng thôn, xóm, bản, hay cùng xã, hoặc cùng huyện do vậy đề nghị Dự thảo Luật qui định cụ thể.

+ Đối với việc trả đơn yêu cầu thi hành án

Theo quy định tại Điều 7 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về quyền yêu cầu thi hành án: "Người được thi hành án, người phải thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành án”, chính vì thế nên khi trả đơn yêu cầu thi hành án có thể xảy ra 02 trường hợp, trường hợp thứ nhất trả đơn yêu cầu đối với người được thi hành án, trường hợp thứ hai trả đơn yêu cầu cho người phải thi hành án. Luật thi hành án dân sự năm 2008 và Dự thảo Luật thi hành án sửa đổi Điều 51 chưa quy định đối với trường hợp giao trẻ chưa thành niên theo đơn yêu cầu của người phải thi hành án, trường hợp này nếu người được thi hành án không nhận, hoặc không xác định được địa chỉ, nơi sinh sống của người được thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự có được trả đơn yêu cầu thi hành án cho người phải thi hành án hay không, Dự thảo sửa đổi Luật lần này nên quy định rõ.

+ “Điều 73a. Dự thảo Luật Cưỡng chế tài sản theo yêu cầu của người được thi hành án

“Người được thi hành án có quyền đề nghị chấp hành viên tiến hành cưỡng chế loại tài sản của người phải thi hành án mà họ xác minh được và chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình; nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.”

Theo quy định thì chấp hành viên chỉ được cưỡng chế tài sản của người phải thi hành án tương ứng với nghĩa vụ mà họ phải thi hành, việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình, chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án. Như vậy, trường hợp người được thi hành án trong trường hợp không thể xác minh được hết khối tài sản của người phải thi hành án, mà yêu cầu chấp hành viên cưỡng chế tài sản của người phải thi hành án lớn hơn nghĩa vụ phải thi hành, hoặc người được thi hành án có nhiều khối tài sản, nhưng người được thi hành án yêu cầu chấp hành viên cưỡng chế tài sản là nhà ở của người phải thi hành án. Trong trường hợp này, chấp hành viên có thực hiện yêu cầu của người được thi hành án hay không và nếu chấp hành viên vẫn tiến hành cưỡng chế nếu sai ai là người chịu trách nhiệm bồi thường?

+ Đối với Dự thảo Luật Điều 126 quy định:

“Điều 126. Trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định phân công thi hành án, chấp hành viên phải tiến hành việc trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự”.

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Dự thảo Luật sửa đổi không quy định việc Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự sau khi ra quyết định thi hành án, phải ban hành quyết định phân công thi hành án đối với chấp hành viên. Thực tế công tác thi hành án, sau khi ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án phân công chấp hành viên tổ chức thi hành có thể bằng hình thức giao trực tiếp, ký sổ giao hồ sơ thi hành án, không nhất thiết phải bằng một quyết định phân công thi hành án, làm như vậy thủ tục có chặt chẽ hơn, tuy nhiên tăng thêm thủ tục hành chính không cần thiết, mặt khác thực tiễn hoạt động thi hành án cùng một việc thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành án có thể không phải chỉ một chấp hành viên tổ chức thi hành từ giai đoạn đầu đến khi kết thúc hồ sơ, mà tùy từng vụ việc, tùy từng giai đoạn Thủ trưởng cơ quan Thi hành án có thể giao cho các chấp hành viên khác nhau tổ chức thi hành, hoặc có trường hợp vụ việc phức tạp cơ quan Thi hành án cấp tỉnh quyết định rút lên để thi hành, trường hợp khác có thể thay đổi chấp hành viên khi có yêu cầu của đương sự. Những trường hợp như vậy, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định thu hồi quyết định phân công để phân công chấp hành viên khác tổ chức thi hành án, nhưng Luật Thi hành án dân sự và cả Dự thảo Luật sửa không có quy định thu hồi quyết định trong trường hợp này. Do vậy, trường hợp này Luật nên bỏ từ quyết định mà chỉ nên dùng: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phân công chấp hành viên tổ chức thi hành án, chấp hành viên phải tiến hành việc trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự”.

Trên đây là một số ý kiến tham gia đóng góp đối với Dự thảo sửa đổi Luật Thi hành án dân sự năm 2014 kính mong Ban soạn thảo, cơ quan có thẩm quyền xem xét, tham khảo để hoàn thiện Luật góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

Trần Ngọc Bản

Cục THADS tỉnh Điện Biên