Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2020 trong Hệ thống Thi hành án dân sự

06/02/2020
Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 449-CV/BCSĐ ngày 19/7/2019 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ngày 17/01/2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đã ban hành Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2020 trong Hệ thống Thi hành án dân sự, nội dung kế hoạch giao:


1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục và Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị xây dựng Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực riêng của đơn vị, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ cụ thể đảm bảo mục đích, yêu cầu, tiến độ công việc.
2. Giao Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo là đầu mối, chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục tham mưu triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo về công tác phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực trong Hệ thống THADS. Các đơn vị thuộc Tổng cục trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch này.
3. Các đơn vị thuộc Tổng cục và cơ quan THADS địa phương phân công công chức phối hợp, theo dõi, tổng hợp, báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
4. Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chế độ báo cáo về Tổng cục THADS (qua Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo) theo Công văn số 801/TTR-THHC ngày 06/11/2013 của Thanh tra Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo công tác nội chính và phòng chống tham nhũng.
Quá trình thực hiện yêu cầu:
- Bám sát các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 449-CV/BCSĐ ngày 19/7/2019 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp; Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; các văn bản của Tổng cục THADS triển khai, chỉ đạo, thực hiện (Công văn số 1860/TCTHADS-TCCB ngày 24/6/2019, Công văn số 2362/TCTHADS-TCCB ngày 01/8/2019, Công văn số 2216/TCTHADS-TCCB ngày 23/7/2019), chú trọng lĩnh vực, nhiệm vụ có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan.
- Xác định rõ, cụ thể, đầy đủ các nhiệm vụ có phân công, phân nhiệm, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị và tiến độ hoàn thành công việc.
- Các nhiệm vụ, giải pháp phải đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình của các đơn vị; phân định rõ nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm trước mắt, nhiệm vụ lâu dài gắn với việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.
- Quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch cần bảo đảm phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hiện nay, phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả Hệ thống chính trị nói chung và của toàn Hệ thống THADS nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việc ban hành Kế hoạch có ý nghĩa quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, người lao động trong Hệ thống THADS về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực của công chức, người lao động trong Hệ thống THADS; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đảm bảo hiệu quả, chất lượng và kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tiêu cực, tham nhũng, tiến tới kiểm soát tiêu cực, tham nhũng một cách có hiệu quả.
File đính kèm