Mở đầu Tọa đàm, đồng chí Lê Huy Hùng, Bí thư chi đoàn Văn phòng đã trình bày tham luận về “Những giá trị mang tính cốt lõi cần có của công tác văn phòng”, nhấn mạnh mục tiêu đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn phòng của Tổng cục Thi hành án dân sự nói riêng và của Hệ thống Thi hành án dân sự nói chung, đồng chí đã đề ra phương hướng đổi mới công việc theo hướng “chuyên nghiệp, kỷ cương, tận tâm”.
Các đại biểu tham dự đã nghe tham luận “Kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành thời gian làm việc” của Phó Chánh Văn phòng Võ Thu Ba. Việc chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương hành chính không nằm ngoài mục đích củng cố rèn luyện đạo đức, giáo dục thái độ làm việc tự giác và khuyến khích sự chủ động sáng tạo của cán bộ, công chức, người lao động theo hướng làm việc đúng đắn, đúng kỷ luật, kỷ cương hành chính, cũng là căn cứ cụ thể để mỗi cán bộ, công chức, người lao động tự rèn luyện để có tác phong làm việc chuyên nghiệp, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân để ngày một hoàn thiện mình hơn. Chính vì vậy, đồng chí Thu Ba khẳng định việc chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành giờ làm việc chính là một trong các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác của từng cá nhân nhằm góp phần hoàn thành tốt hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Với tham luận “Chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành”, đồng chí Đặng Văn Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục đã đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Văn phòng, cụ thể: chủ động tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; chấp hành chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Tổng cục; nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và đôn đốc, giám sát, kiểm tra nghiêm túc việc thực hiện nhiệm vụ được giao, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Đại diện cho cán bộ, công chức trẻ của Văn phòng, đồng chí Nguyễn Thị Thìn, Phó Bí thư chi đoàn Văn phòng đã trình bày tham luận “Chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ được giao”, nhấn mạnh yêu cầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần thường xuyên nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật cán bộ, công chức, nội quy, quy chế của Bộ Tư pháp, của Tổng cục và Văn phòng, sự chỉ đạo của Lãnh đạo Văn phòng; trong quá trình làm việc, thường xuyên học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ, văn hóa công sở; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của công chức, người lao động theo quy định của pháp luật; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ, thống nhất, chấp hành nghiêm chỉnh sự phân công, quản lý, điều hành của lãnh đạo; tăng cường ý thức tổ chức kỷ luật trong Văn phòng.
Trên cơ sở các tham luận tại Tọa đàm, các cán bộ, Đảng viên, công chức, người lao động của Văn phòng Tổng cục đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ về ý nghĩa của việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trong đó “Lãnh đạo Văn phòng phải là người đi đầu, là tấm gương để từ đó duy trì kỷ luật, kỷ cương trong đơn vị”.
Tại buổi Tọa đàm, đại diện Chi ủy, đồng chí Nguyễn Xuân Tùng, Bí thư Chi bộ cơ bản nhất trí với 04 tham luận và các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm, đồng thời chân thành chia sẻ quan điểm về kỷ luật, kỷ cương theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhấn mạnh việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương không thể hiện ở những thứ quá xa vời mà là ở chính việc chấp hành giờ giấc làm việc, quy chế họp của cơ quan, đơn vị. Cuối cùng, đồng chí Nguyễn Xuân Tùng khẳng định: người có tự trọng chính là người tôn trọng công việc của chính mình, coi cơ quan như là ngôi nhà chung, yêu quý, bảo vệ và tôn trọng những quy tắc của mái nhà chung ấy; đồng thời, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm chấp hành kỷ luật, kỷ cương chính là nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ công tác văn phòng.
Văn phòng Tổng cục