Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp cho ý kiến đối với định hướng công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2018

10/11/2017
Ngày 08/11/2017, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã nghe và cho ý kiến chỉ đạo về kết quả công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2017, định hướng những nhiệm vụ trọng tâm và giao chỉ tiêu trong năm 2018. Cuộc họp do Đồng chí Lê Thành Long, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp chủ trì.


Nhiều kết quả công tác nổi bật trong năm 2017
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/BCSĐ ngày 12/4/2017 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác thi hành án dân sự năm 2017 và Chương trình trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự năm 2017 (ban hành theo Quyết định số 2613/QĐ-BTP ngày 20/12/2016), Tổng cục Thi hành án dân sự xin báo cáo Ban Cán sự Đảng kết quả THADS, thi hành án hành chính năm 2017, cụ thể như sau:
Về kết quả thi hành án dân sự
- Về việc: Tổng số phải thi hành là 869.430 việc. Có điều kiện thi hành là 693.264 việc, chiếm 79,74%. Thi hành xong: 549.415 việc, đạt 79,25%, tăng 18.987 việc (0,72%) so với năm 2016.
- Về tiền: Tổng số phải thi hành là 163.658 tỷ đồng. Có điều kiện thi hành là 92.000 tỷ đồng, chiếm 56,21%. Thi hành xong: 35.242 tỷ đồng, đạt 38,31%, tăng 6.144 tỷ đồng (21,12%) so với năm 2016.
- Số việc có điều kiện chưa thi hành xong chuyển kỳ sau là 320.015 việc, tương ứng với số tiền hơn 128.415 tỷ đồng, giảm 1.152 việc (0,79%), tương ứng với số tiền 398 tỷ đồng (0,70%). Công tác xác minh, phân loại án tiếp tục được chú trọng, việc ra quyết định và đăng tải công khai thông tin về người chưa có điều kiện thi hành án về cơ bản được thực hiện nghiêm túc.
 Về kết quả theo dõi thi hành án hành chính
Có 361 bản án, quyết định thuộc trách nhiệm theo dõi của cơ quan thi hành án dân sự; đã ban hành thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 297 việc, 64 việc còn lại Tòa án đã có Quyết định buộc thi hành án. Đã thi hành xong 276 việc; còn 85 việc, trong đó, có 50 việc người phải thi hành án là cơ quan Nhà nước. Đã đăng tải quyết định buộc thi hành án đối với 40 trường hợp và có văn bản kiến nghị xem xét trách nhiệm đối với 14 trường hợp có nghĩa vụ chấp hành án.
Về công tác hoàn thiện thể chế
Năm 2017, đã ban hành 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 03 Thông tư. Đến nay, hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã được hoàn thiện với 02 Nghị định, 01 Chỉ thị, 08 Thông tư liên tịch và 13 Thông tư. Các Quy chế phối hợp liên ngành; các Quy chế, Quy trình nội bộ được chú trọng ban hành, tạo hành lang pháp lý ổn định, vững chắc triển khai nghiêm túc, hiệu quả, toàn diện các mặt công tác thi hành án. Các văn bản mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến thi hành án cũng được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc đến từng đơn vị, bảo đảm bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong lĩnh vực này.
Công tác hướng dẫn, kiểm tra
Công tác hướng dẫn nghiệp vụ trong toàn Hệ thống ngày càng đi vào nề nếp, năm 2017 đã giải quyết xong 741/773 vụ việc, đạt tỷ lệ 95,8%. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng thống nhất pháp luật, khắc phục những sai sót nghiệp vụ thường gặp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã kịp thời rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành Luật Thi hành án dân sự và ban hành văn bản hướng dẫn 13 nhóm vấn đề phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, đồng thời ban hành nhiều công văn hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thống nhất trong toàn Hệ thống.
Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, thành lập 16 đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất, toàn diện và chuyên đề các nội dung liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác xác minh, kê biên và xử lý tài sản để thi hành án. Sau kiểm tra, Tổng cục đã yêu cầu các đơn vị được kiểm tra nghiêm túc tiếp thu, chấn chỉnh, khắc phục sai sót, yêu cầu các đơn vị chủ trì chủ động thực hiện việc phúc tra kết quả kiểm tra. Các cơ quan thi hành án dân sự các địa phương đã ban hành và nghiêm túc tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Công tác tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo
Năm 2017, công tác tiếp công dân tại các cơ quan thi hành án dân sự đã tiến bộ một bước. Hiệu quả, chất lượng, kỹ năng dân vận trong lĩnh vực này từng bước được nâng cao. Việc thực hiện quy định người phải đứng đầu cơ quan trực tiếp tiếp công dân đã đi vào nề nếp.
Số đơn khiếu nại, tố cáo Hệ thống Thi hành án dân sự đã tiếp nhận tăng hơn 1.300 đơn (tăng 15%) nhưng giảm 39 việc so với năm 2016. Kết quả: Giải quyết xong 3.334 việc/3.476 việc (trong đó có 3.043 việc khiếu nại và 291 việc tố cáo), đạt 95,91%, tương đương năm 2016. Đáng chú ý là trong bối cảnh số việc và tiền tăng (trên 46 nghìn việc và trên 28 nghìn tỷ đồng), tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp nhưng số việc khiếu nại, tố cáo giảm đã thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong công tác thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, thông qua công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều sai sót nghiệp vụ, đặc biệt là sai sót trong kê biên và xử lý tài sản thi hành án, đã được làm rõ và kịp thời chấn chỉnh.
Năm 2017, theo tiêu chí mới, toàn Hệ thống có 106 vụ việc có khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp (bao gồm cả 07 việc năm 2016 chuyển sang). Đã giải quyết dứt điểm được 19 vụ việc (gồm 07 việc năm 2016 chuyển sang và 12 việc thụ lý năm 2017), còn lại 87 vụ việc.
Công tác tổ chức cán bộ
Tổng cục đã tập trung hoàn thành Kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp và Kỳ tuyển dụng công chức, hiện đang tập trung cho Kỳ thi nâng ngạch Chấp hành viên, Thẩm tra viên. Công tác phối hợp với cấp ủy địa phương quy hoạch các chức danh lãnh đạo cấp Cục, Chi cục được tiếp tục tập trung chỉ đạo. Đến 30/9/2017, đã thực hiện 9.347/9.657 biên chế. Hiện toàn quốc có 3.867 Chấp hành viên; 736 Thẩm tra viên và 1.929 Thư ký thi hành án. Đã kiện toàn, bổ nhiệm 62/63 Cục trưởng, 01 Quyền Cục trưởng và 136 Phó Cục trưởng. Tại cấp huyện có 641/710 Chi cục trưởng, 25 Quyền Chi cục trưởng, 44 Phó Chi cục trưởng phụ trách và 1.021 Phó Chi cục trưởng. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được thực hiện nghiêm túc với việc quán triệt và tổ chức triển khai sâu rộng Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 trong toàn Hệ thống. Năm 2017, số công chức thi hành án bị xử lý kỷ luật do vi phạm về chuyên môn đã giảm.
Thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Tổng cục đã triển khai việc tổng kết Nghị quyết số 36-NQ/BCSĐ ngày 14/3/2014 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2014-2016. Tổng cục đang tổng hợp, xây dựng và hoàn thiện Báo cáo tổng kết để trình Ban Cán sự Đảng xem xét.
Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc
Công tác quản lý tài chính ngân sách tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định. Năm 2017, Bộ Tư pháp đã cấp cho các cơ quan THADS 120 tỷ đồng để tiến hành triển khai mua sắm theo kế hoạch đối với các trang thiết bị, phương tiện làm việc. Tổng số vốn đầu tư xây dựng cấp cho khối các cơ quan thi hành án dân sự địa phương năm 2017 là 102 tỷ 781 triệu đồng, giảm 233 tỷ 219 triệu đồng so với năm 2016. Trong đó, 92 tỷ 826 triệu đồng cấp cho 44 dự án xây dựng trụ sở làm việc và 9 tỷ 955 triệu đồng cấp cho 11 dự án xây dựng kho vật chứng. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư Chính phủ giao giảm mạnh nên năm 2017 Bộ Tư pháp không được mở mới dự án mà chỉ tập trung vốn cho các dự án đã hoàn thành và cho các dự án thi công dở dang. Đến nay, đã giải ngân 64 tỷ 648 triệu/102 tỷ 781 triệu đồng, đạt 62,9% kế hoạch vốn được giao. Dự kiến 15 dự án sẽ hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng trong năm 2017. Như vậy, đến nay, có 63 Cục và 675 Chi cục được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc; 59 Cục và 201 Chi cục được đầu tư xây dựng kho vật chứng.
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin
Các cơ quan thi hành án đã vận hành hiệu quả Cổng, Trang thông tin điện tử, đăng tải công khai danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án, rà soát, công bố các thủ tục hành chính. Từ ngày 01/6/2017, đã thống nhất trên toàn quốc thực hiện cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, qua đó góp phần rút ngắn thời gian thi hành án, nêu cao tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành
Trên cơ sở Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Tổng cục, các cơ quan trực thuộc Tổng cục, 63 Cục thi hành án dân sự cấp tỉnh và 710 Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch công tác năm của đơn vị làm căn cứ triển khai thống nhất, kịp thời, đầy đủ, toàn diện các mặt công tác thi hành án dân sự trong toàn Hệ thống. Đối với Nghị quyết 10-NQ/BCS, ngày 27/4/2017 Tổng cục đã ban hành văn bản số 1475/TCTHADS-VP phân công các đơn vị trong Hệ thống triển khai đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ được giao.
Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong toàn Hệ thống, năm 2017, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tăng cường tổ chức các Hội nghị trực tuyến định kỳ về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ; về chấn chỉnh một số tồn tại, hạn chế trong một số lĩnh vực như thi hành án hành chính, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; về triển khai các quy định mới liên quan trực tiếp đến thi hành án dân sự. Đồng thời, ban hành nhiều Công văn, Công điện, tin nhắn SMS quán triệt, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính, quyết liệt triển khai các mặt công tác thi hành án dân sự. Qua đó, giúp các địa phương nhận thức sâu sắc hơn những yêu cầu, thách thức đối với công tác thi hành án, những tồn tại, hạn chế và biện pháp khắc phục, kịp thời cập nhật những thông tin, quy định pháp luật mới để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Đánh giá chung, năm 2017, Tổng cục đã tích cực chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, hành chính được giao theo Nghị quyết số 10-NQ/BCSĐ ngày 12/4/2017 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác thi hành án dân sự năm 2017 và Chương trình trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự năm 2017. Công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục bám sát phương châm “hướng về cơ sở”, sâu sát, quyết liệt. Kỷ luật, kỷ cương hành chính tiếp tục được tăng cường. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý tăng (5,57% về việc và 19,67% về tiền) và cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 173 nghìn tỷ đồng), song toàn Hệ thống đã thi hành xong số việc, số tiền cao hơn so với năm 2016 (tăng gần 19 nghìn việc và hơn 6 nghìn tỷ đồng).
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự, hành chính còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cơ bản sau:
- Toàn Hệ thống chỉ đạt 2/4 chỉ tiêu cơ bản là về việc và về tiền. Số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều, nhất là về tiền (gần 57.000 tỷ đồng, chiếm 34,68% tổng số phải thi hành).
- Số vụ việc thi hành án hành chính xong còn đạt tỷ lệ thấp, còn 85 việc chưa thi hành được, trong đó đáng lưu ý là có 50 việc mà người phải thi hành án là cơ quan nhà nước. Hiện tượng này cho thấy kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính trong việc chấp hành các bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật còn chưa nghiêm. Một số cơ quan thi hành án dân sự còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm.
- Một số vi phạm, sai sót nghiệp vụ kéo dài, chậm được khắc phục: Còn nhiều vi phạm trong công tác xác minh điều kiện thi hành án; Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự còn một số trường hợp chưa chính xác, đầy đủ nên dẫn đến phát sinh khiếu nại gay gắt; Số vụ cưỡng chế có sai phạm dẫn đến phát sinh trách nhiệm bồi thường năm 2017 (13 vụ việc) tăng so với năm 2016 (12 vụ việc).
- Một số Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, không trực tiếp tiếp công dân định kỳ, không xử lý dứt điểm vụ việc từ cơ sở dẫn đến việc công dân bức xúc với cơ quan thi hành án dân sự địa phương, tập trung về địa điểm tiếp công dân của Bộ Tư pháp.
- Một số công chức, Chấp hành viên còn thiếu ý thức tu dưỡng đạo đức, lối sống, năng lực trình độ chuyên môn còn hạn chế. Số công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật về nghiệp vụ tuy giảm (07 trường hợp) nhưng tổng thể còn nhiều và tiếp tục tăng (05 trường hợp ) so với năm 2016.
- Việc triển khai may sắm trang phục năm 2016, 2017 và phù hiệu, cấp hiệu cho các đơn vị trong Hệ thống thi hành án dân sự còn chậm.
- Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác chuyên môn còn chậm, chưa có chuyển biến rõ rệt, nhất là ở cấp Chi cục. Việc tuyên truyền triển khai cơ chế một cửa hiệu quả chưa cao, số hồ sơ giải quyết qua cơ chế một cửa so với số hồ sơ phát sinh trên thực tế còn thấp. Đặc biệt việc triển khai Phần mềm quản lý thi hành án dân sự còn rất chậm.
- Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có lúc còn chưa nghiêm. Còn hiện tượng trên “quyết liệt”, ở dưới một số nơi, nhất là cấp cơ sở, vẫn “thờ ơ”, chưa làm tròn nhiệm vụ.
- Kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành chế độ thống kê của một số địa phương cần tiếp tục nâng cao, một số cơ quan còn biểu hiện chạy theo thành tích đặc biệt là trong 03 tháng cuối năm công tác.
Đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2018
Trên cơ sở kết quả công tác năm 2017, dự báo tình hình kinh tế xã hội của đất nước năm 2018, những nhiệm vụ, chỉ tiêu được Quốc hội giao, Tổng cục Thi hành án dân sự đề xuất Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp tập trung lãnh đạo một số nội dung quan trọng sau:
- Đề nghị Ban cán sự Đảng có biện pháp cụ thể lãnh đạo triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ trong lĩnh vực thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương IV Khóa XII, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, qua đó xác định rõ những yêu cầu, thách thức mới đặt ra đối với các cơ quan thi hành án.
- Đề nghị Ban cán sự Đảng tiếp tục lãnh đạo các cơ quan tư pháp, các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự năm 2017, tiếp tục quan tâm, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc theo kiến nghị của Ủy ban Tư pháp tại kì họp Quốc hội khóa XIV Kỳ họp thứ 4 như khắc phục những vi phạm trong công tác xác minh điều kiện thi hành án, hạn chế các vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, nâng cao kỷ luật kỷ cương chấp hành bản án hành chính, tăng cường phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành bản án.
- Đề nghị Ban cán sự Đảng tiếp tục quan tâm phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự Đảng các Bộ, ngành: Công an, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; các Tỉnh, Thành ủy trong việc kiện toàn các cơ quan thi hành án dân sự và huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
- Đề nghị Ban cán sự Đảng xem xét, cho ý kiến và ký ban hành Nghị quyết của Ban cán sự Đảng về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi hành án dân sự, hành chính giai đoạn 2018-2021 để kịp thời quán triệt, triển khai trong các cơ quan thi hành án dân sự từ năm công tác 2018.
- Đề nghị Ban cán sự Đảng xem xét, cho ý kiến đối với Dự thảo Chương trình trọng tâm công tác của Bộ Tư pháp về công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2018, trong đó, trên cơ sở thực tiễn kết quả thi hành án dân sự, hành chính năm 2016, 2017,  có điều chỉnh một số chỉ tiêu cơ bản sau: (i) Nâng tỷ lệ thi hành xong  về việc lên 72% và về tiền lên 32%; (ii) Giảm ít nhất 3% số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển sang năm 2019 so với số chuyển kỳ sau của năm 2017 chuyển sang năm 2018 trên số có điều kiện thi hành; (iii) Bổ sung chỉ tiêu về theo dõi thi hành án hành chính.
            Một số định hướng lớn trong năm công tác 2018
Năm 2018 là năm thứ ba thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Đất nước ta sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Nhiều yêu cầu, thách thức mới sẽ đặt ra đối với công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp lưu ý các cơ quan thi hành án dân sự quan tâm thực hiện một số nội dung sau:
Một là, các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục nghiên cứu, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ trong lĩnh vực thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, qua đó xác định rõ những yêu cầu, thách thức mới mà xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế đặt ra đối với hoạt động thi hành án.
Hai là, tập trung lãnh đạo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được giao theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội, bám sát và chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác THADS năm 2017, bảo đảm kết quả thi hành án dân sự, hành chính năm 2018 ổn định, thực chất. Năm nay, cách giao chỉ tiêu, nhiệm vụ có đổi mới. Việc giao chỉ tiêu sẽ được quyết định trên cơ sở ý kiến của các địa phương đề xuất tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2018, bảo đảm phản ánh phù hợp giữa thực tiễn công tác thi hành án và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Ba là, các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục tập trung khắc phục những vi phạm, sai sót, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc theo kiến nghị của Ủy ban Tư pháp tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV Kỳ họp thứ 4, đặc biệt là những sai sót, vi phạm đã kéo dài như vi phạm trong công tác xác minh điều kiện thi hành án, hạn chế các vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, nâng cao kỷ luật kỷ cương chấp hành bản án hành chính, tăng cường phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành bản án.
Bốn là, các cơ quan thi hành án dân sự tích cực tham mưu giúp UBND cấp tỉnh nâng cao kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính trong việc chấp hành bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật. Trong thời gian đề xuất xây dựng Luật thi hành án hành chính, Tổng cục, các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, đôn đốc, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp không chấp hành án hành chính theo quy định. Phải có thái độ nghiêm khắc và biện pháp hiệu quả để tạo chuyển biến trong lĩnh vực này.  
Năm là, tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp, Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự theo phương châm “hướng về cơ sở”, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ sở. Bộ Tư pháp, Tổng cục một mặt cần nghiêm khắc trong công tác chỉ đạo, điều hành nhưng mặt khác cũng cần gắn bó, gần gũi với địa phương, với cấp ủy chính quyền địa phương nhiều hơn, là chỗ dựa tin cậy, động viên, khích lệ anh em địa phương hoàn thành nhiệm vụ. Một số công việc còn chậm, như việc mua sắm trang phục, cấp hiệu, phù hiệu cho toàn Ngành cần phải khẩn trương hơn. Ngược lại, cũng cần chấm dứt hiện tượng trên “quyết liệt”, ở dưới một số nơi, nhất là cấp cơ sở, vẫn “thờ ơ”, chưa làm tròn nhiệm vụ.
Sáu là, các cơ quan thi hành án dân sự cần nâng cao trách nhiệm trong công tác truyền thông báo chí. Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật thi hành án dân sự, về đóng góp của hoạt động thi hành án dân sự, khi xảy ra vụ việc báo chí phản ánh thì dù đúng, dù sai cũng cần phải chủ động thông tin lại. Đúng thì phải cảm ơn, sai thì phải phản hồi hoặc yêu cầu cải chính. Những nội dung này các đồng chí đã được Lãnh đạo Cục Báo chí trực tiếp hướng dẫn rồi nhưng việc triển khai còn hết sức hạn chế, một số đơn vị còn “lảng tránh” thông tin báo chí, hoặc xử lý thông tin qua loa, chiếu lệ.
Bảy là, công tác tổ chức cán bộ cũng cần khắc phục tình trạng lúng túng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn thay chế lãnh đạo nghỉ chế độ, hoặc trong công tác thay thế, luân chuyển. Công tác cán bộ cần chủ động, bài bản, khoa học hơn. Nguồn cán bộ lãnh đạo phải được chuẩn bị dồi dào, ổn định hơn.
Nguyễn Xuân Bách