Đứng trước mộ Đại tướng của lòng dân, các thành viên trong đoàn thành kính dâng hương, thể hiện lòng tiếc thương vô hạn dành cho Đại tướng. Đại tướng đã đi xa nhưng trong tâm tưởng của mỗi người dân đất Việt, ông luôn có một vị trí thiêng liêng cao quý, nói về ông với tên gọi trìu mến “Bác Giáp”.
Nhân đây, Chi ủy Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo đã tìm hiểu, được biết về khởi nguồn của việc Đại tướng đã lựa chọn Vũng Chùa – Đảo Yến là nơi an nghỉ cuối cùng. Các thành viên trong đoàn càng thêm khâm phục việc Đại tướng đã lựa chọn nơi đây là nơi an nghỉ vĩnh hằng. Sự lựa chọn ấy mang tầm chiến lược của nhà quân sự tài ba, lỗi lạc không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Ngay cả khi đã mất đi rồi, Đại tướng vẫn muốn dâng linh hồn mình cho Tổ quốc.
Các thành viên trong Chi ủy Chi bộ Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được biết về lịch sử địa lý địa điểm an táng Đại tướng. Nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm ở lưng chừng núi Thọ trong đất liền, bên Vũng Chùa, cách đường quốc lộ1 2km, từ đây nhìn ra phía ngoài khơi chưa đầy 1km là Đảo Yến, tựa như một bức bình phong. Mũi Rồng, vị trí Đại tướng an nghỉ chính là ngọn núi thuộc dãy Hoành Sơn đâm ngang ra biển, có địa thế "rồng cuộn hổ ngồi". Nơi đây là địa đầu phía bắc tỉnh Quảng Bình, đây cũng là trung điểm của hai đầu đất nước.
Được chọn làm nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Vũng Chùa – Đảo Yến nhất định sẽ trở thành một điểm đến quan trọng của người dân đất Việt, có ý nghĩa về mặt lịch sử, tâm linh và thắng cảnh, đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Quảng Bình - quê hương vị Đại tướng huyền thoại.
Kết thúc buổi sinh hoạt chuyên đề về nguồn, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Bí thư Chi bộ quán triệt Chi ủy sẽ phổ biến lại nội dung sinh hoạt chuyên đề về nguồn hôm nay đến toàn thể các Đảng viên trong Chi bộ vào kỳ sinh hoạt thường kỳ tới, tiếp tục khơi dậy và nuôi dưỡng tinh thần tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trong công việc và trong cuộc sống.
Nguyễn Thị Thu Hằng
Chi bộ Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo – Tổng cục THADS