Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Công văn về việc triển khai thực hiện công tác năm 2021 của Hệ thống THADS.
Năm 2020, toàn Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) đã tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác thi hành án theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, vì vậy, mặc dù tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình dịch bệnh covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, nhưng công tác THADS tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2021 là năm đất nước ta tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; tình hình kinh tế - xã hội dự báo có những chuyển biến tích cực nhưng sẽ còn tiếp tục khó khăn. Năm 2021 cũng là năm toàn Hệ thống THADS tổ chức nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống THADS (19/7/1946 - 19/7/2021). Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiệm vụ công tác THADS năm 2021 sẽ hết sức nặng nề và nhiều thách thức. Để tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của viện kiểm sát nhân dân, của toà án nhân dân và công tác thi hành án, trong khi chưa ban hành Chương trình trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực THADS, hành chính năm 2021 và các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, của Tổng cục THADS giao; ngày 09/10/2020 Tổng cục THADS đã ban hành Công văn số 3485/TCTHADS-TKDLCN yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác THADS; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; Nghị quyết số 31-NQ/BCSĐ ngày 05/4/2018 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm THADS, thi hành án hành chính giai đoạn 2018-2021 và Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tăng cường phòng, chống tham nhũng trong THADS.
2. Tập trung tổ chức triển khai các giải pháp khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế của năm công tác 2020 và những năm trước đây, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2021. Chuẩn bị tổ chức tổng kết công tác năm 2020, xây dựng kế hoạch công tác và triển khai công tác năm 2021.
Trong khi chờ Quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chính thức của Bộ Tư pháp và của Tổng cục, các Cục THADS tạm giao chỉ tiêu cho các Chi cục và Chấp hành viên bảo đảm không thấp hơn chỉ tiêu được giao năm 2020.
3. Chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực. Bảo đảm việc phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành, ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành chính xác, đúng pháp luật. Kịp thời đăng tải thông tin về các trường hợp chưa có điều kiện thi hành trên trang thông tin điện tử về THADS; theo dõi, xác minh định kỳ các vụ việc chưa có điều kiện thi hành theo đúng quy định của pháp luật.
Có giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tăng cường các biện pháp, bảo đảm hiệu quả cưỡng chế thi hành án theo đúng quy định của pháp luật. Nâng tỷ lệ THADS xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước.
4. Tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch số 120-KH/BCSĐ của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về thực hiện kết luận của Đoàn kiểm tra theo Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW. Tập trung, quyết liệt thi hành các vụ việc tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là những vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi; nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước trong các vụ việc loại này.
Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, vụ việc có giá trị thi hành lớn liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước, dư luận xã hội quan tâm.
5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi án hành chính, bảo đảm theo dõi 100% bản án, quyết định của Toà án có nội dung theo dõi do Toà án nhân dân chuyển giao; kịp thời có văn bản báo cáo/kiến nghị người có thẩm quyền có giải pháp để thi hành dứt điểm vụ việc hoặc xử lý trách nhiệm người phải thi hành án chậm thi hành án hành chính theo đúng quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.
6. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu, thường xuyên bám sát địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách theo phương châm “hướng về cơ sở”. Cục trưởng, Chi cục trưởng Chi cục THADS phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm soát và đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị; kiên quyết xử lý nghiêm những công chức có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực hay suy thoái về đạo đức, lối sống.
7. Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về THADS, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về THADS nói chung và tự nguyện chấp hành nghĩa vụ thi hành án nói riêng. Tăng cường đối thoại và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài; hạn chế tối đa việc phát sinh các vụ việc phức tạp mới trên địa bàn.
Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ việc có liên quan; kịp thời có văn bản báo cáo/kiến nghị cấp có thẩm quyền để có biện pháp giải quyết, tránh tình trạng phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
8. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong THADS. Tập trung điều hành ngân sách và thu nộp, quản lý sử dụng phí thi hành án đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định. Chủ động đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, trên cơ sở đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án đã được phê duyệt về xây dựng trụ sở, kho vật chứng và bảo đảm đầu tư điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc.