Đảng bộ Tổng cục Thi hành án dân sự với việc triển khai thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức, viên chức Ngành Tư pháp

04/06/2015
Thi hành án dân sự có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Bản án, quyết định của Toà án chỉ thực sự có giá trị khi được thi hành trên thực tế. Hoạt động thi hành án là công đoạn cuối cùng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Toà án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân, bảo đảm nguyên tắc pháp chế trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Hàng năm, các cơ quan Thi hành án dân sự đã đưa ra tổ chức thi hành trên 700.000 vụ việc tương đương với số tiền gần 100.000 tỷ đồng, do đó, kết quả thi hành án dân sự có ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên, cán bộ thi hành án dân sự thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ từ phía các bên đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bên cạnh đó là những hiểm nguy luôn rình rập, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của bản thân và gia đình mà nếu không có bản lĩnh vững vàng, họ rất dễ bị sa ngã bởi sự cám dỗ hoặc buông xuôi trước những khó khăn, gian khổ của nghề. Để có thể vượt qua cám dỗ, khó khăn, bản thân mỗi cán bộ, Chấp hành viên trong các cơ quan Thi hành án dân sự phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để trau dồi phẩm chất, đạo đức; phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, bên cạnh đó, họ cũng rất cần một ngọn đèn soi sáng, một kim chỉ nam dẫn đường, chỉ lối cho họ trên con đường chông gai của nghề thi hành án dân sự.

Trước đây, vào năm 2002, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Quyết định số 51/2002/QĐ-BTP ngày 27/02/2002 để xác định các “Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên”. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chuẩn mực đạo đức của Chấp hành viên thực sự là phương châm, kim chỉ nam cho mọi hoạt động nghề nghiệp và là tiêu chí để Chấp hành viên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu trong việc xây dựng đạo đức, tác phong, hình ảnh của mình.

Tuy nhiên, do số lượng Chấp hành viên chỉ chiếm khoảng 36% trong tổng số gần 10.000 nghìn cán bộ, công chức, số còn lại, mặc dù cũng có vị trí, vai trò quan trọng nhưng lại chưa có cơ chế để điều chỉnh chuẩn mực đạo đức phù hợp nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc hình thành đạo đức tác phong của người làm công tác thi hành án dân sự. Vì vậy, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc Ban hành “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp” chính là ngọn đèn, là kim chỉ nam  để tất cả CBCC trong các cơ quan Thi hành án dân sự soi rọi trên con đường thực hiện những chức trách, nhiệm vụ được giao.

Nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa và vai trò của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với công tác thi hành án dân sự, ngay sau khi Bộ trưởng ban hành Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03/10/2012, Đảng ủy Tổng cục đã triển khai rộng rãi trong cán bộ đảng viên cơ quan Tổng cục, đồng thời, chỉ đạo Tổng cục ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp” trong hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự.

Thực hiện Kế hoạch Đảng ủy Tổng cục và Kế hoạch của Tổng cục, các tổ chức cơ sở Đảng thuộc Đảng bộ Tổng cục, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tập trung phổ biến và quán triệt nội dung Quyết định số 2659/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Chuẩn mực đạo đức tới toàn thể cán bộ đảng viên và công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự (sau đây gọi là cán bộ Thi hành án dân sự), đồng thời cụ thể hóa các chuẩn mực theo chức năng nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự với các tiêu chí cụ thể sau:

Chuẩn mực thứ nhất:  Với Tổ quốc – Trung thành, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Cán bộ Thi hành án dân sự phải tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ nền độc lập, tự do, hạnh phúc và tiến bộ xã hội; đấu tranh bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Tổ chức thi hành kịp thời, đúng pháp luật các Bản án, Quyết định có hiệu lực thi hành để củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.

Chuẩn mực thứ hai: Với nhân dân - Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân

Đây là chuẩn mực đòi hỏi cán bộ Thi hành án dân sự phải nâng cao kỹ năng dân vận, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các bản án, quyết định của Tòa án, đồng thời, phải sâu sát tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các bên đương sự và thái độ của nhân dân trong quá trình tổ chức thi hành án, từ đó có biện pháp tổ chức thi hành đúng, đầy đủ, có lý có tình các Bản án, Quyết định có điều kiện thi hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và cá nhân.

Chuẩn mực thứ ba: Với công tác tư pháp - Trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, kỷ luật, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư trong quá trình tổ chức thi hành án.

Cán bộ Thi hành án dân sự phải thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án dân sự, bảo đảm cho bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước. Giữ nghiêm kỷ cương phép nước; lấy pháp luật làm chuẩn mực để xử lý công việc. Khách quan, công tâm; không nể nang, né tránh, bao che trong thực hiện công tác Thi hành án dân sự. Thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, công bằng. Kiên định đường lối đổi mới của Đảng; chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; luôn tìm tòi, phát hiện cái mới, cách thức mới để thực hiện tốt hơn công tác thi hành án dân sự, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Chuẩn mực thứ tư: Với đồng nghiệp - Đoàn kết, thân ái, trên cơ sở hợp tác, cùng tiến bộ.

Cán bộ Thi hành án dân sự phải chân thành xây dựng tập thể vững mạnh, không có tư tưởng, biểu hiện cục bộ, chia rẽ, bè phái, tranh công đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm; phải có tình thương yêu đồng chí, đồng nghiệp, gần gũi, quan tâm dìu dắt, giúp đỡ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cùng nhau tạo thành một tập thể đoàn kết thống nhất, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Chuẩn mực thứ năm: Với bản thân - Nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, thượng tôn pháp luật.

Cán bộ Thi hành án dân sự phải gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt quy định về những điều Đảng viên, cán bộ, công chức không được làm, Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp, đồng thời tích cực vận động, giáo dục, thuyết phục các thành viên trong gia đình, cộng đồng cùng thực hiện.

Không ngừng học tập nâng cao trình độ; tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật, nguyên tắc tập trung dân chủ; làm tốt công tác phê bình và tự phê bình; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.

Để giám sát việc thực hiện Chuẩn mực đạo đức nói riêng và thực hiện nhiệm vụ chỉ tiêu trong toàn Hệ thống nói chung, Đảng ủy đã chỉ đạo Tổng cục xây dựng kế hoạch kiểm tra toàn diện; kiểm tra chuyên đề đối với các đơn vị thuộc Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự dịa phương, đồng thời, chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kết hợp với Kế hoạch kiểm tra hàng năm đối với các đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, Đảng ủy đã chỉ đạo Tổng cục phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ, với các cơ quan chức năng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thanh tra, kiểm tra, kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, từ đó, có biện pháp chấn chỉnh và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm Chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thi hành án dân sự, từng bước xây dựng hệ thống Thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh.

Có thể nói, việc triển khai thực hiện “Chuẩn mực đạo đức của cán bộ công chức, viên chức Ngành Tư pháp” trong Hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự đã được Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự đặc biệt quan tâm, coi trọng và chỉ đạo thực hiện nghiêm trong toàn Hệ thống. Việc triển khai thực hiện Chuẩn mực đạo đức trong các cơ quan Thi hành án dân sự đã tạo sự chuyển biến tích cực; ý thức, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ đảng viên, công chức, người lao động trong Ngành không ngừng được nâng lên; kết quả thi hành án dân sự liên tục năm sau cao hơn năm trước một cách ổn định và bền vững. Cán bộ, công chức, người lao động trong Ngành không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Trần Thị Phương Hoa

Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự