Chương trình hành động xác định mục đích tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong Hệ thống THADS về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của đảng viên, công chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động có phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ, kịp thời có hiệu quả các nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, hành vi tham nhũng, tiêu cực của công chức, người lao động trong Hệ thống THADS với tinh thần chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các ngành có liên quan đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong THADS đảm bảo hiệu quả, chất lượng và kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực tiến tới kiểm soát tham nhũng, tiêu cực một cách có hiệu quả.
Yêu cầu các nội dung đề ra trong Chương trình phải bám sát các quan điểm, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 1/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực; trong đó chú trọng lĩnh vực, nhiệm vụ có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong THADS. Các nhiệm vụ phải bao quát đầy đủ các lĩnh vực hoạt động của THADS, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình của các đơn vị trong Hệ thống THADS. Xác định rõ các nhiệm vụ có phân công, phân nhiệm, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và tiến độ hoàn thành công việc. Quá trình thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các nhiệm vụ chủ yếu đặt ra, gồm:
1. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản của Đảng, Nhà nước về
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Hệ thống THADS
1.1. Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, đặc biệt là học tập Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, lựa chọn nội dung thiết thực, phù hợp để đưa vào sinh hoạt chi bộ thường kỳ và chuyên đề của đảng bộ, chi bộ trong Hệ thống THADS nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tự nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức, trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực THADS.
Đảng ủy Tổng cục THADS phối hợp với Lãnh đạo Tổng cục THADS lãnh đạo, chỉ đạo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong toàn Hệ thống THADS tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong từng đơn vị của Hệ thống THADS.
1.2. Tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 22-KH/BCSĐ ngày 14/9/2021 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết số 23-NQ/BCS ngày 29/3/2022 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm THADS, theo dõi THAHC giai đoạn 2022-2026, Chương trình hành động số 82-Ctr/BCSĐ ngày 22/5/2023 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới; Quyết định số 764/QĐ-BTP ngày 22/5/2023 của Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Quyết định số 779/QĐ-TCTHADS ngày 30/9/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS ban hành Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS giai đoạn 2021-2025.
1.3. Triển khai Quy định của Bộ Chính trị về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ngay khi được ban hành.
2. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế về THADS góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
2.1. Lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thi hành Luật THADS, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật THADS và các quy định pháp luật có liên quan nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật THADS và các văn bản pháp luật có liên quan theo hướng kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS, theo dõi THAHC, cụ thể:
a) Có cơ chế kiểm soát quyền lực trong nội bộ, giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đối với hoạt động THADS với nhiều phương thức khác nhau thông qua việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS.
b) Cơ chế kiểm soát quyền lực theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong nội bộ Tổng cục THADS, các cơ quan THADS. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện quy định pháp luật về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên trong việc thực hiện quy định về trình tự, thủ tục thi hành án, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Tách bạch rõ ràng quy định về quyền hạn với quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ của Chấp hành viên.
c) Cơ chế kiểm soát quyền lực bên ngoài từ Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Bộ, ngành có liên quan, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội thông qua thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đối với hoạt động THADS để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đảm bảo hiệu quả.
2.2. Lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao tổng kết thi hành Luật Tố tụng hành chính, đề xuất sửa đổi Luật đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 27-NQ/TW; xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
2.3. Xây dựng Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác THADS đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 nhằm phát triển nguồn nhân lực làm công tác THADS, THAHC và công nghệ thông tin đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
2.4. Lãnh đạo, chỉ đạo rà soát ban hành, sửa đổi, bổ sung và thực hiện các quy trình, quy chế, quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan THADS bảo đảm theo đúng quy định gắn với yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong THADS.
3. Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao kết quả THADS, tập trung thi hành hiệu quả các vụ việc thi hành án dân sự theo Kế hoạch số 18-KH/BCSĐ ngày 06/8/2021 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế
3.1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, theo dõi THAHC hàng năm: Xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Chương trình, Kế hoạch công tác THADS, theo dõi THAHC, trong đó chú trọng triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại” để nâng cao hiệu quả công tác THADS, Chương trình hành động số 82-Ctr/BCSĐ ngày 22/5/2023 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp và Quyết định số 764/QĐ-BTP ngày 22/5/2023 của Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.
3.2. Lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, tăng cường chỉ đạo thi hành các vụ việc đã ra quyết định thi hành án có điều kiện thi hành trên một năm mà chưa thi hành xong, vụ việc thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng có giá trị từ 20 tỷ đồng trở lên.
Tập trung nguồn lực thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để nâng cao kết quả thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.
3.3. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện thủ tục thi hành án, nhất là thủ tục xác minh điều kiện thi hành án, xử lý tài sản kê biên, thẩm định giá, quy trình bán đấu giá tài sản, thu, chi tiền thi hành án, kiểm kê kho vật chứng theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS.
3.4. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác hướng dẫn nghiệp vụ THADS kịp thời, đúng quy định pháp luật, chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ những vấn đề pháp luật chưa quy định, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
4. Lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong THADS; bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS
4.1. Tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Quyết định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền trong toàn Hệ thống THADS. Tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, tăng cường giám sát trong nội bộ tập thể lãnh đạo Cục THADS.
4.2. Rà soát, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ; thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý THADS.
Kịp thời nắm bắt, tập trung xử lý các điểm nóng, địa bàn yếu kém về công tác tổ chức cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo trong Hệ thống THADS; thực hiện rà soát, sắp xếp, thay thế đối với cán bộ yếu kém, nhất là người đứng đầu.
4.3. Tăng cường giám sát thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS.
4.4. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Hệ thống THADS theo quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS
4.5. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Hệ thống THADS theo quy định pháp luật để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
4.6. Lãnh đạo, chỉ đạo kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và các văn bản khác về kê khai tài sản, thu nhập đối với công chức thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập trong toàn Hệ thống THADS.
4.7. Lãnh đạo thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan; Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ; Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 và Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định số 129/QĐ-BTP ngày 11/8/2021 của Bộ Tư pháp quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và Hệ thống THADS.
4.8. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS theo quy định pháp luật
4.9. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, quy định nội bộ đối với cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong Hệ thống THADS có hành vi tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
4.10. Tổ chức thực hiện các đề án đã được phê duyệt về xây dựng, bảo trì trụ sở và đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc; thẩm tra, phê duyệt quyết toán ngân sách vốn đầu tư, xây dựng cơ bản trong Hệ thống THADS phải bảo đảm chặt chẽ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Lập, phân bổ dự toán ngân sách, thực hiện định mức phân bổ ngân sách; quản lý sử dụng ngân sách, tài sản công bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính; kiểm tra thường xuyên thu - chi ngân sách, cấp phát kinh phí, đầu tư xây dựng cơ bản trong Hệ thống THADS đúng quy định.
5. Lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra; thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong THADS để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực
5.1. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tiếp công dân, xử lý thông tin đường dây nóng trong hoạt động THADS; thường xuyên rà soát việc xử lý đơn, kịp thời xử lý các kiến nghị của người dân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cổng/Trang thông tin điện tử THADS, Phần mềm Hỗ trợ trực tuyến THADS, thông qua đó làm kênh nắm bắt thông tin về tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phát hiện xử lý.
5.2. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động THADS theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân về THADS.
5.3. Lãnh đạo tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/BCSĐ ngày 03/4/2020 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong ngành Tư pháp, giai đoạn 2020 - 2025 liên quan đến THADS.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, tự kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, xác định kiểm tra có trọng tâm, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; các vụ việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các vụ việc thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng có giá trị từ 20 tỷ đồng trở lên; các vụ việc có nhiều đơn thư, nhiều thông tin báo chí phản ánh.
Tăng cường công tác hậu kiểm tra; thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định sau kiểm tra phải được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo quy định pháp luật.
5.4.
Lãnh đạo tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thực thi công vụ, công chức, nhất là việc thực hiện quy tắc ứng xử, những việc cán bộ, công chức không được làm; trách nhiệm giải trình, việc thực thi công vụ; tiếp tục thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị trong Hệ thống THADS.
5.5. Phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm (nếu có) phát hiện qua thanh tra, kiểm tra; phát hiện, kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập trong quản lý.
Chương trình cũng xác định tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong THADS: Tăng cường phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành có liên quan trong công tác xây dựng pháp luật để hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực bên ngoài; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong THADS, theo dõi THAHC, đặc biệt là trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao giải quyết yêu cầu, kiến nghị của cơ quan THADS trong thời hạn theo quy định của pháp luật; nhất là các vụ việc án tuyên không rõ, khó thi hành. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác kiểm sát hoạt động THADS, phát hiện vi phạm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm sát, có biện pháp tháo gỡ các vụ việc phức tạp, kéo dài mà pháp luật chưa có quy định. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sơ kết, tổng kết tình hình phối hợp thực hiện các quy định về phối hợp liên ngành; thống nhất hướng dẫn áp dụng pháp luật, chỉ đạo nghiệp vụ; phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Bộ Tài nguyên và môi trường và các Bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả THADS. Tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong THADS, theo dõi THAHC. Tích cực phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố Trung ương đôn đốc thi hành án hành chính hiệu quả.
Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Chương trình hành động này. Các thành viên Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các đơn vị được phân công thực hiện Chương trình hành động này; đồng chí thành viên Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp phụ trách công tác THADS chịu trách nhiệm là đầu mối giúp Ban cán sự triển khai Chương trình hành động. Đảng ủy Bộ Tư pháp phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy Tổng cục THADS, các cơ quan tham mưu giúp việc và các tổ chức đảng trực thuộc có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình hành động. Các đơn vị được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ tại mục II Chương trình này có trách nhiệm phổ biến, quán triệt và xây dựng Kế hoạch để thực hiện Chương trình hành động. Các đơn vị được giao phối hợp thực hiện nhiệm vụ và các đơn vị khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị bảo đảm khả thi, thiết thực, hiệu quả. Cục Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong việc bố trí nguồn kinh phí bảo đảm triển khai thực hiện Chương trình này theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ Tư pháp. Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Tổng cục THADS tham mưu việc tổ chức thực hiện công tác thanh tra đối với Hệ thống THADS. Tổng cục THADS chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban cán sự đảng tham mưu việc tổ chức thực hiện, định kỳ báo cáo Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp việc tổ chức thực hiện Chương trình hành động và những vấn đề vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện./.